Họa sỹ Trịnh Minh Tiến:

Chúng ta đang bỏ quên khách hàng nội địa

Thứ Sáu, 24/02/2017, 10:43
Là người sáng lập Real Art - một tổ chức nghệ thuật độc lập, từng điều hành thành công hai kỳ tết Art ở Hà Nội trong 2 năm 2015 và năm 2016, họa sỹ Trịnh Minh Tiến vừa mang mô hình hội chợ nghệ thuật vào TP Hồ Chí Minh với tên gọi "Domino Art Fair", diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, quận 1).


Trong cuộc đối thoại cuối tuần với Chuyên đề CSTC, anh dành nhiều thời gian nói về mô hình hội chợ, qua đó mở ra một cách nhìn mới về thị trường mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới.

- Trong thông tin cung cấp cho báo chí, Ban tổ chức có nói rằng Domino Art Fair là một hội chợ nghệ thuật thực sự đầu tiên của Việt Nam. "Thực sự" ở đây là gì, thưa anh?

+ Hội chợ được diễn ra cùng một lúc ở 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Có không gian triển lãm tác phẩm của nghệ sỹ, của các nhóm, các trường phái. Hội chợ được sự ủng hộ của nhiều nghệ sỹ.

Ngoài việc có những không gian triển lãm, trong không gian hội chợ còn diễn ra các hoạt động đáng chú ý khác, đặc biệt là các buổi nói chuyện, chia sẻ chuyên đề về: Thị trường nghệ thuật Việt Nam; Truyền thông trong lĩnh vực nghệ thuật, làm sao để nghệ thuật đến gần hơn với công chúng; kỹ năng tự quảng bá chuyên nghiệp cho các nghệ sỹ Việt Nam...

Đây là những buổi thảo luận về các vấn đề nóng mà thị trường mỹ thuật Việt Nam cần giải quyết để phát triển lành mạnh và minh bạch, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho họa sỹ và người yêu nghệ thuật. Hội chợ còn có không gian riêng trưng bày và tôn vinh tác phẩm thế hệ họa sỹ trước.

Trước đó, điều này ta cũng gặp ở một số sự kiện nghệ thuật nhưng chưa đầy đủ, tổng hợp như thế này. Các sự kiện ấy diễn ra đơn lẻ, tập trung vào việc bán sản phẩm hoặc tập trung vào một số sự kiện nhỏ lẻ trong đó. Domino Art Fair là một sự xuyên chuỗi, diễn ra trong thời gian ngắn, ở cả 2 đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

- Tôi biết rằng trước Domino Art Fair, anh còn sáng lập và điều hành Tết Art qua 2 mùa năm 2015 và năm 2016. Sao không lấy tên thương hiệu Tết Art đó nữa. Hay đó là một thương hiệu thất bại?

+ Sở dĩ chúng tôi không dùng thương hiệu Tết Art nữa là do nhiều yếu tố, trong đó, lí do quan trọng nhất đó là muốn tập trung phát triển chuỗi hoạt động mới với tên gọi là Domino Art Fair. Domino Art Fair chính là sự kiện đầu tiên trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu hội chợ nghệ thuật Vietnam Art Fair, một thương hiệu hội chợ quốc gia cho Việt Nam, sánh tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới như Singapore Art Stage, Hong Kong Art Basel...

Qua đó, mong muốn đưa hình thức hội chợ này tiếp cận công chúng, gần gũi với công chúng, kéo công chúng tới tham quan, mua sắm hội chợ nhiều hơn.

Còn chuyện thất bại mà bạn hỏi, tôi không đặt nặng quá vấn đề thành công hay thất bại. Tôi xem đó là việc mình cần làm, với tư cách là một người họa sỹ, một người thực hành nghệ thuật.

Tôi muốn mang mô hình đó đến với công chúng Việt Nam, đến với nghệ thuật một cách thân thiện, gần gũi nhất. Qua 2 năm tổ chức hội chợ, đến năm nay là năm thứ 3, công chúng nghệ thuật trong nước đã quan tâm hơn; các nhà sưu tập nội địa quan tâm đến nghệ thuật hơn; việc đầu tư, mua bán tác phẩm diễn ra không phải là ít.

Tác phẩm của họa sỹ Lê Kinh Tài.

