Đã đến lúc tôi trở về

Thứ Tư, 01/03/2017, 16:35
Ngô Hồng Quang luôn cởi mở và chân thành. Anh nói, ra đi là để trở về và cuộc trở về lần này của Quang cùng với nhạc sĩ jazz hàng đầu thế giới Nguyên Lê, trong dự án giới thiệu album mới, “Hanoi Duo” đã thực sự chinh phục khán giả Việt Nam.


- Vì sao có cuộc hội ngộ thú vị và đầy sắc màu giữa Quang và một nghệ sĩ lớn như Nguyên Lê?

+ Tôi quen nghệ sĩ Nguyên Lê qua một lần biểu diễn cùng nhau tại Toulouse, Pháp. Qua nhiều lần biểu diễn, tôi thấy phong cách mình rất phù hợp với lối chơi bay bổng của ông. Và chúng tôi cũng nảy ra ý định, sẽ làm với nhau một sản phẩm âm nhạc. "Hanoi Duo" ra đời.

Ý niệm của dự án này là âm nhạc Việt Nam, truyền thống và tương lai. Đó là sáng tạo cái mới dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, dùng nhạc cụ Việt Nam để trình diễn những tác phẩm mới cũng như truyền thống trên nền nhạc ghitar điện tử và âm nhạc điện tử. Album được đón nhận khá tốt ở Đức.

Chính nhạc sĩ Nguyên Lê nói, đây là album Việt Nam nhất của ông. Trong đó có 2 bài tôi sáng tác và 1 bài lấy chất liệu của bài hát Mông truyền thống. Trong "Hanoi Duo", tôi hát 7 bài, còn 3 bài dành cho nhạc cụ.

Bài "Tình đàn" tôi sáng tác như là đối thoại của tôi và nghệ sĩ Nguyên Lê, giữa ghi ta và đàn tính. Rất thú vị. Đó là sự hòa trộn khéo léo phong cách âm nhạc được lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc miền núi với những âm thanh tinh tế, mang đậm dấu ấn của âm nhạc Bắc Phi từ cây ghita của Nguyên Lê.

- Từ album "Song hành" đến "Hanoi Duo", khán giả sẽ thấy một sự phát triển về tư duy nhạc của Quang như thế nào?

+ Trong album "Song hành" tôi tham gia với tư cách là người biểu diễn hơn là người sáng tạo, còn trong "Hanoi Duo", tôi sáng tác những bài của tôi và cùng nhạc sĩ Nguyên Lê hòa âm, phối khí chúng. Đối với tôi đó là một sự va chạm đầy thử thách, tôi được thoải mái bay bổng, tự do, thỏa sức sáng tạo. Làm nghệ thuật phải thế, phải được tự do bay bổng trong thế giới của mình.

- Vậy với "Hanoi Duo", dấu ấn lớn nhất của Quang là gì để không bị cái bóng của một nghệ sĩ lớn như Nguyên Lê che khuất?

+ Nhạc sĩ Nguyên Lê đóng vai trò rất quan trọng khi xây dựng album và định hướng về idea âm nhạc. Còn tôi khởi xướng ý tưởng làm một album mang đậm chất Việt Nam nhưng đi sâu vào âm nhạc dân tộc miền núi. Trong album có nhiều bài dân tộc miền núi.

Tôi nghĩ, việc định hướng rất quan trọng, phải có ý tưởng rõ ràng cho một sản phẩm nghệ thuật. Tôi chọn âm nhạc miền núi vì 2 yếu tố, tôi đã học và biểu diễn nhạc của người Kinh nhiều rồi, khi tiếp xúc với âm nhạc miền núi, nó thực sự quyến rũ, mở ra một không gian khác. Ở đó, văn hóa của họ rất tự nhiên, họ rất là họ. Những cái đó hiếm, tôi muốn đưa những thứ hiếm hoi đó phát triển hơn theo nghĩa là âm nhạc và quan trọng là đưa nó đến với nhiều người nghe hơn, đặc biệt âm nhạc của người Mông.

