Cái bóng Barack Obama sẽ là "bùa hộ mệnh"?

Thứ Hai, 18/03/2013, 12:47

Ngày 4/3 vừa qua, ông Malik Obama, người anh trai cùng cha, khác mẹ của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham gia tranh cử vị trí Thống đốc hạt Siaya ở Kenya. Đây là lần đầu tiên ông tham gia chính trường. Nhiều thông tin cho rằng, với kinh nghiệm chính trường non trẻ thì mối quan hệ máu mủ với Tổng thống Mỹ là cơ sở duy nhất để người đàn ông này có thể hy vọng giành được chiến thắng.

"Barak Obama đã truyền cảm hứng cho tôi"

Ông Malik Obama là một người ứng cử tự do, 55 tuổi, là anh trai cùng cha, khác mẹ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cha của ông Obama có ít nhất 6 người con tại quê hương Kenya. Trước đó, ông Malik Obama được biết đến với tư cách là anh trai của Tổng thống Mỹ Barack Obama và những chuyện lùm xùm xung quanh việc người vợ thứ 3 của ông - cô Sheila Anyango bỏ học năm 19 tuổi để được kết hôn với người đàn ông hơn mình 33 tuổi.

Trả lời hãng tin AP về quyết định tham gia chính trường của mình, ông Malik nói rằng có sự ảnh hưởng rất lớn từ người em trai Barack Obama. "Khi nhìn vào sự thành công mà em trai đạt được ở Mỹ, tôi cảm thấy mình có khả năng và trách nhiệm góp phần chấm dứt khổ đau của người dân thông qua sự lãnh đạo tận tụy, trung thực và tập trung". "Tôi sẽ tham gia cuộc tranh cử với cái tên Malik Obama", ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo giới. "Tôi không thể làm khác được với cái tên của mình, những mối quan hệ trong gia đình. Tôi có cảm giác rằng, mọi người đang muốn nhìn thấy người anh trai của Obama là ai".

Ông Malik Obama vốn là một nhà kinh tế và không có kinh nghiệm về chính trị. Chính vì thế, mối quan hệ của ông với Tổng thống Mỹ được cho là một phần quan trọng để phủ lấp đi những thiếu hụt của Malik. The Star, một tờ báo tiếng Anh có trụ sở tại Nairobi chỉ trích rằng, Malik không thoát ra được cái bóng quá lớn của người em trai. Trong khi đó, ông Malik Obama khẳng định, mối quan hệ của ông với Nhà Trắng sẽ giúp nước này giải quyết nhiều vấn đề cấp bách ở Kenya.

Tổng thống Mỹ rất được yêu thích ở Kenya và mối quan hệ máu mủ này có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ông Malik trong cuộc bầu cử. Những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn được người dân Kenya đặc biệt quan tâm theo dõi.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đã được báo giới ở Nairobi mô tả như sau: "Dân làng bị kích động, họ chờ đợi trong sự sợ hãi và hồi hộp, đôi tai của họ dán vào radio để cập nhật những thông tin mới nhất về diễn biến cuộc bầu cử". Ông Malik Obama nói với phóng viên tờ GlobalPost rằng, "em trai tôi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, một trong số họ là chính tôi".

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, Malik Obama không phải là ứng cử viên duy nhất có quan hệ với những chính trị gia nổi tiếng. Ông Oburu Odinga, em trai của Thủ tướng Kenya Raila Odinga cũng có mặt trong danh sách những ứng viên tiềm năng. Bên cạnh đó, ông Malik Obama cũng đang đối mặt với nhiều ứng viên khác là thành viên của các đảng giàu có.

Chiến lược tranh cử là "Sự thay đổi"

Chiến dịch tranh cử của ông Malik Obama cũng có nhiều nét tương đồng với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama đó là sự thay đổi. Nền tảng trong chiến dịch tranh cử của ông là xoá đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa.

"Siaya là một nơi đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn, từ việc cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu đến nghèo đói, những nhà lãnh đạo yếu kém. Tôi sẽ thay đổi những vấn đề này nếu tôi trúng cử. Tôi hy vọng, các bạn sẽ bỏ phiếu cho tôi để chúng tôi có thể mang lại sự thay đổi tích cực", ông Obama nói tại một điểm vận động tranh cử vào tuần trước".

Kenya tiến hành cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 4/3 để bầu ra các vị trí quan trọng của đất nước. Kenya hy vọng sẽ tránh lặp lại bạo lực sau cuộc bầu cử khiến hàng ngàn người chết trong cuộc bỏ phiếu quốc gia năm 2007. Tuy nhiên, ông Gullet Ábbas, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Kennya đã cảnh báo rằng, tháng 8/2012 vừa qua, đã có ít nhất 200 người chết trong bạo lực trước bầu cử.

"Đó là về thống đốc, mối quan hệ giữa các thượng nghị sỹ, các thành viên của quốc hội, đại diện phụ nữ và ranh giới giữa các cộng đồng trong xã hội đã cùng tồn tại trong nhiều thế kỷ", ông Gullet Ábbas nói với Hãng tin Associated Press. Ông Gullet nói thêm rằng, hai trong số bốn cuộc bầu cử tại Kenya kể từ năm 1992 đã bị hoen ố bởi bạo lực

Mạnh Tường
.
.
.