Ca sĩ Minh Thu:

Làm thiện nguyện phải từ Tâm, đừng làm vì hình thức

Thứ Hai, 27/03/2017, 07:58
Luôn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, ca sĩ Minh Thu cho rằng, nghệ thuật sẽ có sức lan tỏa lớn hơn khi nó đến được với những số phận thiệt thòi, không may mắn. 


Cuộc phỏng vấn này được thực hiện khi Minh Thu đang tất bật chuẩn bị tham gia vào các hoạt động của ngày "Thế giới nhận thức chứng tự kỷ", mồng 2-4.

- Chào ca sĩ Minh Thu, ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2-4), lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với tư cách là một người góp phần truyền thông điệp đến công chúng về chứng tự kỷ - một hội chứng ngày càng có nhiều trẻ em mắc phải, chị có thể nói điều gì về hội chứng này và âm nhạc có vai trò như thế nào trong kết quả điều trị chứng bệnh này?

+ Minh Thu nghĩ nếu ai đã từng làm mẹ, chắc sẽ không thể ngoảnh đi khi nhìn thấy một em bé bị bệnh tự kỷ. Chắc chắn cô ấy sẽ bối rối và thương cảm cho bé vô cùng, bởi những đứa trẻ giống như những thiên thần, chúng chẳng có lỗi lầm gì cả, mà lại trở nên thiếu hụt và thiệt thòi.

Minh Thu thấy rằng, nếu có thể làm được bất cứ một việc gì, dù nhỏ, để giúp các con trở lại thành những đứa trẻ phát triển bình thường, mình sẽ rất hạnh phúc. Hạnh phúc như thể chúng là chính những đứa con mình sinh ra vậy!

- Chị đã từng chứng kiến hay lắng nghe một câu chuyện xúc động nào liên quan đến gia đình có trẻ tự kỷ. Cũng là một người mẹ, chị cảm nhận gánh nặng cũng như tình thương yêu của những người thân trong gia đình có tác động thế nào đến những đứa trẻ bị tự kỷ?

+ Minh Thu đã từng chứng kiến không ít gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ. Gánh nặng mà các bậc làm cha mẹ trong những gia đình như vậy phải trải qua là vô cùng nặng nề, khó khăn. Phần lớn những người mẹ có con bị tự kỷ phải hy sinh công việc cũng như niềm vui riêng tư của mình để chăm sóc con.

Có những gia đình cả bố và mẹ đều phải nghỉ làm để cùng đồng hành với con điều trị bệnh. Vì trẻ tự kỷ thường rất cô đơn, chúng cần tình yêu thương của những người thân yêu trong gia đình.

Điều trị chứng tự kỷ cho trẻ em là một chặng đường dài, phải rất kiên trì. Theo những gì Minh Thu được biết thì nghệ thuật cũng là một liệu pháp giúp cho việc điều trị chứng tự kỷ ở trẻ được hiệu quả hơn.

Âm nhạc, hội họa hay thi ca có tác động kỳ diệu vào tâm lý cũng như nhận thức của trẻ tự kỷ, giúp mang đến niềm vui cho các em, đưa các em dần trở lại là những đứa trẻ bình thường.

Bởi vậy, những người làm nghệ thuật như Minh Thu thấy rằng, tham gia vào các hoạt động vì trẻ tự kỷ là niềm vui và trách nhiệm của mình, vì một cuộc sống không còn những trẻ em bị thiệt thòi nữa.

- Ca sĩ nói riêng hay nghệ sĩ nói chung là những người có ảnh hưởng trong công chúng. Ngoài việc biểu diễn trên sân khấu thì việc họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng sẽ mang đến hiệu quả tích cực làm thay đổi nhận thức xã hội về một vấn đề nào đó mà xã hội đang quan tâm. Tuy nhiên, có không ít người nổi tiếng ngại tham gia các hoạt động mang tính "miễn phí" này. Theo chị, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ có cần phải được nhắc đến nhiều hơn chăng?

+ Đối với riêng cá nhân Minh Thu thì mình luôn ủng hộ tất cả các hoạt động thiện nguyện khi các đồng nghiệp mình phát động. Ở chuỗi sự kiện "Mang âm nhạc đến bệnh viện" đã có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, Minh Thu tự hào khi mình là những nhân tố nòng cốt đầu tiên cùng với NSUT Hồng Liên, MC Chiến Thắng, ca sỹ Bách Nguyễn và ca sỹ Tuấn Phương.

Mang âm nhạc đến trẻ em tự kỷ.

Minh Thu đã làm việc tận tâm dưới sự chỉ huy của ca sĩ Thái Thuỳ Linh. Từ 5-6 năm nay, Minh Thu liên tục tham gia các hoạt động thiện nguyện thường xuyên và ủng hộ các bạn bè hết lòng mỗi khi có dịp họ cần đến tiếng hát của mình để phục vụ cộng đồng.

Đối với những nghệ sỹ không tham gia các hoạt động thiện nguyện thì cho phép Minh Thu không bình luận gì. Minh Thu nghĩ rằng, từ trong tâm mỗi người không có sự hiến dâng thì thực sự có cố tỏ ra, hay làm cho lấy vì, lấy thành tích thì cũng vẫn chỉ là hình thức. Mà như vậy thì thà không làm vẫn tốt hơn!

- Sau âm nhạc Phó Đức Phương, công chúng lại thấy Minh Thu làm "người mới" trong âm nhạc Phú Quang. Trong các đêm nhạc Phú Quang vừa diễn ra tại Hà Nội, người yêu nhạc của ông lần đầu tiên được nghe Minh Thu - một giọng hát mà nhạc sĩ Phú Quang chỉ có thể nói ngắn gọn một câu: "Cô ấy hát hay nhạc của tôi". Vì sao lại có một sự "bén duyên" có vẻ hơi muộn như vậy. Trước đó chị đã hát nhạc Phú Quang nhiều chưa?

