Cú “ngã ngựa” của tôi sẽ là bài học cho bạn trẻ

Thứ Hai, 19/03/2018, 14:29
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang gấp rút chuẩn bị cho dự án phim truyền hình "Kiều". Ông chia sẻ, nền điện ảnh Việt Nam "âm tính" nên chưa có ai dũng cảm để làm "Truyện Kiều"- một kiệt tác mang quốc hồn quốc túy của dân tộc.


Vì thế, anh sẽ làm viên gạch đầu tiên, cú "ngã ngựa" hay thành công của anh sẽ là bài học cho các bạn trẻ đi tiếp. Đó không chỉ là tâm nguyện của cha anh, nhà thơ Lưu Trọng Lư mà còn là ý thích, sự thách đố với chính mình của anh.

- Được biết ý tưởng làm "Kiều" của anh khá táo bạo và phá cách. Anh có thể chia sẻ về điều này và anh chuẩn bị đối diện với việc các nhà Kiều học sẽ "ném đá" ra sao?

+ Xét cho cùng, cụ Nguyễn Du lấy "Đoạn trường tân thanh" để viết "Truyện Kiều" còn tôi lấy "Đoạn trường tân thanh" để làm phim, hai cơ cấu độc lập nhau. Tôi nghĩ, muốn làm phim về "Kiều" có một vấn đề là phải Việt hóa nó, bối cảnh nào, không gian nào, tâm hồn nào.

Điều tôi quan tâm nhất là không được "vi phạm" Nguyễn Du nhưng có thể vi phạm cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều thứ hai, câu chuyện phải đẫm tâm hồn Việt, văn hóa Việt và người Việt phải xem nó như là câu chuyện của chính mình. Bộ phim này trước đây đã từng quay với kịch bản cũ nhưng có những sự bất đồng với bên sản xuất, họ không muốn cách tân, thay đổi, không muốn phá cách quá.

- Chắc chắn sẽ có rất nhiều đổi mới trong cách nhìn về Kiều. Dưới góc nhìn của anh, Kiều sẽ thế nào?

+ Nàng Kiều trong "Truyện Kiều" thê lương quá, khóc than quá. Nàng Kiều của tôi phải mang hơi thở ngày hôm nay, khí phách, con người ngày hôm nay. Với người Việt chúng ta, chiến thắng số phận là một phẩm chất. Quan niệm của tôi là nàng Kiều 16 tuổi, trong trẻo, không sợ hãi, đến khi đứng trước tai họa của gia đình, cô chọn bán mình chuộc cha chứ không phải Thúy Vân.

Điều đó cho thấy cô là một tính cách mạnh mẽ. Cô đứng trước thách đố của Đạm Tiên rằng "đau đớn thay phận đàn bà", và muốn chứng minh cho Đạm Tiên rằng cô sẽ vượt qua và chiến thắng. Cô Kiều của tôi sẽ như Scarlett trong "Cuốn theo chiều gió", không thể nào đầu hàng số phận.

Trong  "Truyện Kiều", một số nhân vật Nguyễn Du còn mô tả sơ lược chứ chưa có đời sống, đó chính là khoảng trống cho phép điện ảnh sáng tạo. Tôi sẽ đưa văn hóa Việt, đưa canh tác, nông thôn, làng xã Việt vào. Rồi một điểm nhấn nữa là lầu xanh, mối tình đẹp nhất của Kiều là mối tình với anh chàng Thúc Sinh. Lầu xanh còn là thân phận của các kỹ nữ ở nhiều vùng quê khác nhau, đó là số phận những người đàn bà ở tầng đáy xã hội. Rất thú vị.

- Một câu chuyện rất xa xưa, anh làm thế nào để thổi vào đó không khí hôm nay mà không bị cái bóng quá lớn của kiệt tác này che khuất?

+ Dựng phim về Kiều mà chỉ để người ta xem lại câu chuyện về Kiều thì không có giá trị gì cả, người ta phải thấy được một thằng bán tơ hôm nay thế nào, những đê hèn đó vẫn có khắp mọi nơi. Những Mã Giám Sinh, Kim Trọng, Thúc Sinh vẫn có khắp mọi  nơi. Những nhân vật đó từ "Truyện Kiều" lẫn vào các nhân vật ngày hôm nay và nhân vật hôm nay bước vào thế giới của Kiều ngày hôm qua.

