Ca sỹ Ngọc Quy: Hát từ chuyện tình

Thứ Hai, 05/12/2016, 12:51
Có một lần MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nói rằng, Ngọc Quy là người có giọng baritone (nam trung – PV) mà anh thích nhất hiện nay. Tôi nghe loáng thoáng và biết thế. Cho tới một lần, tôi được nghe chính chất baritone ấy cất lên ở Hi-end café với ca khúc “Koibito Yo” (tạm dịch: “Người yêu dấu ơi”) – một tình khúc Nhật Bản nổi tiếng…


Nằm ở giữa giọng nam cao và giọng nam trầm, chất baritone giúp Ngọc Quy đẩy cảm xúc lên cao hoặc buông nhả một cách tự nhiên, không gượng gạo. Cùng với nét giọng vừa dày ấm, vừa lãng mạn, vừa chân phương, Ngọc Quy đã làm sống lại một loạt bản nhạc tình với một tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái.

Anh bảo, anh thích sự thoải mái. Thông qua âm nhạc, anh muốn truyền sự nhẹ nhõm ấy đến khán giả của mình cho dù đó là những bài tình ca buồn. Anh muốn mỗi ngày đều là một ngày mới và mỗi người đều có cho riêng mình một ngày trọn vẹn của đời sống. Và người với người, trao cho nhau những thiện cảm, nồng ấm.

Có lẽ, sự nhẹ nhõm ấy đã làm nên chất giọng thính phòng – trữ tình Ngọc Quy, làm cho tiếng hát của anh “chạm” vào được những bản tình ca và thuộc về những bản tình ca.

Năm 2006, Ngọc Quy tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) mà vẫn mù mờ, không biết mình thích gì, sẽ đi ra sao.

Giữa lúc mất phương hướng ấy, anh tình cờ nghe được II Divo – một nhóm nhạc nổi tiếng theo phong cách pop-opera, sau này thêm Michael Butler hát như chơi mà lại rất sang trọng, phiêu linh. Ngọc Quy “vỡ” ra con đường mình muốn đi.

Đó là vẫn hát bằng hơi thở của mình, vẫn hát bằng sự cổ điển chuẩn mực trong giọng hát của mình nhưng pha trộn âm thanh cho phù hợp và theo một tinh thần mới.

Với anh, âm nhạc nói riêng hay văn hóa nói chung là bề mặt của xã hội. Sần sùi hay đẹp đẽ cũng từ trong nội tại mà ra. Và người ca sỹ khi hát những điều thật lòng, khán giả sẽ đón nhận, không bao giờ rời bỏ mình.

Người ca sỹ luôn lấy khán giả làm trung tâm. Khán giả có thương quý, có ủng hộ, ca sỹ mới có cơ hội để chơi, để trải lòng. Ngọc Quy nói đó là một thứ ơn huệ đặc biệt.

Và cho đến lúc này, anh không giàu có về vật chất nhưng được vùng vẫy với những điều mình muốn, có khán giả yêu quý, có đất để diễn và không có cảm giác bị bội bạc trong nghề. Đó là may mắn của một người lỡ theo kiếp cầm ca.

Giữa thời đại nhạc số lên ngôi, Ngọc Quy và những người bạn của mình vẫn kiên trì con đường cổ điển. Đẹp và sang. Bây giờ, đời sống hưởng thụ cá nhân trôi qua nhanh quá, con người ta chẳng kịp nghĩ, chẳng kịp thích thì giây phút đã nối nhau trôi qua mất rồi. Anh không muốn trôi.

Vì thế, anh ở lại với những bản nhạc tình. Ở lại trong thế giới thính phòng được trữ tình hóa ít nhiều để chạm vào những khoảnh khắc đã qua. Hát cho người cũng là hát cho đời sống sang sông, cho người yêu người mê mải.

Tôi hỏi anh có đang chơi trội khi đi một con đường sang trọng như thế này? Ngọc Quy nói rằng, nói thế thì đề cao anh quá. Anh chẳng là cái gì cả nếu không có âm nhạc và những khán giả có tấm lòng thịnh tình dành cho nghệ sỹ đa mang. Anh không chơi trội, càng không muốn một ngày mình trở nên thích chơi trội. Thế là không thực thà.

Ngọc Quy cảm thấy khi mình hát âm nhạc trữ tình và được khán giả sang trọng dành cho mình những tình cảm sang trọng.

Một người không bội bạc tiếng hát lời ca của mình, một người không bội bạc khán giả của mình – thế là hạnh phúc và thôi thế cũng là đủ. Anh thích sự vừa vặn đó, thích cảm giác thuộc về đó.

Vốn là học trò cưng của NSND Quý Dương, nhiều người đã kỳ vọng Ngọc Quy sẽ trở thành cái tên sáng giá của dòng thính phòng theo hướng cổ điển hoặc nhạc cách mạng.

Nhưng rồi, nhạc trữ tình đã níu chân anh như một định mệnh. Để rồi sau đó, anh bỏ cả Hà Nội, đưa gia đình vào TP Hồ Chí Minh bắt đầu lại từ đầu và trở thành cái tên đắt giá tại các phòng trà nổi tiếng của xứ này.

