Họa sỹ Thăng Fly:

Cần nhìn nhận đúng vai trò của truyện tranh

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:07
Sở hữu fanpage gần 1 triệu lượt người theo dõi, Thăng Fly đang là cái tên "hot" của giới truyện tranh Việt Nam hiện nay. Trong những ngày đầu năm mới, PV Chuyên đề CSTC đã có cuộc trò chuyện với chủ nhân của cơn sốt Pikalong đang tràn ngập mạng xã hội.


- Trong vài năm gần đây, có một số tác phẩm truyện tranh được xuất bản, hoặc một số họa sỹ truyện tranh được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung, truyện tranh dường như vẫn "lép vế" so với các ngành công nghiệp văn hóa khác?

+ Nó đang phát triển đấy chứ! Khi nói tới truyện tranh, chúng ta không thể tách nó ra khỏi mảng truyền thông và xuất bản được. Truyện tranh là một mặt trong tổng thể bức tranh đó. Chẳng hạn, nếu để ý, có thể thấy, gần đây, chúng ta có nhiều đầu sách được xuất bản hơn, có nhiều tác giả xuất hiện hơn. Khoan bàn tới chất lượng, chỉ nói riêng về số lượng thôi, cũng đủ thấy rồi.

Nếu không phát triển, thì in nhiều sách như thế làm gì? Trong xuất bản, sách bán được thì các nhà phát hành mới tự tin đầu tư in và phát hành tiếp chứ? Hay như mảng truyền thông, thấy các đơn vị lớn chạy content (nội dung) về hình ảnh hiệu quả thì họ mới bỏ tiền đi thuê họa sỹ tiếp chứ? Tôi cho rằng, bản thân truyện tranh không thể tách ra được bức tranh đó và độc giả cũng muốn nhìn thấy họ trong bức tranh tổng thể đó. Khi truyền thông, văn học, xuất bản phát triển, nghiễm nhiên, cũng kéo theo truyện tranh phát triển.

- Chẳng lẽ, tự bản thân nó không thể phát triển với tư cách một ngành độc lập?

+ Tôi nghĩ, khó tách riêng ra được trong bức tranh văn hóa chung. Mọi thứ trong cuộc sống này liên quan đến nhau không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác. Tất nhiên, để truyện tranh Việt Nam "sánh vai" với các cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ còn rất lâu nữa. Không thể nói ngày một ngày hai là phát triển ngang họ được.

- Nhưng ngay cả trong bức tranh công nghiệp văn hóa trong nước, so với điện ảnh, âm nhạc…, truyện tranh vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều người vẫn xem truyện tranh là thứ văn hóa bình dân đấy thôi…

+ So với các nước phát triển, ở nước ta hiện nay đúng là truyện tranh chưa được nhìn nhận đúng vai trò của nó. Có những nước, người ta còn biết biến những sản phẩm truyện tranh thành biểu tượng văn hóa của họ. Như ở Nhật, họ biết nâng hình ảnh Doraemon thành biểu tượng văn hóa của đất nước họ, bên cạnh trà đạo, bên cạnh tinh thần võ sĩ đạo samurai… Hay một ví dụ khác có thể kể ra đây là Marvel Comics  hay DC Comics. - hai công ty chuyên xuất bản truyện tranh của Mỹ.

Với các nhân vật hư cấu nổi tiếng như Spider-Man, Iron Man, các X-Men, Wolverine, Hulk, Fantastic Four, Captain America, Ghost Rider, Doctor Strange,… đây trở thành hai trong những đế chế mạnh nhất biến truyện tranh thành một điều gì đó ám ảnh nhiều thế hệ trên khắp thế giới.

- Vì sao vậy?

+ Người ta phát triển ngành này từ lâu rồi. Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển. Chúng ta không thể một bước nhảy vọt được. Cái gì cũng có quá trình của nó. Ở các nước phát triển, đội ngũ họa sỹ được sự ủng hộ lớn từ chính quyền cho tới xã hội. Họ được tạo nhiều điều kiện để phát triển và họ xem truyện tranh là một trong những mũi nhọn để phát triển đất nước, bên cạnh kinh tế, xã hội…

Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ dần dần thay đổi thôi. Tôi nghĩ, để phát triển, chúng ta cần ít nhất 5 năm nữa.

- Nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng, hiện nay ở nước ta, chưa có tác phẩm truyện tranh nào hấp dẫn như vậy… Truyện tranh chưa được quan tâm đúng mức thì rõ rồi nhưng tài năng của các họa sỹ trẻ cũng có hạn…

+ Chúng ta chưa có truyện tranh nào hấp dẫn như Doreamon hay Spider-Man, X-Men… Chúng ta cũng chưa có những người để mắt tới truyện tranh và chuyển thể truyện tranh thành các tác phẩm điện ảnh. Câu chuyện ở đây là người ta phải nhận thức được vai trò của nó thì người ta mới đầu tư cho nó được. Chỉ khi đó, họa sỹ mới có "đất" để thỏa sức vẫy vùng.

Pikalong - cơn sốt do Thăng Fly tạo ra vào năm 2016 đến nay vẫn chưa giảm nhiệt.

Còn nói về những họa sỹ trẻ của Việt Nam hiện nay, không phải là không có những người tài. Bộ "Địa Ngục Môn" của tác giả Can Tiểu Hy (tên thật là Phan Cao Hà My) đoạt giải bạc cuộc thi Truyện tranh quốc tế International Manga Award lần thứ 10 tại Nhật Bản vào tháng 2 năm ngoái, hay truyện tranh "Long Thần Tướng" tập 1 nhóm Phong Dương Comic đoạt giải bạc của Giải Truyện tranh Quốc tế lần thứ 9 do Nhật Bản tổ chức vào cuối năm ngoái… là hai minh chứng cho thấy, khi mang "chuông đi đánh xứ người", lại là Nhật Bản - một trong những đất nước của truyện tranh, các tác giả Việt Nam cũng đâu hề thua kém.

