Ca sĩ Phạm Thu Hà: Tôi thích sự "đa màu" trong âm nhạc

Chủ Nhật, 17/03/2019, 15:23
Phạm Thu Hà nói, dù theo đuổi con đường âm nhạc bán cổ điển, nhưng chị cũng sẽ biến hóa để phù hợp và đến gần hơn với công chúng. "Classic meets Dance" sẽ mang đến một Phạm Thu Hà mới, cá tính và “đời” hơn trong âm nhạc.

- Hình như lúc nào Phạm Thu Hà cũng “thủ” sẵn một vài dự án âm nhạc. Tháng 4 này là một album nhạc xưa và sau đó là dự án hứa hẹn sự "bùng nổ", "Classic meets Dance". Liệu album mới này có nằm trong dòng chảy âm nhạc của Phạm Thu Hà hay không?

+ Tất cả những album đều nằm trong dòng chảy âm nhạc mà tôi theo đuổi, semi classic - bán cổ điển. Khi tôi có tên tuổi nhất định và khẳng định dòng nhạc của mình là giao thoa, bán cổ điển, tôi muốn quay lại với những gì mình thích, gần với cổ điển nhất.

Gần đây là live show ở Nhà Thờ, hát những bài thánh ca, tôi được hát những gì thuộc sở trường của mình và đó là đêm nhạc đầy cảm xúc khi tôi chạm tới trái tim khán giả. Bây giờ tôi hát nhạc Ngô Thụy Miên, Lam Phương và các nhạc sĩ cùng thời vì tôi muốn đánh vào thị trường khán giả thích nghe dòng nhạc đó nhưng phối theo cổ điển.

- Đó là cách chị mở rộng biên độ khán giả?

+ Người nghệ sĩ không chỉ nói đến đam mê mà phải thực tế, không chỉ làm nghề mà còn duy trì nghề. Nếu mở rộng biên độ khán giả thì khán giả sẽ đông hơn và song hành với nó là show của mình nhiều hơn. Làm âm nhạc không chỉ nghĩ đến cho mà không nhận, vì có nhận mình sẽ có sự hỗ trợ về tài chính và niềm vui để làm nghề.

Suy nghĩ của tôi với âm nhạc lúc nào cũng trong trẻo nhưng không thực tế thì sẽ đi trên mây. Giấc mơ của tôi là đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, vì thế mở rộng được biên độ khán giả, con đường đi của tôi sẽ thênh thang hơn.

- Nhìn lại chặng đường "độc đạo" nhiều năm qua, điều gì giúp chị có sự kiên định như thế?

+ Tôi đam mê với dòng nhạc bán cổ điển, đến bây giờ, tôi vẫn không ngừng học. Tháng 8 vừa rồi tôi tham gia một khóa master class ở Áo là cái nôi của âm nhạc cổ điển. Tôi học được nhiều về cách biểu diễn, cách hát.

Tôi không có nhiều thời gian nhưng mỗi năm sẽ dành một vài tháng trau dồi ở nước ngoài, học hỏi và tiếp cận với những giá trị văn minh để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển con đường sự nghiệp bền vững hơn. Tôi đam mê và mong muốn mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

- Nhiều người lúc đầu hoài nghi với giọng hát của Phạm Thu Hà, họ cho rằng, chị có một êkip hay tài chính hỗ trợ chứ không phải từ thực lực. Nhưng đến lúc này, sau một chặng đường dài, chị đã xóa bỏ được những hoài nghi đó? Chị đã đi qua chặng đường đó như thế nào?

+ Đó là một hành trình không hề đơn giản, mỗi năm Nhạc viện cho ra nhiều nhân tài, nhiều giọng hát hay. Nhưng để có một người hát cổ điển, tiệm cận với khán giả rất khó. Kỹ thuật chỉ là phương tiện để ca sĩ hát chuẩn và đúng. Điều quan trọng nhất vẫn là vận dụng kỹ thuật đó bằng cảm xúc, trải nghiệm để chạm đến trái tim người nghe.

Tôi nghĩ, người nghệ sĩ không chỉ trau dồi vẻ đẹp của giọng hát mà cả vẻ đẹp tâm hồn. Tôi có thuận lợi từ xuất phát điểm tốt, gia đình hỗ trợ chắp cánh cho ước mơ của tôi. Thuận lợi đó giúp tôi có đôi cánh để bay. Nhưng đó chỉ là công cụ. Còn tôi muốn bay đẹp, bay cao, mọi người nhìn tôi bay thế nào là do nỗ lực của chính mình.