Tôi thực sự bị mê hoặc bởi những thứ âm thanh ấy và muốn đưa nó ra thế giới, để nhiều người biết hơn. Nó không đơn thuần là âm nhạc theo kiểu thang âm của người Kinh mà còn liên quan đến ngôn ngữ, nhân sinh quan, cách nhìn nhận của họ về thế giới. Vì thế tôi đã viết những tác phẩm dựa trên âm hưởng của dân tộc miền núi như Tày, Mông.

Ra mắt “Hanoi Duo” ở Hà Nội.

- Từ âm nhạc của một vùng dân tộc thiểu số Việt Nam đã vang khắp nơi  trên thế giới, Ngô Hồng Quang đã đi bằng cách nào?

+ Bằng cách tôi biểu diễn và hát thôi, tôi sử dụng đàn môi, hát tiếng Mông, chơi đàn tính và một số nhạc cụ của Tây Nguyên, ngoài ra tôi vẫn chơi một số nhạc cụ của người Kinh. Tôi không phải là một nghệ nhân. Đó là cả một quá trình tôi nhận được nhiều năng lượng từ sự tiếp cận với văn hóa dân tộc, càng làm việc càng hưng phấn và say mê. Tình yêu và sự say mê đó mang đến cho tôi nhiều năng lượng, tôi thấy vui và thỏa sức sáng tạo. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ khi mình biết mình muốn gì và đi con đường của mình. Thời gian này mạch chảy trong tôi rất mãnh liệt, tôi sáng tác khá nhiều.

Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê.

- Âm nhạc dân tộc ở Việt Nam có đời sống chật vật, nhiều người lo  lắng vì sự mai một, thờ ơ của người xem, còn Quang đã đưa âm nhạc dân tộc đi ra thế giới, vì sao Quang làm được điều đó?

+ Vì tôi yêu thích, khi học ở nhạc viện tôi đã ấp ủ trong mình mơ ước truyền bá âm nhạc truyền thống rộng nhất có thể. Tính tôi thích đi giao du và muốn những người chưa biết được tiếp cận, nghĩ vậy và tôi cứ làm thôi, cứ thế thành con đường mình đi. Tôi đi diễn, giao lưu và quảng bá khắp nơi.

Ngày xưa, khi chưa đi học ở Hà Lan, tôi cũng chỉ là nghệ sĩ chơi đàn truyền thống, mang âm nhạc dân tộc, chơi chèo, xẩm, cải lương nguyên bản. Nó có hai mặt, ưu điểm là tạo ra sự tò mò cho khán giả châu Âu và mình đang làm đúng chức năng của mình. Nhưng để khán giả nước ngoài thẩm thấu được âm nhạc và chiêm nghiệm nó một cách sâu sắc thì họ không cảm được.

Về sau, tôi biết, ngoài việc biểu diễn đó, tôi phải bước thêm một bước nữa, phải có giao lưu, kết nối với thế giới, đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới bằng những sáng tạo, và kết hợp với các nghệ sĩ thế giới, chơi cùng với họ, xây dựng các tác phẩm mới trên chất liệu âm nhạc truyền thống. Hướng đi đó mở rộng lối tiếp cận với khán giả nước ngoài, họ cảm được và họ thấy hay.

Ngô Hồng Quang.

- Thực tế, ở Việt Nam người ta cũng nói nhiều về khái niệm dân gian đương đại, về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng theo Quang, làm thế nào để không mất bản sắc trong sự hòa nhập đó?

+ Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải hiểu cặn kẽ truyền thống đó là gì, người nghệ sĩ phải có kiến thức sâu về âm nhạc truyền thống. Tôi không quan trọng việc chơi ngẫu hứng mà quan trọng phải có cái gốc.

