Nhà văn Nguyễn Như Phong:

Có những người đi ra từ bóng tối

Thứ Hai, 01/08/2016, 12:57
Bộ phim "Đồng tiền quỷ ám" đang phát sóng trên VTV1 vào giờ vàng thu hút được sự chú ý của người xem truyền hình. Bên cạnh những lời khen, cũng có những tiếng chê, trong đó có những ý kiến cho rằng bộ phim làm xấu hình ảnh lực lượng Công an.

PV Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Nguyễn Như Phong - tác giả kịch bản, xung quanh những ý kiến khen, chê về bộ phim này.

- Trước hết xin chúc mừng ông, bộ phim "Đồng tiền quỷ ám" đã được người xem đón nhận. Phải nói đó là một bộ phim rất hấp dẫn về đề tài hình sự. Vậy ông đã nhận được những phản hồi gì từ phía khán giả?

+ Có chứ. Người khen cũng nhiều và cũng có những ý kiến không bằng lòng. Những ý kiến không bằng lòng đó chủ yếu cho rằng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong phim không đẹp, thậm chí họ bảo rằng tôi bêu xấu lực lượng Công an.

Nhà văn Nguyễn Như Phong.

Nhưng tôi là người đã trưởng thành từ lực lượng Công an thì làm sao tôi có thể bêu xấu lực lượng Công an được. Chúng ta phải hiểu rõ khái niệm bêu xấu khác với khái niệm phê phán.

Trong bộ phim, nhân vật Đồng là một cán bộ công an sinh ra trong một gia đình truyền thống, có vợ là Công an, nhưng đã sa đà vào cờ bạc rồi dẫn đến hư hỏng. Đây cũng là chuyện bình thường.

Lực lượng Công an nhân dân bên cạnh rất nhiều chiến công to lớn, những tấm gương quên mình để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân thì cũng có những cán bộ Công an hư hỏng, vi phạm pháp luật và đã phải xử lý.

Trong những năm làm Báo Công an nhân dân, tôi đã chứng kiến vài vụ tử hình cán bộ Công an, mà rất đau đớn, trong đó có những người là bạn bè với tôi.

Cuộc sống phức tạp là thế đấy. Không thể đòi hỏi tất cả lực lượng Công an nhân dân đều trăm người như một, đều trong sáng như pha lê. Có một số rất ít đang là "con sâu bỏ rầu nồi canh".

Bên cạnh một nhân vật như Đồng, thì lại có hàng loạt nhân vật rất tích cực, đáng yêu, đáng quý và rất đáng trân trọng như Bảy Liêm - vợ của Đồng, ông Phương - bố của Đồng, Giám đốc Công an Trịnh Lương, Cảnh sát hình sự Hòa…

Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu trong lực lượng Công an diễn ra thường xuyên và không kém phần gay gắt. Đó là cuộc đấu tranh giữa đúng - sai, thiện - ác. Và chúng ta đều biết những ai làm sai đều phải chịu xử lý.

Đức Phật có nói rằng: Con người ta có những người từ bóng tối bước ra ánh sáng; có người từ ánh sáng đi vào bóng tối; và có những người từ ánh sáng đi vào bóng tối rồi lại đi ra ánh sáng.

Trường hợp của nhân vật Đồng cũng vậy. Anh ta đã có những phút sa ngã. Nhưng truyền thống gia đình, danh dự người chiến sĩ Công an đã vực anh ta dậy…, rồi các bạn sẽ thấy nhân vật Đồng từ bóng tối bước ra ánh sáng thế nào.

Một cảnh trong phim “Chạy án”, kịch bản nhà văn Nguyễn Như Phong.

Xem phim cũng như chúng ta ăn cỗ vậy. Không vì một món ăn kém ngon mà lại bảo cả mâm cỗ hỏng. Tôi mong rằng sẽ nhận được những phán xét công bằng khi hết phim.

- Cũng biết bộ phim là một tác phẩm văn học, nhà văn có quyền hư cấu. Vậy trong bộ phim này, có thể nói sự thật bao nhiêu phần trăm và hư cấu bao nhiêu phần trăm?

+ Làm sao có thể phân định được rạch ròi chuyện này. Nếu như khi xem, khán giả thấy hình bóng của một ai đó mà họ đã thấy trong xã hội thì đó là sự thật, còn khi người ta không thấy thì đó là hư cấu.

Không nên mang chuyện hư cấu để nói rằng tác giả ám chỉ ai đó. Cũng phải nói thêm rằng, trong bộ phim này, người đóng vai nhân vật Đồng đã diễn xuất quá giỏi, cho nên có những đoạn người xem thấy ghê sợ.

Còn Kim Oanh thì quả thật là "đàn bà dễ có mấy tay". Tôi là tác giả kịch bản, mà đến khi xem phim còn thấy "dựng tóc gáy", vì sự mưu mô xảo quyệt của nhân vật Kim Oanh do diễn viên Cao Thái Hà đảm nhận.

- Qua bộ phim này, ông muốn gửi gắm điều gì?

+ Bộ phim này tôi muốn nói đến sự phức tạp của lực lượng Công an nhân dân trong việc đấu tranh với nạn cờ bạc, và tôi cũng muốn cảnh tỉnh một điều: hậu quả của cờ bạc len lỏi vào khắp nơi, khắp chốn, vào đủ các tầng lớp người, trong đó có cả cán bộ chiến sĩ Công an. Sẽ có người bảo rằng làm gì có Công an đánh bạc như thế…

Đấy là họ không biết thôi, chứ tôi biết có vụ án, vì cờ bạc mà sĩ quan Công an còn ăn cắp cả gần chục khẩu súng ngắn mang đi bán. Còn chuyện cán bộ Công an bị sa ngã trong tình ái thì đâu phải là không có. Nhưng quan trọng nhất là bộ phim đã vẽ ra được một bức tranh toàn cảnh về công tác chống tội phạm hình sự ở một vùng biên.

Và bên cạnh những tấm gương cao quý như Giám đốc Trịnh Lương, Trưởng Công an huyện Bảy Liêm, Giám đốc Công an tỉnh đã về hưu như ông Phương, thì cũng có nhân vật phải phê phán như Đồng.

Cảnh quay hai diễn viên Đức Sơn và Cao Thái Hà trong phim “Đồng tiền quỷ ám”.

Cuộc sống vốn phức tạp. Lực lượng Công an nhân dân từng ngày, từng giờ phải đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, mà bọn tội phạm hình sự lại không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, hoặc làm tha hóa biến chất người chiến sỹ Công an.

Cho nên, làm thế nào để giữ được mình, đó mới là vấn đề. Và trong cuộc đấu tranh này, người chiến thắng vẫn là những cán bộ chiến sĩ Công an có bản lĩnh, có ý chí và có phẩm chất cao quý.

- Sau bộ phim này, ông có ý định viết tiếp về đề tài hình sự không?

+ Tất nhiên là có. Tôi đang xây dựng một bộ phim nói về một chiến sĩ cảnh sát hình sự, xuyên suốt quá trình công tác của nhân vật này, từ một cảnh sát hình sự bình thường, rồi trưởng thành lên đến Giám đốc Công an tỉnh.

Và đó là một nhân vật Công an mang những phẩm chất cao quý nhất, tốt đẹp nhất của lực lượng Công an. Còn dĩ nhiên, đã là con người, dù là Công an thì cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, có những bước thăng trầm và cũng có những vấp ngã. Nhưng quan trọng là sau vấp ngã người ta đứng lên thế nào.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hà Thủy
.
.
.