Nhà văn Kiều Bích Hậu

Chinh phục Fansipan, chinh phục mình

Thứ Hai, 08/07/2013, 16:33

"Chinh phục đỉnh Fansipan ngoài việc kiểm tra xem sức mình đến đâu, thì điều thú vị nhất của tôi là khám phá những con người bên cạnh. Câu chuyện về một phụ nữ đã nghỉ hưu, tuổi ngoài 60 vẫn quyết chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Dương, dù bị cảm tả trên đường đi, tưởng chết, làm tôi nghĩ nhiều về ý chí con người..."

Tôi đọc Kiều Bích Hậu từ rất lâu. Tên của chị quen thuộc đến nỗi không ít người cứ ngỡ chị phải là hội viên kỳ cựu của Hội Nhà văn. Thế nhưng hỏi ra, chị vẫn chưa vào Hội. Chị bảo, vào Hội thì cũng hay, nhưng với người viết thì chinh phục Hội Nhà văn có lẽ nên đứng đằng sau việc chinh phục độc giả. Mà để chinh phục được độc giả, trước tiên phải chinh phục được chính mình.

Một ví dụ về việc chinh phục chính mình, là hình ảnh chị cầm cờ Tổ quốc trên "nóc nhà Đông Dương" ngày 30/4 vừa rồi. Quyết chí chinh phục đỉnh Fansipan cao 3.143m, về, cười tươi, viết 15 kỳ bút ký về cuộc đi nhớ đời ấy, làm độc giả hồi hộp có lúc như vỡ tim. Và quan trọng nhất, là chị nhận ra, viết văn với leo núi không khác nhau là mấy.

Ngọn lửa không màu

Chị Kiều Bích Hậu kể: "Chinh phục đỉnh Fansipan ngoài việc kiểm tra xem sức mình đến đâu, thì điều thú vị nhất của tôi là khám phá những con người bên cạnh. Câu chuyện về một phụ nữ đã nghỉ hưu, tuổi ngoài 60 vẫn quyết chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Dương, dù bị cảm tả trên đường đi, tưởng chết, làm tôi nghĩ nhiều về ý chí con người.

Không đối diện với những hoàn cảnh lớn, điển hình, sao nhìn ra sức mạnh của mình. Khi đã quyết tâm chinh phục một đỉnh núi, thì có chết cũng là chết trong tâm thế của người leo núi, không thể bỏ cuộc.

Ngẫm lại việc viết văn cũng vậy thôi, rất nhiều thứ mình định viết, nhưng rồi mình lần lữa mãi vì mắc việc này việc kia, rồi thỏa hiệp, rồi không viết nữa. Mình không tập trung vào mục tiêu cốt lõi của cuộc sống, thì mình cứ loanh quanh những chuyện không đâu. Vượt qua chính mình trong việc viết, chính là dám dũng cảm dẹp bỏ rất nhiều thứ phù du, râu ria không cần thiết, những lễ nghi phức tạp, những thói quen vô bổ, để đắm chìm vào "vương quốc" của mình".

Kiều Bích Hậu lẽ ra phải được người đọc biết đến nhiều hơn, với những gì chị đã đóng góp, đặc biệt trong thể loại truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng ví chị như một ngọn lửa không màu. Ý nói rằng, nội lực của nhà văn nữ, tác giả "Gọi đò", "Tóc trinh", "Mây vàng" lúc nào cũng như một ngọn lửa, rất nóng. Nhưng ngọn lửa này "thâm hậu" đến mức, nó không tỏa hơi nóng ra bên ngoài, mà rất biết giữ "chưởng lực" từ bên trong. Vì thế nó sẽ cháy bền, cháy lâu.

Nhìn lại, đúng là Kiều Bích Hậu mang mệnh của ngọn lửa không màu thật. Không bao giờ thấy chị vội vàng hay chậm rãi, lười nhác trong việc viết. Chị cứ thong thả con đường của mình, một cách chắc chắn. Như cách chị nói, thì ý tưởng văn chương lúc nào cũng đầy ắp, cũng "mọc" lên như nấm. Chị phải sắp xếp để có thể "giải quyết" chúng. "Sắp xếp" với chị ở đây là thời gian.

Tối giản, lược bỏ những thứ không cần thiết trong đời sống đầy rẫy những chằng bíu: "Chúng ta giờ đây thực sự không còn có thời gian cho việc suy nghĩ. Mà một khi không suy nghĩ, nhưng cứ làm điều muốn làm, cứ viết điều muốn viết, thì chắc chắn là không thấu đáo, không đến nơi đến chốn được. Cho nên mới có những cuốn sách cứ ngồn ngộn chữ, cứ rùm beng truyền thông, mà như bãi thải của ngôn từ.