Đó là tiếng nói của thời đại. Tất nhiên, rất khó để tìm ra ai sẽ đóng vai Kiều vì mỗi người hình dung Kiều theo một cách khác nhau. Nhân vật nào sẽ bước từ cuộc đời vào Kiều được. Nhân vật đó phải đi lại, ăn nói như thế nào… Nếu Kiều không có đời sống, Kiều đẹp mà không bộc lộ được nội tâm bên trong thì thua. Xinh đẹp không phải là tiêu chí mà phải đáng yêu, đáng khâm phục và sâu sắc.

- Tôi nghĩ, "Truyện Kiều" vẫn là một thách thức với các nhà làm phim, vì từ trước đến nay, chưa có ai đủ dũng cảm để chạm vào tác phẩm lớn này. Còn anh, vì sao anh chọn con đường khó thế?

+ Khi làm phim, chúng ta phải quên cái khung của kiệt tác này đó đi. Nếu loay hoay sợ hãi trong cái khung đó thì không nên làm. Chúng ta đang có một nền điện ảnh "âm tính". Một tác phẩm lớn nhất, mang quốc hồn quốc túy của dân tộc mà hơn 60 năm điện ảnh không ai đặt vấn đề làm, không ai dám làm.

Đạo diễn Lưu trọng Ninh trao đổi với diễn viên.

Thà tôi là người đầu tiên làm, tôi có thể thất bại nhưng kẻ đi sau tôi sẽ có những bước  đi tốt hơn. Tôi là viên gạch đầu tiên cho những người trẻ để họ có thể làm, hy vọng họ sẽ có cách nhìn khác. Cú ngã hay thành công của tôi sẽ là bài học cho các bạn trẻ, nó rất cần thiết.

Khi tôi làm "Thương nhớ ở ai", bối cảnh mới cách chúng ta 20-30 năm mà đã xa lạ với các bạn trẻ. Ai sẽ mang đến cho giới trẻ một không gian văn hóa Việt nhất nếu không phải là điện ảnh. Tôi muốn mang đến cho mọi người một hình dung về lịch sử, văn hóa, lối sống thuần Việt như chiếc bánh đúc sẽ được làm từ gì, người dân canh tác ra sao…

Những điều tưởng như rất bé nhỏ như thế, cái văn hóa làng xã ấy lâu lắm rồi nó không có trong văn học, điện ảnh, hội họa. Người ta trốn tránh nó hoặc đánh giá nó quá thấp mà không biết rằng, nó là nền tảng của một quốc gia. Những cái xấu cũng có từ đó, những cái đẹp cũng khởi nguồn từ đó.

- Thật ngạc nhiên, ở tuổi này, anh vẫn như con ngựa bất kham, luôn thử thách chính mình...

+ Tôi còn nhiều năng lượng lắm. Ở tuổi này, tôi nghĩ mình làm phim sẽ tốt hơn ngày xưa. Khi tôi làm "Thương nhớ ở ai", tôi đứng trước câu trả lời: "tồn tại hay không tồn tại" của mình. Lúc đó tôi bị bệnh. Nếu cứ ốm đau thế này tôi sẽ đi về đâu, cuộc sống phía trước sẽ là cái gì. Thế nên phải chiến đấu, phải làm gì đó, tôi quyết định làm "Thương nhớ ở ai".

Có lúc ở trường quay tôi đứng không vững, nhưng tôi không sợ, chết trên trường quay cũng là hạnh phúc. Đây là bộ phim tôi làm khi thể lực của mình thảm hại nhất. Thế nhưng tôi đã vượt qua. Tôi là người luôn luôn muốn chiến thắng số phận của mình. Tôi không muốn mình phải thảnh thơi vì thế cũng không có khái niệm, tuổi này rồi, già rồi.

- Lâu rồi anh có vẻ đứng ngoài cuộc những tranh luận về phim ảnh. Anh có xem  phim của các bạn trẻ?

