Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng: Muốn khán giả có nhiều lựa chọn khi xem phim

Thứ Tư, 29/11/2017, 22:31
Phải chờ đến đầu năm sau, bộ phim tâm lý tội phạm "K" của đạo diễn 9x Nguyễn Hữu Hoàng mới chính thức ra rạp nhưng những thông tin mới được hé lộ khiến cho không ít khán giả Việt chờ đợi.


Ngoài một số diễn viên trẻ đang lên như Hứa Vĩ Văn, Diễm My 9x, bộ phim còn có sự tham gia của các gương mặt nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như Thương Tín, Chánh Tín, Kinh Quốc, Lan Phương,…

Nguyễn Hữu Hoàng sinh năm 1991, tốt nghiệp Khoa Đạo diễn ở Malaysia, sau đó tham gia vào nhiều bộ phim độc lập với nhiều vị trí khác nhau. Địa bàn hoạt động chủ yếu của Hoàng sau khi tốt nghiệp là Indonesia, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan… 

Hoàng từng tham gia vào vị trí trợ lý sản xuất cho đạo diễn Lý An khi ông quay bộ phim "Cuộc đời của Pi" tại Malaysia. Năm 2015, anh về nước, tham gia vào dự án phim đầu tiên là "Bạn gái tôi làm sếp" của đạo diễn Hàm Trần, sau đó là 2 dự án của Đức Thịnh và Đinh Tuấn Vũ là "Sứ mệnh trái tim" và "Chờ em đến ngày mai". "K" là dự án điện ảnh đầu tiên của Nguyễn Hữu Hoàng ở vị trí đạo diễn và biên kịch.

- Là cái tên mới toanh tại thị trường phim Việt Nam, Nguyễn Hữu Hoàng làm thế nào để thuyết phục nhà sản xuất "rót" cho mình 16 tỷ đồng để làm phim, còn các diễn viên nổi tiếng lại đồng ý tham gia vậy?

+ Về việc làm sao để thuyết phục, có lẽ Hoàng là một người may mắn chăng? Hoàng muốn làm một bộ phim tốt. Nhà đầu tư muốn có một bộ phim hay và có lãi. Quan hệ qua lại, rồi thống nhất làm việc với nhau, mọi thứ cũng suôn sẻ. 

Còn về phía các diễn viên, có diễn viên đến với bộ phim vì họ thích kịch bản, có diễn viên nhận lời vì muốn đóng với Thương Tín như Kinh Quốc, có diễn viên vì cát- sê hấp dẫn. Hoàng nghĩ, ai muốn gì cũng được, miễn sao đến với bộ phim này đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái. 

Riêng những vai chính, Hoàng đều đến gặp và nói chuyện trực tiếp với họ. Kể cả ê-kip của mình cũng vậy. Hoàng cho rằng, điều đầu tiên không phải là bạn làm cho tôi, bạn làm dưới quyền tôi mà chúng ta làm cùng nhau. Tất nhiên, trước hết, bạn phải thích dự án này đã, bạn thích thì chúng ta mới ngồi nói chuyện tiếp được với nhau. May mắn là có vài người mới đọc đã nhận vai sau 5 phút như anh Hứa Vĩ Văn,…

- Đầu năm tới, "K" mới chính thức ra rạp. Khán giả Việt Nam khá tò mò về nội dung bộ phim này?

+ Nhân vật K là thanh tra, làm việc ở một tỉnh lẻ vùng cao, khí hậu lạnh. Nhân vật này trung tuổi, mắc chứng bệnh rối loạn giấc ngủ. Trong 1 lần làm việc, chứng bệnh này dẫn tới việc gián tiếp gây ra cái chết của một nữ đồng nghiệp. Uy tín của anh xuống dốc. Anh ta nhận ra cảnh sát bắt nhầm người, từ đó quyết định cuộc điều tra riêng mình.

Bộ phim diễn ra ở khoảng thời gian không xác định, trong một thị trấn nhỏ không được gọi tên. Tuy nhiên, chất cổ điển phương Tây hiện lên rõ ràng qua những ngôi nhà cổ, những công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Phim tận dụng mọi thế mạnh của Đà Lạt sương mù để gợi lên màu sắc bí ẩn, lạnh lùng của một thị trấn cô độc đang "say ngủ".

Tôi muốn đưa người xem vào một thế giới riêng biệt. Vậy nên trong quá trình viết kịch bản, tôi không dựa trên những bối cảnh có sẵn mà để trí tưởng tượng vẽ ra những nơi mình muốn, rồi tìm kiếm và xây dựng bối cảnh như những gì được định trên trang giấy. 

Phim được quay trong 40 ngày tại Đà Lạt. Tuy nơi đây đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim, nhưng với "K", thành phố sương mù hiện lên qua những góc quay khác biệt, những địa điểm "độc". Nhiều nơi sẽ không còn xuất hiện sau này như khu nhà thờ bỏ hoang sau Dinh 1 Bảo Đại, bởi sẽ được dỡ bỏ, trùng tu ngay sau khi kết thúc cảnh quay.

- Hoàng tham gia ở hai vị trí, vừa là biên kịch vừa là đạo diễn. Bạn có ôm đồm quá không?

+ Hoàng viết kịch bản trong 7 tháng. Thời gian nghĩ ngợi thì nhiều nhưng thời gian đánh máy tầm một tháng rưỡi. Mình vẫn phải sửa kịch bản cho đến tận sát ngày quay. Hoàng có một nguyên tắc: mình chỉ làm những bộ phim mà mình viết kịch bản. 

