Ca sĩ Đức Tuấn:

Tôi làm nghệ thuật quá hồn nhiên

Thứ Tư, 27/04/2016, 16:07
Đức Tuấn khá cực đoan, nhưng có lẽ, chính sự cực đoan đó giữ cho Tuấn sự hồn nhiên và vô tư khi làm nghề. Tôi gọi Đức Tuấn là một "nhà tu hành" trong âm nhạc, bởi dường như Tuấn đã bước ra ngoài những tham sân si của đời sống để trọn vẹn, thuần khiết với âm nhạc.


- Vì sao Đức Tuấn lại chọn ra DVD "Bài ca không quên" vào thời điểm này?

+ Cách đây 15 năm, tôi đã tham gia chương trình "Bài ca không quên" ở nhà hát Hòa Bình. Ngày đó tôi 20 tuổi, tôi có rất nhiều cảm xúc và hoàn toàn bị thuyết phục bởi tinh thần của chương trình đó. Nên tôi quyết định sẽ làm một album mang tên như vậy để chinh phục các bạn trẻ. Chương trình ngày xưa mộc mạc, trong trẻo hơn. Còn bây giờ, đó là một kỷ niệm được nuôi lớn trong vòng 15 năm, kỹ thuật sân khấu tốt hơn, mọi thứ đẹp đẽ hơn, nó không có sự trong trẻo nhưng nồng nàn hơn, nhiều trải nghiệm hơn. 

Tuy nhiên, tôi không làm một album mang màu sắc cách mạng vì tôi khai thác chất tình trong những bài hát, đó là những tình cảm của người với người để vượt qua chiến tranh. Tôi hy sinh chất anh hùng ca và đẩy mạnh tuyệt đối cảm xúc, tình yêu đất nước, con người mạnh hơn mục đích kêu gọi.

- Đức Tuấn làm âm nhạc từ lâu lắm rồi, nhưng anh tham gia rất nhiều thể loại, từ cổ điển, broaway, rồi nhạc xưa và bây giờ là nhạc cách mạng. Tuấn có nghĩ là mình loay hoay quá hay không?

+ Toàn bộ đó chỉ là chất liệu để làm nên một cái chung, tạm gọi là âm nhạc của Đức Tuấn. Nếu mọi người theo dõi con đường âm nhạc của tôi, sẽ thấy có một điểm tương đồng, đó là việc sân khấu hóa các ca khúc theo phong cách cổ điển giao thoa. Các ca khúc sử dụng chất liệu xưa nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, của con người hiện đại và nó luôn chứa đựng trong đó chất nhạc kịch. Chất liệu thì phong phú nhưng chất âm nhạc thì cũng chỉ là một mà thôi.

Đơn giản như tôi không nghĩ nhạc cách mạng là nhạc cách mạng, tôi chỉ nghĩ đó là những tác phẩm âm nhạc thuần túy, tuyệt vời và tôi trình bày nó theo cách của mình. Trong tôi không có phân biệt nhạc xưa, nhạc nay mà chỉ thấy tác phẩm nào phù hợp với mình, tôi sẽ lựa chọn và hát theo cách của mình mà thôi.

- Thế việc chọn dòng nhạc cách mạng có phải là một cách đi theo xu hướng chăng?

+ Tôi hơi đứng ngoài dòng chảy của thị trường và chưa bao giờ làm nhạc theo xu hướng. Tôi chỉ lắng nghe cảm xúc của mình. Nhạc xưa hay nhạc cách mạng, với tôi chưa bao giờ quan trọng. Tôi cũng chưa bao giờ cố gắng lý giải vì sao bolero trở lại. Tôi không nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng, bởi sự tồn tại nào cũng có lý do của nó, những gì xuống rồi sẽ lên và lên rồi sẽ xuống. Nó đơn giản là một xu hướng. Tôi chỉ quan tâm mình muốn làm gì và làm thật tốt.