- Tôi còn nhớ, ở thế hệ tôi và bạn, chúng ta đã từng có "Thần đồng Đất Việt" làm mưa làm gió thị trường. Không ai lớn lên mà không biết tới bộ truyện tranh này. Thậm chí, có 5 nhà xuất bản ở Mỹ còn để mắt mua bản quyền. Thế nhưng, sau đó, câu chuyện có vẻ chìm đi cho tới mấy năm trở lại đây, truyện tranh mới khởi sắc trở lại?

+ Sau cái thời "Thần đồng Đất Việt" làm mưa làm gió hơn 15 năm trước, truyện tranh Việt Nam có một giai đoạn chững lại, yên ắng hơn. Thời đó, thế hệ họa sỹ đàn anh (chủ yếu đầu 8x) cũng loay hoay giữa các chọn lựa, giá trị. Khi ấy, cái tên "Thần đồng Đất Việt" trở thành một giới hạn khả năng sáng tạo của các anh. Họ muốn tìm làm những cái mới, họ tách ra tìm hướng đi mới.

Ở thời kỳ chuyển giao đó, crowdfunding (góp vốn cộng đồng) được xem như một lựa chọn. Tất nhiên bây giờ, hình thức này cũng đi vào thoái trào ở Việt Nam. Nhưng, ở thời điểm đó, crowdfunding đã giúp một số người xuất bản được tác phẩm.

Thậm chí, sau đó, các họa sỹ còn đứng ra tạo lập cộng đồng của mình. Tự tìm kiếm độc giả, tự phát hành sản phẩm của mình mà không phải qua một đơn vị trung gian gián tiếp nào khác. Theo đó, mấy năm trở lại đây, người ta chú ý tới truyện tranh nhiều hơn. Những cuốn sách truyện tranh, những tác giả truyện tranh được người ta nhắc đến nhiều hơn. Báo chí, truyền thông cũng để ý nhiều hơn.

- Ở Việt Nam, người ta hay mặc định truyện tranh dành cho trẻ em. Thế nhưng, những cái tên như Thăng Fly, Thành Phong, Khánh Dương… đều là những tác giả truyện tranh cho người lớn đấy chứ?

+ Thực ra, họa sỹ truyện tranh vẽ cho người lớn đọc là chủ yếu. Ít người vẽ cho trẻ em lắm. Vẽ cho trẻ em tưởng dễ nhưng hóa ra lại khó. Thế hệ họa sỹ truyện tranh trẻ hiện nay, chắc phải bước sang 30, 40, 50 tuổi, khi có gia đình, có con cái, mới vẽ được cho trẻ em. Bây giờ mà vẽ thì khiên cưỡng. Toàn nhét âm mưu và tình yêu vào truyện. Vẽ cho trẻ em, cần trong sáng, tự nhiên hơn.

- Hiện nay, để thích ứng với các câu chuyện thời sự, để thích ứng được thị hiếu các bạn trẻ, các họa sỹ cũng đã tự thay đổi mình để phù hợp hơn?

+ Ngày xưa, người ta tiếp nhận thông tin một chiều. Tivi thường là kênh duy nhất. Nhưng bây giờ, cùng với mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, ai cũng có thể bày tỏ quan điểm. Intenet cũng đưa một họa sỹ và sản phẩm của họ đến gần khán giả của mình hơn.

Trong khi đó, mọi người đang sống trong một xã hội mà bị các thông tin hot kéo đi. Việc thay đổi để thích ứng hay việc bám sát thời sự là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, cũng không thể khác được. Đối tượng của truyện tranh hiện nay là các bạn trẻ. Họ đang quan tâm những điều như vậy.

- Internet đúng là đã kéo các họa sỹ đến gần công chúng nhưng trên môi trường Internet, nhiều câu chuyện cũng phát sinh và ngày càng phức tạp. Vấn đề bản quyền chẳng hạn…

+ Đúng là Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng mang lại nhiều giá trị đổi thay to lớn nhưng nó cũng nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện bản quyền. Đã có không ít vụ vi phạm bản quyền xảy ra trong thời gian qua. Bản thân Thăng Fly cũng dính phải và câu chuyện kiện tụng với Sunrise ồn ào suốt một thời gian dài.

Ai cũng biết ở Việt Nam, khi một vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền xảy ra, để đi đến một vấn đề pháp lý, rất khó giải quyết. Những nạn nhân nhiều khi lười hoặc không đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của vài năm trước đây. Hiện nay, những công ty lớn rất chú trọng hình ảnh, danh tiếng, cho nên ít nhiều vấn đề bản quyền cũng được xem trọng.

- Dù sao Thăng Fly cũng được người ta biết đến nhiều, chắc bạn sống ổn với nghề. Tôi tự hỏi không biết, những họa sỹ khác trong cộng đồng của bạn, họ có sống được bằng nghề không?

+ Tôi thấy, mọi người đều có con đường riêng của mình. Bên cạnh những người nổi tiếng, cũng có những người không nổi tiếng bằng. Song, nhìn chung, cộng đồng của chúng tôi không còn khó khăn như ngày xưa nữa.

Cách đây 4-5 năm, họa sỹ, thậm chí không đủ tiền trang trải cuộc sống bình thường, nhiều người tỏ ra hoang mang. Họ phải làm rất nhiều công việc khác nhau bên cạnh công việc yêu thích của mình, mới có thể duy trì cuộc sống. Bây giờ, nhiều người vẽ truyện tranh sống được bằng nghề.

- Cảm ơn bạn!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.