Chuyện về một điệp viên thành công nhất nước Anh

Thứ Ba, 14/05/2013, 10:04

Một người phải trải qua tuổi thơ sóng gió trong nghèo đói và trầm cảm. Một người bàn tay đã “nhúng chàm” bất ngờ trở thành điệp viên. Đó là điệp viên “ZigZag” với mật danh chìm nổi như chính cái tên mình.

Một tuổi thơ dữ dội

Eddie Chapman sinh ngày 16/11/1914 tại Burnopfield, hạt Durham ở đông bắc nước Anh. Chapman là con lớn trong gia đình có 3 anh em. Gia đình Chapman được người ta gọi là “gia đình của biển” bởi người cha của Chapman thường có những chuyến đi lênh đênh dài trên biển, có khi một chuyến đi kéo dài tới 5 năm. Ông là một kỹ sư cơ khí đóng tàu có kinh nghiệm đi biển rất giỏi và những người con của ông đều được thừa hưởng tố chất ấy chỉ trừ có Chapman.

Khi còn đi học, Chapman không mấy quan tâm đến việc học và trường lớp, sự học với Chapman là vô cùng gò bó và công thức. Chapman chỉ thích thể thao và là đội trưởng của đội bóng trong trường.

Theo thời gian, sự khó khăn kinh tế bắt đầu bao phủ lên Sunderland – trung tâm đóng tàu lớn nhất ở Anh lúc bấy giờ. Và cha Chapman đã buộc phải làm công việc của một công nhân lắp ráp và chịu giảm lương trầm trọng. Khi vấn đề tiền bạc trở thành vấn đề lớn trong gia đình, cha mẹ Chapman đã phải dành tiền mặt gửi tiết kiệm phòng trường hợp rủi ro kinh tế, và bán những đồ quý giá của gia đình để lấy tiền chi tiêu, trong đó có chiếc đồng hồ bằng vàng và cây đàn piano của Chapman. Đối với Chapman khi đó, nỗi buồn lớn nhất đó là phải lìa xa chiếc đàn piano mà mình rất yêu quý.

Vào năm 1927, để giúp đỡ bố mẹ phần nào, Chapman vào làm việc tại một quán rượu chuyên phục vụ cho những thợ đóng tàu. Ở độ tuổi 13, Chapman thường xuyên rót rượu bia cho những công nhân và ngư dân. Ở đây Chapman hàng ngày phải lắng nghe những câu chửi thề tục tĩu của những ngư dân và cuộc sống không mấy văn hóa của họ. Tuy nhiên, kinh tế gia đình Chapman vẫn hạn hẹp. Có ngày, vì cha mẹ bận việc, Chapman phải đưa hai em của mình đến quán rượu làm việc để tiện trông nom, và lúc trở về nhà Chapman đã phải kéo xe suốt 4 dặm để đưa các em về vì không có đủ tiền đi tàu điện.

Cuộc sống khó khăn và trầm cảm biến thế giới của Chapman thành một màu đen. Chapman đã nghỉ học vào sinh nhật thứ 14 của mình và quyết định tìm một công việc khác. Đối với Chapman lúc đó thì làm việc gì cũng được miễn là không phải rót rượu bia phục vụ cho những ngư dân hay nói tục và chửi thề kia.

Để bắt đầu, Chapman làm việc trong các xưởng đóng tàu Sunderland như một thợ phục dịch. Sau đó, Chapman làm việc như một thợ cơ khí, công việc bận rộn khiến Chapman thường phải làm việc đến nửa đêm. Nhưng công việc trong xưởng đóng tàu không giữ chân Chapman được lâu, bởi theo như những người thân của Chapman kể thì Chapman “không cảm thấy hứng thú với các thiết bị máy móc và công việc này quá nặng nhọc”. Vì vậy khi người em trai của Chapman đã may mắn trở thành giám đốc một công ty đóng tàu có tiếng thì Chapman từ bỏ công việc của mình.