Còn nếu bạn muốn nghe một con số cụ thể thì tôi có thể chia sẻ. Domino Art Fair  vừa qua, 20% tổng số tác phẩm đã được giao dịch thành công. Trước đó, Tết Art, chúng tôi cũng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện website để có thể tham dự vào không gian triển lãm 3D, công chúng có thể lên đó mua. Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng chúng tôi cũng đã có giao dịch online rồi. Như vậy là thành công, sao gọi là thất bại được?

- Theo anh, kết quả nào là quan trọng nhất?

+ Tôi cho rằng, mô hình hội chợ đã đưa nghệ thuật đến gần công chúng và kích thích thị trường mỹ thuật là hai kết quả quan trọng nhất.

- Hơn 10 năm qua, người ta cứ tranh luận về chuyện Việt Nam đã có thị trường mỹ thuật hay chưa mà vẫn chưa đâu vào đâu đấy thôi?

+ Theo cá nhân tôi, Việt Nam đã có thị trường mỹ thuật rồi. Tuy nhiên, thị trường đó được phân ra nhiều cấp độ. Ví dụ, thị trường sơ cấp chỉ có một chiều, một người mua và một người bán. Thị trường thứ cấp thì đã có mua đi bán lại. Bây giờ đang hình thành các nhà đấu giá, tức là Việt Nam đã là thị trường thứ cấp rồi. Xây dựng và tổ chức hội chợ, là mong muốn khởi tạo một nền tảng của nghệ thuật thứ cấp. Có như vậy, mới hoàn tất một vòng quay có mua đi bán lại.

Tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên băn khoăn về điều ấy nữa. Điều băn khoăn là làm sao tổ chức tốt, làm sao để kéo công chúng tới những sự kiện kiểu này; để công chúng Việt ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật Việt Nam, tìm được những địa chỉ uy tín, chọn cho mình được những họa sỹ chất lượng, minh bạch, công khai, và cùng chung tay xây dựng thị trường mỹ thuật nội địa. Đó là điều cần làm trước tiên. Hiện nay, chúng ta coi trọng khách hàng nước ngoài mà bỏ quên đối tượng công chúng tiềm năng, đó là công chúng nội địa. Chỉ coi trọng khách ngoại, là một cách đóng kín cửa với khách hàng yêu nghệ thuật trong nước.

- Hiện nay, hình như thị trường mỹ thuật ở ta đang là mạnh ai nấy làm?

+ Nhiều người có thể coi đây là một tín hiệu xấu. Tôi không nghĩ thế. Vài ba năm trở lại đây, tôi để ý thấy, các gallery cũng đã có những động thái nhất định. Đó là sự ra đời của các nhà đấu giá. Có thể kể ra đây một số cái tên như Lythi Auction, Lạc Việt Auction... Hay như, triển lãm dành cho công chúng ở trong nước như sự kiện "Art In The Forest" của họa sỹ Vũ Hồng nguyên, ở Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh & Triển lãm có triển lãm "Mở cửa", Câu lạc bộ Trẻ có "Today"…

Đây đều là những sự kiện đặc biệt, quan trọng và có dấu ấn, tạo cảm hứng.  Đó là một sự nảy nở rất nhanh chóng, hiệu ứng được gia tăng. Tôi hoàn toàn xem đó là những tín hiệu tốt. Sự phát triển vô cùng tự nhiên, để rồi, thông qua đó, sẽ có những chọn lọc tự nhiên, tăng tính cạnh tranh và buộc mọi người làm việc hiệu qủa hơn.

Nếu anh không nỗ lực và cố gắng, anh sẽ tự đào thải anh. Đây là sự thanh lọc không chỉ tốt cho nghệ thuật, mà còn mang tính thị trường. Nếu anh làm tốt, tổ chức những sự kiện thành công, anh sẽ có được họa sỹ tốt, có thể giới thiệu nghệ thuật đến với công chúng nhiều hơn, tác phẩm của họa sỹ cũng sẽ bán được nhiều hơn, tốt hơn.

- Trên thế giới, mô hình hội chợ nghệ thuật đã có từ thế kỷ XVIII. Song với Việt Nam, đây vẫn là một mô hình có nhiều lạ lẫm. Để tiệm cận với thị trường nghệ thuật thế giới, yếu tố chuyên nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Một trong những yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp là mối quan hệ giữa nghệ sỹ - người giám tuyển - nhà sưu tập và các gallery. Hiện nay, mối quan hệ đó anh thấy ra sao?