- Nhiều người kỳ vọng Tuấn sẽ đi xa hơn trên con đường âm nhạc của mình chứ không phải là sự quẩn quanh. Phải chăng anh đã chán làm một người tiên phong?

+ Tôi chưa ngừng làm việc và liên tục với những dự án. Chỉ có điều, truyền thông đang ồn ào theo một xu hướng khác, truyền thông đang quan tâm là những thứ khác còn những gì mình làm sẽ bị phủ lấp. Nhưng tôi tin, âm nhạc tử tế lúc nào cũng vậy, không bao giờ bị tiêu diệt cả, cứ vô tư làm, tận tâm thì những giá trị đích thực sẽ được đón nhận.

Tôi không hề vội vã, không hoang mang,  mỗi ngày làm thật tốt những gì mình thích để mang lại cho khán giả. Nên trên bề mặt, mọi người nghĩ rằng tôi đang chững lại. Nhưng, tôi vẫn không ngừng làm việc. Sản phẩm nào của tôi cũng đạt tới sự hoàn hảo nhất có thể. Tôi không phải muốn đầu tư lớn để được nói là có đầu tư lớn mà tính tôi câu toàn, kỹ lưỡng trong việc làm âm nhạc, chính sự cầu toàn đó lại làm hại bản thân, bởi với người khác chi phí có thể không cao như vậy. Còn tôi, các sản phẩm âm nhạc đều tiêu tốn một khoản tiền lớn.

-  Anh có nghĩ rằng mình bị lạc trong thị trường âm nhạc Miền Nam?

+ Ngược lại, tôi thấy mình phù hợp hơn ở thị trường Miền Nam. Các live show diễn ra ở Miền Nam khác hẳn ở Hà Nội, phần dàn dựng và ý tưởng sân khấu thực sự rất khác và tôi phù hợp với điều đó. Tôi nghĩ, trong dòng chảy âm nhạc Miền Nam tôi mới có thể ra được một Album như thế này, còn ở Hà Nội, có thể, tôi đã có một "Bài ca không quên" giống như anh Trọng Tấn chẳng hạn. (Cười).

- Trên trang cá nhân của Tuấn có chữ Divo, Tuấn có nghĩ là mình quá kiêu hãnh khi tự nhận là một divo không?

+ Đó là danh xưng mà những khán giả yêu thích đặt cho Tuấn, nên không có lý do gì tôi phải chối bỏ nó vì một bộ phận khán giả không thích mình. Tại sao tôi phải hoang mang và lo lắng vì một đối tượng khán giả chưa yêu thích mình mà quay lưng với người hâm mộ. Tôi không có thói quen giải thích. Tôi tự hào không phải vì cái tên divo mà vì tình cảm của mọi người dành cho mình trong đó. Bởi divo cũng chỉ là một tên gọi mà thôi.

-  Đức Tuấn có vẻ rất chú trọng về vấn đề ngoại hình, bao nhiêu năm, anh vẫn giữ được phong thái lịch lãm và sự trẻ trung như thế?

+ Trước đây mọi người hoạt động âm nhạc vô tư lắm, hát hay là cứ hát thôi, và hát hay, làm nghề nghiêm túc sẽ nổi tiếng. Còn bây giờ, đôi khi nổi tiếng chỉ cần đẹp, đó là một sự thật không phải chỉ trong âm nhạc mà cả nghệ thuật nói chung.

Nếu làm được âm nhạc tử tế thì cũng phải biết cách làm cho mình hấp dẫn hơn để âm nhạc tử tế được nhiều người biết đến. Đó là lý do tại sao tôi không chỉ cố gắng về mặt nghệ thuật mà phải chú ý về mặt ngoại hình, để cố gắng mang những gì tâm huyết mình làm trong nhiều năm qua đến với nhiều người hơn.

- Tôi thì nghĩ rằng, làm thế nào để âm nhạc đẹp hơn mới khó?

