Tôi có vài lần được gặp chú Quang Lý, khi thì chú ngồi cùng với nhạc sĩ Phú Quang, khi thì chú ngồi cùng với nhạc sĩ Trần Tiến, khi thì chú ngồi cùng với cánh ca sĩ trẻ. Chú thường mủm mỉm cười mỗi khi có nhà báo hỏi. Và trả lời câu hỏi bao giờ chú cũng rất chậm rãi, khúc triết, nhẹ nhàng, hóm hỉnh.
Nếu cần một bài báo giật gân, câu khách, cần những chi tiết gây tò mò, ép-phê lá cải thì đừng hy vọng vào chú Quang Lý. Đơn giản chú không thích kiểu viết đó, và không bao giờ tự biến mình thành “mồi” cho truyền thông kiểu đó. Chú thích những bài viết sâu sắc về nghề, về tình yêu của người nghệ sĩ dành cho nghệ thuật, cho cuộc đời. Chú chán nản kiểu làm báo lấy hình ảnh mô-li-phê, viết đi viết lại những thứ cũ mèm về nghệ thuật.
Chú Quang Lý từng chia sẻ, chú tuổi con Trâu, tính tình không ưa gây hấn, chỉ biết cặm cụi làm việc và sống chân thật với cảm xúc của mình. Chú trân quý mọi người xung quanh, dù họ lớn nhỏ ra sao, làm công việc nghề nghiệp gì. Chú thích sự lắng nghe hơn là sự phô bày, phô trương khoe mẽ. Có lẽ bởi những tính cách đó mà ai gặp chú Quang Lý lần đầu cũng thấy chú thật dễ thương, dễ mến, dễ gần.
Ai đó nói, nghệ sĩ phải có một khoảng cách đủ xa với khán giả thì mới thiêng, nhưng chú Quang Lý không cảm thấy cần thiết phải như vậy. Ở chú chẳng có sự hào nhoáng nào. Những bóng bẩy thường thấy của người hay đứng trên sân khấu cũng chẳng hiện diện nơi chú. Chú chỉ đơn giản là một người yêu ca hát và hát bằng cả trái tim mình thôi. Mọi thứ khác, chú cứ bình thường giản dị như bao người trong cuộc đời.
Nhạc sĩ Phú Quang là người rất yêu mến NSƯT Quang Lý. Ông nói, có những bài hát của ông, không ai thay thế được Quang Lý. Với chất nhạc trữ tình, giàu biểu cảm của Phú Quang, thì Quang Lý là một sự phù hợp đặc biệt.
Bài hát “Ngọn nến” là một ví dụ. Khi Quang Lý hát lên: “Sao tình yêu còn vương trong mắt em/ Cho ta tiếc một thời xa đến thế...” thì người nghe như muốn khóc. Quang Lý đi thẳng vào trái tim khán giả bằng chính những trải nghiệm và rung cảm của riêng Quang Lý, trong sự gặp gỡ giai điệu của nhạc sĩ. Gần như không có đêm diễn nào của âm nhạc Phú Quang lại vắng bóng Quang Lý.
Nhạc sĩ Trần Tiến thì vừa rưng rưng nghe điện thoại khi nhận tin ca sĩ Quang Lý qua đời, những ngày đầu tháng 12 vừa qua, vừa bảo, không ai hát hay bài hát “Tạm biệt chim én” của ông bằng Quang Lý. Ông yêu quý Quang Lý không chỉ ở giọng hát mà còn cả ở nhân cách sống của Quang Lý. Một người hiền hậu, sống khiêm nhu, làm nghệ thuật đắm say bằng cả con tiim mình, không bao giờ so đo, tính toán.
Trong một cuộc trò chuyện rất lâu với Quang Lý về âm nhạc, chú có nói đại ý rằng, đời chú mọi thứ đều đến rất tự nhiên. Chú chưa khi nào cố gắng để trở thành một ca sĩ. Ca hát là một sự ngẫu nhiên, một tình cờ số phận. Chú nhận ra chú là chính mình trong sự tình cờ đó, và muốn sống dài lâu trong nó. Để có được sự dài lâu đó thì phải khổ luyện, phải lao động hết mình, phải luôn hát trên sân khấu như đó là lần hát cuối cùng. Và tuyệt nhiên không tính toán.
Nghệ thuật sẽ rời bỏ người nghệ sĩ rất nhanh, nếu nó biết rằng nó chỉ là một sự tính toán của người nghệ sĩ. Nếu nó biết rằng nó chỉ là trang sức, là cái cớ để người nghệ sĩ tìm kiếm những thứ vinh hoa vật chất hay danh vọng ảo. Nghệ thuật cuối cùng và đầu tiên phải là sự chia sẻ, an ủi. Sự ngân lên của một trái tim vô tư, không lụy bất cứ điều gì.
Tôi thích cái cách hát của chú Quang Lý. Nó như rượu đã ủ nhiều năm tháng, có men nồng trong đó, nhưng cách nó đi vào lòng người cứ êm dịu như không. Người uống thứ rượu đó chỉ bắt đầu cảm thấy ngấm khi đã uống đủ. Nghĩa là nghe chú Quang Lý hát, bạn phải trôi một quãng rồi, bạn mới chợt nhận ra, mình là dòng nước đang ở giữa biển rồi. Bạn quên mất cái khởi đầu, nhưng bất chợt bạn lại thấy được trước mắt sự mênh mông, rợn ngợp của biển cả. Đó là không gian tuyệt vời của cảm xúc mà chú Quang Lý đã tạo ra.