Và khi mình viết, tất nhiên cũng có những người tham gia vào quá trình nhận xét, đóng góp như nhà sản xuất nhưng mình vẫn phải là người quyết định cuối cùng. Nếu mình không quyết đoán và chắc chắn, khán giả xem bộ phim của mình cũng cảm thấy mông lung.

Đạo diễn 9x Nguyễn Hữu Hoàng trên trường quay.

- Có người tò mò không biết, cốt truyện trong phim có bắt nguồn từ một vụ án nào đó hay lấy cảm hứng từ một bộ phim nào đó hay không?

+ Thật ra, lúc đầu, phía nhà sản xuất có đưa cho mình một yêu cầu đó là họ muốn làm một bộ phim hình sự liên quan đến các vụ án thời kỳ 1975 - 1980. Họ có đưa mình nội dung về vụ án của nghệ sỹ Thanh Nga. 

Khi đọc, Hoàng thấy, có những khía cạnh lịch sử hay nhưng để đưa lên phim cần những yếu tố drama (kịch) hơn và thuộc về điện ảnh hơn thì phải thay đổi. Khi viết, lại nảy ra nhiều ý nghĩ mới. Càng viết càng đi lệch ra khỏi vụ án, để rồi cuối cùng thành ra một bộ phim mà các bạn sẽ xem trong thời gian tới.

- Thể loại phim tâm lý - tội phạm không mới với thị trường phim thế giới nhưng với Việt Nam, vẫn còn là một điều gì đó khá mới mẻ. Nguyễn Hữu Hoàng là "tân binh" mà đã "chơi trội" ư?

+ Hoàng không dám chơi trội đâu. Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, trước khi là đạo diễn, mình cũng là một khán giả. Khi ra rạp, mình cũng muốn có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nếu chỉ có một thể loại và nhiều phim cùng thể loại ấy, mình chỉ có thể nói "yes" (có) hoặc "no" (không), chứ không có phương án nào khác nữa. 

Nếu cứ làm một thể loại định hình từ trước đến giờ và an toàn với điều đó thì cũng giống như một con phố mà người ta mở tới 10 hàng phở. Khán giả sẽ chọn quán phở nào ngon nhất. Nhưng nếu một con phố mở bán nhiều món khác nhau ngoài phở thì mỗi ngày họ sẽ chọn một món. Quan điểm khi làm phim của Hoàng là muốn khán giả có nhiều lựa chọn và trải nghiệm xem phim khác nhau.

- Nhưng làm đạo diễn, ai chẳng muốn mình ghi dấu ấn ở một dòng nào đó? Nếu nhiều dòng, Hoàng không sợ bị loãng ư?

+ Ai làm đạo diễn cũng đều muốn mình ghi dấu ấn ở một dòng phim riêng. Nhưng Hoàng nghĩ rằng, thể loại giống như đồng phục, người mặc nó mới quan trọng. Ở Việt Nam, người ta hay nói về thể loại, hoặc gọi bộ phim này là phim thương mại, gọi bộ phim kia là phim nghệ thuật. Với mình, chỉ có phim hay và dở. Cho nên, dù cầm trong tay bất cứ thể loại gì, mình cũng mong muốn là làm sao để làm ra một bộ phim hay nhất có thể. Hoặc ít nhất là không dở.

Hồi mới vào nghề, Hoàng làm phim nghệ thuật nhiều. Hoàng rất thích. Những shot phim đầu tiên của Hoàng cũng thiên dòng này. Nhưng sau này, khi xem rất nhiều phim của thế giới, thấy rằng, vẫn có những bộ phim vừa có tính giải trí vừa đậm chất điện ảnh. "Lalaland" chiếu rạp năm ngoái là một ví dụ chẳng hạn. 

Cuối cùng, bản chất của ngành này vẫn là giải trí. Khi ra rạp, khán giả phải cảm thấy thoải mái, thích một cái gì đó. Mỗi người một quan điểm và có một cái thích khác nhau. Hoàng nghĩ, mình nên làm một bộ phim tốt. 

Sau đó, nghệ thuật, thương mại, điện ảnh hay giải trí, hãy để báo chí và khán giả đánh giá. Mình hãy làm một cái gì đó tốt và hay, ít nhất mình phải nghĩ nó hay thì mới hi vọng khán giả thích nó được.

Phim "K" có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

- Bạn có cảm thấy hài lòng với bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn và biên kịch không?

+ Sau 2 tháng lăn lộn trên phim trường, bộ phim đóng máy. Ngày đầu tiên tỉnh dậy nhận ra mình không phải đi quay, cảm thấy rất bất ngờ với điều đó. Mình đã quen với cảm giác kia rồi. 

Hoàng nghĩ, có thể độ tuổi của mình còn trẻ nên làm xong một phim vẫn còn có thể khởi động dự án tiếp theo rất sớm. Hoàng muốn mình cũng như những bạn trẻ khác, làm ra được những bộ phim tốt, lạ, nhiều thể loại. Khán giả thế giới có cơ hội được xem và chọn lựa nhiều bộ phim khác nhau thì ở Việt Nam, Hoàng cũng muốn khán giả có cơ hội như vậy. Đó là điều rất đáng quý.

- Bộ phim có kinh phí 16 tỷ đồng. Nếu lỗ vốn thì sao?

+ Mỗi bộ phim có mức kinh phí khác nhau. Có những bộ phim người ta nghĩ là cao với mặt bằng hiện tại nhưng vì chất lượng, đòi hỏi một mức kinh phí có thể đảm bảo được điều đó. Nhưng con số thì có ý nghĩa với nhà sản xuất, Hoàng không quan tâm lắm đến điều đó. Nhiệm vụ của Hoàng là làm sao có một bộ phim hay mà thôi.

- Cảm ơn Hoàng và chúc bạn thành công! 

Cốc Vũ (thực hiện)
.
.
.