Đạo diễn, NSƯT Thu Hạnh: “Đủ đam mê sẽ vượt qua mọi khó khăn của nghề”

Thứ Bảy, 08/02/2020, 10:52
Khán giả Thủ đô vừa được thưởng thức vở diễn “Kẻ trộm”- một vở diễn về đề tài Công an, của Nhà hát Kịch Hà Nội. Điều đặc biệt là đạo diễn của vở là một nữ nghệ sĩ. Chị là NSƯT Thu Hạnh - vốn là một diễn viên của Nhà hát chuyển sang theo đuổi nghề đạo diễn. Đây cũng là vở diễn chính kịch đầu tiên mà nữ đạo diễn trẻ tuổi mang tới cho công chúng.


- Chào NSƯT Thu Hạnh, xin hỏi chị, cảm giác lần đầu làm đạo diễn có gì đặc biệt?

+ Thực ra thì trước đó mình đã dựng một số vở rồi, nhưng đều là vở cho thiếu nhi và lấy sự vui vẻ làm chính. Nhưng để làm một vở chính kịch thì “Kẻ trộm” là vở diễn đầu tiên mình “đụng” vào, thú thật cũng lo lắng ít nhiều.

- Được biết, vở diễn “Kẻ trộm” có đề tài chống tham nhũng, một đề tài nóng của xã hội, lại phản ánh hình ảnh, công việc, nghiệp vụ của lực lượng Công an. Xem ra với những yếu tố đó thì vở diễn là “khá nặng” với một nữ đạo diễn, nhất là khi họ dựng vở đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Vì sao chị lại làm khó mình như vậy, mà không phải là một vở diễn nhẹ nhàng hơn?

Đạo diễn, NSƯT Thu Hạnh.

+ Ban đầu khi tôi quyết định bắt tay vào làm công tác đạo diễn, một số anh chị của Nhà hát cũng khuyên là nên tìm vở gì đó có đề tài yêu đương, lãng mạn mà làm, như vậy sẽ bớt lo lắng hơn. Tôi cũng hiểu điều đó nhưng cá tính của mình thì không thích những vở quá dễ dàng. Tôi đặc biệt quan tâm đến các đề tài nóng và muốn khai thác các vấn đề nóng, thời sự đang diễn ra.

Khi đọc kịch bản “Kẻ trộm” của tác giả Lê Quý Hiền thì tôi quá thích và tự nhủ, thôi thì cứ làm những gì mình thích trước đã. Lo lắng thì có nhiều đấy, vì vở đầu tiên mà. Chồng tôi làm việc trong ngành Công an, khi tôi đưa kịch bản cho ông xã đọc, anh ấy bảo vở hấp dẫn, nên tôi cũng yên tâm phần nào.

- Vậy trong quá trình dựng vở, chị có thường xuyên được ông xã tư vấn, nhất là những chi tiết liên quan đến nghiệp vụ của ngành Công an?

+ Tất nhiên những gì cần tư vấn mình sẽ hỏi ông xã, nhà có một chuyên gia tội gì không tranh thủ (cười). Nhưng đó chỉ là yếu tố nhỏ thôi, đối với tôi thì đầu tiên đọc kịch bản phải thích đã. Khi thích rồi mình sẽ say sưa tìm tòi để làm đến cùng. Rất may tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ban Giám đốc Nhà hát, cùng với sự ủng hộ của các anh chị em đồng nghiệp.

- Trong tình hình sân khấu hiện nay, câu chuyện tìm kịch bản để dựng vở có dễ không, thưa chị?

+ Phải nói là quá khó. Tìm kịch bản hay bây giờ có lẽ phải “đốt đuốc” may ra mới thấy. Cho nên khi đọc được kịch bản này của tác giả Lê Quý Hiền là tôi phải “chộp” ngay. Người viết kịch bản sân khấu bây giờ có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Ngay trong Nhà hát của tôi cũng không có tác giả kịch, thành ra mỗi khi cần dựng vở là phải đi “săn” kịch bản.

Vừa rồi, nghệ sĩ Tiến Minh, một người làm âm nhạc là chính, ở Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã phải “liều” thử viết kịch bản. Vở “Hà Thành chính khí” Tiến Minh viết rất được. “Trong cái khó ló cái khôn”, các nghệ sĩ phải tự vận động mới có kịch bản mà dàn dựng.

- Thế còn đạo diễn thì sao, có trong tình trạng khan hiếm như kịch bản, thưa chị?

+ Tôi nghĩ đạo diễn cũng khan hiếm như kịch bản vậy. Mặc dù có một mâu thuẫn là hiện nay là rất nhiều nghệ sĩ trẻ đi học, tốt nghiệp ngành đạo diễn. Vì nghề đạo diễn từ học xong đến làm nghề là cả một con đường dài.

“Kẻ trộm” là vở kịch đầu tay của đạo diễn Thu Hạnh.

Nhiều người đi học đạo diễn lấy bằng rồi bỏ đấy, chứ để trở thành một đạo diễn thực sự là phải bắt tay vào làm, phải quyết liệt vì có rất nhiều cái khó phải vượt qua, cho nên người học nhiều, người làm ít là vậy. Trong khi đó, các đạo diễn thế hệ trước thì đều cao tuổi rồi, sức làm việc không như xưa nữa. Thành ra các nhà hát cũng khan đạo diễn luôn và phải kêu gọi những đạo diễn mới bắt tay vào công việc.

