Ca sĩ Lan Anh: Sứ giả của cái đẹp

Thứ Ba, 26/03/2019, 07:34
Ai đã nghe Lan Anh hát sẽ không quên được ấn tượng về chị, giọng hát trong trẻo như tiếng suối, lúc cao vút như tiếng chim rừng, Lan Anh mang tất cả các cung bậc của cảm xúc vào giọng hát của mình.

Sau đêm nhạc “Mặt trời của tôi” của ca sĩ Đăng Dương đã tạo cảm hứng và tiền đề cho các nghệ sĩ hát thính phòng có động lực và niềm tin đi con đường của mình. Họ mạnh dạn hơn để bước ra ngoài sân khấu lớn chứ không còn “bí mật” trong cộng đồng hạn hẹp những người yêu thích cổ điển. 

Lan Anh là một giọng ca như vậy, chị thể hiện vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp của một giọng ca thính phòng hàng đầu, nhưng hơn thế, tiếng hát trong veo như sương mai buổi sáng của chị, lúc dạt dào réo rắt như tiếng suối ấy đã chạm tới cảm xúc của người nghe.

Lan Anh dẫn dắt người nghe qua nhiều miền âm nhạc khác nhau, giúp khán giả khám phá ra vẻ đep của nhiều dòng nhạc, từ những bài hát kinh điển trong nền thanh nhạc Việt Nam đã làm nên tên tuổi của Lan Anh như “Cô gái vót chông”, “Cánh chim báo tin vui”, “Người lái đò trên sông Pô Kô”... đến những bản tình ca đẹp và tinh tế của nền tân nhạc như “Hương xưa” của Cung Tiến, “Bóng chiều xưa” của Dương Thiệu Tước… 

Và ngay cả khi chị hát bolero cũng là cách Lan Anh khẳng định, âm nhạc không có sang trọng hay bình dân và mỗi dòng nhạc luôn có những vẻ đẹp, giá trị riêng. Cách hát sẽ thể hiện văn hóa, đẳng cấp của người nghệ sĩ. 

Tuy nhiên, những khán giả ruột của nhạc thính phòng không dễ dàng chấp nhận bước thử nghiệm táo bạo này của Lan Anh, thậm chí nhiều người sẽ “dị ứng” với sự “đa màu’ của chị. Nhưng Lan Anh đã dẫn dắt người nghe bằng chính sự thăng hoa trong cảm xúc của mình.

Đêm nhạc “Ánh trăng và tình yêu” của Lan Anh cùng với dàn nhạc Mặt trời đã góp phần làm nên vẻ đẹp đích thực của âm nhạc trong thời buổi nở rộ các liveshow hiện nay.“Ánh trăng và tình yêu” của Lan Anh cùng với chương trình “Mặt trời của tôi” của ca sĩ Đăng Dương đưa khán giả được chạm tới vẻ đẹp tinh tế, sâu thẳm nhất của âm nhạc nhờ sự đầu tư, tài năng và cống hiến của người nghệ sĩ. 

Chắt chiu 20 năm để có một đêm tỏa sáng, Lan Anh đã bay trên ánh trăng tình yêu của mình, ở đó, chị đã chạm tới vẻ đẹp đích thực của âm nhạc, một sự hòa quyện và kết nối Đông và Tây, giữa con người với thiên nhiên và con người với nhau.

Để có một đêm nhạc để đời, để được sống trọn vẹn với tình yêu của mình, với những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển không dễ dàng. Không thể phủ nhận, Lan Anh cũng là người may mắn vì nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ dàn nhạc Mặt trời. Còn không, nhạc cổ điển rất chật vật đi tìm khán giả.Nhiều nghệ sĩ đã phải thỏa hiệp đi hát những dòng nhạc dễ nghe hơn, gần với thị hiếu hơn.  

Còn Lan Anh, chị chung thủy với con đường mình lựa chọn. Có ghé sân bolero hay những dòng nhạc khác thì đó cũng chỉ là những cuộc dạo chơi, thử nghiệm mà thôi. Lan Anh nói, chị muốn khám phá và tôn vinh vẻ đẹp của những ca khúc Việt Nam. Đó là di sản của cha ông để lại mà chị và  các thế hệ nghệ sĩ có trách nhiệm giữ gìn, giúp nó lan tỏa trong đời sống. Đó cũng là một cách giúp cho mọi người sống nhân văn hơn, đẹp hơn.

Lan Anh đi hát từ năm 4 tuổi. Tuổi trẻ chị thử nghiệm nhiều dòng nhạc khác nhau, từ pop, bolero, nhạc trẻ đến năm thứ 3 Nhạc viện Lan Anh mới theo đuổi dòng nhạc thính phòng. Các cô giáo của Lan Anh nhận ra tố chất trong giọng hát của chị. Sau đó một năm, Lan Anh đã dành giải Nhất cuộc thi Thính phòng nhạc kịch toàn quốc năm 2000. 