+ Tôi không cập nhật lắm. Một vài phim tôi xem, mừng ở kỹ năng nhưng buồn ở cái phông văn hóa, cái nền tảng, hồn cốt không được quan tâm. Lý do thứ nhất, điện ảnh bây giờ là một sản phẩm hàng hóa, phải đáp ứng thị hiếu nổi.

Một bộ phim chiếu rạp hôm nay, nếu có hồn cốt sẽ ăn khách, tôi nói nhưng mọi người không tin. Kỹ năng có thể học được, sự hấp dẫn có thể làm được nhưng hồn cốt thì không phải ai cũng có. Có thể một cậu bé 18 tuổi làm được, nhưng cậu ta phải được nuôi dưỡng trong môi trường nào, văn hóa nào, không phải cứ Mỹ, Anh, Pháp học về là làm được. 

Thời đại này có mặt tích cực nhưng cũng nhiều tiêu cực. Trẻ con xa rời thiên nhiên, xa rời những trang sách, tiệm cận với khối lượng thông tin khổng lồ rất nhanh nhưng nó giết cảm xúc. Còn thế hệ chúng tôi, có thừa cái đó thì lại thiếu thông tin, công nghệ. Nhưng tôi tin, chắc chắn sẽ có một cậu/cô nào đó có đủ hai phẩm chất ấy.

Quan trọng là các cô/cậu đó có được nâng đỡ, chăm dắt không. Rất nhiều câu chuyện tốt không được ai bỏ tiền ra làm. Phim của chúng ta vẫn đi kiếm tiền, một số còn lại coi phim là cuộc chơi, có tiền thì chơi chứ chưa có những nhà sản xuất chuyên nghiệp, những ông bà đỡ chuyên nghiệp.

- Vì thế, một thời gian khá dài, khi đang trên đỉnh cao của danh tiếng sau "Canh bạc", "Bến không chồng", anh gần như dừng làm phim?

+ Tôi chỉ làm những thứ mình thích, một tác phẩm phải đi đến tận cùng con người, tận cùng số phận và nó sẽ động chạm. Nếu làm những thứ làng nhàng để kiếm tiền thì nên đi làm việc khác, đừng làm phim.

Cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

- Và anh bỏ về làng, làm trưởng thôn làng  Vượt. Anh có thể chia sẻ thêm về ngôi làng này?

+ Ngôi làng nằm ở gần Chùa Hương Tích, cách Hà Nội 70km, đất rộng 20h, có hồ rộng 80ha, có núi non, tĩnh lặng. Tôi đã dựng ở đây khoảng 20 nóc nhà. Tôi muốn làm ngôi làng mô phỏng làng quê Việt Nam truyền thống.

Một ngôi làng giản dị, do những bàn tay lao động làm nên, không thiết kế làm đẹp kiểu resort. Cây cối do chính những nông dân ở đây tự canh tác sẽ lớn lên và làm đẹp cho ngôi làng. Tôi muốn sau khi làm phim thì phải làm cái gì đó và ngôi làng này, mọi người thấy thích sẽ nhân rộng nó lên. Nó tìm lại những giá trị cũ.

-Vì sao anh thích sống bằng hoài niệm trong khi xã hội ngày càng tiệm cận sự văn minh, mới mẻ?

+ Xã hội phát triển nhanh quá, kẻ kéo lên quá mạnh, kẻ kéo khác lại quá yếu, vì thế tôi chọn đứng về kẻ yếu. Một ngôi làng mang tinh thần của làng xưa, có âm nhạc, có internet, từ chối hóa chất, nilon, những thứ làm ô nhiễm môi trường. Có những người dân đang sống ở đó, phải là những người không ham giàu và thích cuộc sống bình an.

Tôi nghĩ phải làm một cái gì đó cùng cộng đồng. Bán nhà đi làm, chuẩn bị cho một lối sống khác. Thực tế, những ngôi làng đã gần như biến mất, nếu còn thì cũng rất hiu quạnh, chỉ có người già và trẻ con… Rồi tôi làm Thiên đường hoa ở Mộc Châu, muốn khôi phục lại chợ dân tộc. Chợ tình Khâu Vai là chợ cuối cũng cũng đã biến mất. Tôi thích những công việc đó. Có những người bị giời đày như thế. Nhưng vui mà.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.