Chàng trai Mỹ thích hát nhạc Việt

Thứ Hai, 04/04/2016, 09:00
Tốt nghiệp thanh nhạc tại Mỹ, cuối năm 2009, Kyo York được Trường Đại học Winston – Salem cử sang Việt Nam theo một chương trình thiện nguyện là dạy học tiếng Anh cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


Cảm mến con người mộc mạc, chất phác của vùng đất miền Tây Nam bộ, Kyo quyết định tự mày mò học tiếng Việt để vừa có điều kiện giao tiếp với mọi người, vừa tạo điều kiện giúp những học sinh trau dồi tiếng Anh một cách tốt nhất và đặc biệt là cảm thụ những làn điệu dân ca, những câu vọng cổ làm say đắm lòng người.

Trải qua gần 7 năm sinh sống và làm việc trên dải đất hình chữ S, cho đến nay, ngoài việc truyền đạt lại vốn tiếng Anh cho rất nhiều lớp học sinh, Kyo còn tiến những bước dài trên con đường âm nhạc, nhất là dòng nhạc dân ca, nhạc trữ tình…

Từ thầy giáo dạy tiếng Anh…

Tôi gặp anh tại cầu cảng nước sâu Thị Vải thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong chương trình chào mừng một doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu lô hàng thép thành phẩm vào thị trường Mỹ. Dưới cái nắng gay gắt của thời tiết giữa mùa khô vùng Nam Bộ, chàng thanh niên người Mỹ vẫn áo dài, khăn đóng, tay ôm cây dù đen say sưa thể hiện những khúc hát dân ca 3 miền Bắc – Trung – Nam, những bài hát ca ngợi Bác Hồ và cả những bản nhạc cách mạng… 

Kyo York.

Ấn tượng với giọng hát đầy sức truyền cảm ấy, tôi quyết định tiếp cận để phỏng vấn tại chỗ, nhưng vì thời gian quá hạn hẹp nên anh chỉ kịp cho biết tên là Kyo York cùng số điện thoại và hẹn một buổi gặp gần nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Bẵng đi một thời gian dài sau lần gặp mặt ấy, Kyo bặt vô âm tín, không hồi âm và cũng không trả lời điện thoại. Những tưởng anh này làm eo thì đột nhiên vào một ngày cuối tháng 3-2016, anh chủ động gọi điện thoại mời tôi ra quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1 để nghe anh kể về những năm tháng sinh sống, dạy học và thành danh trên con đường ca hát ở đất nước Việt Nam. 

Sợ anh chàng này chưa sõi tiếng Việt, hơn nữa tiếng Anh của tôi cũng thuộc dạng tậm tịt nên tôi kéo theo một người bạn với dự định làm phiên dịch. Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt, Kyo đã khiến cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự nhiệt tình, cởi mở, thân thiện và đặc biệt giỏi tiếng Việt đến mức có thể nói được cả từ lóng, từ ghép, từ ngữ dân gian ở các địa phương trên cả nước... 

Sau lời chào thân thiện cùng cái bắt tay khá chặt, Kyo bảo: “Mình kết thành bạn thân nhé…Và chỉ có bạn thân mới hiểu và thông cảm cho mình vì trong thời gian dài vừa qua có quá nhiều công việc phải hoàn tất nên đã lỗi hẹn với bạn… Nhưng đất nước các bạn đẹp lắm, con người cũng mộc mạc, thân thiện và đây chính là cái nôi để nâng bước cho mình có được những thành công vượt bậc trên con đường âm nhạc như hôm nay”. 

Kyo là con trai út trong một gia đình có ba anh em trai ở thành phố New York – Hoa Kỳ. Nhận thấy con mình có năng khiếu về ca hát nên ngay từ lúc lên 7 tuổi, Kyo được cha mẹ cho theo học âm nhạc. Năm 2009, anh được Trường Đại học Winston – Salem cử sang Việt Nam theo một chương trình thiện nguyện để dạy học tiếng Anh miễn phí ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Tác giả và Kyo trong lần gặp tại một quán cà phê ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Những ngày đầu khi mới đặt chân lên vùng đất này thực sự là vấn đề khó khăn đối với anh bởi một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết, thời tiết khí hậu khác xa quê nhà, lạ lẫm với văn hóa, lối sống và đặc biệt là học sinh của anh hoàn toàn là những người có hoàn cảnh khó khăn ít có điều kiện được tiếp cận với tiếng Anh. Mặc dù anh cố gắng hết sức thì học sinh cũng chỉ tiếp thu được 15-20% bài giảng.