+ Theo cảm quan của tôi, mô hình đó đang lỏng lẻo. Nhưng gần đây, cũng đang dần chuyên nghiệp hơn. Còn tại sao nghệ sỹ phải đứng ra làm những sự kiện như thế này là bởi nó đúng với thực trạng ở Việt Nam mình hiện tại. Khi tất cả chưa sẵn sàng, các gallery chưa có động thái gì hỗ trợ họa sỹ, khi các nhà tổ chức chưa ý thức tầm quan trọng của thị trường mỹ thuật nội địa, nghệ sỹ phải tự cứu mình trước.

Không chờ vào ai cả. Đó cũng là một trong những lí do tôi đứng ra làm hội chợ. Vì tôi muốn môi trường hoạt động nghệ thuật của tôi và đồng nghiệp tốt hơn. Nếu đi theo tiến trình, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, nghĩa là phải mời các chủ gallery tham dự, không chỉ ở trong nước mà còn có cả các gallery quốc tế nữa. Và ngoài không gian trưng bày tác phẩm, còn có không gian cho các nhà đấu giá nữa.

Một góc ''Domino Art Fair''.

Để rồi có người sưu tập, những người mua đi bán lại qua hội chợ. Khi đó sẽ hoàn tất quy trình nghệ sỹ - người trao đổi, mua và bán. Để ai cũng được lợi. Có thế, thị trường nghệ thuật nói chung và thị trường mỹ thuật nói riêng mới phát triển được đồng đều và minh bạch. Khi chúng ta liên kết thành hiệp hội, chúng ta mới giải quyết được những vấn nạn hiện nay. Có thế, những câu chuyện kiểu như tranh giả ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ầm ĩ năm ngoái mới không còn…

- Có lần ngồi nói chuyện với một chủ gallery, họ nói rằng, giao dịch tranh nếu ràng buộc vào pháp luật, con đường đi rất rõ ràng. Anh có nghĩ, nếu luật hóa thì sẽ giải quyết được những tồn đọng trong nhiều năm qua không?

+ Thực ra, nhiều đề án đã được đưa ra nhưng quan trọng là người quyết định, họ quyết sẽ làm gì. Đến nay, đề xuất, hội thảo thì nhiều nhưng vẫn chẳng đi đến đâu. Chúng ta cần một cơ chế mở để có thể kích thích thị trường đặc biệt này. Còn luật, đôi khi là mở nhưng đôi khi cũng là khóa. Hiện tại nó đang là khóa. Những đề xuất, những mong mỏi đó, rồi thị trường mỹ thuật đương đại, bảo tàng mỹ thuật đương đại, luật đấu giá, luật bản quyền ra sao…, chúng ta đều rất mập mờ.

- Yếu tố ''đại gia'' thì sao, thưa anh? Đại gia có "cấp cứu" được thị trường mỹ thuật hay không?

+ Đại gia "cứu" nghệ thuật, nếu tốt sẽ là cứu, còn không thì dìm nghệ thuật đến nát bét. Quan trọng đại gia đó như thế nào? Nếu đại gia có hiểu biết, có văn hóa, thì còn gì bằng. Nhưng đại gia vì đầu cơ, ăn xổi, họ sẽ lũng đoạn thị trường. Họ không có hiểu biết cũng chẳng "sắm" cho mình một đội ngũ cố vấn giỏi chuyên môn.

Tất nhiên, tôi đồng ý, đầu cơ, đầu tư  là một trong những yếu tố nhằm phát triển thị trường. Đó là điều không thể tránh khỏi ở thị trường mỹ thuật. Nhưng ngắn hạn, dài hạn như thế nào, đều có câu chuyện của nó. Ngay các nhà tài phiệt ở phố Wall, họ vẫn đầu tư nghệ thuật nhưng chọn cho mình cố vấn, chuyên môn sắc nét. Và rồi, thị trường đó được khớp với nhau. Liên kết với nhau. Tác phẩm đó tăng giá trị như thế nào theo từng năm.

- Cảm ơn chia sẻ của anh!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.