Sau đó, Chapman đã nhờ một người chú làm trong văn phòng của nhà máy đóng tàu xin cho mình công việc chi trả tiền lương cho công nhân. Tuy nhiên vấn đề thu nhập vẫn không được cải thiện và Chapman cảm thấy chán nản với mức lương ít ỏi.

Vào thời điểm đó, nạn thất nghiệp bắt đầu giáng xuống Sunderland mà theo như cách nói của Chapman là như “một cái búa tạ giáng xuống đầu những người lao động nghèo”. Chapman nói rằng những kỉ niệm sống động nhất trong thời thơ ấu của mình là phải chứng kiến những khu ổ chuột nghèo nàn với những người bị ốm, ăn mặc rách rưới và cái lạnh cái đói, nạn thất nghiệp luôn rình rập.

Nhưng cũng là may mắn khi vào thời gian đó Chapman có đủ điều kiện để vào học ở một trường trợ cấp thất nghiệp. Đối với nhiều người thì đây là một điều kiện tốt, nhưng đối với Chapman thì sự học tại đây chỉ phí thời gian mà thôi. Vì vậy thay vì đạp xe đến trường, Chapman đã đạp xe đến các bãi cát ven biển thu lượm những vỏ chai bia và nước ngọt, sau đó Chapman bán lại cho các chủ cửa hàng phế liệu.

Tuy công việc này không mang lại nhiều thu nhập, nhưng đối với Chapman nó thú vị biết bao khi được đi bộ, được đắm mình trong ánh nắng mùa hè, cảm thấy gió mát, cát ấm mịn dưới chân thay vì bị gò bó trong khuôn khổ trường lớp. Nhưng rồi một ngày, việc Chapman bỏ học đi nhặt phế liệu cũng bị cha mẹ phát giác. Cha mẹ Chapman nói rằng nếu Chapman không quay lại trường học thì sẽ đánh anh ta một trận nên thân và từ mặt.

Và ở tuổi 16, Chapman quyết định bỏ nhà ra đi. Đêm hôm đó, Chapman mang theo một ổ bánh mì cùng 1 đồng 6 xu rồi đạp xe lao đi trong bóng tối. Đó là mùa đông năm 1930, thời tiết lạnh giá vô cùng. Chapman cứ thế đạp nhanh nhất có thể để tới Great North. Và khi tới được đó thì cả người Chapman đã cứng đờ vì lạnh.

Ở đây Chapman cố gắng tìm một công việc để làm, Chapman đã làm quen với một người thợ mỏ, nhưng anh ta thì tìm được việc làm còn Chapman thì không. Rồi niềm thương nhớ cha mẹ và các em đã khiến Chapman quyết định trở về nhà trong một buổi sáng sớm, lúc đó là khoảng 3 giờ sáng và mẹ Chapman đã khóc nức nở khi thấy con trai bà trở về. Từ đó, Chapman không phải đến trường trợ cấp thất nghiệp nữa, thay vào đó là ở nhà chăm sóc các em giúp cha mẹ.

Vài tháng sau, vào buổi sáng chủ nhật đầu tháng 10 năm 1931, khi Chapman và em trai mình đang thơ thẩn đi trên bãi biển ở Roker thì bỗng nghe tiếng kêu cứu, như thể là có người đang bị sặc nước. Nhìn ra phía ngoài biển, Chapman thấy một người đàn ông đang chới với giữa những con sóng lớn. Theo bản năng, Chapman lao mình về phía người đàn ông ấy và kéo được ông ta vào bờ. Khi lên được tới bờ, trên người Chapman hầu như chẳng còn quần áo. Người đàn ông hút chết ấy được hô hấp nhân tạo và tỉnh lại. Từ sự việc này Chapman đã được ca ngợi như một người anh hùng.

