Còn mãi một tình yêu Hà Nội

Chủ Nhật, 21/07/2019, 15:00
Trong ký ức của bạn bè, Phan Vũ là một người lãng tử, ham chơi, tài hoa và đào hoa. Ông một đời đắm đuối với nghệ thuật, sống chân tình, cởi mở. Không chỉ làm thơ, ông còn viết kịch bản, làm đạo diễn, vẽ tranh... ở lĩnh vực nào cũng có dấu ấn sâu đậm. Ông đã dừng cuộc rong chơi trần gian của mình ở tuổi 93, nhưng tình yêu của ông với cuộc đời, với Hà Nội vẫn còn mãi.

1.Bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” giờ đây đã trở nên quen thuộc và là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội. Nhạc sĩ Phú Quang thừa nhận: “Gia tài của tôi có hơn 500 ca khúc nhưng “Em ơi, Hà Nội phố” là một trong những bài hát hay nhất của tôi. Đó là bài hát nổi tiếng đầu tiên của tôi và cũng là bài hát đầu tiên để mọi người biết đến tên Phú Quang”.

Không chỉ vậy, bài hát cũng “ghim” vào công chúng một cái tên đẹp nữa: Phan Vũ. Trước đó, ít người biết đến Phan Vũ trong vai trò một nhà thơ, vì sự thật là ông công bố chưa nhiều tác phẩm của mình.

Cố nhà thơ Phan Vũ.

Bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” được Phan Vũ viết năm 1972, khi Hà Nội vẫn còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Giữa mưa bom và lửa đạn, trên căn gác nhỏ phố Hàng Bún, người nghệ sĩ xuất thân từ Hải Phòng đã viết những câu thơ đẹp đến nao lòng về Hà Nội.

“Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xếp nhỏ/ Ta còn em chấm lửa/ Điếu thuốc cuối cùng/ Xập xòe/ Kỷ niệm/ Một con đường/ Một ngôi nhà/ Khuôn mặt ai/Dừng trong khung cửa/ Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ/ Không tên người/ Không tên phố/ Người gửi không tên/ Ta còn em chút vang động lặng im/ Âm âm tiếng gọi/ Trong lòng phố...” .

“Em ơi Hà Nội phố” thực chất giống như một trường ca nhỏ với 443 câu thơ đẹp buồn, diễn tả nỗi lòng của một người yêu Hà Nội, muốn khắc họa bảo lưu lại một Hà Nội cổ kính với những hồi ức không thể phai mờ, không gì có thể tàn phá được. Công chúng biết đến “Em ơi Hà Nội phố” ban đầu chỉ qua bài hát Phú Quang phổ nhạc, và người nhạc sĩ chỉ “nhón” lấy chừng 4-5 câu thơ tinh túy của bài thơ để đưa vào phần lời của ca khúc. Cho đến rất lâu sau đó, khi bài hát đã trở nên cực kỳ nổi tiếng qua giọng hát Lệ Thu và nhiều ca sĩ trẻ nữa, bài thơ dài “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ mới được công bố.

Nhạc sĩ Phú Quang kể lại: “Đó là một buổi chiều của năm 1986, tôi cùng nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau tại sân khấu ở quận 3. Biết tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Phan Vũ vui vẻ đọc cho tôi nghe một bài thơ, chính là “Em ơi Hà Nội phố”. Nghe xong tôi thấy xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy như là Phan Vũ đã viết bài thơ đó cho tôi.

Tôi nói với Phan Vũ: “Từ bài thơ này của anh, em sẽ có bài hát rất hay. Và em tin rằng nó sẽ nổi tiếng”. Hai ngày sau, bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời. Gặp lại Phan Vũ, tôi vừa chơi piano, vừa hát cho Phan Vũ nghe. Nghe xong, Phan Vũ xúc động nắm tay tôi, cảm ơn vì đã làm cho những câu thơ của ông bay lên, lấp lánh. Bài thơ dài lắm, như một trường ca, chia thành các đoạn khác nhau, không phải như một bài thơ dễ đọc chúng ta vẫn thường hay đọc.

Đó là một bức tranh ngổn ngang về Hà Nội, rất đẹp, rất buồn nhưng cũng tràn đầy một tình yêu. Tôi đọc đi đọc lại để tìm những câu thơ hồn cốt nhất, để có một ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” như các bạn đang hát hôm nay”.

2. Phan Vũ sinh ra ở Hải Phòng, 20 tuổi ông đi theo cách mạng, vào chiến trường miền Nam. Năm 21 tuổi, ông đã là cán bộ đại đội chiến đấu ở khắp các chiến trường Nam Bộ. Rồi ông về Đoàn kịch Nam Bộ, tập kết ra Bắc, viết những vở kịch đầu tiên trong cuộc đời, sau đó tham gia làm phim điện ảnh.

Ông kết hôn với  nữ nghệ sĩ Phi Nga, người đóng vai Hoài trong phim “Chung một dòng sông” của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi. Cuộc hôn nhân hạnh phúc không được bao lâu thì nữ nghệ sĩ Hồng Nga qua đời vì bệnh tim ở tuổi 49, để lại cho ông 2 người con. Sau đó, ông lập gia đình mới với nữ nhà báo Diễm Chi - người luôn yêu thương và ở cạnh săn sóc, chăm chút ông đến tận những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

Phan Vũ trong xưởng vẽ của mình.

