Ca sỹ Lê Ngọc Thúy: Muốn đi đường dài với âm nhạc

Chủ Nhật, 16/09/2018, 11:38
Sinh năm 1995 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, đoạt danh hiệu Á khôi tại cuộc thi Duyên dáng áo dài 2017, Lê Ngọc Thúy - cô sinh viên năm thứ 4 Nhạc viện TP Hồ Chí Minh lại mong muốn được khán giả nhìn nhận dưới vai trò là một ca sĩ. Thúy nói, ngay từ bé, Thúy đã mơ ước sau này trở thành một ca sĩ "chuyên trị" dòng nhạc quê hương.


Không muốn trông cậy cả đời vào danh hiệu

- Có không ít người cảm thấy vui và hào hứng khi được gọi là hoa hậu, hoa khôi, á khôi. Lê Ngọc Thúy hình như không mặn mà với điều này?

+ Không phải đâu. Có một danh hiệu như thế cũng hạnh phúc và vui lắm; song, đó là câu chuyện của năm ngoái rồi. Tôi rất cảm ơn vì nhờ danh hiệu đó, cái tên Lê Ngọc Thúy đến được với nhiều người; nhưng tôi cũng không thể trông cậy vào đó cả đời được. Hơn nữa, đoạt danh hiệu người đẹp rồi tiến vào showbiz cũng chưa bao giờ là ước mơ của tôi.

- Đó có phải là lí do mà bạn từ chối lời mời tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018?

+ Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đúng là có lời mời tới tôi, song tôi đã cảm ơn và xin từ chối. Không biết những người khác ra sao, nhưng với bản thân mình, tôi không hứng thú với các cuộc thi nhan sắc lắm, một danh hiệu đã là quá đủ rồi. Hơn nữa, tham gia cuộc thi này mất rất nhiều thời gian. Sau "Duyên dáng áo dài 2017", đi đâu người ta cũng "đính" thêm mác "Á khôi" vào trước tên Lê Ngọc Thúy.

Nhiều người chỉ biết tôi là "Á khôi" chứ không biết tôi là ca sĩ dù tôi đã đi hát mấy năm rồi. Thú thực lúc đó, tôi cảm thấy khá bùi ngùi, thậm chí hơi buồn nữa vì ca hát mới là đam mê lớn nhất của tôi. Nhưng sau nghĩ lại, có lẽ, tiếng hát của mình chưa chạm được tới nhiều người. Tôi tự nhủ, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Song song với học ở Nhạc viện, tôi có luyện thanh thêm bên ngoài để trau dồi giọng hát của mình là vì thế.

- Ước mơ trở thành ca sĩ của bạn được bắt đầu như thế nào?

+ Tôi xuất thân từ một miền quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ bé, những làn điệu dân ca trữ tình, những ca khúc quê hương do NSND Thu Hiền, NSƯT Tố Nga thể hiện đã ăn sâu vào máu của tôi một cách hết sức tự nhiên. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cảnh bố mẹ đi làm, tôi ở nhà đứng trước gương hát như thế nào. Ngày đó, tôi đã tự nói với mình rằng, sau này lớn lên, tôi muốn trở thành một ca sĩ.

- Nhưng tôi nhớ không nhầm, thế hệ tôi và đến thế hệ của bạn, đa phần đều mơ ước trở thành giáo viên, bộ đội, bác sĩ… giống như bố mẹ kì vọng…

+ Đúng là, đời không như là mơ. Khi tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ trên trường thì nhiều người khen tôi hát hay, nhưng khi tôi bày tỏ ước mơ ca sĩ của mình, ai cũng khuyên can tôi. Trong suy nghĩ của gia đình, thầy cô, bạn bè khi đó, ca sĩ là nghề "xướng ca vô loài". 

Bố mẹ tôi muốn con gái có một công việc hành chính, nhàn hạ, ổn định. Tới khi làm hồ sơ thi đại học, không giống các bạn, tôi đăng ký 2 trường là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Tôi trở thành một "người kì lạ", "không bình thường", "ảo tưởng" trong mắt mọi người. Từ một đứa nhiều bạn, tự nhiên bị cô lập, xe hỏng dọc đường cũng không ai giúp… 

Khoảng thời gian đó thực sự rất khó khăn, nhưng tôi  nghĩ rằng, nếu chỉ vì những khó khăn đó mà mình bỏ cuộc thì buồn quá. Sau khi nhận giấy báo trúng tuyển Đại học của 2 trường và quyết định chọn Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, đi hát vài năm rồi phát động các chương trình từ thiện cho trường cấp 3 cũ cũng như các chương trình hướng về miền Trung, mọi người mới dần thay đổi suy nghĩ về tôi cũng như định kiến về nghe ca sĩ. Sau này ở quê tôi, có không ít bạn đã mạnh dạn chọn các nghề thiên về nghệ thuật để theo đuổi. 

Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó. Đó cũng là bài học lớn theo tôi tới tận bây giờ, nó nhắc nhở mình rằng, con đường mình đi sẽ còn nhiều vất vả, thách thức nhưng chỉ cần mình kiên trì và cố gắng, không có gì là không thể. 

