Ca sỹ Hồng Ngọc: Đã quá nghèo nên yêu tiền lắm!

Thứ Tư, 10/07/2013, 16:17

Hồng Ngọc thuộc diện ca sỹ ít nói, sợ hãi scandal, sự nghiệp bấp bênh khi ở Việt Nam nhưng lại thành hiện tượng khi qua Mỹ ca hát. Định cư, lấy chồng và sinh con tại Texas, Hồng Ngọc vừa thành lập công ty biểu diễn và tổ chức tour vòng quanh các tiểu bang của Mỹ. Chị nói, với cuộc sống hiện tại, sự gắn bó của gia đình và những công việc giúp chị có được thu nhập ổn định, đó là điều hạnh phúc nhất. Vì chị từng quá nghèo, nên hiểu và yêu từng đồng tiền mà mình kiếm ra…

- Chị có vẻ không đi hát cho các trung tâm, mà lại tự tổ chức tour diễn riêng. Có tham vọng quá chăng?

- Tham vọng cũng được. Nhưng thực ra tôi là một người cầu toàn. Các trung tâm của người Việt hải ngoại có xu hướng độc quyền ca sỹ và họ sẽ cùng ca sỹ tạo ra những phong cách khác nhau để màu sắc đa dạng. Tôi vốn đã ổn định phong cách từ khi còn ở Việt Nam, thêm vào đó nơi tôi sống không phải là nơi có đông người Việt, việc tập hợp các nghệ sỹ cũng khó khăn hơn. Suốt nhiều năm qua, tôi là ca sỹ tự do, chạy show khắp các tiểu bang. Rồi từ đó tôi nhận ra được những quy luật chung của khán giả. Tôi cũng biết họ muốn gì. Việc lập công ty giúp tôi chủ động hơn trong việc tổ chức các show diễn của riêng mình. Và nó sẽ là động lực để tôi có thể làm việc với những ca sỹ khác, đặc biệt là những nghệ sỹ đến từ Việt Nam…

- Đâu là thế mạnh của chị trong việc tổ chức tour như thế này?

- Tour diễn vừa rồi, tôi có đầu tư rất lớn, để phát hành DVD nữa. Sự đầu tư đó không chỉ là tiền bạc, mà nó còn là những ý tưởng từ sân khấu, trang phục cho đến âm nhạc. Hoàn toàn mới lạ. Các nghệ sỹ hầu hết đến từ Việt Nam, mang đến những ca khúc mới. Chồng tôi trước đây có kinh doanh quán bar, và anh ấy có quen nhiều người trong lĩnh vực kỹ thuật biểu diễn. Đó cũng là một lợi thế nữa. Việc tổ chức một đêm nhạc ở Mỹ khó gấp nhiều lần tại Việt Nam vì họ đòi hỏi rất nhiều thủ tục. Nhưng chúng tôi cũng đã quen, nên mọi chuyện khá trôi chảy. Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những show diễn khác cho khán giả tại các tiểu bang.

- Có những ý kiến cho rằng, ca sỹ hải ngoại bị cách biệt so với đời sống âm nhạc trong nước nên dường như họ rất khó sáng tạo, chỉ biểu diễn những gì đã cũ. Chị thấy điều này thế nào?

- Cũng không hẳn là như vậy. Đúng là khán giả hải ngoại, đặc biệt là những người lớn tuổi, sẽ thích nghe những bản nhạc xưa, vì nó ít nhiều đã gắn bó với ký ức của họ. Nhưng cũng đã có những thế hệ mới thích nghe nhạc mới, đó chính là lý do rất nhiều ca sỹ hải ngoại đặt các nhạc sỹ trong nước sáng tác để làm album hoặc để đi hát. Với riêng tôi, thì đó không phải là vấn đề, vì tôi luôn đi tìm những khoảng mới trong âm nhạc, để làm mới mình. Tôi chưa bao giờ tách biệt mình với khán giả trong nước. Mỗi năm tôi đều đi về nhiều lần, thực hiện album tại Việt Nam và biểu diễn.

- Cuộc sống của chị ở Mỹ như thế nào?

- Bình thường lắm. Tôi mới sinh thêm cô con gái Hồng Ân, nên thời gian qua phải nói là khá bận rộn để chăm sóc cháu. Ở Mỹ, chúng tôi không có người giúp việc như ở Việt Nam, tất cả đều tự chăm lo hết. Chúng tôi sống chung với bố mẹ chồng ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas, một khu ít người Việt, nhưng cuộc sống khá bình lặng và yên ổn. Bố mẹ chồng tôi là những người hiền lành, chất phác. Họ đã dành cả phần đời sau của mình, từ khi qua Mỹ, để gây dựng một mái ấm. Hàng ngày ông bà chăm sóc con cháu, rồi cuốc đất trồng rau. Vườn nhà tôi có đủ tất cả các loại rau Việt Nam, bầu bí mướp cho đến rau muống, trái cây…

Cho nên dù sống ở Mỹ đã nhiều năm, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng. Vẫn ngày hai bữa cơm Việt. Tôi cũng thường xuyên vào bếp, nấu ăn cho cả gia đình. Hàng ngày chúng tôi dậy sớm chuẩn bị cho con lớn tới trường, cho con nhỏ ăn, sau đó có thể tôi tập hát, vào phòng thu, tập thể dục, còn chồng tôi lo xem lại hợp đồng cũng như những vấn đề hậu trường cho công việc của tôi. Cuối tuần, hai vợ chồng gửi con cho ông bà, chạy show kiếm tiền.

- Nghe nói Hồng Ngọc là một trong những ca sỹ hiếm hoi đắt show ở Mỹ, chị chạy show quanh năm?