Một trong những người bạn của Phan Vũ, nhà văn Ngô Thảo nhớ lại: “Phan Vũ là người vô cùng xởi lởi, vui vẻ. Chất phóng khoáng ở ông rất hợp với Nam Bộ. Ở đâu có Phan Vũ cũng vui, vì ông luôn ân cần, hết lòng với bạn bè. Trong nghệ thuật Phan Vũ rất đa tài, làm nhiều việc khác nhau. Điện ảnh của ông giàu chất thơ, thơ ông lại giàu chất hội họa và hội họa lại giàu chất thơ, chất điện ảnh. Phan Vũ có một năng lượng lớn dành cho nghệ thuật, tuổi ngoài 90 vẫn làm lao động nghệ thuật không ngừng”.

Về thơ, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Phan Vũ có chia sẻ: “Những người làm được thơ, tôi nghĩ họ luôn là con người ngay thẳng chân chính. Tôi nói “làm được thơ” có nghĩa là “không vay mượn của người khác”, do đó những gì họ đưa vào thơ đều xuất phát từ chính cuộc sống họ. Vậy thì tính ra, giữa thơ và đời không có khoảng cách nào hết.

Với tôi, thơ không phải là thứ đi thuyết giảng cho đám đông. Tôi từng ngừng đọc thơ giữa chừng vì thấy xung quanh mình quá ồn ào và thơ vô tình bị xem như thứ trang sức. Và tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa..., tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh day dứt hay chấn động đời mình”. Đây cũng là lý do Phan Vũ làm thơ không nhiều.

Phan Vũ đã dừng cuộc rong chơi ở trần gian, nhưng công chúng vẫn sẽ mãi nhớ về ông.

Mãi cho đến năm 2008, ông mới có tập thơ đầu tiên ra mắt có tựa đề “Phan Vũ thơ”(NXB Văn học). 10 năm sau, cùng những bài thơ này được in lại, có bổ sung thêm, thành tập thơ “Ta còn em” (NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách cuối cùng của Phan Vũ chỉ vừa ra mắt vài ngày trước khi ông qua đời là tập tản văn “Ly rượu trần gian” (NXB Hội Nhà văn).

Thường thì với nhiều nhà thơ, họ quan niệm, một tác phẩm khi viết xong là xong, nó là cảm xúc của thời điểm đó và họ không có ý định sửa chữa lại những gì đã viết ra, nhưng Phan Vũ thì khác. Ông là người không ngừng hoàn thiện tác phẩm của mình bằng cách... sửa. Chỉnh sửa liên tục cho đến khi ông cảm thấy hài lòng thì thôi. Bởi vậy, thi phẩm nổi tiếng “Em ơi Hà Nội phố” có nhiều dị bản khác nhau, ở từng thời điểm khác nhau.

3. Ham chơi, tài hoa, đào hoa, Phan Vũ thừa nhận mình có tất cả những điều đó. Ông cho rằng, nếu ham chơi không phải là cái tội thì ai ai trong cuộc đời cũng có quyền ham chơi. Hãy chơi cuộc chơi đó sao cho đẹp nhất để khi ra đi, còn để lại một điều gì đáng nhớ cho cõi đời này. “Ham chơi” của ông tức là luôn muốn sống trong lòng bè bạn, trân trọng nâng niu các giá trị của tình bạn.

Nhà thơ Phan Vũ và vợ - nhà báo Diễm Chi.

“Tôi giao du với người trẻ tuổi nhiều hơn người bằng tuổi mình vì thấy phù hợp với họ. Cách nói chuyện của họ làm cho tôi vui và hình như điều tôi chưa nói ra họ đã hiểu”. “Ham chơi” cũng có nghĩa là ngay ở tuổi ngoài 90, ông vẫn tiếp tục lang thang trong thánh địa nghệ thuật của riêng mình. Ông không chịu dừng cuộc chơi với nghệ thuật lấy một phút. Không làm phim được nữa thì ông chơi với thơ, với hội họa.

Người nhà kể lại, việc thức dậy lúc 3h sáng để làm thơ, vẽ tranh là chuyện bình thường của Phan Vũ. Đắm đuối với thi họa, ông kể với bạn bè: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần những bài thơ của tôi”.

Phan Vũ đã từ biệt cõi nhân gian, hoàn tất cuộc “rong chơi” gần một thế kỷ. Ông có lẽ chẳng có gì băn khoăn, nuối tiếc, vì ông đã chơi một cuộc thật ý nghĩa với đời sống này, dâng hiến tận cùng cho cái đẹp, tôn vinh cái đẹp và sống trong cái đẹp. Giống như ông trả lời phỏng vấn cách đây không lâu: “Bây giờ tôi đang chạy đua với thời gian hẹp và ít, chiến đấu với gã tử thần từng mi-li-phút. Mặc dù tôi biết, kết cuộc là tôi sẽ thua. Nhưng khi tôi thua, tôi vẫn còn có cái để lại cho đời, cho bạn bè, cho những người từng quen tôi, còn hắn - gã tử thần - hắn mất trắng vì chỉ cướp được cái xác trần cát bụi này thôi”.

Vĩnh biệt một người tài hoa. Ông ra đi nhưng tình yêu của ông với cuộc đời, với con người, với Hà Nội vẫn còn mãi.

Phan Vũ sinh năm 1926 ở Hải Phòng. Ngoài viết thơ, ông còn là nhà viết kịch với những tác phẩm được công chúng mến mộ như:Lửa cháy lên rồi(giải thưởng Văn học năm 1955),Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phimDòng sông âm vang. Phan Vũ còn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Ông là đạo diễn của các phim như:Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Cuối đời, Phan Vũ chuyên tâm với hội họa. Ông đã tổ chức 9 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.
Vũ Quỳnh
.
.
.