Từ đầu đã phải lòng nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca

- Và dòng nhạc mà bạn theo đuổi lại là nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca?

+ Đúng vậy. Đây là dòng nhạc gần gũi với tâm hồn tôi. Được đào tạo thanh nhạc bài bản, có thể hát được nhiều loại nhạc khác nhau như nhạc trẻ, bolero… nhưng chỉ khi hát nhạc dân ca, tôi mới thấy tự tin nhất, sung sướng nhất, đã đời nhất. Có lẽ ngay từ lúc đầu, tôi đã "phải lòng" nó rồi. 

- Điều gì ở dòng nhạc này hấp dẫn Thúy?

+ Bên cạnh ca từ giản dị, mượt mà, dễ đi sâu vào lòng người, mỗi khi hát những ca khúc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca, tôi thấy hình ảnh mình, gia đình, quê hương, những gì thân thuộc nhất của mình trong đó. Còn điều gì ý nghĩa hơn thế nữa? Hơn nữa, các ca khúc thuộc dòng này đều truyền tải những thông điệp ý nghĩa, giàu nhân sinh. Chẳng hạn như ca khúc "Nhớ mẹ", tôi biết qúy trọng bố mẹ mình hơn. Nhạc quê hương dạy tôi bài học thành người. Tôi quý giai điệu, quý cái tình trong bài hát là vì thế.

- Nhưng tại sao bạn chọn dòng này mà lại… Nam tiến. Miền Bắc có lẽ hợp hơn chứ? Ở ngoài đó, dòng nhạc này khá phổ biến và chúng ta có những nghệ sỹ vẫn sống được với con đường này?

+ Miền Bắc đúng là "thánh đường" của nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca, nhưng không có nghĩa ở miền Nam nó không có đất sống. Tôi tin rằng, kể cả ở TP.Hồ Chí Minh, vẫn có một bộ phận khán giả (dẫu không phải là đông đảo quá) thích nghe dòng nhạc này. 

Và thực tế đi hát mấy năm qua đã chứng mình rằng, Lê Ngọc Thúy không nói suông. Nếu không, tôi đã từ bỏ lâu rồi. Hơn nữa, tôi tin rằng, trong mỗi chúng ta, ai cũng có quê hương trong lòng. Đó là hai chữ không bao giờ "cạn" theo năm tháng.

- Nhưng trong dòng nhạc này, chúng ta đã có những "tượng đài" rồi. Dễ gì bạn vượt qua…

+ Ngay từ đầu, tôi đã xác định mình theo con đường này không phải vì tham vọng vượt qua một tượng đài nào. Tôi gìn giữ, trân trọng và nuôi dưỡng đam mê vì chính bản thân tôi, chứ không vì một ai khác. Mà tôi cũng tự hỏi, dòng nhạc nào mà chẳng có tượng đài, nói gì nhạc trữ tình quê hương? Nếu chỉ vì những tượng đài sừng sững đó mà thế hệ trẻ trẻ nản lòng, sớm từ bỏ, phải chăng các dòng nhạc đã bị đứt gãy từ lâu? 

Nhưng đâu phải. Sau thế hệ danh ca Hương Lan, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa,… chúng ta có thế hệ Anh Thơ, Quang Linh, Trọng Tấn; sau nữa có Tân Nhàn, Bùi Lê Mận, Đăng Thuật…  Cái hay của âm nhạc là ở chỗ đó. Nó luôn vận động và phát triển không ngừng. Sự tiếp nối của thế hệ trẻ bằng những câu chuyện ngày hôm nay sẽ làm giàu có hơn vốn âm nhạc của dân tộc, của cha ông.

- Có nhan sắc, có danh hiệu, lại rất trẻ, sao Thúy không tranh thủ chiêu trò để được nổi tiếng?

+ Tôi vẫn nghĩ bản chất của chiêu trò không xấu, xấu hay không xấu là do cách người ta sử dụng nó mà thôi. Còn sự nổi tiếng, cũng hấp dẫn lắm. Nhất là với người trẻ, ai mà chẳng bị nó quyến rũ. Song, sự nổi tiếng của một bước trở thành sao, sau một đêm trở thành thần tượng… hay được bồi đắp dần bằng chuyên môn và chinh phục khán giả bằng thực lực, đó là câu chuyện khác. Tôi mới 23 tuổi. Con đường phía trước còn rất dài và tôi muốn đi lâu với đam mê của mình.

- Sau MV "Nhớ mẹ", Thúy có dự định gì?

+ Tôi cùng cộng sự của mình đang hoàn thiện nốt album để kịp ra mắt dịp Tết 2019 này. Đó là một album nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca và ngập tràn không khí Xuân. Song song với việc đi hát, tiếp tục chương trình từ thiện Ấm tình quê hương hằng năm như một cách tri ân quê hương nơi tôi đã sinh ra và lớn lên cũng như các hoạt động do Đoàn Thanh niên phát động, ví dụ như chương trình Chủ Nhật đỏ hằng năm của báo Tiền phong…

- Cảm ơn Ngọc Thúy.

Cốc Vũ (thực hiện)
.
.
.