Cụ ông 85 tuổi tình nguyện làm "Cảnh sát giao thông" làng

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:50
Đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra nơi cổng làng, cụ Phạm Đình Chính (làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn trăn trở phải làm việc gì đó để giảm thiểu những điều đáng tiếc.


Nghĩ là làm, ngày ngày cụ ra cổng làng miệng thổi còi, tay cầm gậy phân làn giao thông. Công việc thiện nguyện ấy được cụ Chính duy trì suốt 12 năm qua. Người làng vẫn thân thương gọi cụ với biệt danh "cụ cảnh sát giao thông" làng Lai Xá.

Chúng tôi đến làng Lai Xá đúng vào ngày nắng nóng, oi bức nhất. Hình ảnh cụ ông 85 tuổi đứng chỉ đạo giao thông khiến những người đi qua đây đều phải thán phục.

Thật hiếm ở vùng quê nào người tham gia giao thông lại tự giác, trật tự như thế. Cổng nhỏ, đường hẹp nhưng ai nấy đều ý thức nhường nhau, đặc biệt hơn nữa những thanh niên làng hễ lên xe là đội mũ bảo hiểm.

Bất kể nắng, mưa cụ Chính vẫn có mặt nơi cổng làng điều tiết giao thông.

Nói về điều này, anh Nguyễn Tiến Thắng bày tỏ: "Bọn em ở đây thành cái nếp rồi, nếu không tuân thủ luật giao thông là bị cụ Chính nhắc nhở ngay. Ban đầu bọn em còn ương, không nghe, nhưng sau thấy xấu hổ, thấy ngại nên phải đội mũ. Bây giờ người làng ngày một đông, người đến đây mua đất, thuê nhà ở cũng ngày một nhiều hơn, không có cụ Chính điều tiết chắc thành loạn mất".

Như một viên chức cần mẫn, bất kể trời nắng hay mưa, cụ Chính luôn có mặt ở cổng làng Lai Xá vào những cung giờ cao điểm nhất. Ở cái tuổi 85, cái tuổi mà nhiều người chỉ có thể ở nhà và trông chờ vào sự phục vụ của con cháu thì cụ Chính vẫn hăng hái phục vụ cộng đồng.

Lịch làm việc một ngày của cụ Chính được chia thành 3 ca đều tăm tắp. Ca 1 từ 5h30 đến 7h30 sáng. Ca 2 từ 10h đến 12h, ca 3 từ 16h đến 18h.

Cụ chia sẻ: "Đó là những giờ mà người dân trong làng hoặc từ nơi khác đến đông nhất. Làng Lai Xá nằm gần quốc lộ 32 lại đô thị hóa rồi nên đông đúc lắm. Chuyện tắc đường thường xuyên xảy ra. Nếu không có người điều tiết giao thông thì nguy hiểm lắm".

Nhà cạnh đường lại ngay đầu làng nên hằng ngày cụ Chính luôn phải chứng kiến những cảnh tắc đường, những vụ va chạm. Nhiều đêm về cụ cứ trăn trở suy nghĩ, phải có cách nào đó để không còn hiện trạng này. Cuối cùng cụ quyết định sẽ trở thành một ông lão "Cảnh sát giao thông làng".

Công việc đó được bắt đầu từ năm 2005. Nhớ lại những ngày đầu làm việc, cụ Chính cười tươi kể: "Lần đầu tiên thấy tôi đeo còi, cầm gậy tự chế ra đứng ở cổng làng chỉ chỉ, chỏ chỏ, nhiều người thấy lạ lắm. Họ dừng lại hỏi tôi là đang làm gì thế. Tôi đùa bảo, làm "Cảnh sát giao thông" nhưng chả ai tin.

Thời gian đầu khi tôi thổi còi hay dùng gậy điều khiển giao thông chẳng ai nghe tôi cả. Một số người không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu khi bị tôi nhắc nhở thì tỏ ra khó chịu và coi thường tôi lắm. Họ còn bảo tôi về nhà mà nghỉ cho khỏe đi, có những cậu thanh niên còn nói tôi là lão gàn, lão hâm".

Người làng Lai Xa quá quen với hình ảnh cụ "Cảnh sát giao thông làng" Phạm Đình Chính.

Nhưng rồi những ánh mắt hiếu kỳ ban đầu đã được thay bằng những cái nhìn thiện cảm. Nhiều người trong làng khi thấy đến ca rồi mà "cụ ông Cảnh sát giao thông" không ra họ lại hỏi nhau không biết cụ có bị sao không?

Không ít người lại qua nhà thăm hỏi tình hình sức khỏe của cụ. "Mặc dù tôi ở nơi khác đến đây ở trọ nhưng lúc nào cũng thấy cụ Chính gần gũi và thân thiện lắm. Chỉ có khi nào cụ bị ốm quá không đi được thì mới không ra đây trực "ca".

Chúng tôi đi làm về mà không thấy cụ Chính là lo lắng lắm, nhiều khi sốt ruột lại qua nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe của cụ. Ở thời này mà còn người tốt, người hy sinh vì lợi ích chung đến thế thì thật là hiếm có", chị Bùi Thanh Thủy, người đến làng Lai Xá ở trọ tâm sự.

