Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang:

Chúng ta đang bỏ quên dòng phim nghệ thuật

Chủ Nhật, 17/12/2017, 14:29
NSND Nhuệ Giang là đạo diễn của những bộ phim ấn tượng "Tâm hồn mẹ", "Thung lũng hoang vắng". Khá lâu rồi, chị không có cơ hội làm phim dù nhiều kịch bản tâm huyết vẫn đang chờ... Chị bày tỏ nhiều quan điểm thẳng thắn về giải thưởng Liên hoan phim, về những giá trị của phim nghệ thuật không còn được coi trọng.


- Lại một mùa Liên hoan phim vừa kết thúc. Ở góc nhìn của chị, một người từng sở hữu nhiều giải thưởng của Liên hoan phim, chị có đánh giá như thế nào khi giải Bông sen Vàng năm nay được trao cho "Em chưa 18"- một bộ phim giải trí phá kỷ lục phòng vé của phim Việt?

+ Có vẻ như dần dần người ta không tôn vinh dòng phim nghệ thuật. Còn nhớ, phim của tôi, "Tâm hồn mẹ" khi sang dự Liên hoan phim ở Pháp, đã được trao giải cao, còn ở Việt Nam thì không. Trước đây, chúng ta hay trao cho các bộ phim chiến tranh cách mạng, còn bây giờ, sức ép của dư luận thế nào mà trao cho phim thương mại.

Có lần tôi làm Ban giám khảo ở giải Cánh diều vàng năm 2016,  năm đó, trao cho "Trúng số", dù sao đó cũng là một phim hiện thực, hơi hướng thương mại nhưng là một phim bi hài tốt và đặt ra những vấn đề xã hội, người nghèo chân chất và sống lương thiện, còn bao người khác giàu có nhưng bị hỏng về đồng tiền. Đó là bức tranh xã hội hiện đại Việt Nam.

Thung Lũng hoang vắng của đạo diễn Nhuệ Giang- một bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt.

Ít nhất, những phim được giải thưởng phải đặt ra được những vấn đề về con người, bây giờ, ngay cả giải thưởng cũng không giữ được giá trị của nó. Bạn thử nhìn lại lịch sử, những phim từ trước đến nay được giải đều ít nhiều đặt được những vấn đề sâu sắc về con người, cộng với nghệ thuật của nó thuyết phục được người xem đồng cảm và xúc động.

 Tất cả những phim được giải không chỉ trong nước mà quốc tế, đều đặt ra những vấn đề xã hội mạnh mẽ, đương đại, xem xong khiến người ta phải suy ngẫm nhiều chứ không thể là những vấn đề tầm phào, giải trí.

- Lịch sử của Bông sen vàng là tôn vinh dòng phim nghệ thuật, với những tên tuổi đình đám như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Thanh Vân, NSND Đào Bá Sơn... Và chính họ đã góp phần làm nên một nền điện ảnh?

+ Nước ta có một dòng phim do Nhà nước tài trợ, không bị sức ép của việc kiếm tiền. Các đạo diễn thỏa sức sáng tạo, thể hiện tài năng của mình. Chính vì thế, nó tạo nên một nền điện ảnh còn lại với thời gian, rất nhiều phim xem lại vẫn thú vị như "Chị Tư Hậu", "Em bé Hà Nội"... những phim làm nghiêm túc và là lao động nghệ thuật thực sự, nó còn lại với thời gian.

Còn dòng phim thương mại, kiếm tiền xong là hết, hoàn thành nhiệm vụ kiếm tiền. Một nền điện ảnh như thế thì thật buồn tẻ, năm nay lại không có dòng phim Nhà nước để so sánh hoặc cân bằng. Tư nhân không quan tâm đến nghệ thuật là đương nhiên, nhưng Nhà nước phải suy nghĩ về dòng phim đó, vì nếu ra nước ngoài thì dòng phim thương mại chỉ được chiếu theo mối quan hệ nào đó chứ không phải chiếu chính thống.