Sở hữu một giọng soprano đẹp, thuộc hàng hiếm trong làng cổ điển hiện nay, sở hữu cả một giải thưởng danh giá khi khởi đầu sự nghiệp nhưng Lan Anh chọn con đường lặng lẽ. Chị dạy học sinh và thỉnh thoảng ra album đánh dấu từng giai đoạn của mình. Cái tên Lan Anh cũng bị chìm lấp giữa một thị trường âm nhạc quá nhiều bề nổi. Nhiều người cho rằng Lan Anh yên phận. Nhưng ai gần chị đều hiểu, chị vẫn nỗ lực từng ngày, từ việc dạy học trò đến việc luyện thanh... 

Sau một hành trình dài gần 20 năm ca hát, Lan Anh đã định hình một con đường riêng, không bị trộn lẫn. Chị luôn muốn giữ lại những giá trị lung linh của nghệ thuật. Với Lan Anh, nghệ thuật sẽ bị ô nhiễm khi dính đến tiền bạc, thị trường. Vì thế, nhiều năm qua, miệt mài lao động và không ngừng hát nhưng Lan Anh vẫn luôn giữ cho mình một tâm thế sống bình an, không bon chen, không ồn ào.

Khi nghe Lan Anh hát cổ điển, hẳn không ít người tiếc nuối vì chị đã không có nhiều cơ hội hơn để cống hiến cho dòng nhạc này. Nhưng lúc chị sung sức nhất là cổ điển, opera gặp khó khăn, và đến bây giờ, đó vẫn là dòng nhạc được mặc định kén khán giả. 

Chắt chiu cho mình đam mê nhưng Lan Anh không bó hẹp mình một cách cực đoan trong dòng nhạc chị theo đuổi. Cách đây một thời gian, trên trang cá nhân của mình, Lan Anh đưa lên một đoạn video chị hát bolero tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Nhiều người độc tôn cổ điển sẽ không chấp nhận một giọng ca thính phòng hàng đầu đi hát bolero. Còn khán giả đại chúng hơn, dễ dàng chấp nhận cái mới lại bình tĩnh lắng nghe Lan Anh hát. Mới đây, chị còn mạnh dạn cho ra MV, CD nhạc, bolero, và làm mới bolero khi hát cùng dàn nhạc giao hưởng.

Lan Anh quan niệm, mỗi dòng nhạc có một giá trị riêng. “Tôi không đặt nặng vấn đề nhạc thính phòng cao sang nên không hát dòng nhạc bolero. Quan trọng là bài hát chạm tới cảm xúc của khán giả hay không”.

Giới làm nghề đánh giá cao giọng hát của chị vì sau NSND Lê Dung, Lan Anh là người hát thính phòng không bị Tây hóa. Chị chia sẻ: “Nhạc thính phòng xa lạ với công chúng vì phần nhiều ca sĩ đang gồng mình lên hát tiếng Việt cho giống Tây, nó sẽ mất đi sự gần gụi với người Việt. Vì thế, Lan Anh muốn làm cho nó đời hơn, muốn những bản nhạc cổ điển đi vào cuộc sống. Phải có sự nhìn nhận tinh tế và cả học vấn để cảm và thấu hiểu được tác phẩm và phải có một tâm hồn đủ tinh tế để nâng kỹ thuật bay lên bằng chính cảm xúc của mình. Sự hòa quyện đó sẽ giúp ca sĩ hát rất ngọt và rất đời”.

Đó là một hành trình của đam mê và khổ luyện. 20 năm làm nghề, cuộc sống không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Nhưng Lan Anh yêu âm nhạc và thế giới của chị chỉ xoay quanh âm nhạc mà thôi. “Với tôi, một ngày không có âm nhạc buồn lắm. Âm nhạc luôn là đam mê, là tình yêu nên nó luôn hiện diện trong đời sống của mình. Có thể tôi không giàu có, không nổi tiếng như nhiều người nhưng được làm công việc mình yêu, kiếm tiền từ công việc đó mà không phải ngó nghiêng, loay hoay đã là hạnh phúc”.

Lan Anh vui vì nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ bàn tay của chị. Nhiều học trò của chị giờ đã thành danh. Đó là một công việc ý nghĩa mà chị lựa chọn, truyền dạy cho học trò những kinh nghiệm của mình để giúp các em bay cao, bay xa hơn. Nhưng điều chị tâm niệm, không chỉ là giọng hát, là tài năng mà còn là cốt cách, tâm hồn của người nghệ sĩ. Điều ấy, đôi khi còn giá trị hơn rất nhiều và giúp tiếng hát của nghệ sĩ đẹp hơn, bay cao hơn.

Người nghệ sĩ ấy chỉ biết mang đến tiếng hát cho đời, như con chim sơn ca hót vang tiếng hót mỗi sáng mai thức dậy, mang đến cho đời niềm tin và hy vọng. Âm nhạc, với ai đó là sự sẻ chia, là niềm vui hay nỗi buồn. Còn với Lan Anh, âm nhạc là một thế giới lung linh của cái đẹp.Và chị chính là sứ giả mang cái đẹp đến cho cuộc sống này.

Hạnh Nguyên
.
.
.