Tôi nghĩ bây giờ mọi người đang lạm dụng từ dân gian, bởi họ chưa hiểu nó đủ sâu. Chỉ viết mấy bài nhạc pop, viết ngũ cung rồi bảo đó là dân gian đương đại là một sự hời hợt. Chính truyền thông đang góp phần làm sai lệch các giá trị.

Những gì diễn ra trong đời sống âm nhạc đang làm lệch lạc sự thưởng thức và nhận biết của người nghe vì văn hóa của chúng ta theo đám đông, cái gì ầm ĩ là nhảy xô vào. Sự xô bồ đó khiến người sáng tạo cũng bị cuốn theo, họ chỉ tập trung vào thị hiếu mà không tập trung vào phát triển nghệ thuật cá nhân và nghệ thuật mà bản thân nó phải như thế.

Khán giả Việt Nam thích nghe lời còn bản chất âm nhạc, nó rất rộng, là một thế giới riêng mà mình thực sự phải kinh qua mới thấu hiểu và cảm được. Mục đích của âm nhạc là tạo ra cảm xúc nhưng khán giả không cảm được là do họ bị  hạn chế về font văn hóa.

- Nhưng âm nhạc sẽ cô đơn nếu thiếu sự kết nối. Và Quang, trong hành trình không mệt mỏi, đã tạo ra một không gian riêng của mình?

+ Đúng thế, âm nhạc là phương tiện truyền tải nhân sinh quan của tác giả. Âm nhạc của tôi thiên về cảm xúc nhiều, phải có sự kết nối cảm xúc, phải chân thành với cảm xúc âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Nguyên Lê nói rằng, dù làm gì thì làm nhưng không được làm âm nhạc tệ, phải hết mình và chân thành với tác phẩm. Nếu ngày xưa chạy theo thị hiếu, tôi có thể trở thành một ca sĩ sao nhạc pop nhưng tôi không chọn hướng đó và tôi đã không sai lầm. Ca sĩ nhạc pop họ sẽ giàu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, còn tôi thì vui, hạnh phúc vì được làm điều mình thích. Đó sẽ là con đường bền bỉ, lâu dài.

- Nói chuyện với Quang, tôi cảm giác như Quang chỉ quan tâm đến âm nhạc. Ở thời điểm này, Quang nghĩ về điều gì?

+ Tôi nghĩ về những điều đơn giản như sự kết nối của con người với thiên nhiên và tôi thích sự tự do, khoáng đạt. Cách đây hai, ba năm tôi đọc nhiều về Phật giáo và sáng tác dựa trên ý niệm về Phật giáo. Còn bây giờ, tôi thích sự tự do, đơn giản, kết nối mộc, trở về đúng bản thể của mình giữa thiên nhiên thanh bình.

Tôi nghĩ, dù mình đi học ở đâu, ra nước ngoài thì quan trọng vẫn phải tự tìm được con đường của mình. Nội lực bên trong đóng vai trò quyết định cộng với sự định hướng và tu tập mới phát triển được. Nghệ thuật không phải ngành để kiếm tiền. Dù tôi rất may có thể sống được bằng nghề. Một cuộc sống giản dị thôi. Và con đường tôi đi không hề bằng phẳng, tôi cũng nhiều khó khăn, cực kỳ khó khăn, phải tự ngỏ lời để xin tài trợ cho các dự án của mình, nhưng bây giờ thì ổn rồi.

Một tháng nữa tôi sẽ ra album về Quan họ, tôi hát, hòa âm, phối khí cho album của mình, sử dụng cả 5 nhạc cụ phương Tây,  2 violon, 1 viola, 1 celo và 1 bass. Đó là những bài Quan họ có lời cổ vì tôi thích những gì gốc và một số bài nhiều người biết. Và hy vọng sẽ có một liveshow nhỏ ở Việt Nam. Đã đến lúc tôi trở về, ra đi là để trở về mà, với khán giả của mình, với nguồn cội của mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Quang và tôi tin khán giả sẽ đón nhận sự trở về của anh!.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.