Như phim "Tấm Cám, chuyện chưa kể" kịch bản còn loạn lên như một nồi lẩu thì sao có giá trị gì nhiều. Tuy nhiên tôi không phủ nhận dòng phim thương mại vì nó có đóng góp cho thị trường điện ảnh sôi động, nhưng chúng ta cần sự phát triển cân đối của hai dòng phim này.

- Ngay chính chủ trương của Ban giám khảo năm nay cũng cho rằng, đã đến lúc không nên phân biệt phim giải trí hay phim nghệ thuật? Theo chị thì sao?

+ Thực tế, phim thương mại có những người lao động nghiêm túc và có những thành công ở mảng giải trí của họ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người coi điện ảnh là cơ hội lao vào kiếm tiền nên thua lỗ cũng nhiều. Thực ra, nghệ thuật làm tử tế thì ở mảng nào nó cũng là sự lao động nghiêm túc cả.

Tôi ở trong nghề mấy chục năm, bản thân cũng có những giải thưởng, tôi hiểu rằng, để làm phim khó kinh khủng. Có một thời kỳ truyền thông lên án dòng phim Nhà nước vì không mang lại doanh thu. Nhưng thực tế, trên thế giới cũng vậy. Có lần tôi đi xem phim được giải Cành cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes, phòng chiếu 100 người mà còn không kín chỗ. Trong thời điểm đó, một rạp gần đó chiếu "Chiến tranh giữa các vì sao" thì khán giả xếp hàng dài mua vé.

Thế giới cũng vậy, nhưng không ai đi so sánh các giá trị và phỉ báng phim nghệ thuật. Đấy là do không hiểu biết. Rõ ràng, khi xem một loạt các phim tham gia Liên hoan phim, chỉ xem 1, 2 phim nghệ thuật chúng ta vẫn thấy nó có những giá trị khác, nó động chạm đến những vấn đề của con người, dù có thể làm chưa tốt vì còn phụ thuộc vào tài năng.

Xem nhiều phim tôi thấy tiếc đồng tiền, họ quan niệm làm điện ảnh là đi kiếm tiền nên cứ sai lạc về thẩm mỹ, quan niệm sai về một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, không thể xóa nhòa ranh giới của hai dòng phim này mà hãy đặt nó về đúng giá trị của nó. Con đường được giải thưởng cũng khó khăn như con đường bom tấn chọn khán giả, nếu có hai cái đỉnh thì đều khó như nhau. Nhưng không thể xóa nhòa giới hạn của hai dòng phim đó.

- Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước đang buông tay với điện ảnh, và thực tế, vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các quỹ điện ảnh để dòng phim nghệ thuật có cơ hội trở lại và phát triển?

+ Năm nay có 2 phim nghệ thuật tham gia Liên hoan phim là "Cha cõng con" và "Đảo của dân ngụ cư", hai phim không hoàn hảo, nhưng nếu có một ý kiến thì tôi chọn "Cha cõng con", nó có giá trị nhân văn sâu sắc, dù làm về một câu chuyện bi thương nhưng thái độ của đạo diễn không bi lụy. Chức năng của nghệ thuật là xây dựng thẩm mỹ cho con người, mang đến cho con người những hiểu biết về xã hội. Nên dòng phim này vẫn phải tồn tại trong đời sống.

Nếu không, nền điện ảnh của chúng ta nghèo nàn lắm, nếu chỉ chạy theo đồng tiền và chỉ vì đồng tiền thì mục đích của điện ảnh không còn là sự tìm tòi về ngôn ngữ, nó hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ, không có dấu ấn của đạo diễn trong đó. Nên rất cần sự quản lý, đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh.

- Thế hệ chị, những người đã góp phần xây dựng nên chiều dài lịch sử của nền điện ảnh Việt Nam, chị có thấy buồn không?

