Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không làm phim cũng chẳng vì tiền

Thứ Sáu, 01/02/2013, 16:09

So với những bộ phim trước, Nguyễn Quang Dũng dường như ít nói về sản phẩm của mình hơn, dù "Mỹ nhân kế" làm anh vướng bận suốt 3 năm trời, kể từ sau "Những nụ hôn rực rỡ". Thời gian này, người ta thấy anh đều đặn lên truyền hình với "Vietnam Idol" và nói về âm nhạc. Thế nhưng, khi trò chuyện, phim ảnh với "Dũng khùng" vẫn là máu thịt…

- Nghe nói "Mỹ nhân kế" đã vượt mức kinh phí ban đầu khá nhiều. Đây là một điều trái với lệ thường, rằng "Dũng khùng" làm phim thường ít rủi ro?

- Kinh phí có đội lên chút ít, cũng là điều đã nằm trong dự tính và vì thế nhà sản xuất mới chịu chi (cười). Thực lòng là khi quay phim nó mới phát sinh thêm rất nhiều thứ. Nếu như những phim trước tôi chủ động hoàn toàn, thì phim này nó có những cái tôi không lường được. Vì đây là phim cổ trang, bối cảnh phải khác biệt hoàn toàn. Và lại là quay để dựng kỹ thuật 3D, nên cái khó này chồng lên cái khó khác. Thời gian quay phim cũng bị vượt quá hơn 20 ngày. Làm phim này trần ai vô cùng. Nhưng nó cũng hứng thú vô cùng.

- Anh đã mất tới 3 năm để chuẩn bị cho dự án phim này. Cho thấy sự cầu toàn, đồng thời ẩn trong đó là cả nỗi lo lắng về áp lực thành công?

- Tôi đã viết kịch bản, sửa lại nhiều lần. Rồi yêu cầu các diễn viên chính phải tập võ ròng rã suốt 2 năm. Dự án đã lùi lại cả năm trời vì khâu chuẩn bị chưa hoàn thiện. Tôi không làm phim vì danh tiếng, vì danh tiếng của một đạo diễn không chỉ qua một bộ phim mà còn là cả một quá trình hoạt động nghề nghiệp, gây dựng từng chút một. Tôi cũng không làm vì tiền, vì 3 năm mới xong một bộ phim thì cát sê cao cỡ nào cũng vẫn chẳng ăn thua so với những công việc khác. Nhưng, tính tôi là vậy, khi chưa tìm ra giải pháp thì tôi chưa làm, chứ không cố làm rồi ra một thành phẩm què quặt. Cũng may là khâu chuẩn bị kỹ nên những gì chúng tôi dự tính đều đã làm được. Và nói thật là vì thế nên cũng đỡ hao tiền bởi những chuyện không đáng có. Ngay cả những tính toán về kỹ xảo cũng đã xử lý khá tốt.

- Anh có hoang mang về việc... thu hồi vốn?

- Đó là việc của… nhà sản xuất (cười). Nói vui là vậy, nhưng lẽ ra bộ phim này sẽ không chiếu dịp Tết, mà là trước đó. Phần vì phim của tôi làm không kịp, phần khác thì nhà sản xuất cũng tính đường có lãi, thì mùa Tết vẫn là dịp khả quan nhất…

- Tết năm trước, "Thiên mệnh anh hùng" - phim cổ trang đầu tư tốn kém, ra rạp và thua trắng tay so với dàn phim hài nhảm theo phong cách Phước Sang. Bài học đó có làm anh… run?

- "Thiên mệnh anh hùng" không đạt doanh thu như mong đợi, vì kinh phí đầu tư quá lớn, một phần cũng vì những phát sinh trong quá trình quay. Nhưng đó là bộ phim sạch sẽ, hấp dẫn, nó có khán giả và cũng được giới chuyên môn nhìn nhận. Tôi nghĩ, nó có sự thành công riêng. Nếu nó thành công về doanh thu, thì sẽ còn tốt hơn nữa với chúng tôi, nghĩa là nó tạo tiền lệ cho các nhà sản xuất có niềm tin vào sự hấp dẫn của phim cổ trang kiếm hiệp. Nhưng, dù nó không có doanh thu ngất ngưởng, thì cũng đã tạo ra một góc nhìn khác, đó là người Việt vẫn có thể làm phim võ thuật hấp dẫn.

Tôi không… run, vì mọi thứ không giống nhau, nhưng đúng là làm phim này tôi gặp nhiều áp lực. Vì đề bài tôi tự giao cho mình rất lớn, đó là sự thay đổi và không lặp lại. Ví dụ, "Giải cứu thần chết" là phim ma học đường, "Những nụ hôn rực rỡ" là phim ca nhạc và "Mỹ nhân kế" sẽ là phim kiếm hiệp 3D đầu tiên của Việt Nam. Tôi đã tự làm khó mình, hì hục chỉnh sửa suốt gần 3 năm, để ra hiện trường quay gần 2 tháng. Nếu tôi không tính kỹ thì có khi phim này quay tới… nửa năm.

