Chàng giám đốc trẻ và mong ước về một ngân hàng đặc biệt

Thứ Ba, 29/01/2013, 14:27

Trở thành sinh viên, được tiếp cận kiến thức mới, Lê Công Thành hình thành trong đầu ý tưởng về một kho dữ liệu tập hợp thông tin của các bia mộ liệt sĩ trên khắp Việt Nam, hay còn gọi là kho số hóa bia mộ liệt sĩ, thông qua internet phục vụ việc tra cứu nhanh gọn của tất cả mọi người.

“Ngay từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế ngôi trường PT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc ĐHQG Hà Nội), cậu học trò từng đại diện cho trường tham dự chương trình Đường lên đỉnh Olympia ấy đã luôn khiến thầy cô và bạn bè ngạc nhiên vì những ý tưởng mới lạ của mình. Trưởng thành, trở thành giám đốc một công ty công nghệ thông tin, Lê Công Thành vẫn luôn đầy ắp các ý tưởng muốn thực hiện trong đầu. Giờ những ý tưởng ấy hiện thực hơn, hướng về cộng đồng hơn và đang được chàng trai trẻ thực hiện bằng tất cả nhiệt huyết của mình…”.

Từ việc tìm người thân của gia đình

Phải là “người trong cuộc” mới có thể hiểu hết những mong mỏi của một gia đình có thân nhân là liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nhưng chưa tìm được mộ. Em trai của ông ngoại Lê Công Thành là một liệt sĩ như thế. Ông đi B năm 1965, khi đang là sinh viên, một năm sau gia đình nhận được giấy báo tử. Trên tờ giấy chỉ có mấy dòng chữ về tên tuổi, quê quán. Đúng là ông, nhưng chẳng có thông tin nào về nơi ông ngã xuống.

Giống như nhiều gia đình khác, gia đình anh sau này khi có điều kiện đã đi tìm mộ của ông nhưng không thành công. Gia đình đã tìm về chiến trường xưa, tìm lại những dấu vết dù mong manh nhất. Thậm chí phải thử những cách như gọi hồn, cầu vong để mong tìm được nơi ông đang an nghỉ. Nhưng tất cả đều không mang lại kết quả. Gia đình anh chưa bao giờ nguôi ngoai ước nguyện được tìm thấy mộ của ông. Những ngày ấy, Lê Công Thành mới chỉ là một cậu học sinh, nhưng anh có thể cảm nhận rõ lòng mong mỏi của gia đình.

Trở thành sinh viên, được tiếp cận kiến thức mới, Lê Công Thành hình thành trong đầu ý tưởng về một kho dữ liệu tập hợp thông tin của các bia mộ liệt sĩ trên khắp Việt Nam, hay còn gọi là kho số hóa bia mộ liệt sĩ, thông qua internet phục vụ việc tra cứu nhanh gọn của tất cả mọi người. Trên thế giới có nhiều trang web tương tự, nhưng hầu hết là những website lưu thông tin của người dân bình thường, không phục vụ mục đích tìm kiếm mộ thất lạc.

Anh Lê Công Thành và những người bạn cùng ghé vào một nghĩa trang liệt sĩ để chụp ảnh.

Để xây dựng được kho dữ liệu như thế cần phải có nguồn cung cấp dữ liệu. Là một sinh viên công nghệ thông tin, Lê Công Thành sớm suy nghĩ đến một phần mềm có thể tự động nhận dạng chữ trên bia mộ thông qua ảnh chụp. Nhưng thời điểm ấy (đầu những năm 2000), công nghệ chưa đủ tốt, máy tính chưa đủ mạnh và phổ biến, tại Việt Nam các mạng xã hội chưa phát triển. Máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động cũng chưa thông dụng như hiện nay. Ý tưởng của Thành tưởng như không khả thi do khó khăn về nguồn dữ liệu.

Thời gian trôi qua, ý tưởng về việc số hóa các bia mộ liệt sĩ tại Việt Nam chỉ là một trong nhiều ý tưởng sáng tạo của Lê Công Thành nhưng nó chưa bao giờ bị lãng quên. Nó cũng giống như việc gia đình anh chưa bao giờ ngừng mong muốn tìm được mộ người thân.