+ Nếu như trước kia một năm Minh Thu hát nhạc Phó Đức Phương một vài lần trong các "Hội diễn chuyên nghiệp" thì từ khi là sinh viên đi hát phòng trà, Minh Thu đã hát gần như hàng đêm những ca khúc của nhạc sỹ Phú Quang.

"Tình khúc 24" cũng là ca khúc mà Minh Thu chọn hát lần đầu bước chân lên sân khấu của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi Minh Thu theo học. Nếu như âm nhạc Phó Đức Phương quá kén bối cảnh cũng như sân khấu thì âm nhạc Phú Quang ngược lại, có thể phù hợp với không gian từ Nhà hát Lớn đến phòng trà hay trên xe ôtô. Đó là lý do vì sao Minh Thu đã chọn nhạc Phú Quang để được hát nhiều nơi hơn nữa!

- Chị tìm thấy điều cốt lõi gì trong âm nhạc của Phú Quang?

+ Âm nhạc của Phú Quang thoạt nghe tưởng dễ hát. Ai cũng có thể thuộc bài của ông và ai cũng có thể hát, nhưng hát sao cho "ra chất" Phú Quang, cũng như thực sự ngấm và hiểu được  tinh thần Phú Quang thì lại không có nhiều người. Và điều cốt lõi ở "miền âm nhạc" này chính là một tâm hồn Hà Nội. Phú Quang - một người Hà Nội hoài cổ và luôn thấy mình cô đơn trong một cõi rất tình.

- Trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, việc kết hợp giữa người này với người kia để tạo ra một giá trị nào đó thường là từ một chữ duyên. Từ khi quay lại đời sống âm nhạc chính thức sau thời gian vắng bóng, chị đã có một cuộc kết hợp phải nói là đẹp, sâu sắc với âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Nhưng tiếc là trong live show của Phó Đức Phương cuối năm ngoái không có sự tham gia của chị? Rất nhiều khán giả băn khoăn, tiếc nuối...

+ Cũng rất nhiều người tiếc nuối và nói với tôi là cứ mong mãi, chờ mãi Minh Thu mà không thấy biểu diễn đêm liveshow của Phó Đức Phương. Minh Thu thì lại thấy tiếc hơn cả là không có chị Mỹ Linh hát "Trên đỉnh Phù Vân". Có lẽ cả hai chị em "hết duyên" với âm nhạc Phó Đức Phương chăng?

Minh Thu tham gia các hoạt động vì trẻ em tự kỷ ở Hà Nội.

Nhưng cũng phải nói rằng, khi nhìn lại 2 album CD "Khúc hát Phiêu ly" (2006) và "Minh Thu hát Phó Đức Phương" (2015) với gần 20 ca khúc trải suốt hơn 10 năm qua, Minh Thu rất xúc động. Đó là một quãng đường thật đẹp. Cũng kỳ lạ khi mình gắn bó với một dòng nhạc khá lâu như vậy. Câu chuyện "kết hợp" lịch sử với âm nhạc Phó Đức Phương có thể nói là câu chuyện thú vị trong cuộc đời làm nghệ thuật của Minh Thu!

- Với "người mới" Phú Quang, câu chuyện âm nhạc giữa chị và ông chắc chắn không chỉ dừng lại ở các live show vừa rồi. Liệu khán giả có thể được thưởng thức một sản phẩm ghi dấu sự cộng tác của chị với nhạc sĩ Phú Quang trong thời gian sắp tới chăng?

+ Minh Thu đang dần hoàn thiện album "Minh Thu hát Phú Quang" để có thể ra mắt công chúng vào tháng 4 này!

- Được biết, ngoài việc đi biểu diễn, chị còn ấp ủ dự định tự sáng tác ca khúc? Bao giờ thì khán giả có thể được thưởng thức các sản phẩm âm nhạc do chính Minh Thu sáng tác đây?

+ Thực ra Minh Thu âm thầm sáng tác ca khúc từ khá lâu rồi. Một album ca khúc của chính mình thì Minh Thu chưa dám nghĩ tới, nhưng các ca khúc Minh Thu tự sáng tác và tự trình bày thì các bạn có thể nghe trên các trang mạng. Hy vọng có thể có sản phẩm gửi tặng quý khán giả trong thời gian gần nhất, một sản phẩm hoàn toàn "made in Minh Thu".

- Minh Thu rời xa âm nhạc đi học nghề đạo diễn, rồi lại quay lại với âm nhạc ở thời điểm tuổi đời không còn trẻ, chấp nhận không ít khó khăn, thử thách. Thực sự thì âm nhạc có một ý nghĩa như thế nào đối với đời sống hiện tại của chị?

+ Đúng là Minh Thu đã từng vài ba lần muốn dứt khoát từ bỏ nghề hát nhưng không được. Chắc Tổ nghề thương Minh Thu quá nên giữ lại bắt làm nghề "ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" đây mà.

Nói không hề quá, thực sự thì đến giờ phút này Minh Thu cảm thấy, ca hát giống như một tôn giáo với mình vậy, nên chẳng khi nào băn khoăn, phân định, dù mình ở tuổi nào. Nếu 50 tuổi, bạn có sản phẩm âm nhạc "chất", bạn vẫn là nghệ sỹ giỏi. Còn khi đứng trên sân khấu hát live mà ko hay hoặc quá tệ thì trẻ trung tuổi mười tám, đôi mươi đi nữa thì cũng nên đổi nghề khác!

- Xin cảm ơn ca sĩ Minh Thu về cuộc trò chuyện.

Hội Quân (thực hiện)
.
.
.