- Về kỹ xảo thì sao, thưa anh? Nhiều khán giả bắt đầu bình phẩm khi xem trailer của "Mỹ nhân kế", dường như các mỹ nhân của anh toàn múa kiếm chứ không phải đánh võ…

- Kỹ xảo hầu hết đều được làm ở Việt Nam. Khi thực hiện hậu kỳ phim này tôi mới phát hiện ra, người Việt mình rất nhiều chuyên gia kỹ xảo. Họ đã gia công rất nhiều công đoạn cho các phim Hollywood. Nhưng ở Việt Nam thiếu một "người đầu tàu" để tạo nên một nền tảng, một truyền thống. Ví dụ, ở Hollywood, khi nền tảng kỹ xảo đã ở mức đó, thì đạo diễn không cần phải tính sẽ xử lý như thế nào mà nó đã là đương nhiên. Còn chúng ta thì quay một phim mới lại làm từ đầu. Nếu chúng ta có một người chỉ đạo, ráp nối các công đoạn vào với nhau mang tính tổng thể, thì kỹ xảo sẽ rất mạnh. Còn chuyện diễn viên múa kiếm là chuyện khác. Đó là chủ ý của tôi…

- Là anh cố tình biến bộ phim này như một tấm postcard, đẹp là trên hết ?

- Đây là một bộ phim có vỏ ngoài là hành động, nhưng thực chất là phim tâm lý, kể về những khát vọng và thân phận phụ nữ. Bạn có xem bộ phim “Mr&Mrs Smith” của Brad Pitt và Angelina Jolie không? Quả là phim hành động cuốn hút, nhưng thực chất nó là bộ phim tâm lý về tình cảm vợ chồng. "Mỹ nhân kế" kể về những cuộc đời phụ nữ ở đáy cùng xã hội cũ. Họ quần tụ với nhau trong một tửu điếm, và cùng cố gắng để tìm kiếm những hạnh phúc nhỏ nhoi của mình. Nhưng họ phải trải qua rất nhiều biến cố đến từ những người đàn ông, những thế lực hắc ám. Họ khao khát một tình yêu, nhưng cũng không dễ dàng...

Chỉ đạo quay “Mỹ nhân kế”.

- Và vì là khát vọng phụ nữ, nên anh đã để xuất hiện một "xu hướng nóng", đó là cảnh đồng tính nữ giữa Tăng Thanh Hà và Thanh Hằng ?

- Tôi không nói về những chi tiết cụ thể của bộ phim được, để khán giả xem và tự kết luận thôi. Nhưng tôi nghĩ, nếu có đồng tính thì cũng không phải vấn đề nóng của thời đại, nó là vấn đề muôn thuở của tình cảm con người. Nếu phụ nữ họ tìm được tình yêu với nhau, thì cũng là niềm vui, chẳng có gì sai...

- Có phải vì quan niệm này mà phim của anh thường có hình ảnh người đồng tính và họ được sống rất hạnh phúc ?

- Tôi quan niệm con người là bình đẳng, và được sống thành thật với chính mình quan trọng hơn là việc phải tạo ra một chiếc áo và cố vẽ vời theo nó.

- Hình như anh lẩn tránh câu hỏi của tôi về việc diễn viên chỉ múa kiếm chứ không phải đánh võ ?

- Không, tôi không đặt nặng vấn đề đánh võ, tôi quan tâm đến hiệu ứng của những cảnh quay võ thuật trên phim. Chính tôi cũng không nghĩ mình quay được nhiều cảnh đánh võ đẹp như vậy. Tôi cực kỳ thích phim "Anh hùng" của Trương Nghệ Mưu, bạn có thấy những cảnh đánh võ đẹp không ? Nó hoàn toàn là kỹ xảo, chứ không phải là những cảnh đấu võ thực sự. Nhưng vẫn rất thu hút. Tôi muốn làm một bộ phim như thế. Thường đấu võ người ta sẽ nghĩ đến những cảnh đàn ông đánh nhau. Nhưng với người Á Đông, phụ nữ đấu võ sẽ mềm mại và đẹp hơn nhiều. Những môn võ Á Đông cũng thiên vào sự khéo léo, lấy nhu thắng cương. Tôi tuân thủ điều đó. Và tôi tin khán giả sẽ thích.