Trong cách lấy hơi, nhả chữ, nhả tiết tấu của chú Quang Lý luôn có cái gì đó rất thiết tha. Chú gọi lại một niềm yêu đời ngay cả khi bạn đang chán đời và nghe chú hát. Chú nhắc nhở về tình yêu cuộc sống. Rằng chúng ta sinh ra trên đời là để yêu thương cuộc sống này, cháy cạn mình cho cuộc sống này như cây nến, rồi một ngày buông bỏ.
Với chú Quang Lý, nghệ thuật là lay thức, là nâng con người vượt lên trên những cảm xúc tiêu cực, là cung cấp thêm những dinh dưỡng giá trị cho tâm hồn.
Cho nên chú Quang Lý rất dị ứng với kiểu hát mà như hét, như hù dọa. Chú nói, đó không phải là nghệ thuật. Nó có thể là cái gì đó có chức năng giải trí, gây tò mò, gây sốc. Nhưng nó tuyệt đối không nghệ thuật. Nó không mang đến tình yêu. Nó mang đến sự kích động cho tâm trí người nghe, điều đó nhiều phần không lành mạnh.
Nghệ thuật đừng bao giờ hù dọa. Nghệ thuật hãy làm một người tình, đến, ở cạnh, nâng niu, chia sẻ, nâng bạn lên, mở mang cho bạn những chân trời mới, những khoảng không mới trong tâm hồn. Bài hát và người nghệ sĩ phải là một. Bài hát và người nghệ sĩ phải thương yêu nhau, trộn vào nhau, hòa quyện thiết tha, thì cái đẹp mới có thể từ đó lan tỏa đến người nghe.
Ngày hôm nay chúng ta đang nhìn thấy, có rất nhiều khi, người ca sĩ hát mà họ thực sự không ở trong bài hát. Họ cũng không làm bạn với bài hát. Họ chối từ bài hát, cho dù âm thanh vẫn ngân lên trong cổ họng của họ. Người ta ngụy cái bản ngã giả tạo nghệ sĩ của mình trong bài hát để tìm kiếm hư danh. Điều đó không hiếm đâu, trong thị trường âm nhạc thật giả lẫn lộn này.
Chú Quang Lý đi rồi. Chú đi rất nhanh, không để lại lời từ biệt. Như cơn gió thoảng qua cuộc đời. Như bóng mây nhẹ lướt trên bầu trời. Chú ra đi cũng nhẹ nhàng hệt như khi chú hát trên sân khấu. Hệt như cách chú ở lại trong lòng bè bạn.
Nhưng ta bất chợt nhận ra rằng, có cái thoảng qua mà dài lâu mãi mãi. Có cái nhẹ bẫng mà ám ảnh thật lâu. Chỉ cần nghe lại những bài hát chú Quang Lý đã hát. Nghe thật nhẹ vào những lúc lòng trong xanh, tinh khiết.
Bạn sẽ thấy thì ra là vậy, âm nhạc có khi không phải là tiếng gào thịnh nộ của biển cả, không phải sự huyên náo mỗi ngày ta gặp trên phố chợ cuộc đời. Có những khi âm nhạc là khói, vương vấn, lẩn khuất trong tâm hồn người. Chú Quang Lý hiện hữu trong nghệ thuật theo cách đó, và khi nhớ đến một con người ấm áp, ân cần, thanh nhã đó, chúng ta cay mắt vì yêu quý, trân trọng.
Như con tằm đã xong kiếp nhả tơ, tạm biệt chú Quang Lý. Một người đã sống trên cuộc đời và không ngừng thì thầm vào đời sống những giai điệu của tin yêu, của hạnh phúc, của hy vọng. Như bài hát “Tạm biệt chim én” khi xưa chú thường hay hát, và làm say lòng bao thế hệ khán giả.
Chú Quang Lý là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho một thế hệ nghệ sĩ đắm đuối với nghệ thuật, không mang theo son phấn vào nghệ thuật. Cái đẹp của nghệ thuật từ họ tạo ra, là cái đẹp thật, cái đẹp tự nhiên. Chính vì vậy, sự thấm đẫm của nó là tuyệt đối trong khán giả.
Chú Quang Lý và những người nghệ sĩ thế hệ chú có thể nghèo vật chất, nhưng lại là một thế hệ giàu có, cực kỳ giàu có trong tâm hồn. Khán giả sẽ luôn còn nhớ mãi những người nghệ sĩ như chú. Và Quang Lý chẳng bao giờ là đi vắng, khi vẫn còn và sẽ luôn luôn vẫn còn những khán giả nghe chú hát hàng ngày, trên làn sóng truyền thông, trên băng đĩa, để tìm kiếm một đám mây tinh khiết của tâm hồn, trong ồn ào bề bộn kiếp mưu sinh này...
Vũ Quỳnh Trang