“Nhúng chàm” và trở thành điệp viên “ZigZag”

Sau đó, Chapman tham gia lực lượng Cận vệ Coldstream ngay sau lần sinh nhật thứ 17 của mình. Tại đây, Chapman đã được huấn luyện để trở thành một thành viên ưu tú. Nhưng sóng gió bắt đầu ập tới vào đầu mùa hè năm 1933 khi Chapman nhận được bức điện báo báo rằng người mẹ của mình phải nhập viện vì bệnh lao phổi. Khó khăn lắm Chapman mới xin được về thăm mẹ, nhưng khi đến bệnh viện, mẹ của Chapman đã yếu đến nỗi không nói được câu gì và trút hơi thở cuối cùng trước mặt Chapman.

Đau đớn trước cái chết của mẹ, Chapman dường như trở nên trầm cảm và nhiều người cho rằng một phần vì lý do này mà Chapman bỏ trốn khỏi lực lượng cận vệ Coldstream để bắt đầu quãng đời “nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn” sau này của mình.

Và cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của Chapman rẽ sang một hướng khác. Không lâu sau khi bỏ trốn, Chapman trở thành một tội phạm chuyên nghiệp với hàng loạt những vụ đột nhập phá két sắt bằng thuốc nổ gêlinhit. Kỹ năng trộm cắp giúp Chapman kiếm được bộn tiền để có cuộc sống của một tay chơi giàu sang ở Soho.

Những người bạn của Chapman không tin vào sự thay đổi này, các em của Chapman cũng không hiểu vì sao anh trai mình lại chọn con đường ấy. Còn đối với Chapman thì đây là khoảng thời gian “bù đắp” cho những thiếu thốn vật chất lúc ấu thơ của mình. Thế nhưng lưới trời lồng lộng, cảnh sát Anh đã tóm được Chapman vào tháng 2/1939, sau một thời gian trốn chui trốn lủi tại Jersey thuộc quần đảo Channel.

Hoàn cảnh Chapman rơi vào tay cảnh sát cũng mang nhiều bất ngờ. Trước đó, khi Chapman đang ăn tối cùng người yêu và cũng là vị hôn thê tương lai Betty Farmer tại khách sạn de la Plage thì lực lượng cảnh sát xông vào vây bắt, nhưng Chapman kịp thời trốn thoát bằng cách phóng mình ra khỏi cửa sổ phòng ăn để lại sự ngỡ ngàng và bàng hoàng trên khuôn mặt người yêu. Quá vênh vang trước may mắn này, Chapman đã thực hiện một vụ trộm vặt ngay tối hôm đó nhưng cuối cùng đã chịu thúc thủ trước lực lượng cảnh sát Jersey.

Chapman và người vợ Betty Farmer.

Theo hồ sơ cảnh sát, Chapman có rất nhiều biệt danh từ các vụ án mà mình gây ra, trong đó gồm có Edward Edwards, Arnold Thompson và Edward Simpson. Tòa án Jersey đã tuyên phạt Chapman 2 năm tù, cộng thêm 1 năm cho tội vượt ngục bất thành vào tháng 9/1939.

Thời điểm Đức xâm chiếm quần đảo Channel, Chapman đang ngồi bóc lịch và đến tháng 10/1941 thì được ra tù. Vụ trộm tại quần đảo Channel cũng chính là sự kiện giúp Chapman tránh được nguy cơ lĩnh bản án ít nhất 14 năm tù tại Anh sau khi thụ án xong ở nhà tù Jersey.

Cuộc sống tại quần đảo Channel bị chiếm đóng rất khắc nghiệt và Chapman cố tìm cách trở lại Anh. Nhưng khi Chapman chưa kịp làm gì thì đã bị người Đức đưa tới Fort de Romainville ở Paris (nước Pháp lúc đó cũng đang bị Đức chiếm đóng) cùng một vài người khác. Với bản chất cơ hội ngấm sâu trong máu, Chapman đã xung phong làm gián điệp cho người Đức và cuối cùng cũng được cơ quan mật vụ Abwehr tuyển dụng.