Sau nhiều đêm trăn trở, Kyo cho rằng mình dạy học tiếng Anh cho những người chưa từng được học mà không biết tiếng Việt thì làm sao giao tiếp, làm sao giúp học sinh hiểu nhiều hơn về bài giảng được? Nghĩ là làm, những ngày sau đó, cứ sau những giờ lên lớp, anh lại dành gần hết thời gian nghỉ ngơi tìm đến các nhà dân xin phụ làm tất cả các việc có thể từ nấu bếp, quét nhà, cuốc đất cho đến bơi thuyền, hái dừa, vác lúa… chỉ với mục đích được nghe giọng nói, cách nói của người dân địa phương. 

Lúc đầu khi chưa rành về âm ngữ, Kyo sử dụng bài khua tay múa chân hoặc chỉ trỏ vào các loại vật dụng để được nghe bà con trả lời, giải thích. Lâu dần khi đã bập bẹ được một số từ, anh chuyển sang học thêm chữ và nhờ chính những học sinh của mình hướng dẫn cách phát âm 24 chữ cái rồi ghép những con chữ ấy với dấu chấm, phẩy, hỏi, ngã… thành câu chữ để học thuộc lòng. 

Cuối năm 2011, khi thời gian dạy học thiện nguyện đã hết, mọi người phải lên đường trở về Mỹ nhận việc làm với mức đãi ngộ cao, nhưng hình ảnh những bạn học sinh thân thương, hình ảnh đất nước, con người thân thiện cứ choán hết tâm trí khiến Kyo đã đưa ra một quyết định mà anh cho là sáng suốt khi xin được ở lại nhưng chuyển lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục dạy học. 

Thời gian này, những lúc rảnh rỗi, anh thường mở băng đĩa hoặc truyền hình để nghe những giai điệu dân ca, vọng cổ rồi tập tành hát theo. Lúc đầu anh chỉ hát theo cho khuây khỏa, nhưng lâu dần anh phát hiện âm nhạc có thể giúp anh hoàn thiện hơn về âm ngữ tiếng Việt nên từ đó cứ sau mỗi câu hát, anh chầm chậm đọc lại để nắn giọng theo những thanh sắc, huyền, hỏi, ngã và cứ thế theo năm tháng, anh đã nói được tiếng Việt một cách thông thạo.

Đến ngôi sao âm nhạc

Con đường đến với nhạc Việt cũng khá bất ngờ. Sau những ngày lăn lộn làm việc để tự học tiếng Việt, anh được rất nhiều bà con nông dân cảm mến nên cứ mỗi dịp có cưới hỏi, lễ hội có ca hát hoặc những khi tụ tập chơi đờn ca tài tử là họ đều mời Kyo tham dự. Lần đầu nghe nhạc, Kyo không cảm thụ được nhiều, nhưng sự nhẹ nhàng, thánh thót trong những âm điệu cũng làm anh cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà. 

Kyo trong lần biểu diễn tại cầu cảng Thị Vải.

Đến khi những làn điệu dân ca, những câu vọng cổ mộc mạc ấy đã thấm vào làn da, thớ thịt của chàng thanh niên từng có thời gian dài học thanh nhạc tại Mỹ, anh bắt đầu mạnh dạn học hát rồi xin được biểu diễn trong những đêm hội của làng, xã và được đông đảo bà con nông dân đón nhận bằng cả tấm lòng. 

Nhận thấy ca nhạc có lẽ là cầu nối để học nhanh hơn, hiểu sâu hơn về tiếng Việt bởi mỗi bài hát, mỗi câu vọng cổ là một câu chuyện được rút ra từ thực tế cuộc sống,  Kyo đã dành thêm thời gian học nhiều hơn, sâu hơn về dòng nhạc dân ca, đờn ca tài tử và mở rộng sang các loại nhạc trữ tình, nhạc Cách mạng, nhạc trẻ… Đặc biệt anh rất thích chất gọng của các ca sỹ Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Siu Black, Tuấn Ngọc.

