“Đàn bà đẹp” kể chuyện

Thứ Ba, 25/06/2013, 16:12

"Đàn bà đẹp" và "Đến độ hoa vàng"- hai cuốn sách đẹp từ cái tên sách đến bìa sách (do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế), đến minh họa (do họa sĩ Thành Chương vẽ), và lẽ dĩ nhiên là đến nội dung nữa.

Hai tập sách ra đời cùng lúc, một buổi ra mắt xúc động với màn trình diễn văn xuôi của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ, những chia sẻ của tác giả khiến người đọc hiểu hơn về Đỗ Bích Thúy. Một nữ nhà văn vừa chu toàn việc cơ quan vừa đảm việc nhà vừa nặng lòng với cây bút. Chị khiến ta yêu hơn cuộc đời này, bởi những trang văn đẹp, giàu tình người....

"Đàn bà đẹp" và "Đến độ hoa vàng"- hai cuốn sách đẹp từ cái tên sách đến bìa sách (do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế), đến minh họa (do họa sĩ Thành Chương vẽ), và lẽ dĩ nhiên là đến nội dung nữa.

Một tập truyện ngắn tiếp tục mạch nguồn những câu chuyện đầy ắp không gian miền núi, xen kẽ là những câu chuyện thành thị- hai gương mặt có tính đồng nhất của nhà văn. Một tập tản văn với những suy ngẫm xúc động về đời sống, kỷ niệm, nhân tình thế thái, như món quà nhỏ cho những ai muốn có những buổi chiều gạt hết mọi bận rộn cuộc đời, ngồi trong căn phòng nhỏ và tưởng nhớ về những hồi ức đã qua, dù rất nhỏ...

Đỗ Bích Thúy đúng là có biệt tài quan sát, thu nhận mọi thứ trong đời sống. Chị viết đủ thể loại, từ tiểu thuyết tới truyện ngắn, truyện thiếu nhi, tới kịch, tới tản văn. Cái gì thôi thúc thì chị viết. Và những cái muốn viết ra hợp với thể loại nào thì chọn thể loại đó mà viết, không câu nệ, không mục tiêu ngoài môt mục tiêu là làm xúc động trái tim bạn đọc.

Vâng, có thể nói Đỗ Bích Thúy là một nhà văn nữ có khả năng làm xúc động trái tim bạn đọc, thậm chí có thể làm bạn đọc rơi nước mắt, ngay cả khi chị viết về một kỷ niệm "bé mọn" nhất của mình, ngay cả khi chị kể một câu chuyện rất không đâu, chả rõ ràng về "câu chuyện".Thiên tính nữ trong văn của chị rất mạnh.

Trong tập tản văn "Đến độ hoa vàng", có cảm giác như Đỗ Bích Thúy chỉ viết về những kỷ niệm của riêng mình. Về "Ngôi nhà xưa", về "Căn gác áp mái", về chiếc lưỡi quà của cha mẹ, một đồ vật nhỏ về giá trị vật chất và mà chứa chan tình yêu, về chị gái, về một người bạn, về cái chậu gỗ, về những giọt mưa trên tán lá cọ...tất cả những gì chị đã sống, đã trải, đã mờ một lớp sương ký ức.

Thúy viết như một cách nhìn ngắm lại, chiêm nghiệm lại, hay đơn giản là neo giữ lại những giá trị đẹp của đời sống, như sợ nó mất đi, nó không còn tồn tại trong ký ức thành thị- nơi mà chị đang thuộc về. Đọc tản văn của Thúy, người đọc bất chợt nhận ra, đời sống con người sẽ trở nên nhạt nhẽo thế nào nếu ta không có ký ức để quay về.Và để có ký ức thì thực sự phải sống qua từng phút giây, sống chân thành và đắm đuối.

Vốn là sở trường, lại là sở trường mạnh, nên cứ đụng vào miền núi là "chết với Thúy". Chị viết về vùng văn hóa ấy, không gian ấy, dễ cứ như là bốc từ trong chiếc túi xẻng đeo lệch vai ra, dào dạt như lá cây của một tán rừng xào xạc nào đó. Không dễ có nhà văn trẻ nào có quyền năng với một vùng đất, một vùng văn hóa như Thúy, nơi "chứa đựng" chị và nơi chị "thuộc về".

Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy chỉ cho ta rất rõ về điểm mạnh này. Những truyện ngắn ám ảnh trong tập "Đàn bà đẹp" là những truyện chị viết về miền núi, như "Tráng A Khành", "Con dê bốn mắt", "Mẹ kế", "Cạnh bếp có cái muôi gỗ"...

Nhưng Đỗ Bích Thúy không chỉ viết về miền núi. Chị đang chảy đi mỗi ngày trong đời sống đô thị. Đó là hiện thực, là phần đời rất quan trọng của Thúy, phần đời viết văn rực rỡ, lập gia đình, sinh con, sự nghiệp. Mọi chăm chút mang tính số phận, mọi giao tiếp thường nhật của một người đàn bà kiêm nhiều vai trong đời thực đều ở phần đời này. Và chị viết về đô thị như một lẽ đương nhiên, không cần phải cố gắng hay nỗ lực.

Những trang viết về thành thị của Đỗ Bích Thúy cho ta thấy, đời sống đô thị đang ngấm dần vào ngòi bút chị, với tất cả những biến động ồn ào từ bên ngoài, những thay đổi cựa quậy từ bên trong.

Đỗ Bích Thúy đang đón nhận đời sống ấy, và khắc họa trong từng trang viết của mình với một độ tinh xảo mang dáng dấp của một nghệ nhân. Tôi có cảm giác này khi đọc truyện ngắn và tản văn của chị viết về Hà Nội, nhất là truyện ngắn "Chiếc hộp khảm trai"...

Bình Nguyên Trang
.
.
.