Lúc đó Abwehr đang ở vào tình thế tuyệt vọng do mạng lưới điệp viên của cơ quan này tại Anh chỉ thu được tin tức tình báo chất lượng rất thấp. Và điều quan trọng hơn là cơ quan tình báo MI5 đã tóm được gần hết các điệp viên Đức tại Anh và tuyển dụng một vài người trong đó làm điệp viên hai mang mà người Đức không hề hay biết.

Sau suốt một năm ròng được huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ, liên lạc điện đài, nhảy dù và nhiều nội dung khác tại La Bretonnière, gần thành phố Nantes (Pháp), Chapman được gắn cho mật danh Fritzchen (nghĩa là Fritz nhỏ). Abwehr coi Chapman là một ứng cử viên lý tưởng để làm điệp viên. Chapman tuyên bố thù địch với nước Anh, bởi lúc đó Chapman vẫn nằm trong diện bị cảnh sát Anh truy nã.

Bên cạnh đó, những mối quan hệ với thế giới tội phạm ngầm đã giúp Chapman “tăng điểm” trong mắt người Đức, bởi điều đó đồng nghĩa với việc Chapman có thể giúp tình báo Đức tuyển thêm điệp viên. Đồng thời, Chapman còn có “thế mạnh” là khả năng sử dụng thuốc nổ điêu luyện. Cụ thể, người Đức muốn Chapman tấn công nhà máy sản xuất máy bay De Havilland tại Hertfordshire, nơi cho ra đời những chiếc máy bay ném bom Mosquito đáng sợ.

Ngày 16/12/1942, Chapman nhảy dù xuống một cánh đồng tại Cambridgeshire. Thế nhưng thay vì lặn sâu vào thế giới tội phạm ngầm như cấp trên người Đức của mình mong đợi thì Chapman lại tự nộp mình cho cảnh sát và MI5. Hơn nữa, chuyến nhảy dù của Chapman đã được biết từ trước đó, khi người Anh chặn thu và giải mã được những bức điện mật của Đức. Nhờ vậy, họ đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để “chào đón” điệp viên Fritzchen, người sẽ trở thành điệp viên hai mang quan trọng nhất của nước Anh trong Thế Chiến II.

Sau khi bị cơ quan tình báo MI5 của Anh bắt giữ, Eddie Chapman được chuyển tới Trại 020, trung tâm giam giữ bí mật của MI5 ở phía tây thủ đô London và hứng chịu những đợt tra hỏi gắt gao của Trung tá Robin Stephens “Mắt thiếc”, biệt danh có từ việc ông ta không bao giờ tháo chiếc kính một mắt viền thép của mình, kể cả khi đi ngủ.

Dagmar Lahlum - 1 trong 2 người vợ của Chapman.

MI5 đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình của Chapman. Chapman khai với những người thẩm vấn mọi chi tiết về thời gian mình ở nước Pháp cũng như nhiệm vụ mà người Đức giao cho. Chapman thậm chí còn xung phong hợp tác để chống lại người Đức, mặc dù quá khứ tội phạm của Chapman vẫn còn phải được cân nhắc. Stephens cho rằng nên tận dụng Chapman hết mức có thể và hắn thật lòng muốn hợp tác.

MI5 gắn cho Eddie Chapman mật danh ZigZag và quyết định đưa Chapman xâm nhập lãnh thổ Đức để thu thập thêm thông tin về Abwehr. Dưới sự giám sát của Ronnie Reed, Chapman đã dùng điện đài liên lạc với người Đức và thông báo rằng mình đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ phá hoại được giao tại nhà máy De Havilland. Chapman được đưa tới Hatfield cùng với một nhân viên MI5 và cùng vạch ra một kế hoạch tấn công để sau này có thể báo cáo đã làm được những gì với cấp trên người Đức của mình.

Bản thân cuộc “tấn công” này cũng là một trong những chiến dịch đánh lừa đáng chú ý nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào đêm 29, rạng sáng 30/1/1943, một hệ thống ngụy trang tinh vi đã được dựng lên tại nhà máy De Havilland ở Hatfield, Hertfordshire, để đánh lừa máy bay do thám của Đức. Nếu nhìn từ trên cao, người ta sẽ thấy cảnh tượng một quả bom lớn đã phát nổ ở khu vực nguồn điện bên trong nhà máy và phá tung mọi thứ.