Tôi hỏi, anh đã một lần nuối tiếc vì quyết định đó? Chưa từng một lần. Anh nói, phải duyên lắm, phải có phước lắm, con người ta mới hiểu được mình muốn gì, thích gì. Đến cả cái phước ấy cũng bỏ thì đời mình sẽ ra sao, mình là người như thế nào. Đó là phúc phần. Mình ôm lấy nó cũng là đang ôm thứ hạnh phúc hiện hữu.

Anh bảo, đời người như “Nắng chiều rực rỡ”: “Em có thấy không nắng chiều rực rỡ/ Em có thấy không nắng đẹp còn đó/… Cuộc tình anh với em, chỉ còn giây phút thôi/ Thì tình xin cứ coi là nghìn tia nắng rọi…”.

Trong thời khắc chia lìa sự sống ấy, con người chiêm nghiệm được nhiều điều. Cuộc đời vô thường, có sinh lão bệnh tử. Trong giây phút cận kề giữa hai thế giới ấy, lòng yêu người, yêu đời vẫn còn đó. Cũng như những vạt nắng của buổi chiều sẽ còn rực rỡ cho đến những tia nắng cuối cùng.

Ca sĩ Ngọc Quy vừa tổ chức Live show ra mắt album mới nhất của mình.

Mới đây, Ngọc Quy vừa ra mắt album “Chuyện tình” (Love Story) với câu đề từ “Love means never having to say youre sorry (dịch: Tình yêu nghĩa là không bao giờ nói nuối tiếc). 

Nếu album “Nắng chiều rực rỡ” phát hành năm 2013 mang không khí bán cổ điển dựa trên những bản nhạc tình nổi tiếng của Việt Nam như “Nắng chiều rực rỡ” (Phạm Duy), “Mộng dưới hoa” (nhạc Phạm Đình Chương – thơ Đinh Hùng), “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng), “Nỗi lòng người đi” (Anh Bằng), “Cô đơn” (Nguyễn Ánh 9)… thì “Chuyện tình” mang nhiều màu sắc hơn với những tình khúc quốc tế nổi tiếng như “Bài ngợi ca tình yêu” (“Chanson Dorphee” – Nhạc: Louis Bonfa/ Lời Việt: Phạm Duy), “The Prayer” (David Foster), “Trở về Suriento” (“Comt back Suriento” – Nhạc: Ernesto De Curis/ Lời Việt: Trung Kiên), “Người yêu dấu ơi” (“Koibito Yo” – Nhạc: Itsuwa Mayumi/ Lời Việt: Lữ Liên), “Chuyện tình” (“Love story” – Nhạc & lời: Andy Williams/ Lời Việt: Phạm Duy…

Album này tập hợp những ca khúc đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới và được hát bằng 5 ngôn ngữ, gồm: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Italia, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật.

Điều thú vị là mỗi ca khúc sẽ mang trong đó âm hưởng đặc trưng xứ sở mà nó xuất phát hoặc không gian mà từ đó ca khúc ra đời. Người nghe dễ dàng bắt gặp lại ca khúc nhạc Pháp “Chanson dOrphée (lời Việt của Phạm Duy là Bài ngợi ca tình yêu) vốn xuất xứ từ Brazil, trong phim “Black Orpheus” lần này được vang lên với âm hưởng bossa nova đặc trưng; bài “Besame Mucho” (Yêu nhau đi) với điệu bolero nguyên thủy của xứ Brazil.

Đặc biệt, phải kể đến “Trở về Surriento” trước nay vẫn được biểu diễn chủ yếu bằng phong cách cổ điển thì lần này trở về với không gian ban đầu là điệu flamenco Nam Âu mang dấu ấn của vùng Napoli (Italia)…

Ngọc Quy cho biết, âm nhạc của album này mang nhiều tính hoài cổ xen với màu sắc âm nhạc hoài niệm như bán cổ điển, smooth jazz hay các thể loại mang tính hương xa đặc trưng vùng miền.

“Chuyện tình” vì thế thích hợp với những người yêu các giá trị âm nhạc kinh điển, thích nghe nhạc theo lối truyền thống để cảm nhận được sự đa chiều của âm nhạc, đến từ bản thân ca khúc, giọng hát ca sỹ, lối hòa âm và nhất là chất lượng âm thanh.  

Mấy chục năm trời lăn lộn trong đời sống, tình yêu thương hẳn phai nhạt đôi phần. Tôi hỏi, Ngọc Quy bây giờ còn yêu nữa không? Còn chứ. Lúc nào cũng thấy trái tim mình đầy tình yêu, yêu đời, yêu người nên Ngọc Quy vẫn còn hát tình ca. Anh muốn truyền năng lượng đó đến người nghe của mình.

Có lẽ vì thế, trong album “Nắng chiều rực rỡ”, anh chọn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn) và trong “Chuyện tình” chọn “Bài ngợi ca tình yêu” để bắt đầu câu chuyện.

Khi Ngọc Quy chọn tình yêu để khởi sinh tiếng hát thì tiếng hát ấy là một tiếng hát chia sẻ. Anh hát cho mình, cũng là hát cho người. Để không qua đi vội những “giấc mơ đời hư ảo”. Thế giới âm nhạc ấy, ngay từ khi bắt đầu, cũng chỉ có một chữ. Đó là chữ “tình”.

Du Nguyên
.
.
.