Đại sứ du lịch hay phỗng ở chùa?

Thứ Hai, 28/07/2014, 16:31

Bobby Chinn, một đầu bếp có nhà hàng tại Việt Nam bỗng chốc được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch bổ nhiệm làm đại sứ du lịch Việt Nam tại châu Âu. Điều này khiến khá nhiều người bất ngờ, vì trước đó vị trí đại sứ du lịch vẫn còn đang được… tranh giành suốt gần 2 năm, kể từ khi cô Lý Nhã Kỳ hết nhiệm kỳ và cũng không muốn hình ảnh của mình bị… kỳ hơn nữa trong vai trò nói tiếng Anh ngọng líu và những chuyến công du bạc tỷ tự bỏ từ túi mình ra…

Bobby Chinn là ai?

Bobby Chinn sinh năm 1966, ở New Zealand, cha là người Trung Quốc và mẹ có quốc tịch Ai Cập, được đào tạo đầu bếp ở Pháp. Tài năng và sự ham học hỏi đã giúp Bobby Chinn gây dựng được thành công trong sự nghiệp. Bobby Chinn được biết đến trên truyền hình quốc tế như một ngôi sao đầu bếp với nhiều chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực như World Café Asia, World Café Middle East, Bobby Chinn Cooks Asia. Từ năm 1996, Bobby Chinn mở nhà hàng tại Hà Nội và Sài Gòn, viết sách ẩm thực châu Á.

Bobby Chinn nói: "Tôi nghĩ mình được chọn làm đại sứ du lịch do xuất thân của mình và những tiếp xúc mà tôi có được từ công việc, hiểu biết của tôi về ẩm thực, lịch sử và văn hóa, nhưng quan trọng hơn là tình yêu lớn của tôi dành cho đất nước và con người Việt Nam".

Tuy nhiên, ít ai biết Bobby Chinn có thành công trong kinh doanh hay không, nhưng có vẻ như ở một đất nước trân trọng người nước ngoài như Việt Nam thì Bobby Chinn cũng thật có giá.

Việc Bobby Chinn thành đại sứ du lịch khiến một số người kinh doanh ẩm thực bất bình. Một số người am tường văn hóa Việt Nam cũng cho rằng đây là một quyết định thiếu sáng suốt, bởi không ai có thể am tường được văn hóa của người Việt bằng chính những người mang dòng máu Việt. Một số người khác tỏ ra dữ dội khi cho rằng, phải chăng vì không thể giải quyết được cuộc tranh giành "ngôi vị" của đại sứ du lịch giữa các cô gái của làng giải trí nên Bộ Văn hóa quyết định chọn một ông Tây?

Bobby Chinn và Hà Anh.

Một trong những người phản ứng việc Bobby Chinn làm đại sứ du lịch Việt Nam là kiến trúc sư Khánh Casa, chủ chuỗi nhà hàng Gạo nổi tiếng tại TP HCM. Anh cho rằng: "Trên mạng xã hội facebook, một người văn minh ít khi chịu add friends khi avata của người đó không phải hình thật, thậm chí là hình trâu gà ngựa bò.

Tìm kiếm một gương mặt đại diện cho một sản phẩm "cỏn con" mình làm lúc nào cũng phải cân nhắc và điên cái đầu. Thỉnh thoảng đi du lịch xa nhà lâu ngày mà gặp đồ ăn Việt Nam thì lao vào ngấu nghiến mà ăn (dù chẳng giống đồ Việt Nam tí nào). Quê tôi ở Nha Trang mà không ăn nổi đồ ăn Nha Trang ở Sài Gòn vì mọi người cứ cho ăn bánh căn với rau sống cuốn bánh tráng. Đồ ăn Việt ngon nhất là đồ ăn đường ohos. Làm cầu kỳ bơ sữa, mông má quá cũng mất hay.

Ai cũng biết là con đường chinh phục người khác nhanh nhất là đi qua bao tử, tuy nhiên anh Bobby Chinn tính chinh phục cái gì? Thời đại truyền thông bây giờ là "đánh trực diện" chứ không nói lòng vòng, kiểu như con bò là con bò, không thể nói con dê + 2 cái sừng là con bò. Có những thứ chỉ cần 1% sai với bản gốc đã là đồ giả. Nói tóm lại tôi không hiểu vì sao với lựa chọn một con người rặt mùi PR cá nhân lại đại diện cho cả một quốc gia"!

Đại sứ du lịch để làm gì?

Kể từ khi có Lý Nhã Kỳ được phong làm đại sứ du lịch, truyền thông Việt Nam mới có dịp bàn tán xôn xao. Cô Kỳ, với bản chất showbiz của mình, luôn cố gắng làm ầm ĩ những sự kiện mà mình tham gia theo nhiều cách khác nhau. Chính vì thế, đôi khi gây lầm tưởng cho nhiều người rằng, cái vị trí đó là rất quan trọng và có giá. Nhưng thực tế, đây cũng chỉ là một vị trí có cũng được, không có cũng chẳng sao. Nếu như nhất thiết phải có, như nhà cần có chủ chẳng hạn, thì có gì suốt gần hai năm qua, từ khi cô Kỳ rời vị trí, vẫn chưa có ai lấp vào chỗ trống đó? Và thêm nữa, chưa có bất cứ báo cáo hay điều tra nào cho hay, từ khi cô Kỳ lên làm đại sứ, đi Nam Phi hay Campuchia thăm thú quảng bá thì du lịch Việt Nam tăng trưởng. Nói một cách hơi phũ, thì cái vị trí đại sứ du lịch cũng không khác phỗng ở chùa là mấy, trưng cho đẹp cảnh quan và làm vui thiên hạ.

Vậy thì tranh nhau làm gì? Và tức giận phỏng có ích chi? Rồi hết nhiệm kỳ, đại sứ có bài báo cáo đại loại mình đã đi đến đâu, tham gia bao nhiêu buổi công việc và làm những gì đó rất dài, nhưng tuyệt đối không bao giờ nhắc đến rằng nhờ đó mà du lịch Việt Nam thu được thêm bao nhiêu tiền. Nếu nói quảng bá bằng cách cho mọi người nhận biết cũng được. Nhưng nhận biết rồi họ có hành động (là tới tham quan) hay không? Đó lại là một câu chuyện khác nữa. Và nếu chỉ dừng ở nhận biết thôi, thì thật mơ hồ, không ai kiểm chứng được và vai trò của đại sứ cũng chỉ là một người cố gắng la to cho thiên hạ thấy, còn thiên hạ có thực sự thấy hay không thì chẳng có gì đáng để làm tin. Vậy là, thêm một lần nữa câu chuyện đại sứ du lịch trở thành đề tài vừa vui vừa ngộ nghĩnh

Thạch Tú
.
.
.