Ca sĩ Lương Nguyệt Anh: Tôi tin vào nhân duyên

Thứ Ba, 26/01/2016, 14:36
Lương Nguyệt Anh từng giành giải nhất Sao Mai 2011 dòng nhạc dân gian. Lặng lẽ, kiên định, Nguyệt Anh tự tin mình sẽ bước dài trên con đường đó.

- Bốn năm, từ sau giải Sao Mai và album đầu tiên, thấy Nguyệt Anh im hơi lặng tiếng quá?

+ Tôi nghĩ dòng nhạc mình lựa chọn vốn dĩ có đời sống lặng lẽ như thế, chứ không phải vì họ không hoạt động nghệ thuật. Tôi vừa tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia và ra một MV do mình sáng tác, bài hát “Tìm về chốn thiêng”. Đó là bài hát về chùa Linh Sơn, ngôi chùa mà tôi có duyên hạnh ngộ với một vị chân tu, trụ trì ở đó. Khi bước chân lên chùa Linh Sơn, những giai điệu vang lên trong đầu tôi. Về nhà, tôi ghi lại. Đó là bài sáng tác đầu tiên của tôi, như một chìa khóa đã được mở ra. Nếu cảm xúc vẫn còn vẹn tròn thì sẽ viết tiếp những ca khúc tiếp theo. Ca khúc này chỉ là tình cảm, nỗi lòng của một phật tử hướng tới đời sống tâm linh.

- Một ca sĩ có thanh và sắc, sao Nguyệt Anh không lựa chọn một con đường dễ nổi tiếng hơn là dòng nhạc dân gian vốn lặng lẽ trong giới showbiz?

+ Tôi nghĩ là mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, khi còn nhỏ tôi đã hát những ca khúc mang màu sắc dân gian, dù hồi đó, không biết rõ về nó. Rồi đến nhạc viện, tôi đã có định hướng từ đầu, dù trường đào tạo cổ điển. Chất dân gian ngấm vào máu tôi từ những ngày thơ bé như thế. Khi tôi hát lên, mọi người đều thấy rất rõ, vì dân gian là phải có màu, tôi rất rõ nét trong màu đó.

Tôi quan niệm làm nghệ thuật không phải đi kiếm tìm sự nổi tiếng mà là nơi mình được cống hiến, được thỏa sức với những đam mê của mình. Mọi người cứ nói âm nhạc dân gian kén người nghe. Nhưng thực tế đi hát thì không phải vậy. Lứa tuổi trung niên ai cũng thích đã đành. Nhưng khi tôi đi diễn ở các trường đại học, sinh viên cũng rất thích và hào hứng. Những ngày sắp Tết này, chúng tôi đi diễn rất đều ở các sự kiện tổng kết tại các tỉnh. Rất bận rộn ấy chứ.

Hơn nữa, tôi đang được sống trong một môi trường khá thuần khiết, các anh chị dòng nhạc này đoàn kết với nhau, không có những chuyện cạnh tranh này nọ. Tôi nghĩ, điều cần thiết với một nghệ sĩ không chỉ giọng hát mà còn là tri thức, bản lĩnh và cái tâm sáng với nghề. Tôi có nhiều may mắn ngay từ khi khởi nghiệp. Nhưng đời nghệ sĩ không được rải thảm đỏ, mà phải cố gắng, rèn luyện không ngừng. Đó sẽ là một chặng đường đầy chông gai để mình có thể lưu lại tên tuổi của mình trong đời sống vốn đang có quá nhiều ca sĩ như bây giờ.

- Có ai định hướng cho chị hay không?

+ Mỗi người có một con đường, người đi đường vòng, người đi đường thẳng. Tôi chọn con đường chậm rãi nhưng không ngừng trau dồi, luyện tập, không cho phép mình lười biếng. Tôi thấy mình rất ổn, không phải đau đầu, căng thẳng vì ngó trước nhìn sau, cũng không có cảm giác sợ người khác nổi tiếng hơn mình. Tôi chỉ quan tâm mỗi việc làm thế nào để công chúng yêu qúy tiếng hát của mình. Tôi nhìn thấy con đường ngay từ khi mình đặt chân vào Nhạc viện, chỉ sợ nhất là mình đứng trong tình trạng chấp chới, không biết nên đi con đường nào. Tuổi trẻ có quá nhiều lựa chọn, đó cũng là may mắn của tôi, không phải nhìn ngang, ngó dọc mà chỉ chuyên tâm vào con đường của mình.