- Tôi cũng hy vọng như vậy. Xin hỏi anh sang lĩnh vực khác, mà anh đã thực hiện suốt 3 năm qua, đó là làm giám khảo. Anh thấy "Vietnam Idol 2012" thế nào?

- Một năm thành công, dù không có những hiện tượng như Uyên Linh, nhưng rõ ràng mùa giải này cho thấy chất lượng thí sinh đều hơn. Và các thí sinh vào vòng cuối đều rất xứng đáng.

- Kể cả chuyện Hương Giang lọt sâu vào vòng trong ? Người ta cho rằng, có bàn tay của anh trong việc dàn xếp để Hương Giang tiếp tục tạo hiệu ứng cho cuộc chơi?

- Tay tôi to thế thì tôi giàu lâu rồi chứ! (cười). Mọi người đừng quá đặt nặng rằng, mỗi mùa giải chúng ta phải có ngay một ngôi sao. Một mùa giải, chúng ta sẽ tìm ra được những ca sỹ mới, và việc họ có trở thành ngôi sao hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chính sự nỗ lực và tham vọng của họ. Cũng không thể đòi hỏi nhà sản xuất chương trình biến thành những ông bầu lăng xê ca sỹ. Không phải lúc nào cũng có Uyên Linh để truyền thông làm mọi chuyện trở nên ầm ĩ. Mùa này Hoàng Quyên, Bảo Trâm hay Ya Suy hát đều rất tốt. Mà quan trọng là các thí sinh đều có sự tiến bộ vượt bậc qua những vòng thi.

Tôi thấy Ya Suy là một điển hình nhất. Cậu bé nhút nhát của vòng loại đã rất tự tin ở những vòng sau, với chất giọng đầy biểu cảm, mang đến cho công chúng một góc khác của sân khấu ca nhạc, là không đẹp cũng không có công nghệ lăng xê vẫn có thể mang tiếng hát đến với trái tim người khác. Nó biểu thị một khát vọng, một giấc mơ...

- Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi về Hương Giang...

- Đúng là Hương Giang có sự đặc biệt, vì bạn ấy là người chuyển giới. Nhưng chúng tôi không lợi dụng chuyện đó để làm hiệu ứng cho chương trình. Mà bản thân câu chuyện và tham vọng quyết liệt của Hương Giang trong việc trở thành ca sỹ đã làm nên sức nóng cho cô ấy. Khán giả bình chọn cho cô ấy rất cao, chứ không phải giám khảo. Chúng tôi hiểu rất rõ thực lực của các thí sinh. Nhưng khán giả yêu thích cô ấy, thì tại sao chúng ta lại loại bỏ? Đến khi bình chọn thấp, cô ấy đã phải ngừng cuộc chơi.

Thật công bằng! Nhưng, câu chuyện của Hương Giang cho tôi khẳng định thêm một lần nữa suy nghĩ của mình. Rằng ở mọi ngõ ngách của cuộc sống này, ước mơ vẫn còn tồn tại. Người ta bỏ phiếu bình chọn cho Hương Giang không phải vì cô ấy hát hay, mà vì khát vọng vươn lên của một người đặc biệt. Và những cuộc thi như "Vietnam Idol" là nơi để những ước mơ đến gần với sự thật hơn. Tôi chỉ coi nó là như vậy, chứ không coi là một cái lò luyện ngôi sao.

- Theo anh Ya Suy hay Hoàng Quyên sẽ đoạt quán quân Vietnam Idol 2012?

- Ai cũng được. Vì đã vào tới vòng 2 người thì quán quân hay á quân cũng đều đã định vị được chỗ đứng rồi. Ví dụ như Uyên Linh và Văn Mai Hương, kẻ nhất người nhì, nhưng họ đã có hai chỗ đứng độc lập trên thị trường âm nhạc.

- Còn ai sẽ là quán quân của các giám khảo truyền hình?

- Chắc là tôi (cười). Vì tôi là giám khảo mập nhất !

- Anh có thể chia sẻ những dự định trong năm 2013 ?

- Tôi cũng muốn làm phim đấy, nhưng tính sau "Mỹ nhân kế " đi, vì giờ phải dồn sức cho nó. Còn dự tính lớn nhất là Tết này bắt ép bạn bè cùng đi ra rạp xem phim của mình, nghe xem khán giả khen chê ra sao...

- Anh chưa dự định cưới vợ sao? Nghe chừng cô ấy đã bắt đầu sốt ruột ?

- Làm gì có. Vẫn vui vẻ và đầy dự định công việc mà. Cô ấy đáng yêu và cũng có tham vọng nghệ thuật. Yêu mới khó, chứ cưới thì dễ. Làm sao yêu dài lâu kìa...

- Xin cảm ơn anh!

Hoài Phố
.
.
.