Nhạc sĩ Phạm Tuyên:

Có lúc phải quên đi những rào cản

Thứ Hai, 26/12/2016, 13:50
Ông sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở phố Vạn Bảo. Ở tuổi 88, hàng ngày ông vẫn đọc sách, chơi đàn, lắng nghe những biến động trong đời sống âm nhạc. Các con của nhạc sĩ Phạm Tuyên chuẩn bị tổ chức một đêm nhạc riêng mừng sinh nhật ông. Đó cũng là sự ghi nhận của đời sống đối với ông.


- Ông có nhớ mình đã có bao nhiêu đêm nhạc riêng không?

+ Cho tới nay có gần 10 chương trình ca nhạc của tôi đều do các đơn vị làm, cảm động lắm, ở Hà Nội, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… Hoàn toàn tôi không biết nội dung là những bài hát gì, do người làm chương trình tự chọn.

Năm tôi 77 tuổi, có một đêm nhạc do Hội Nhạc sĩ tổ chức, tôi hỏi nhạc sĩ Vân Dung định dàn dựng những bài nào, ông nói, tôi hãy đến với tư cách là một khán giả.

Hàng ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn chơi đàn.

Tôi rất thích cách làm đó bởi nó thể hiện sự thẩm định khách quan chứ không phải là ý muốn của tác giả. Tôi cho rằng 10 đêm nhạc trong toàn quốc là sự ghi nhận của đời sống, chẳng hạn như chương trình ở Huế có bài hát tôi viết từ rất lâu rồi được họ mang ra dàn dựng, tôi rất ngạc nhiên.

Trong xu thế chung hiện nay, quan điểm của tôi, tất nhiên cơ chế thị trường cần quảng bá nhưng nghệ thuật có hai chức năng cao quý, cổ vũ động viên con người sống tốt và giải trí, mình đang nhấn mạnh chức năng giải trí quá, nên sức sống của bài hát không còn lâu bền.

- Nhiều bài hát của ông viết để phục vụ cách mạng, nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh trong một giai đoạn nhưng vẫn vượt qua được thời gian và có sức sống lâu bền. Ông nghĩ điều gì đã làm nên sức sống lâu bền đó?

+ Tôi có một lợi thế được làm việc ở một cơ quan truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, nên cơ hội các bài hát của mình đến với khán giả nhiều hơn. Làm báo, tôi luôn được nhắc 3 điều, viết để làm gì, viết như thế nào và viết cho ai.

Quan điểm sáng tác đó ngấm vào người nghệ sĩ. Tôi viết rất chân tình, không nhằm kêu gọi, giáo huấn ai cả. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từng nói, tại sao anh viết những bài hát chính luận mà chúng tôi vẫn có thể nắm tay nhau hát, rất nhẹ nhàng. Tôi viết bài "Đảng đã cho ta một mùa xuân" khi mới hơn 30 tuổi, còn rất trẻ, cảm xúc cũng rất tự nhiên.

Sự ghi nhận của đời sống là một động viên khách quan đối với nghệ sĩ. Nhiều nhạc sĩ cứ khoe mình viết bài này ở đâu, rồi thì đi học ở nước ngoài về, nhưng người ta không nghe bài đó bao giờ, quan trọng là tác phẩm phải được đời sống ghi nhận.

Tại sao tôi nhập được vào tình cảm chung của các thế hệ? Bởi tôi hòa nhập được vào tình cảm của nhân dân. Cách suy nghĩ về tác phẩm của mỗi người một khác, có người nghĩ nó như là của riêng mình để rồi tự hào, cũng có người chỉ nghĩ đây là phần mình đóng góp cho xã hội thôi.

- Ông luôn coi đó là phần đóng góp của mình cho xã hội?

+ Trong cơ chế thị trường hiện nay thì nhân cách của người nghệ sĩ vô cùng quan trọng, một khi anh đặt mình lên trên tất cả, nghĩ tài năng của anh không ai có được để khoe khoang, tự mãn thì sẽ không lâu dài được, người ta sẽ chóng quên.