- Chị có ngại những cái bóng quá lớn trong làng nhạc dân gian?

+ Trước tôi có nhiều anh chị thành công, tôi rất trân trọng họ, và học hỏi được nhiều thứ. Tôi cũng là người cầu toàn, nên biết mình ở đâu và luôn cố gắng để không ngừng hoàn thiện mình. Dòng nhạc này giống kiểu mưa dầm thấm lâu, càng có những trải nghiệm trong cuộc sống thì ca sĩ mới có độ chín và hát càng sâu. Tuy nhiên, mỗi ca sĩ đều có lượng khán giả của riêng mình. Nhiều người nói, dòng dân gian các ca sĩ hát lên đều na ná nhau. Nhưng nếu thực sự hiểu và yêu, họ sẽ nhận ra bản sắc của từng người. Giống như mỗi bông hoa đều có những sắc hương riêng.

- Hai năm một lứa Sao Mai, nhưng để có một cái tên còn lại trong làng nhạc thì không nhiều. Nguyệt Anh có nghĩ mình đã bắt đầu có những dấu ấn riêng?

+ Giải Sao Mai đối với tôi như là bệ phóng. Nhưng tôi chưa bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Tôi nhớ trong đêm đăng quang năm 2011,  mọi người lo liên hoan, chúc tụng nhau, còn tôi đã nghĩ ngay đến việc sau đó mình sẽ làm gì. Tôi đã tìm gặp cô Huyền Thanh- lúc đó là Phó trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam và nói với cô những trăn trở của mình rằng không biết được rằng ngày mai con sẽ làm gì tiếp theo. Bởi hai năm một lứa Sao Mai, rất nhanh, nếu mình không hoạt động, không nỗ lực thì rất dễ bị lu mờ, bị chìm lấp. Cho nên tôi chưa bao giờ ngừng cố gắng và mãi mãi sau này vẫn thế. Và ba tháng sau giải Sao Mai, tôi đã có album đầu tiên.  Giải Sao Mai cho tôi được cống hiến nhiều hơn, được khán giả biết đến nhiều hơn. Nhưng cái quan trọng là sau đó chúng ta phải làm gì.

- Nguyệt Anh còn trẻ nhưng suy nghĩ khá già dặn. Mối duyên nào đã đưa chị đến với đạo Phật khi chị vừa sáng tác một ca khúc mang âm hưởng Phật giáo và định ra một album những bài hát về đạo Phật?

+ Tất cả đều là nhân duyên. Từ ngày còn nhỏ, khi bà nội còn sống, bà xây chùa tại gia. Tôi suốt ngày lon ton theo bà lên chùa. Rồi sau này, ra Hà Nội học, tôi vẫn đến chùa hát. Nhưng để hiểu sâu vào đạo Phật là khi tôi gặp sư thầy ở chùa Linh Sơn. Đó cũng là cãm xúc khi tôi viết  bài hát và ra mắt MV mới nhất do mình sáng tác. Đến chùa là cả một sự nhân duyên. Trong cuộc sống có những lúc buồn phiền, thăng trầm, mệt mỏi, khi lên chùa tôi có cảm giác bình yên một cách thực sự. Những câu chuyện thầy chia sẻ trên giáo lý nhà Phật khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tâm hồn thanh tịnh. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là nhân duyên trong đời, chứ không phải việc mình trẻ hay già.

- Nhưng có một dạo, các ca sĩ tìm về những bài hát mang âm hưởng Phật giáo như một trào lưu. Nguyệt Anh cũng thế chăng?