Tốt nghiệp đại học, Lê Công Thành tiếp tục hoàn thành chương trình học thạc sĩ và công tác tại trường với vai trò một người thày giáo. Gần đây, anh quyết định tạm thời gác lại việc dạy học để phát triển một công ty công nghệ và để có thêm điều kiện triển khai những ý tưởng của riêng mình.

Số hóa mộ liệt sĩ và ngân hàng DNA

Xã hội công nghệ phát triển rất nhanh. Chỉ sau mấy năm, những gì Lê Công Thành từng thấy khó khăn bỗng trở nên vô cùng thuận lợi. Máy tính, điện thoại, máy ảnh kĩ thuật số, internet, mạng xã hội... ở Việt Nam đua nhau bùng nổ. Lê Công Thành quay trở lại ngay với ý tưởng số hóa mộ liệt sĩ luôn đau đáu trong anh.

Thành quyết định triển khai ý tưởng của mình thành một dự án, phát triển dựa trên mô hình Massive-scale Online Collaboration. Mô hình này là một phương thức làm việc mới trên thế giới, nó thông qua internet tập hợp những sự tham gia, cộng tác rất nhỏ của mọi người tạo nên những giá trị vô cùng lớn. Một số công ty, tổ chức công nghệ hàng đầu đã thành công với loại hình cùng cộng tác này như trang thông tin bách khoa toàn thư mở Wikipedia hay công ty Google với việc số hóa hơn 80 triệu bản sách.

Bản thân là một giám đốc, có những công việc riêng, một mình Thành không thể đi chụp ảnh và số hóa từng bia mộ khi khắp cả nước có tới 3000 nghĩa trang liệt sĩ, anh chọn tiếp cận dự theo hướng tận dụng yếu tố công nghệ để giảm tải công việc của con người. Thành thấy ít có cách thức tiến hành nào phù hợp hơn với ý tưởng của mình bằng cách kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng.

Tuy nhiên phải vận động mọi người ra sao, cung cấp cho cộng đồng những công cụ thế nào để sẽ không ai phải làm những điều khó khăn, tốn thời gian, công sức; phải làm sao để chỉ là những cú bấm chuột trong thời gian rảnh rỗi, chỉ là những bức ảnh chụp trên điện thoại khi thuận tiện mà thôi.

Nói ra ý tưởng của mình, anh được những người bạn thân thiết ủng hộ nhiệt liệt. Chính những người bạn ấy đã tạo nên một động lực mạnh mẽ giúp anh quyết tâm bắt tay thực hiện dự án. Nhóm bạn 9 người đó đã cùng nhau tham gia một chuyến du lịch kết hợp với việc chụp ảnh bia mộ liệt sĩ suốt dọc mấy tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Thành kể lại, anh nhớ nhất khi cả đoàn tới nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, trời đã nhá nhem tối. Tại đây có hơn 1700 liệt sĩ đang yên nghỉ nhưng sau khi thắp hương xin phép các liệt sĩ, chỉ trong vòng hơn 40 phút cả đoàn đã chụp xong tất cả các thông tin ghi trên bia mộ.

Lúc ấy trăng rằm vừa lên, tròn vành vạnh, chiếu sáng cả khu nghĩa trang, mọi người đều cảm thấy một cảm giác bình yên đến kì lạ. Họ nhận ra việc làm tương tự hoàn toàn tương thích với các bạn sinh viên trong dịp về quê, tại những nghĩa trang gần nhà hoặc với những nhóm đi phượt, du lịch bụi để kết hợp trong hành trình của mình. Hẳn ai cũng muốn chuyến đi của mình thêm nhiều ý nghĩa.

Ảnh sau khi chụp được lưu trữ tập trung trên internet thông qua một phần mềm. Một phần mềm khác sẽ nhận diện các thông tin có trong bức ảnh, tạo ra nguồn dữ liệu cho hệ thống tìm kiếm thông tin. Với những ảnh chụp bị mờ, bị nhòe, máy tính không có khả năng nhận dạng, Thành và nhóm của anh đăng tải lên website lietsi.com nhờ cộng đồng internet nhập liệu giúp. Thông thường chỉ mất khoảng 10 đến 20 giây để nhập thông tin của bức ảnh. Mọi người đều có thể tham gia một cách đơn giản, tự chủ về thời gian và lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình (chụp ảnh hoặc nhập liệu).