Các máy biến thế bị bom phá nát được làm từ gỗ và bìa dán trong khi các tòa nhà được ngụy trang bằng giấy dầu và tôn múi cho giống một đống đổ nát. Đá vụn và gạch vỡ nằm rải rác khắp nơi xung quanh khu vực nhà máy điện. Để câu chuyện có sức thuyết phục hơn nữa, MI5 thậm chí còn cho đăng tải một bài báo với nội dung giả mạo về cuộc tấn công phá hoại này trên tờ Daily Express.

Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn khi đánh lừa được cả những nhân viên của nhà máy De Havilland. Sau đó, ZigZag đã dùng giấy tờ giả do MI5 chuẩn bị để chuồn sang Bồ Đào Nha liên lạc với người Đức qua điện đài để thông báo về “chiến tích” và cơ quan mật vụ Đức Abwehr rất hài lòng.

Tháng 3/1943, ZigZag đi từ Bồ Đào Nha về Đức và sau đó tới một căn nhà an toàn trên lãnh thổ Na Uy lúc đó vẫn bị chiếm đóng. Tại đây, ZigZag đã hết sức kinh ngạc khi nhận được huân chương chữ thập sắt, phần thưởng cao quý nhất của Đức quốc xã, cho cống hiến của mình đối với Abwehr. ZigZag trở thành công dân Anh đầu tiên và cũng là duy nhất nhận được huân chương này.

Khi chuẩn bị trở lại Đức, điệp viên ZigZag thậm chí còn đề xuất với MI5 cho phép tiến hành một vụ đánh bom tự sát nhằm vào Adolf Hitler nhưng không được chấp thuận. ZigZag được người Đức cho gia nhập quân đội với 110.000 mác tiền thưởng cùng một chiếc du thuyền riêng.

Eddie Chapman được cử tới Na Uy để giảng dạy tại một trường đào tạo gián điệp ở Ôxlô. Tháng 6/1944, sau chiến dịch Overlord, ZigZag được người Đức đưa trở về Anh để báo cáo về độ chính xác của bom bay V-1. Từ London, ZigZag đã khẳng định với quân Đức rằng những quả V-1 đã rơi trúng mục tiêu ở trung tâm thủ đô của nước Anh mặc dù chẳng có quả nào tới được đích. Chính vì vậy, quân Đức không buồn điều chỉnh cự li và kết quả là phần lớn những quả bom này đã rơi xuống khu vực Kentish ở ngoại ô London.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, điệp viên ZigZag đã được MI5 cho “về vườn” với 6.000 bảng Anh tiền thưởng, không kể khoản thưởng trị giá 1.000 bảng của người Đức. Tất cả những tội danh ZigZag gây ra trước chiến tranh cũng được xóa sạch, giúp Chapman an nhàn tận hưởng cuộc sống tại London.

Trong thời kỳ chiến tranh, Chapman đã có hai người vợ, một là Freda Stevenson ở Anh và Dagmar Lahlum ở Na Uy. Chapman có một đứa con với người vợ Freda Stevenson. Nhưng cuối cùng sau chiến tranh Chapman quyết định từ bỏ hai người vợ này để về sống với cô vợ Betty Farmer – một người nông dân, người từng bị Chapman bỏ rơi trong một cuộc vây bắt của cảnh sát ở khách sạn de la Plage hồi năm 1939.

Chapman và Betty sau đó đã có một cô con gái tên là Suzanne vào năm 1954. Năm 1967, Chapman sống tại Ý với nghề kinh doanh đồ cổ. Lợi nhuận từ việc kinh doanh này đã giúp vợ chồng Chapman mở một trung tâm chăm sóc sức khỏe và sở hữu một tòa lâu đài ở Ireland. Eddie Chapman qua đời năm 1997 tại trung tâm chăm sóc sức khỏe của mình

PV
.
.
.