Một đêm, Kyo rủ những người bạn Tây của anh đến quán cà phê của ca sỹ Siu Black và đòi cùng ca sỹ này hát bài “Ly cà phê Ban Mê”. Ngỡ ngàng trước lời đề nghị của chàng trai Mỹ, nhưng vì hiếu khách, chị Siu cũng chiều lòng và thật bất ngờ khi Kyo cất giọng đã có rất nhiều thực khách vỗ tay tán thưởng. 

Ấn tượng về chất giọng ngọt ngào của chàng trai người Mỹ này, ca sỹ Siu đã ngỏ lời giúp đỡ bằng cách bồi dưỡng thêm về khả năng âm nhạc rồi cho biểu diễn hàng đêm tại quán để thỏa nỗi đam mê và cũng là điều kiện tốt để Kyo luyện giọng. Một bước ngoặt lớn đến với Kyo là vào cuối năm 2011, gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có lời mời chính thức Kyo tham dự đêm nhạc 10 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn với tư cách là khách mời đặc biệt (vì lúc đó anh chưa được cấp phép để được biểu diễn trên sóng truyền hình). 

Nghĩ rằng mình được tham dự đã là một vinh dự lắm rồi, nhưng giữa chừng, đại diện gia đình cố nhạc sỹ đã mời anh lên hát một bài để tặng khán giả và tặng cho gia đình. Quá bất ngờ, Kyo run đến mức không đứng lên nổi và phải mất gần 5 phút sau với sự động viên của MC, anh mới mạnh dạn bước ra khỏi hàng ghế khách mời để tiến lên sân khấu trình diễn bài hát “Phôi pha”, đó là bài hát anh rất yêu thích và thường mở băng hát theo trong những đêm trở về nhà sau một ngày đi dạy tiếng Anh. 

Đầu năm 2012, Kyo được ca sỹ Ánh Tuyết sắp xếp cho anh được hát hàng đêm ở phòng trà ATB. Tại đây, ngoài việc được thỏa mãn niềm đam mê, anh còn được ca sỹ này rèn luyện cho kỹ năng biểu diễn, đồng thời cũng giới thiệu anh cho MC Thanh Bạch và Quỳnh Hương tạo điều kiện giúp đỡ phương pháp thể hiện và nói chuyện trên sân khấu, giúp anh hiểu thêm ngữ điệu của tiếng Việt để từ đó đưa anh đến với các chương trình “Gương mặt thân quen”, “Giai điệu phương Nam”, “Thay lời muốn nói”, “Đồ rê mí”, Festivan biển Việt Nam tại TP Hạ Long và gần nhất là được hát những bài ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam trong đợt thi hoa hậu năm 2014…

Đường phố đã lên đèn, tôi đành phải nói lời chia tay để trả Kyo về với âm nhạc. Xiết chặt tay nhau, Kyo bảo: “Đất nước Việt Nam đẹp lắm, 63 tỉnh, thành của Việt Nam mình đã đi gần hết, chỉ còn Cà Mau, Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là chưa có điều kiện đặt chân đến, nhưng sẽ cố gắng hoàn tất nó vào thời gian tới nếu có thể. 

Bây giờ mình đã là một người Việt Nam rồi nên mình thường xuyên nhắc nhở một số người chưa có ý thức để họ bảo vệ môi trường, giữ gìn sự sạch, xanh đẹp vốn có của Việt Nam. Ngoài ra, năm 2015, được sự cho phép và giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang mình cùng một số bạn người Việt đã lên huyện Mèo Vạc xây dựng một ngôi trường cho học sinh nghèo. 

Trong chuyến đi ấy, thấy các em học sinh còn thiếu thốn, mình đã bỏ thêm tiền may những chiếc áo tặng cho các em. Được làm việc thiện này, cùng với những ngày đêm vui chơi, ăn ngủ cùng các em nhỏ, mình cảm thấy rất tự hào vì mình đã được mọi người xem như một người con gốc Việt thực thụ. Và mình càng vui hơn khi đã làm được một số việc, dù là nhỏ nhoi thôi nhưng có ích cho xã hội…”. 

Đức Cương
.
.
.