Lê Công Thành ví von: việc số hóa toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam giống như di chuyển một tảng đá lớn; sẽ giải quyết được đơn giản nếu nghiền nhỏ tảng đá thành nhiều hạt bụi, mỗi người trong xã hội đóng vai trò như một chú kiến, khuân một vài hạt bụi mà thôi.

Công nghệ thông tin đã cung cấp cho dự án của Thành một chiếc “máy nghiền đá” hiệu quả, việc còn lại chỉ còn chờ các cá nhân trong xã hội. Anh cũng cho rằng bài toán số hóa nghĩa trang liệt sĩ là bài toán sớm muộn gì xã hội cũng phải giải quyết trọn vẹn vì nó mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.

Qua những chuyến đi chụp ảnh mộ liệt sĩ, những suy nghĩ mới lại đến với Thành. Gần một nửa những người hi sinh vô danh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Làm sao để có thể giúp những gia đình muốn tìm người thân nếu người thân của họ nằm trong số những liệt sĩ chưa xác định được danh tính là một bài toán mới và khó hơn nhiều. Anh Lê Công Thành nghĩ tới các biện pháp xét nghiệm gen, và lại phải trăn trở về nguồn cung cấp dữ liệu, do nhiều giới hạn về công nghệ và tài chính.

Lấy mẫu gen ở mộ liệt sĩ đã khó, vậy mà nếu lấy được cũng không có nguồn đối chứng. Nhận thấy để lấy mẫu gen ở người đã mất cần chi phí từ 8-10 triệu đồng bởi việc tách các nhiễm sắc thể phức tạp hơn, so với một ca xét nghiệm ở người còn sống chỉ khoảng 1 triệu đồng, Lê Công Thành quyết định hướng giải pháp vào việc xây dựng nguồn gen đối chứng từ các thân nhân liệt sĩ, phục vụ việc khôi phục danh tính của các liệt sĩ trong tương lai.

Nguồn gen này cần phải của các thân nhân trực hệ mới chính xác và tiết kiệm chi phí, nhưng những cá nhân ấy đang dần mất đi. Các liệt sĩ không có con, bố mẹ các liệt sĩ đa phần cũng đều đã mất, nếu để 15-20 năm nữa có thể công nghệ phát triển, chi phí sẽ rẻ đi nhưng không còn nguồn gen đó nữa.

Việc số hóa nghĩa trang đang thu được những kết quả ban đầu, Thành đang mở rộng dự án với mục tiêu thu thập nguồn gen và tạo ra ngân hàng gen của các thân nhân cũng với cách thức huy động sự góp sức của toàn thể mọi người, toàn thể các gia đình liệt sĩ.

Dù không phải gia đình liệt sĩ nào cũng có đủ điều kiện, nhưng so với những chi phí bỏ ra để liên hệ đồng đội cũ, tìm về chiến trường xưa hay thậm chí những phương pháp như gọi hồn, gọi vong mà nhiều gia đình đang tìm đến với hy vọng tìm được người thân thì việc tham gia xây dựng nguồn gen trực hệ khả thi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên Thành hiểu đây là một dự án cần nhiều sức mạnh hơn nữa để có thể hiện thực hóa, nên anh đang tích cực kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, các bạn trẻ giàu lòng nhiệt huyết với vai trò tư vấn, điều phối dự án trên website http://www.lietsi.com.

Hiện nay dự án của chàng giám đốc trẻ đang được nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức đánh giá cao và gây được chú ý. Mạng xã hội có lượng thành viên tham gia lớn nhất hiện nay, Facebook, đã hỗ trợ cho dự án trong việc kết nối. Gần 4000 người liên tục tham gia nhập dữ liệu và tốc độ số hóa mộ liệt sĩ đang diễn ra rất nhanh.

Những chú kiến đang cùng nhau khiêng từng hạt bụi để di chuyển tảng đá lớn, hướng tới một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Thu Hương
.
.
.