Vì thực chất là người viết đã không dành đủ thời gian cho việc nghĩ. Tôi tiếc cả thời gian gội đầu. Có lúc tôi đã muốn cắt phăng mái tóc dài này đi, để mình đỡ phải bận lòng việc chăm sóc nó. Tôi lược bỏ những mối quan hệ không cần thiết, chấp nhận có thể bị ghét, bị chê bai, nói xấu.

Mỗi ngày, tôi "kiểm toán" lại suy nghĩ của mình. Tôi tin rằng nếu chúng ta có 1000 suy nghĩ trong đầu mỗi ngày, thì 950 trong số đó là vớ vẩn. Vấn đề là chúng ta có thể dũng cảm bỏ đi con số 950 ấy, chỉ để giữ lại 50 suy nghĩ cốt lõi nhất, để mà hành động. Thì chúng ta sẽ thấy mình tập trung hơn, ý nghĩa, mục đích cuộc sống rõ ràng hơn"...

Một ngày sống chỉ có 24 giờ đồng hồ. Một người đàn bà vừa phải chăm lo gia đình, con cái, vừa làm công việc cơ quan, lại ôm thêm một mối tình với cây bút nữa, sẵn sàng để cho việc viết nó giày vò, thì "bi kịch" của nàng chính là thời gian.

Chủ động "cắt bớt" nhiều thứ, nghĩa là chị Kiều Bích Hậu đã hiểu rất rõ "bi kịch" đó của mình. Và, cũng sớm ngộ ra nhiều giá trị ảo trong cuộc sống, nên chị chủ trương "rúc" vào thế giới của mình, như con chim rúc cái mỏ vàng vào cái tổ của nó.

Trên đỉnh Fansipan.

Chị chủ trương không thân thiết với các nhà văn. Vì muốn giữ một khoảng cách, đủ để không nhìn thấy cái xấu xí của đồng nghiệp, giữ cho tâm hồn trong trẻo mà viết. Chị cũng chủ trương không xuất hiện nhiều trên báo chí. Nhiều năm chị không trả lời phỏng vấn ai, sách in ra thì tác giả "mất hút”, không muốn quảng bá, pr, dù chị đã từng là Giám đốc một công ty truyền thông, quá am tường việc đánh bóng một sản phẩm cho nó thu hút khách hàng.

Chị bảo, với văn chương, làm PR thời này thì cũng tốt, là thức thời đấy. Nhưng ngẫm đến cùng, cũng là vô nghĩa. Xiêm áo nổi bật cũng là vô nghĩa, nếu năm sau người đọc đã quên béng cái năm nay mình viết...

Công nghệ có thể tạo ra tên tuổi một ngôi sao giải trí, nhưng công nghệ chả là cái quái gì trong việc tạo ra giá trị một tác phẩm văn chương đích thực, một nhà văn. "Thời buổi nó cho mình công cụ tiện lợi ấy, dễ đến mức bạn chỉ cần phải trả lời có chọn hay không chọn nó. Chọn, nghĩa là đã sẵn cho bạn một sự nhóng nhánh rồi. Bạn bước chân vào, bạn mê man trong thế giới ấy, bạn bị các giá trị ảo cuốn đi. Mà phàm cái gì ảo cũng rất hấp dẫn. Còn nếu bạn đủ bản lĩnh nói không, bạn quay về với đời sống thật của bạn, cứ kiên trì con đường, rồi quà tặng có thể sẽ đến"...

Loanh quanh một chữ Yêu

- Tôi đọc truyện ngắn của chị và nhận ra một điểm chung, là đàn bà trong văn chị, họ cứ loanh quanh một chữ Yêu. Họ chỉ có một con đường, là "Đường yêu"- như tên một tập truyện của chị. Phải chăng, giá trị đàn bà chính là nằm ở ký tự Yêu này?

+ Thực sự là tôi không cố ý khi viết. Nhưng đàn bà, ngẫm lại mà xem, còn gì trên đời quan trọng hơn việc Yêu. Có thể số phận ban cho mỗi người đàn bà một đường chỉ tay khác nhau, và họ cũng khác nhau cả hạnh phúc lẫn bất hạnh trong tình yêu. Nhưng không đàn bà nào không muốn Yêu, và muốn được Yêu.

Nếu được sống hai cuộc đời có lẽ họ cũng chọn lại con đường ấy mà đi. Bởi vì, khi Yêu thật sự, không có một ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp ấy, xúc cảm ấy. Tình yêu làm cho người đàn bà trở thành thánh thần. Họ đẹp nhất, huy hoàng nhất trong vương quốc ấy.