+ Tôi cho rằng, bây giờ làm âm nhạc đẹp hơn không khó, bởi chúng ta có đủ kỹ thuật, điều kiện, sự đầu tư. Cái khó là mức độ đầu tư. Đầu tư thế nào cũng không đủ cả, đối với nghệ thuật, tiền nào của nấy. Tôi là người kỹ tính trong công việc,  bản thân tôi đã là một thách thức với cộng sự của mình rồi. Khoan đã nói hay dở, tôi bị tai tiếng hơn là nổi tiếng vì sự cầu toàn, kỹ tính của mình. Bất cứ nhà sản xuất nào làm với tôi bao giờ cũng phải hơn cái mà họ có thể làm. Tôi hơi cực đoan, cái khó khăn đó là có thể có những xung đột, đã có sự cạch mặt nhau, nhưng âm nhạc Việt Nam không quá lớn nên phải gặp nhau, nhận ra những tâm huyết của nhau và lại cùng đồng hành.

Tôi làm nghệ thuật quá hồn nhiên và vô tư, điều đó giúp tôi chưa bao giờ mất đi cảm hứng làm nghệ thuật, tôi chỉ nghe nhạc để biết mọi người đang làm gì, để biết mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình như thế nào  chứ không phải để thấy mình hơn hay thua. Tất cả những gì tôi làm là vì thích, muốn tốt hơn mỗi ngày. Giống như một nhà sưu tập, họ có thể hy sinh những thư khác để có được bộ sưu tập của mình, thì tôi làm nhạc cũng thế, phải hy sinh nhiều thứ. Tình yêu của tôi dành cho nghệ thuật nên sẽ có cách của mình.

- Điều gì giữ cho anh sự hồn nhiên, vô tư đó?

+ Tôi không hiểu, e kíp làm việc với tôi cũng không hiểu vì sao tôi có được sự vô tư đó. Có lẽ bởi tình yêu âm nhạc quá lớn và tôi  không có đủ thời gian để ngồi suy xét mọi thứ. Tôi làm nghề từ một tình yêu thuần khiết, tôi không muốn những toan tính làm hỏng cảm giác của mình với âm nhạc. Tôi không thích ồn ào và xuất hiện bằng những thủ thuật ngoài công việc. Tôi thấy mình không có lý gì để chen chân vào cách truyền thông đó cả.

Từ nhỏ tôi đã sống không oán giận, không cạnh tranh với ai. Đó là bản tính tự nhiên trong con người. Cuộc sống vô thường lắm, được sống và làm những gì mình thích là hạnh phúc rồi. Người ta làm tổn thương tôi nhiều lắm, nhưng đó là việc của người ta, tôi không bận tâm. Cuộc sống của tôi không hề có sự hối tiếc, day dứt vì những gì mình đã làm.

- Anh có thấy mình như một nhà tu hành trong âm nhạc?

+ Rất nhiều người nói rằng chắc kiếp trước tôi tu dữ lắm,  kiếp này tôi mới có được sự tịnh tâm như vậy. Tôi không bận tâm ai nói gì, nghĩ gì về mình. Mình cứ đi con đường của mình thôi. Và có lẽ, tôi may mắn, vì độc hành trên con đường đó nhưng không bao giờ có cảm giác cô đơn, một mình. Ngay cả khi thất bại trong tình yêu tôi cũng không có cảm giác cô đơn. Có lẽ vì tình yêu âm nhạc quá lớn chăng?

- Lớn đến mức không có chỗ cho tình yêu ư?

+ Rõ ràng, tôi không có nhiều thời gian cho tình yêu. Và tôi không hy sinh những đam mê của mình cho tình yêu. Tôi có rất nhiều đam mê ngoài âm nhạc, như điện ảnh, sưu tập đồng hồ cổ, sưu tập sách. Có thể tôi chưa tìm được tình yêu thực sự của mình. Tôi là người khá thất bại trong tình yêu, ai ở bên cạnh tôi cũng có cảm giác là người thứ nhì chứ không phải là thứ nhất. Tôi khá cực đoan trong tình yêu cũng như trong âm nhạc. Đó là lý do cho sự ra đi của những cuộc tình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.