+ Tôi chưa bao giờ đi theo xu thế hay trào lưu. Trong nghệ thuật tôi cẩn trọng vô cùng. Với dòng chính thống tôi đang theo đuổi, không có nhiều ca khúc mới, nên mình phải hát và tư duy thế nào cho khác đi. Với tôi, cho dù là tác phẩm viết từ ngày xưa, tôi vẫn coi là mới, phải là mới thì mình mới có sự tìm tòi và sáng tạo. Tôi dồn cả nhiệt huyết của mình cho âm nhạc. Không vội vàng được. Vì nếu vội và không đủ tỉnh táo, ta dễ rẽ sang một hướng khác. Cho nên, dòng nhạc tôi lựa chọn như mưa dầm thấm lâu, càng sống, càng nhiều trải nghiệm thì càng chín và hát hay hơn.

- Nguyệt Anh ngoài đời giản dị, thậm chí có vẻ ngây thơ, nhưng khi hát chị đắm đuối với những bài hát buồn. Chị có sợ âm nhạc vận vào đời?

+ Ngoài đời tôi dung dị và giản đơn lắm. Nhưng mỗi lần đứng lên sân khấu tôi gần như lột xác hoàn toàn và được thăng hoa, được sống đúng với những cảm xúc của mình. Có lẽ đó là hạnh phúc riêng của người nghệ sĩ. Những lúc trên sân khấu tôi chỉ có thể dùng từ "điên", không phải "điên" một cách dữ dội mà có chiều sâu. Bởi những ca khúc tôi thể hiện tương đối thành công đều là những ca khúc buồn, bi lụy, dang dở. Nên tôi nhớ kỷ niệm khi tôi còn học trung cấp, tự đệm piano và hát bài "Đừng ví em là biển", khi tôi dứt tiếng đàn mọi người đều nói, tôi sau này sẽ chết vì tình và khổ vì tình.

- Giờ Nguyệt Anh đã trải nghiệm những lời "tiên đoán" của mọi người như thế nào, trong tình yêu?

+ Cho đến bây giờ, cuộc sống của tôi vẫn bình yên. Tôi là nghệ sĩ, khi hát tôi phải sống cùng cảm xúc của bài hát. Một sự hóa thân chứ không phải bằng những trải nghiệm của chính mình. Đó là  cách cảm, cách xử lý riêng của người nghệ sĩ. Đôi khi tôi cũng sợ, nhưng hiện tại cuộc sống của tôi vẫn bình yên. Còn tình yêu ư, tình yêu với tôi là một nhân duyên. Nếu ước và thích mà được thì ai cũng ước. Ghét hay thích, yêu hay không yêu, trong đạo Phật lại được quy vào hàng si rồi, nên thôi, cứ thuận theo tự nhiên.

- Một người trẻ tuổi như chị, sống trong đời sống nhiều cám dỗ như trong showbiz, vì sao Nguyệt Anh có được sự kiên định đó?

+ Có phải là tự tin không nhỉ, dù đôi khi tự tin quá cũng không tốt, nhưng tôi luôn tin vào linh giác của mình. Tôi vẫn tự nhận mình khá nhạy cảm và già trước tuổi, từ cách hát đến cách sống. Đối với một nghệ sĩ, khi nghe họ hát hay chơi đàn, chị đều cảm nhận được 60% cá tính, nội tâm của họ rồi. Một ca sĩ hát rất dạt dào, chắc chắn họ sẽ có nội tâm phong phú. Tôi thấy may mắn vì mình có sự tự tin nhất định, để đi con đường của mình. Và tôi thấy hạnh phúc. Mình phải nuôi dưỡng những cảm xúc để hát. Tôi đam mê đến mức, khi ngủ còn mơ thấy mình hát, có thể mình nghĩ nhiều quá, nhất là khi tôi bắt đầu một bài hát mới. Điều đó giúp tôi có được những thành công bước đầu.

- Nguyệt Anh thường đối diện với những cám dỗ như thế nào?

+ Tôi nghĩ, khi mình tự tin và vững tâm, thì những cám dỗ, bon chen của đời sống sẽ không chạm tới mình được.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

PV (thực hiện)
.
.
.