Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:

Đã là sông thì chảy...

Thứ Hai, 04/09/2017, 21:45
Lần đầu tiên nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có một đêm nhạc của riêng mình mang tên "Khúc hát sông quê" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đêm 8-9. Chương trình do công ty Vàng Son Một Thuở tổ chức.


Ông thú nhận, đó là lần "dại cuối" trong hành trình dài của đời nghệ sĩ nhiều đam mê và nặng nợ. Bởi đời người cũng như sông, "Đã là sông thì chảy/ Đã là núi phải cao".

- "Quá nửa đời phiêu dạt", sao bỗng dưng, ở tuổi 70, ông lại làm đêm nhạc của riêng mình? Duyên cớ của cái lần mà ông gọi là "dại cuối" này là gì vậy?

+ Tôi công nhận tôi là người "đa năng", làm nhiều thứ trong cuộc đời. Hồi nhỏ đã đi cày ruộng, làm thợ mộc, đóng được cả chiếc đàn violon cho mình để chơi nhạc, vẽ tranh chợ kiếm tiền. Lớn lên đi bộ đội, làm thơ, viết văn, viết lý luận phê bình, làm báo, làm bìa sách, vẽ logo, vẽ cả lá "cờ Thơ" cho Ngày Thơ Việt Nam… và viết nhạc.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà sản xuất Nguyễn Ngọc Trâm, đạo diễn âm nhạc Minh Đạo trong buổi họp báo ra mắt chương trình.

Tôi sáng tác ca khúc từ khi còn là cậu học trò quê. Cũng nhờ những ca khúc nổi tiếng mà tôi trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng tôi viết nhạc chủ yếu là do ngẫu hứng và ít quảng bá âm nhạc của mình trên hệ thống truyền thông.

Nhiều người thích âm nhạc của tôi, kể cả các ca sĩ thường biểu diễn ca khúc của tôi, họ muốn tôi có một đêm nhạc riêng, nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Giờ thì họ xúi tôi: “Già rồi cũng phải làm đêm nhạc đi bác”. Thì cứ "dại cuối" một lần cho thỏa nguyện bạn bè. Vâng, tôi nghe theo.

- Có quá nhiều con người trong một Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Nếu chân dung mình trong đêm nhạc, ông sẽ vẽ như thế nào?

+ Tôi sẽ vẽ tôi như một dòng sông, dòng sông âm nhạc - cuộc đời. Dòng sông của tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, tình yêu nam nữ. Dòng sông ấy khi êm đềm, khi cuộn trào, bão lũ để đến với đại dương khát vọng: "Một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng".

- Ông không phổ thơ của mình, trong khi thơ ông hay và giàu tính nhạc. Những bài hát nổi tiếng của ông như "Làng quan họ quê tôi" hay "Khúc hát sông quê" đều phổ thơ của người khác. Duyên cớ đến với những bài thơ đó như thế nào, thưa ông?

+ Tôi là một nhà thơ nên đọc rất nhiều thơ. Nhưng tôi cũng là một nhạc sĩ, nên khi đọc thơ có khác với nhiều người yêu thơ đọc thơ. Vì vậy, khi gặp một bài thơ làm dấy lên cảm xúc âm nhạc trong tôi là tôi muốn biến nó thành bài hát. Và nhiều bài hát của tôi đã được ra đời như thế. Đó là những ngẫu hứng rất thật và rất cuộn trào.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng nhạc sĩ Giáng Son.

Tôi nhớ có lần ở Huế, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa làm xong bài thơ "Con dế buồn", ông đạp xe đến nhà tôi đọc cho tôi nghe. Tự dưng tôi muốn phổ nhạc bài thơ này và tôi bảo ông Tường về, để tôi phổ nhạc. Hơn một giờ sau, tôi đến nhà ông Tường, hát cho ông ấy nghe. Ông Tường ngạc nhiên, bảo tôi nên đưa lên truyền hình.

Quả nhiên ca sĩ Mỹ Linh đã hát bài hát này, rồi sau đó là Võ Anh Thơ hát. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bạn tôi rất thích bài này. Kha động viên tôi: có lẽ đó là bài nhạc "semi classic" hay nhất của Tạo. Tôi thường phổ thơ ngẫu hứng như vậy.

- Ngoài hai tác phẩm nằm lòng trong trái tim khán giả, nếu được chọn một ca khúc khác mà ông thích, ông sẽ chọn ca khúc nào?

+ "Đôi mắt đò ngang". Một bài hát thường xuất hiện trong đám cưới và những cuộc thi giọng hát truyền hình. Tôi nhớ, khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả "Xa khơi" nghe bài hát này qua truyền hình, ông đi xe ôm đến Tạp chí Âm Nhạc tìm tôi để… khen. Ông nói: Mình thích bài này hơn cả "Làng quan họ quê tôi". Tôi choáng.

- Ông viết nhạc khá nhiều, phải đến cả trăm bài và rất nhiều bài hay. Nhưng những bài hát nổi tiếng không nhiều. Ông có tiếc vì điều đó? Phải chăng vì cái bóng của "Làng quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê" quá lớn?

+ Khi sáng tác, tôi không nghĩ đến sự nổi tiếng. Tôi chỉ nghĩ nó có độc đáo hay không, có mới lạ hay không và có mang tới một thông điệp gì đó với công chúng hay không. Tôi viết ngẫu hứng từ cảm xúc của chính mình, bởi với tôi, âm nhạc như một cuộc chơi. Và mỗi bài hát khi tôi viết xong, đều có đời sống, số phận của nó.

- Cuộc đời nghệ sĩ, chỉ cần một bài hát như "Khúc hát sông quê" hay "Làng quan họ quê tôi" là đủ. Đủ danh tiếng và chắc hẳn cũng đủ bạc tiền. Với ông thì sao?