Ông có hơn 200 ca khúc viết cho thiếu nhi.

Đối với tôi, tình cảm, ấn tượng của người nghe đối với tác phẩm vô cùng quan trọng. 88 tuổi rồi, tôi không viết nữa, nhưng điều tôi quan tâm nhiều gần đây là việc đào tạo một thế hệ nhạc sĩ quan tâm đến sáng tác cho trẻ con vô cùng quan trọng. Giờ không ai viết nhạc cho trẻ con.

Khi tôi vào gặp một số nghệ sĩ, tôi có nói, trẻ con thiếu bài hát, sao mọi người không viết đi, được học hành, đào tạo cơ bản thế. Các em cười, nhạc thiếu nhi khó bán lắm, không ai chuộng cả. Ngoài này mấy người viết nhạc thiếu nhi. Nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân gặp tôi bảo rằng, có một thực tế đau buồn, họ viết bài cứ để trong cặp, không ai dựng.

Vì ngày xưa, thời của tôi, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương rất quan tâm đến vấn đề này, tổ chức cho nhạc sĩ đi với trẻ con để viết, rồi giao cho nhà hát dàn dựng. Ngay cả nhận thức của nhạc sĩ cũng khác nhau.

Hồi còn ở Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ, tôi có đề nghị thành lập Ban sáng tác cho trẻ em. Nhưng từ khi tôi thôi không làm thì ban đó cũng giải tán. Cho nên, điều tôi trăn trở là thiếu các ca khúc hay cho thiếu nhi.

- Đó cũng là lý do mà trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí trên truyền hình, trẻ con thường hát tiếng Anh hoặc uốn éo theo những bài của người lớn. Chúng ta đã nói mãi đến vấn đề này nhưng vẫn bế tắc thưa ông?

+ Tôi từng phản đối việc này, gặp trực tiếp lãnh đạo Đài Truyền hình để nói rằng, chúng ta đang dùng trẻ con làm trò đùa cho người lớn. Ví dụ một đứa trẻ 7 tuổi hát "Thị Mầu lên chùa", thử hỏi cô bé có thể hiểu gì về bài hát. Thế nhưng, ở dưới, giám khảo vỗ tay khen.

Tôi đã góp ý nhưng họ cho đó là ý kiến lạc hậu rồi. Nhiều người hỏi tôi về âm nhạc thiếu nhi, tôi cho rằng phải thay đổi tư duy của những người làm văn hóa văn nghệ và đoàn thanh niên. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhạc thiếu nhi không ai dựng, không ai mua. Tôi đã từng nói với các nhạc sĩ in lại những bài hát thiếu nhi vượt qua thời gian, hàng nghìn bài, anh An Thuyên khi còn sống ủng hộ nhiệt tình, in được 2 tập rồi.

Nhưng in xong rồi phải làm việc với các cơ quan truyền thông, âm nhạc phải nghe chứ in xong để đó thì cũng không có ý nghĩa gì. Tôi già rồi, chỉ làm được chừng ấy thôi. Tôi sợ trong thời gian tới, khó có thể tìm được bài hát thuần Việt. Cứ bắt chước Hàn Quốc, bắt chước Mỹ một tí...

- Cuộc đời ông có những nỗi muộn phiền nhưng vì sao âm nhạc của ông lại tươi vui như thế. Ông nghĩ sao khi mọi người cho rằng, ông thường viết theo đơn đặt hàng và âm nhạc của ông mang màu sắc chính trị hơn là những bản tình ca?

+ Tôi có nhiều bài hát chính trị được đánh giá cao nhưng tôi cũng có nhiều bản tình ca. Khi NSND Lê Dung còn sống, chị vẫn chọn bài hát của tôi. Những bản tình ca ít được nhắc đến vì tôi cũng không tổ chức live show gì cả. Lần này, với live show cuối đời, cũng là một ghi nhận cuối đời, sẽ có nhiều bản tình ca.