Tôi vẫn nói với các em ở nhạc viện, giọng tốt, đẹp là một chuyện nhưng không trau dồi vẻ đẹp tâm hồn, không học hỏi, không đọc, không nghe, không xem sẽ không có cơ hội thành công. Hãy cứ sống đúng với chính mình, nghệ sĩ cũng là một người bình thường, vẻ đẹp của người nghệ sĩ tỏa ra từ tâm hồn mình chứ không phải chiếc áo cô ấy mặc hay đôi giày cô ấy đi.

-Từ album "Classic meets Chilout" đến "Classic meets Dance" là một hành trình không ngừng khám phá mình của Phạm Thu Hà. Dance liệu có phù hợp với chị?

+ Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đặt viên gạch đầu tiên cho con đường âm nhạc của tôi hát cổ điển giao thoa. Từ thành công đầu tiên với album "Classic meets Chilout", sau 3, 4 năm gặp lại, anh vẫn muốn làm cho tôi một sản phẩm có dấu ấn và sức hút với truyền thông và công chúng.

Cổ điển kết hợp với jazz hay pop vẫn nhẹ nhàng nhưng để có cảm giác bất ngờ, thậm chí gây "sốc' phải là cổ điển kết hợp với rock hay dance. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh muốn các ca khúc trong album sẽ hút các event. Opera kết hợp với dance sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho khán giả.

- Vậy chân dung âm nhạc của Phạm Thu Hà trong album mới này như thế nào?

+ Tôi nghĩ, người nghệ sĩ phải biết biến hóa, sự biến hóa đó làm cho mình phong phú và dòng nhạc mình theo đuổi cũng đa dạng hơn. Mọi người sẽ không nghĩ rằng Phạm Thu Hà hát cổ điển là khô cứng mà vẫn theo thị hiếu số đông.

Mỗi sản phẩm của tôi đều là sự nỗ lực, tìm tòi, khám phá trong kho tàng âm nhạc cổ điển để mang đến cho khán giả những gì hay nhất. Phạm Thu Hà đâu chỉ diễn ở Nhà hát Lớn, cô ấy có thể hát trên đường phố, hát những ca khúc sôi động, để mọi người thấy rằng, nhạc cổ điển không bó hẹp trong những khán giả trung thành với cổ điển mà nó thể mở rộng biên độ cả với khán giả trẻ, với những gì đời nhất của cuộc sống hàng ngày.

- Không giống với các nghệ sĩ dòng cổ điển, có vẻ như Phạm Thu Hà rất quan tâm đến khía cạnh thời thượng của âm nhạc? Nhưng chị có sợ nhiều màu đôi khi sẽ đánh mất bản sắc của chính mình?

+ Đúng thế, tôi rất quan tâm đến khía cạnh thời thượng của âm nhạc, khi đưa nhạc cổ điển tiếp cận với nhiều dòng nhạc khác nhau. Điều tôi ấp ủ là làm thế nào để mỗi sản phẩm âm nhạc của mình tiếp cận với nhiều công chúng hơn.

Âm nhạc cổ điển là cái nôi và tôi muốn chứng minh, bất cứ dòng nhạc nào cũng có thể kết hợp, giao thoa với cổ điển, chỉ có điều mình có đam mê và quyết liệt làm hay không.

Đó là sự đa dạng và phong phú mà tôi hướng tới. Tôi bước ra thị trường, đặt viên gạch gần như đầu tiên và tạo niềm tin cho các bạn trẻ rằng, nếu đam mê, tìm tòi thì âm nhạc cổ điển sẽ không quay lưng với mình. Khi tôi kết hợp với các nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Đức Trí… họ sẽ tìm thấy điều gì đó ở tôi và chắc chắn tiền không phải là vấn đề với họ bằng cái tên của chính các nhạc sĩ với thị trường âm nhạc.

- Tại sao cái tên Phạm Thu Hà vẫn gắn liền với Võ Thiện Thanh chứ không phải một nhạc sĩ nào khác?

+ Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng phối cho tôi một số bài trong album đầu tiên "Tình thu". Và sau này, thành công của "Classic meets chilout" không thể không kể đến nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Từ đó anh em vẫn chơi thân với nhau. Tôi là người sống ân nghĩa, trước sau nên luôn chia sẻ với anh về âm nhạc và cuộc sống.

Kể cả khi tôi kết hợp với nhạc sĩ nào, tôi cũng hỏi ý kiến anh, tôn trọng người đã làm tiền đề cho mình để mình không lung lạc và mất định hướng. Tôi là người ngây ngô khi bước vào âm nhạc và ngây ngô khi gặp anh Võ Thiện Thanh. Anh hiểu tôi và bảo rằng, Hà không hợp với nhạc pop, không biết bon chen, cạnh tranh.

Tôi nghĩ đến NSND Lê Dung, 50 tuổi, giọng của cô vẫn đẹp. Con đường đó tôi không cần vội, kể cả khi lớn tuổi tôi vẫn có thể hát. Tại sao nhạc trẻ có thì, vì họ phải đầu tư tiền bạc, nhan sắc để làm mới mình. Họ chỉ có một thời để kiếm tiền nên họ phải nắm bắt cơ hội. Còn tôi rất đủng đỉnh với con đường của mình.

Tôi đang ở thời điểm viên mãn của cuộc đời

- Giờ chắc Phạm Thu Hà đã khác nhiều, danh tiếng, tiền bạc đủ đầy…

+ Tôi là người không bao giờ bằng lòng với chính mình. Làm xong album này tôi đã nghĩ đến dự án khác. Lúc nào cũng không thỏa mãn với những gì mình làm. Âm nhạc không cho phép mình hết đam mê, hết sáng tạo.

Tôi không bao giờ có suy nghĩ mình đang ở đỉnh cao mà phải nỗ lực không ngừng. Người nghệ sĩ không chỉ làm việc để thỏa mãn đam mê. Tôi luôn nghĩ tới trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ. Vì sao tôi phải vất vả, tốn kém đến tận đỉnh Tà Xùa để quay MV.

Ca sĩ Phạm Thu Hà gắn bó với dòng nhạc bán cổ điển

Điều thôi thúc nhất đối với tôi trong MV "Vũ điệu bình minh" chính là thông điệp bảo vệ môi trường. Sự tàn phá của con người đối với môi trường rất kinh khủng. Chưa có MV nào nói về điều đó. Và tôi muốn gửi đến khán giả thông điệp bảo vệ môi trường qua "Vũ điệu bình minh", hy vọng mình có thể góp một phần nhỏ bé của mình cho sự tốt đẹp của xã hội.

- Sau chặng đường dài, chị có còn cảm giác độc hành? Liệu có bạn trẻ nào cùng đi con đường của chị?

+ Bây giờ có nhiều bạn trẻ giỏi và rất tự tin. Trong thế hệ trẻ tôi rất ấn tượng với bạn Đỗ Tố Hoa, cô ấy có nội lực và hát hay. Hoa được học ở Trung Quốc rất bài bản, là người bản lĩnh và với bản lĩnh đó, Hoa có thể kiên định đi còn đường của mình. Tôi được gia đình trải hoa hồng và tôi hiểu những khó khăn của các em, tôi sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ nếu họ cần.

Tôi nghĩ, mình là người đi trước, mình có một phần trách nhiệm làm cho nền âm nhạc Việt tốt hơn, đẹp hơn. Tôi vui vì có những nhân tố mới như Tố Hoa, em còn có thể vượt ra ngoài biên giới nữa. Con đường của Hoa thênh thang, chỉ mong Hoa giữ thân tâm, giữ mọi thứ trong trẻo để đi con đường của mình, hãy đầu tư cho âm nhạc rồi tính chuyện chồng con.

- Cuộc sống hiện tại của chị?

+ Sau vấp ngã đầu tiên, tôi hiểu phụ nữ cần làm chủ kinh tế trước rồi tính chuyện gia đình. Có một tổ ấm rất cần thiết khi mình thực sự trưởng thành. Hiện tại, Phạm Thu Hà biết cân đối giữa sự nghiệp và gia đình, có thể nói đây là thời điểm viên mãn nhất của cuộc đời tôi. Tôi đi làm về chỉ thích ở nhà nấu nướng, cơm nước, lo cho cậu con trai hai tuổi. Đó là niềm vui lớn sau âm nhạc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.