+ Buồn chứ, vì chúng tôi không được làm việc, trong thời kỳ chín muồi nhất của đời người, không có cơ hội làm phim. Dòng thương mại không nằm trong mục đích của mình, không hòa hợp được vì mình khác quá, phim nghệ thuật thì ít quá, kể cả người trong nghề cũng không làm được, nhiều khi cứ viết kịch bản rồi để đấy, bế tắc.

Dòng phim nghệ thuật không còn được đầu tư, cũng không đạt được thành tựu gì mấy. Còn dòng phim độc lập cũng khốn khổ, vì 5, 6 năm mới tìm được tài trợ mà nhiều khi làm xong không có cơ hội phát hành. Một môi trường điện ảnh cứ thấp kém dần đi. Thế giới họ rất quan tâm đến điện ảnh. Còn Việt Nam thì sao. Câu hỏi thuộc về các nhà quản lý.

Người có tài phải được đầu tư để phát triển, có thể chọn kịch bản hay làm phim, bây giờ có nhiều lý do để chưa chắc một kịch bản hay đã được duyệt làm phim trong khi đó, kịch bản không tốt vẫn được vào. Cả một nền điện ảnh chạy theo kiếm tiền. Nghệ thuật đỉnh cao phải lao tâm khổ tứ, phải quyết liệt, đam mê mới tạo ra được những giá trị.

Vợ chồng đạo diễn Nhuệ Giang- Thanh Vân đang chỉ đạo diễn viên trong phim “Tâm hồn me”.

- Chị có nhìn thấy tia sáng nào từ những người trẻ?

+ Tất cả mọi người đều hoang mang. Nhân tài vốn hiếm hoi, một môi trường tốt cộng với tài năng mới ra được một nghệ sĩ cụ thể nào đó. Còn chúng ta, môi trường đang không tốt, tài năng nếu có cũng dễ bị đồng tiền cuốn đi, thui chột dần. Ở nước ngoài nếu có tài sẽ được đầu tư để nổi lên.

Nền điện ảnh Việt so với Đông Nam Á đang thua xa, tôi xem mấy phim của Philippines, đúng là những phim nghệ thuật, nghiêm túc và đặt những vấn đề xã hội mạnh mẽ về những người nghèo dưới đáy xã hội. Còn chúng ta, bao nhiêu vấn đề về đời sống mà điện ảnh đang làm ngơ.

Thế hệ chúng tôi còn may mắn được làm nghề, còn bây giờ, các bạn rất khó khăn. Nỗ lực của các cá nhân chỉ là những tiếng nói đơn độc, không đủ làm nên một làn sóng lớn. Tôi chỉ hy vọng có một quỹ bền vững cho điện ảnh, phát hành có thể trích một phần để nuôi sản xuất tạo thành một vòng tròn bền vững. Có như thế, chúng ta mới có cơ hội phát triển, còn bây giờ chỉ là nỗ lực đơn độc của từng cá nhân và phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn.

- Tôi tự hỏi, cả cuộc đời gắn bó với phim như chị, chị sẽ làm gì nếu không được làm phim?

+ Công việc hiện tại của tôi là ngồi chờ đợi, còn nhiều kịch bản vẫn đắp chiếu. Có lẽ nên sống chậm và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật để đi qua giai đoạn này thôi. Còn chờ đợi đến bao giờ thì tôi cũng không biết nữa. Có thể sẽ chẳng còn những cơ hội vì phía trước ngổn ngang quá.

Ngay cả câu chuyện của một hãng phim truyện có lịch sử lâu đời chúng ta còn chưa giải quyết được thấu đáo thì nói gì đến câu chuyện làm phim. Tôi chỉ trông chờ vào nỗ lực của các cá nhân như Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp hay Đặng Thái Huyền, Bùi Thạc Chuyên, họ còn ấp ủ những dự án của mình và chờ thời cơ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V.Hà (thực hiện)
.
.
.