Nên, tôi đã từng viết, rằng tôi tiếc cho tôi và tiếc cho những người phụ nữ khác, khi mà họ không còn biết yêu và không còn được yêu. Tôi tiếc cho những người đàn bà chọn một đời sống phủ đầy vật chất, mà chưa một lần dám bước tới thiên đường của Yêu...

- Trong văn chị, luôn có sẵn một môi trường cho sự hư ảo. Một thế giới của riêng chị tạo ra, rất khó trộn lẫn. Với nhiều nhà văn hiện đại, đời sống văn chương và đời sống thật có khi là trùng khớp. Còn với chị, luôn luôn có khoảng cách lớn trong hai thế giới ấy...Sự khác biệt đó được hiểu thế nào, thưa chị?

+ Nếu đời sống văn chương trùng khớp với đời sống thực, tôi nghĩ không cần tới văn chương làm gì. Đối với tôi, văn chương phải là một thế giới khác, một giấc mơ, hay một vùng đất lạ.

Ở đó, tôi, với tư cách người viết, phải là nữ hoàng của vương quốc tôi tạo ra. Tôi định đoạt số phận vương quốc ấy. Tôi định đoạt số phận các nhân vật của mình, và ngược lại, các nhân vật có thể định đoạt số phận của tôi. Dù ở đời thật, tôi chỉ là một người đàn bà rất đỗi bình thường....

- Vẫn chuyện yêu, tôi cứ day dứt mãi một câu hỏi trong tiểu thuyết "Xuyến chi xanh" mới xuất bản của chị. Hai con người trẻ trung đẹp đẽ, nhiệt huyết và tha thiết yêu nhau, đã phải vật lộn với thử thách, trải qua những đổ vỡ, mất mát để bảo vệ hạnh phúc của mình, thì hôn nhân có phải là đích đến tuyệt nhất của họ? Chị làm độc giả gặp phải cảm giác bất lực, thậm chí tuyệt vọng khi đối diện với câu hỏi này...

+ Tình yêu vốn là một trò chơi đuổi bắt. Người ta không thể nào biết hình hài của tình yêu. Nhưng người ta luôn luôn săn tìm, đuổi theo nó, ngay cả khi vô vọng. Tôi không muốn đặt vấn đề hôn nhân ở đây. Tình yêu nó chỉ có một nghĩa duy nhất, nó là chính nó. Một khi ta tráo khái niệm khác vào, tình yêu có thể đã bay đi mất. Cho nên, tốt nhất là đừng hỏi về mục đích của tình yêu, theo nghĩa thông thường...Hai người yêu nhau có thể làm tất cả để bảo vệ tình yêu, chấp nhận mọi đớn đau lầm lạc. Đó là một lý lẽ yêu. Ngoài ra tôi không muốn đề cập điều gì khác...

".....Đứng dưới mưa, tôi chắp hai tay lại, mặt quay vào núi, rồi lại quay ra phía vực sâu, khấn thầm cho mưa tạnh. Ông Trời ơi, ông thử thách con như thế là đủ lắm rồi. Ông cho mưa tạnh ngay đi nhé ông ơi. Con không thể chết ở đây được. Cuốn sách hay con chưa viết xong.

Con cũng chưa kịp viết di chúc để lại. Thật ra con vẫn còn tý tài sản, rồi mẹ con, các em gái, chồng con của con biết sống thế nào, chia chác ra sao. Con để lại mớ rối bời như thế không được ông ạ. Con cần sống, trở về nhà, sắp xếp lại cuộc đời cho gọn gàng hơn đã. Ông tạnh mưa ngay đi, hoặc nếu muốn thì ông mưa thêm 5 phút thôi là đủ.

Khấn khứa xong xuôi tôi vuốt nước mưa trên mặt và leo tiếp. Leo đi đâu cũng được, miễn là tôi không dậm chân tại chỗ mà hoảng loạn đến phát điên và tự chết trước khi cái lạnh quật ngã tôi...Tôi cứ bám đá bò lên, nước trào xuống tôi, qua găng tay, qua ống tay áo, dòng nước đen không biết có chứa những thứ độc tố gì của rừng thiêng nước độc nữa. Tôi tự nhủ, nếu tôi là người tốt, trời sẽ tạnh mưa cho tôi leo tiếp; nếu tôi là người xấu, trời sẽ mưa mãi dìm tôi xuống lớp lớp lá mục…".

(Trích bút ký "Fansipan và tôi" trên facebook Kiều Bích Hậu)

Bình Nguyên Trang
.
.
.