Chơi với dấu ấn thời gian

Thứ Sáu, 12/05/2017, 16:17
Chơi đồ cổ là một đam mê, và thường phải là người lớn tuổi mới ham, mới đủ “đủ tuổi” để hiểu hết cái hay, vui với cái thú đồ cổ. Ðắm đuối với cái thú riêng, nhưng không phải người già nào cũng đủ sức vươn để tìm, để “lật lại hồ sơ” những món đồ yêu thích tuổi vài trăm năm…


Và đó là cái ngách nhỏ thị trường để người trẻ lách vào, dùng năng lượng, kỳ năng vươn dài cánh tay cung cho cái cầu này, đem lại niềm vui cuộc sống cho những người mộng… cổ.

Cũng là một cách làm ăn đời thường, anh Nguyễn Thành Tâm, tuổi gần ba chục, ở quận 8, TP Hồ Chí Minh tình cờ mang cái nghiệp ấy.

Thấy nhiều người thích thì mình phục vụ đàng hoàng. Làm cái pháp luật không cấm, phục vụ chu đáo được khách, đem lại niềm vui nho nhỏ cho con người trong cuộc sống đời thường là vui, là làm thôi.

Đơn giản, sưu tầm, phục chế, làm cho thời gian trở lại, những chiếc đồng hồ cổ châu Âu, như người đời hay nói, từ thời Napoleon còn ở truồng, bỗng sống dậy dưới bàn tay thợ, đủng đỉnh đung đưa kính coong mỗi ngày.

Anh Nguyễn Thành Tâm.

Giọt thời gian lại tích tắc nhắc nhở một thời cho đời nhâm nhi nghĩ về lịch sử, về cuộc sống ngày nay. Những bánh xe nhỏ đã dừng lại, cáu bụi trần, lại chuyển động, lăn theo những sợi dây thiều mong manh, cuộc sống vui trở lại, niềm vui tràn trề.

Tự kiếm cho mình một chỗ đứng, kiếm sống, tự lăn lộn với nghề, tự định hướng, phát triển, mấy anh em Tâm tự lên trong cơ chế thị trường. Các anh là ai? Thợ thủ công? Thợ đắp vá, gò hàn, cơ khí? Hay đơn giản như một thợ sửa xe máy, làm cho cái máy chạy được?

Khó, dường như không có danh bạ nghề, không có bậc thang tay nghề, chỉ biết làm để phục vụ đúng ý thích hoài cổ của người đời. Không ít khách hàng đem một cái ảnh đến, chỉ cho xem và nói muốn có một chiếc đồng hồ cổ như thế này.

Thế thôi, như đơn đặt hàng của thị trường. Thế là phải kiếm trên khắp thế gian này, nhờ họ hàng, bạn bè, đối tác ở châu Âu lùng khắp ngõ hẻm. Một chiếc đồng hồ, một cục sắt ve chai câm lặng phủ bụi thời gian, tìm được là mừng lắm rồi.

Việc đầu tiên anh em Tâm làm là “đọc” và đoán tác phẩm này. Không có mẫu để tra, lùng trên mạng, hỏi về nguồn, tìm hướng dẫn cổ, học nghệ thuật tạo hình, chạm khắc, lịch sử chế tác, tạo hình và vật liệu...

Không đơn giản tý nào, phải trở thành chuyên gia về môn này mới đoán được từng chi tiết. Các trường phái nghệ thuật châu Âu nhiều và phức tạp theo thời gian. Có thời người ta thích làm tượng, chạm đồng, có thời lại thích sành sứ, mạt khảm… Và không phải tự nhiên lại tạo hình tượng ấy, nhiều khi là cả một sự tích, một câu chuyện lịch sử lâm ly…

Đồ cổ, độc đáo, làm bằng tay và nhiều khi chỉ có một chiếc nên không thể “chế”, không thể thay thế bằng hàng chợ. Nguyên tắc chơi đồ cổ là từ trong ra ngoài phải “gin”, nên phục chế nguyên bản là phải tuyệt đối tôn trọng nguyên bản. Tất cả phải y chang như thời của nó, nhưng lại phải chạy được theo thời nay.

Cái khó của nghề này cũng ở chỗ ấy. Làm sao tìm được thì tìm, đúng nhu cầu của khách chơi vốn lắm công phu. Ngồi ở quận 8 nhưng phải bới cả châu Âu, có khi chỉ để tìm một sợi dây thiều cũ nhưng đúng “gin” của nó, rồi lau dầu, lắp ghép đúng để nó lại chạy…

Nay cả một gian hàng, các loại đồng hồ Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, đồng hồ úp ly của Đức, cả một tủ đồng hồ Luis của Pháp gần 200 tuổi, chạm khắc cổ theo câu chuyện rất sắc sảo. Mỗi món đồ mang theo một câu chuyện rất ý nghĩa giống như lịch sử được chạm khắc lên thời gian…. Cái to cái nhỏ, cái đồng, cái tượng sành, cái sứ, cái chạm khắc nhẩn nha tí tách đung đưa…

- Cực lắm, gặp những “con” lạ, khó, có khi mất ngủ liền 3-4 ngày. Tức, nguyên tắc phải thế này mới đúng, mà nó không chịu chạy… Mãi mới phát hiện ra, phải cả một hệ thống bánh răng chỉ nhỏ bằng sợi tóc, cùng chuyển động nó mới chạy - anh Tâm nói.

Có những bánh xe tưởng không liên quan, chỉ chạy cho phần khác, nhưng nó không chạy là cả hệ thống không chạy.

Ở đâu ra nghề này mà học vậy? Phần lớn tự học, học đủ mọi kênh, rồi trao đổi kiến thức với nhau, hoc người đi trước, học từ khách hàng, học trên internet, đủ cả… học, học.

Phải trả giá chứ, cũng lỗ vài chuyến, mỗi chuyến hơn trăm triệu. Vì học chưa tới. Đó cũng coi là học phí để học - anh Tâm cười bảo thế.

Dịch vụ là phục vụ, phục vụ người chơi chu đáo là một bảo đảm thành công. Những người sưu tầm, chơi đồ cổ là những người hiểu biết, nên thường khó tính. Làm theo đúng yêu cầu của khách, cẩn thận, tỉ mỉ, chất, giao hàng quý hiếm đến tận nhà mới yên tâm làm khách hài lòng.

Chính xác và cần mẫn như những bánh xe nhỏ, mấy anh em anh Tâm tận tụy lăn trong đời thường của dòng thời gian ngày nay.

Phương Nga
.
.
.