Chuyện cổ tích cho tuổi 17

Thứ Ba, 11/11/2014, 15:18
“Chuyện cổ tích cho tuổi 17” là cái tên một bộ phim chắc vẫn còn không ít người nhớ. Gần 30 năm trước, bộ phim ấy ra mắt, được coi là thổi một làn gió mới vào điện ảnh Việt Nam khi lấy bối cảnh thời chiến nhưng lại không nhuốm màu khói súng. Những người tạo nên bộ phim ấy đều không còn ở độ tuổi mười mấy-đôi mươi khi bộ phim ra mắt. Ở thời điểm năm 1988, đạo diễn Xuân Sơn cũng đã gần 50 và biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng đã sắp bước vào tuổi băm.

Tại sao “Chuyện cổ tích cho tuổi mười bảy” và những chi tiết về tuổi tác của đạo diễn, biên kịch bộ phim ấy lại được sử dụng để mở đầu câu chuyện này? Đơn giản, câu chuyện về tuổi trẻ chính là vấn đề thực sự đang cần được nhắc đến trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Đội tuyển trẻ Việt Nam, lứa tuổi dưới 19, mới vừa kết thúc giải VĐ châu Á ở Myanmar với vị trí thứ tư của bảng sau một quãng thời gian gánh nặng những kỳ vọng của những người hâm mộ, của các quan chức LĐBĐ trên vai.

Họ được coi như trọng tâm của nền bóng đá Việt đương đại và thậm chí còn khiến nhiều người hưng phấn quá mức khi nghĩ về một tương lai tham dự World Cup lần đầu tiên. Kỳ vọng ấy sẽ khiến họ trưởng thành hơn hay làm thui chột tài năng của họ vẫn còn chờ đợi thời gian trả lời cụ thể. Nhưng điều quan trọng nhất, họ chính là hình ảnh đại diện tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam, thế hệ tuổi mười bảy-đôi mươi, thế hệ vẫn luôn bị những người đi trước coi là “trẻ con”.

Khi ông chủ tịch LĐBĐ tuyên bố chuyển tiền thưởng của các cầu thủ U-19 về cho gia đình họ quản lý vì sợ họ tiếp xúc với tiền sớm quá dễ hư, nhiều người không khỏi phì cười và đặt ra câu hỏi "Ngày xưa, ông chủ tịch ấy tiếp xúc với tiền lần đầu tiên ở độ tuổi nào và ông ấy có “hư hỏng” vì tiền hay không?".

Trong đội tuyển U-19 ấy, có thể có những em chưa tròn 16 tuổi, nghĩa là vẫn còn giám hộ của cha mẹ và việc chuyển tiền công của các em cho cha mẹ là đúng. Nhưng đa số họ đều đã ở tuổi được coi là một công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình rồi. Chính bởi vậy, họ phải được quyền nhận những cư xử coi họ như những người đàn ông trưởng thành chứ không phải như những đứa trẻ con miệng vẫn còn hôi sữa.

Người trẻ ở Việt Nam thiệt thòi như thế đấy. Họ không được thế hệ đi trước tôn trọng đúng như họ cần phải được tôn trọng. Mỗi chúng ta, ai cũng từng có lần nhìn nhận, nhận xét những người mười bảy-đôi mươi với cảm quan rằng “tuổi ranh ấy thì biết cái gì”. Và tích hợp của những cảm quan đồng dạng như thế là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ ở Việt Nam trưởng thành chậm hơn so với những người đồng trang đồng lứa ở các quốc gia khác. Vẫn biết, sự tự ti đến từ cả chủ quan lẫn khách quan nhưng ở một môi trường mà người trẻ không được coi trọng, chắc chắn mức độ tự ti của họ sẽ lớn hơn nhiều lần.

Cùng một đêm với trận đấu cuối của U-19 Việt Nam ở Myanmar, ở châu Âu, cầu thủ Odegaard của Na Uy đã lập kỷ lục mới khi là người trẻ nhất tham dự một trận đấu của vòng loại EURO. Khi vào sân, Odegaard mới 15 tuổi 300 ngày. Ở độ tuổi ấy, tại Việt Nam, không ai được phép tham dự vào “chuyện người lớn”.

Trước đó vài ngày, cô gái Malala Yousafzai của Pakistan đã nhận giải Nobel Hòa bình 2014 ở tuổi 17. Ở tuổi đó, tại Việt Nam, người trẻ vẫn còn bị người lớn gọi là “bọn tóc xanh, tóc đỏ nhố nhăng”.

Đúng là nếu muốn tham dự vào chuyện lớn, người trẻ cần phải có năng lực rất mạnh mẽ nhưng không hẳn trong số những người trẻ Việt không có những người có năng lực mạnh mẽ cần thiết. Cái họ thiếu là cơ hội và sự ghi nhận sòng phẳng của thế hệ cha anh. Nhưng họ luôn bị coi là trẻ, trẻ đến mức nhiều người đã ở tuổi trên 30 vẫn còn bị những cây đa, cây đề gọi là “trẻ” như chúng ta vẫn gặp thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các định danh kiểu dạng “nhà văn trẻ”; “hoạ sỹ tre”';”'nhạc sỹ tre”'; 'doanh nhân trẻ'…

Ai cũng thích mình trẻ lâu cả thôi nhưng không ai thích mình bị đánh đồng vào cái gọi là “non trẻ”.

Và chúng ta nên nhớ, đã có rất nhiều máu xương của tuổi mười bảy- đôi mươi ấy để đánh đổi lấy những gì chúng ta đang có hôm nay.

Vì thế, bao giờ mới có thực sự một câu chuyện cổ tích cho tuổi mười bảy ở Việt Nam đây, câu chuyện mà trong đó, người trẻ được coi trọng, được bình đẳng với thế hệ đi trước trong cả ứng xử xã hội lẫn trong cơ hội để tham dự vào những sự kiện lớn của cuộc đời

H.Anh
.
.
.