Bài "Nhớ và quên", tên chương trình cũng là một bản tình ca tôi phổ thơ nhà thơ Hoàng Minh Châu, cho một thế hệ những người đi kháng chiến. Có người phỏng vấn tôi nói rằng, âm nhạc của bác chủ yếu cổ vũ, động viên, khi bác viết không có cái tôi, chỉ có cái ta thôi.

Cuốn hồi ký của vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên ra mắt độc giả.

Tôi trả lời, không có cái tôi thì làm sao có cái ta được, tôi viết bằng tình cảm của riêng tôi, nhưng tình cảm đó hòa đồng được với tình cảm chung của mọi người nên mọi người nhớ.

Đừng nên hiểu tôi chỉ viết bài chính luận để được cái này, cái nọ. Thời bao cấp không có thù lao. Ngay cả bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", cả nước hát, tôi được thưởng Huân chương Lao động nhưng cũng không có tiền. Tất cả chỉ là nguồn động viên tinh thần.

- Có khi nào ông viết cho riêng mình?

+ Có chứ. Ngay bài hát "Nhớ và quên" cũng là viết cho tôi, có lúc mình phải quên đi những rào cản và nhớ những gì tốt đẹp mới sống tiếp được.

- Gia đình ông vừa xuất bản cuốn hồi ký của bác gái, "Chúng tôi đã sống như thế". Ông có nghĩ đời mình may mắn khi có một người thấu hiểu như vợ ông, nhà tâm lý học Nguyễn Thị Ánh Tuyết?

+ Một trong những lý do chúng tôi gắn bó với nhau là phông văn hóa của hai người, đọc nhiều, hiểu nhiều, thông cảm nhiều. Rất nhiều tác phẩm  của tôi do bà thẩm định, bà hiểu ý đồ của nó.

Bà mất được 7 năm rồi, hồi ký là phần bà để lại cuối đời. Hồi trước, bà cứ lặng lẽ ngồi gõ máy tính, lúc đầu bà giấu tôi, giờ tôi vẫn giữ bản đánh máy.

Trước lúc bà mất, bà bảo nên phô tô tặng bạn bè, coi như đó cũng là cuốn hồi ký của tôi. Tôi đọc cảm động lắm vì tôi không bao giờ trao đổi với vợ mình viết bài này mục đích gì, nhưng bà hiểu hết.

Bà là tiến sĩ tâm lý học trẻ em, vì thế những bài hát thiếu nhi của tôi thành công cũng nhờ bà, để hiểu được tâm lý của trẻ.

Đây là sự gặp gỡ của một tri thức làm khoa học với một nghệ sĩ, gặp gỡ giữa con một gia đình cách mạng với con một người làm việc cho chế độ quân chủ.

- Vâng, đó là cuộc gặp của tri thức và sự thấu hiểu. Tôi vẫn nhớ câu thơ nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng ông:"Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”.

+ Năm ngoái sinh nhật tôi, nhà thơ Bằng Việt có đến chúc mừng bằng một bài thơ. Ông chúc mừng tôi đã vượt qua định kiến để phát triển lâu dài, đó là một phẩm chất. Trong giới văn nghệ rất hiểu nhau. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng vậy, cậu ấy rất hiểu và thương quý tôi.

- Cuộc sống hàng ngày của ông bây giờ ra sao?

+ Tôi sống một mình, các con chiều thường ghé qua thăm. Tôi giờ thiếu ngủ lắm. Hàng ngày đọc sách, đọc nhiều, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, đọc đủ các loại, sách văn học, sách lịch sử. Vẫn chơi đàn piano dù tay bây giờ tay cứng hơn nhiều.

- Ông có buồn không khi các con, cháu không ai đi theo con đường âm nhạc?

+ Mấy đứa cháu không ai theo âm nhạc, tôi nghĩ đó là sự tự do lựa chọn, không bắt buộc được. Hai cô con gái, cô nào cũng học piano ít nhất 5 năm rồi rẽ sang con đường khác. Âm nhạc nghệ thuật cứ phải tự đến thôi, không ép được.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Tạ Minh Thu (thực hiện)
.
.
.