+ Quả thực có một số nhạc sĩ viết rất nhiều, nhưng khó có được một bài hát mà ai cũng thuộc. Công chúng có thể không nhớ tên nhạc sĩ, nhưng nói đến bài hát ấy là họ nhớ ngay. Như đã nói ở trên, khi sáng tác, tôi không nghĩ đến sự nổi tiếng. Nhưng tác phẩm nổi tiếng thì nó làm cho tác giả thành danh. Còn tiền bạc thì chắc ai cũng muốn. Nhưng tác quyền ở ta không như ở nước ngoài, ta "phục vụ là chính".

Tôi nhớ có một nhạc sĩ Thụy Điển đến thăm Hội Nhạc sĩ, khi biết tôi có hai bài hát nổi tiếng từ mấy chục năm, ông ngạc nhiên nói: "Nếu tôi có như vậy ở nước tôi, thì tôi chẳng phải lo gì nữa, tôi sẽ mua biệt thự, sắm xe hơi, và đi chơi khắp thế giới".

- Ông từng nói, "làm báo để sống, làm thơ để chết và làm nhạc để chơi". Ông có thể chia sẻ về điều này?

+ Tôi chọn thơ làm nghiệp, nhưng nhuận bút thơ quá bèo, vì thế mà có thời gian cuộc sống khó khăn, tôi viết báo rất nhiều để kiếm tiền, ký đủ các bút danh, lấy cả tên 3 đứa con làm tên mình: Cẩm Ly, Trọng Thi, Bảo Chi…

Có buổi sáng thức dậy rất sớm, viết một lúc hai, ba bài báo, ăn bát cơm nguội rồi mang ba lô đến cơ quan. Nhạc thì thường làm ngẫu hứng mà, để hát chơi với bạn bè trong cuộc rượu…

- Ông là người đa tài, nhiều "nhà" trong một nhà. "Nhà" nào quan trọng nhất đối với ông?

+ Nhà quê. Nhà quê là cái gốc của mọi nhà, cái gốc của một dân tộc trồng lúa nước. Vì thế mà tôi đã làm thơ: "Mẹ tôi dòng dõi nhà quê/ Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu".

Hoặc khi thấy nhà báo gọi tôi là nhà "đa sĩ", nhà thơ Lê Khả Sỹ (cũng sĩ) biết tôi từng là bộ đội trong chiến tranh, ông đã viết tặng tôi hai câu thơ rất vui: "Trời phú cho anh bao nhiêu là sĩ/ Chỉ riêng liệt sĩ chắc trời quên".

- Tôi thì vẫn yêu con người thơ Nguyễn Trọng Tạo, thế hệ chúng tôi lớn lên bằng những bài thơ của ông về tình yêu, về đời sống và những bài thơ thế sự. "Tản mạn thời tôi sống", "Chia", "Đồng dao cho người lớn" rồi trường ca "Đồng Lộc" hay "Biển mặn"... Dù viết nhạc hay làm thơ thì điều cốt lõi của người nghệ sĩ vẫn là không thể thờ ơ, vô cảm với đời sống? Mà đời sống bây giờ thì quá ngổn ngang?

+ Nghệ sĩ không thể thoát ly đời sống xã hội. Dù nó có ngổn ngang trăm chiều thì người nghệ sĩ vẫn phải nhìn thấy được qui luật phát triển tất yếu của nó. Và khi đã nhìn thấy được qui luật phát triển thì sẽ có niềm tin.

Lần đầu tiên Nguyễn Trọng Tạo có đêm nhạc riêng.

Hoài nghi là cần thiết, hoài nghi cũng là một động lực phát triển, nhưng nếu không có niềm tin thì không thể làm gì được.

Có lúc tôi đã tung ra bài thơ "Tin thì tin không tin thì thôi" được nhiều người yêu thích, là bởi vì cuối bài thơ vẫn hiện ra một sự thật là niềm tin: "Nhưng tôi người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết".

- Theo ông, vì sao bây giờ chúng ta thiếu những tác phẩm hay, những bài hát xúc động, hay những câu thơ có thể khiến ta ám ảnh cả một thời tuổi trẻ? Và chúng ta vẫn tìm về những hoài niệm?

+ Người sáng tác là phải viết ra những gì máu thịt nhất với chính mình, với xã hội, viết về những ám ảnh không nguôi dưới con mắt của một con người biết sẻ chia hay một nhà tiên tri. Với thơ và nhạc lại đòi hỏi những cảm xúc mãnh liệt thì lại càng phải biết quên mình cho cảm xúc.

Thiếu tác phẩm hay là vì thiếu những điều cốt lõi dành cho người sáng tạo. Nếu chỉ nghĩ vì tiền, thì người sáng tác sẽ dễ trở thành những nhà làm hàng chợ, theo thị hiếu tiêu dùng. Cốc chén, bát đĩa giấy rất cần và tiện lợi, nhưng dùng xong vứt đi.

Chuyện này cũng dễ hiểu, vì con người hiện nay rất thực dụng. Tuy nhiên, nghệ thuật đích thực vẫn có con đường đi riêng của nó. Ngay cả khi muốn tìm về hoài niệm, nó vẫn tỏa ra ánh sáng cho tương lai. Chỉ sợ đồ cổ không phải là đồ cổ, mà nó chỉ là loại đồ giả cổ mà thôi.

- Ông nói rằng, đời người như dòng sông, đến thời điểm này, dòng sông đời ông đã đi đến khúc nào?

+ Câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến một câu thơ của ai đó: "Đã là sông thì chảy/ Đã là núi phải cao"… Nhưng đã nhận đời mình là đời sông thì nó cũng ba đào lắm.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.