Đồ nghề của cụ Chính không có gì ngoài một cái còi đeo trước ngực, một cây gậy trước là tự chế, sau thì cụ được tặng để tiện cho việc điều khiển giao thông. Mùa nóng thì một chiếc quạt nan cầm tay, khi vắng người qua lại cụ ngồi phe phẩy quạt và lẩm nhẩm lời một bài hát xưa cũ.

Một thứ không thể thiếu trong "ca trực" của cụ là một chiếc túi vải nhỏ. Trong đó, cụ có đủ cả bông, băng, thuốc sát trùng. Cụ Chính tâm sự: "Nhiều khi bọn trẻ đi học về, cứ đi hàng đôi hàng ba rồi trêu đùa nhau. Như thế không những ảnh hưởng đến giao thông, mà còn rất nguy hiểm.

Cứ thỉnh thoảng chúng lại bị ngã xe, trầy xước nên phải có dụng cụ này đưa rửa vết thương". Sau này thành quen, bọn trẻ của làng cứ về đến cổng làng là đi hàng một đều tăm tắp.

Nhiều người làng thấy cụ nhiệt tình quá khiến họ vừa cảm phục vừa thương. Cô Hải, nhà cạnh cổng làng chia sẻ: "Nhà tôi bán tạp hóa nên hay phải dậy sớm. Thế mà dậy lúc nào cũng thấy cụ Chính ngồi sẵn ở đó rồi.

Như một chiếc đồng hồ báo thức vậy, cứ đến 5h30 là cụ ra cổng làng. Nhiều lúc tôi thấy thời tiết khắc nghiệt quá nên động viên cụ về nhà nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe nhưng cụ nhất quyết không nghe đâu.

Cụ bảo cụ mà nghỉ, không ai điều tiết giao thông nhỡ xảy ra chuyện gì thì lại ân hận. Phải thừa nhận là từ khi cụ Chính ra đây tuýt còi, cảnh ùn tắc thường xuyên ở làng Lai Xá không còn nữa.

Ai mà cứ đi hàng hai, hàng ba là bị cụ tuýt còi nhắc nhở ngay". Những hôm trời mưa bão to thì giờ làm của cụ Chính lại tăng hơn ngày thường. Bởi lẽ cụ Chính sợ mưa bão khuất tầm nhìn, các xe đi ngược nhiều nhau sẽ dễ xảy ra va chạm.

Hỏi cụ Chính lý do nào khiến cụ có đủ động lực để duy trì việc làm thiện nguyện đó tới 12 năm trời thì cụ trả lời rằng: "Họ đều là người làng, họ hàng, anh em của mình cả. Nếu chẳng may họ bị làm sao thì mình cũng đau khổ chứ!".

Bên cạnh những người cảm mến và trân trọng sự đóng góp của cụ Chính thì cũng không ít người nhìn cụ với ánh mắt thiếu thiện cảm. Họ bảo cụ đúng là số giời đày, là "vô công rồi nghề", ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Nhưng cụ bảo cụ không quan tâm. "Mình cứ làm đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình là được. Nếu cứ như người đẽo cày giữa đường thì sẽ chẳng làm được việc gì tới cùng đâu" - cụ Chính tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Chính chia sẻ rằng: "Có lần tôi xem trên tivi thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu mỗi ngày ở Việt Nam có rất nhiều người bị cướp đi mạng sống vì tai nạn giao thông. Nên mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Người biết luật phải tuyên truyền cho người chưa nắm rõ luật. Nếu ai cũng hiểu và tuân thủ đúng luật giao thông thì tai nạn sẽ giảm đi rất nhiều, chúng ta sẽ được sống cuộc sống bình yên và hạnh phúc".

Từ suy nghĩ ấy nên suốt 12 năm qua cụ Chính luôn cần mẫn với công việc mà không ai trả lương cho mình. Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn Thắng khi ấy còn là Trưởng thôn thôn Lai Xá đã đề xuất với xã xin được trả lương 1 triệu đồng/tháng cho cụ Chính nhưng bị cụ từ chối.

Cụ bảo cụ làm việc này là hoàn toàn tự nguyện và thấy cần thiết chứ không mong được trả công. Có lẽ tính toán đến việc tiền công, cụ Chính sẽ không ra cổng làng phơi nắng, phơi sương như thế.

Cương quyết nhắc nhở nhưng cụ luôn nở nụ cười hiền hậu.

Nói về việc làm của chồng, bà Đinh Thị Thìn chia sẻ: "Nhiều lúc thấy ông ấy dậy sớm quá, tôi thương lắm mà không ngăn được. Trời mùa hè còn đỡ, chứ trời mùa đông, người trẻ dậy còn ngại nói gì ông ấy gần 90 tuổi rồi.

Nhiều đêm hôm trước còn sốt đùng đùng, thế mà sáng sau đến giờ lại lọ mọ đi. Con cái cũng nói nhiều lắm mà ông không nghe. Ông ấy bảo còn sức thì còn làm, khi nào yếu thì phải chịu".

Năm 2013, cụ Chính vinh dự được là 1 trong 5 gương Người tốt việc tốt tiêu biểu của huyện Hoài Đức được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội do những đóng góp có ích cho cộng đồng.

Chỉ về tấm giấy khen - thứ mà cụ coi như báu vật, cụ bảo: "Tôi chỉ lo khi tôi già yếu sẽ chẳng còn ai đứng đó làm thay. Hơn chục năm nay dân làng quen có tôi rồi, mọi người tuân thủ luật giao thông thành cái nếp".

Ngọc Anh
.
.
.