- Không đến mức như đồn đại, nhưng mà tôi cũng may mắn có nhiều khán giả yêu thương. Quan trọng là, một ca sỹ, dù ở đâu cũng vậy, cần có khán giả để mình được làm nghề và yêu lấy nghề.

- Có bao giờ chị nghĩ, nếu như chị không rời Việt Nam, thì chị đã có một tương lai khác? Bởi vì bao nhiêu năm trước đó chị đã tạo dựng cả tên tuổi, ê kíp, bạn bè, và khán giả nữa…

- Thì chắc chắn là một tương lai khác, nhưng biết làm sao được sẽ ra sao, khi chọn con đường này thì phải ngừng con đường khác. Nhưng thực ra, tôi cũng đâu có đi hẳn, mỗi lần về là tôi cũng kín lịch diễn cả tháng trời, từ Bắc chí Nam. Kể như đó cũng là may mắn nữa.

- Nhưng chị ra đi, thì bỏ cả gia đình ở lại, có chút gì tiếc nuối?

- Đúng, thực sự mà nói, có những biến cố trong cuộc sống riêng tư khiến tôi phải quyết định. Chuyện cũ tôi không nhắc lại, mọi người cũng biết là chuyện tình cảm của tôi khi đó không may. Khi chia tay với chồng, tôi muốn tìm một tương lai khác. Và khi cơ hội đến, thì tôi ra đi. Rồi mọi thứ kéo đến như một duyên phận, tôi tìm được hạnh phúc mới, gắn bó với gia đình mới. Cứ như vậy… Nhưng rồi có những lúc tôi bần thần nghĩ, nếu mình ở Việt Nam giờ này, mình sẽ đưa mẹ đi chợ, đưa ba đi du lịch… Cái kiểu con gái lấy chồng xa nó như vậy…

- Chị thường nhớ những gì về gia đình mình?

- Tôi nhớ thời thơ ấu. Ngày đó chúng tôi vất vả khủng khiếp, chỉ mơ ước có một cuộc sống đủ đầy thôi. Gia đình tôi lập một gánh hát có 5 thành viên, ba đánh trống, anh trai đàn ghita… chị hai là ca sĩ và Hồng Ngọc cũng là một "ca sĩ nhí". Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào gánh hát của gia đình nhưng ba tôi vẫn có nghề tay trái là sửa chữa xe đạp. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ rất nhiều trong cuộc đời tôi. Có những lúc cả nhà cùng đi biểu diễn bằng… xe bò, tôi nhớ lúc đó mỗi show được 120 nghìn đồng, mà 60 nghìn là có thể mua được một bao cám cho heo rồi. Tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc, bố mẹ tôi luôn hướng con theo nghề ca hát và cho con thấy được thực tế cuộc sống vất vả và cực khổ thế nào. Nhưng cũng chính những điều đó mà mấy anh chị em tôi - dù không phải ai cũng thật sự thành công trong cuộc sống - đều trân trọng những giá trị của cuộc sống của mình.

Sau đó, xuống Sài Gòn, ba tôi cũng chở tôi đi hát chỗ này chỗ kia, một vài sân khấu cải lương, tụ điểm… Một ngày, có một người giới thiệu cho tôi tới đoàn hát để đi diễn chuyên nghiệp. Tôi đã thức suốt đêm vì hạnh phúc, bởi vì đây là lần đầu tiên tôi được hát chung sân khấu với những nghệ sỹ lớn. Sáng sau, ba tôi chở tôi xuống Thảo Cầm Viên ở quận 1. Hai ba con ngồi chờ từ sáng tới hơn 1h chiều, mãi chẳng thấy cái người giới thiệu mình đâu. Tôi bồn chồn lo lắng, thấy các ca sỹ đã đến đủ cả, để chuẩn bị lên xe đi diễn lưu động.

Cuối cùng thì người giới thiệu cũng tới, và nói với tôi rằng đoàn đã đủ ca sỹ rồi, không nhận tôi hát nữa. Tôi chết lặng và cảm thấy tủi thân khủng khiếp. Ba tôi đưa tôi ra bến Bạch Đằng uống nước trái dừa. Tôi khóc như mưa như gió. Lần đầu tiên tôi hiểu nỗi cay đắng của một người muốn đeo đuổi nghiệp ca sỹ mà không có cơ hội. Ba tôi nói, con thấy không, có rất nhiều người như con, họ có đam mê nhưng không có cơ hội và không phải ai cũng có thể trở thành ca sỹ. Nhưng nếu con đam mê, thì con phải chấp nhận sự phũ phàng đó, để tìm lối đi cho riêng mình. Đó có thể nói là động lực duy nhất giúp tôi không bỏ nghề khi đó. Về sau, tôi vẫn nhớ hoài buổi chiều đó, nó giúp tôi không ảo tưởng với nghề…

- Nhiều ca sỹ Việt Nam qua Mỹ đi hát với quan niệm là đi kiếm tiền, hát sòng bài là chủ yếu. Với chị thì thế nào?

- Tôi rất yêu tiền, vì tôi từng rất vất vả để kiếm ra nó. Nhưng không nhiều người được mời đi hát, dù là hát ở sòng bài, bạn ạ. Tôi nghĩ hát ở đâu có khán giả và được ủng hộ mới là điều quan trọng. Tôi có khán giả của mình và tôi cũng đi hát để kiếm tiền. Nhưng tiền kiếm chẳng biết khi nào mới đủ, cái quan trọng hơn là phải kiếm những đồng tiền xứng đáng và vẫn được hát trong sự trân trọng yêu thương của mọi người!

- Xin cảm ơn chị!

PV (thực hiện)
.
.
.