- Chị từng là diễn viên, sau đó đi học đạo diễn, tuy nhiên đạo diễn và diễn viên là hai nghề khác nhau khó mà so sánh. Vậy đâu là những phẩm chất cần để trở thành một đạo diễn?

+ Tôi nghĩ rằng cái khác lớn nhất của nghề đạo diễn và nghề diễn viên, đó chính là tư duy. Diễn viên thì phải tỉ mỉ, chi tiết, còn đạo diễn thì phải có khả năng tư duy bao quát, tổng thể. Khi đã làm diễn viên đi làm đạo diễn lại có cái thuận lợi là mình có kinh nghiệm diễn xuất rồi sẽ dễ làm việc với diễn viên hơn, hiểu tâm lý diễn viên tốt hơn.

Ban đầu tôi cũng không định đi học làm đạo diễn đâu, có vẻ khá yên tâm với nghề diễn viên đấy, nhưng thầy giáo của tôi lại thường động viên. Thầy nhận thấy là tôi có những phẩm chất để có thể đi làm diễn viên nên khuyên nên theo học nghề đạo diễn. Càng đi sâu vào nghề đạo diễn đúng là tôi cũng thấy đam mê, thấy thích. Khi công diễn vở “Kẻ trộm”, thầy cũng tới xem và cuối buổi thầy tới động viên, nói “bước đầu em làm được như vậy là rất tốt”, tôi cũng cảm thấy có thêm động lực.

- Hiện tại chị vừa làm quản lý nhà hát trong vai trò là Trưởng đoàn kịch I- Nhà hát Kịch Hà Nội, lại vừa làm đạo diễn, liệu công việc như vậy có quá tải?

+ Tôi thấy là công việc của một người làm quản lý với công việc của một đạo diễn cũng khá giống nhau, đó là đều phải có tư duy quán xuyến, tổng thể hài hòa các vấn đề. Tôi yêu nhà hát của mình và luôn xem đây như gia đình của mình, không bao giờ quản ngại việc dành thời gian cho công việc của Nhà hát. Vừa làm quản lý vừa làm đạo diễn có lúc bận vô cùng.

Một cảnh trong vở “Kẻ trộm”.

Thời điểm dựng vở tôi phải dừng hết công việc gia đình lại. Nói về công việc làm đạo diễn ở nhà hát thời điểm khó khăn này thì phải thật rằng tôi không có tham vọng trở thành điều gì to tát cả. Việc đầu tiên là tôi muốn cống hiến cho nhà hát. Trong tình hình kịch bản hiếm, đạo diễn hiếm, tôi tự thấy có chút khả năng thì lao vào làm để cho nhà hát có vở diễn đến với công chúng đã. Tôi chỉ biết làm hết sức và cái gì đến sau, thành công nếu có là phần thưởng đối với mình, chứ chưa dám tham vọng gì cả.

- Là một người đã gắn bó với sân khấu hơn 20 năm, quan sát từ Nhà hát Kịch Hà Nội nơi chị đang công tác và cả các đơn vị khác, chị có thể nói gì về vấn đề đào tạo các lớp nghệ sĩ kế cận trong các đơn vị sân khấu?

+ Cụ thể ở Nhà hát Kịch Hà Nội, vấn đề kế cận trong làm nghề đang có nhiều lo lắng. Các anh chị lớp trước, có kinh nghiệm trong quản lý, làm nghề đều đã nghỉ hưu gần hết cả rồi. Thế hệ 6X thì gần như bị hẫng, không có ai. Như tôi, một nghệ sĩ thế hệ cuối 7X mà cũng đã thuộc loại “già” nhất nhà hát rồi. Phía sau là các em trẻ, còn non về nghề, phía trước không có những anh chị gạo cội để học hỏi, nhất là trong nghề đạo diễn.

Kể cả trong đội ngũ diễn viên, vì nhà hát không còn nghệ sĩ lớn tuổi nên khi dựng vở, nhân vật lớn tuổi vẫn phải giao cho người trẻ, ví dụ vai lãnh đạo huyện trong vở “Kẻ trộm” của tôi vừa rồi, nó hơi quá sức. Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề không chỉ của Nhà hát Kịch Hà Nội mà còn là của một số đơn vị sân khấu khác nữa. Nhưng tôi tin rằng các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau mình họ sẽ đủ giỏi giang và tâm huyết để vượt qua những khó khăn đó.

- Bận rộn với công việc như vậy, ông xã lại làm trong ngành Công an thường xuyên vắng nhà, việc chăm sóc con cái chị phải thu xếp như thế nào?

+ (Cười) Nói chung phải tự biết cách thu xếp. Phần tôi tự làm, phần nhờ ông bà nội ngoại, rồi cả giúp việc nữa, làm sao để đảm bảo gia đình vẫn phải là tổ ấm chu toàn, con cái học hành đến nơi đến chốn thì mới yên tâm làm nghề được. Nói chung vừa làm “nội tướng” ở nhà vừa làm “nội tướng” ở nhà hát cũng vất vả lắm nhưng nếu có đủ tình yêu, đam mê thì sẽ vượt qua được.

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Thu Hạnh về cuộc trò chuyện.

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.