Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Đừng tưởng cải biên là dễ

Thứ Hai, 07/11/2016, 16:21
Khi "Em là bà nội của anh" vẫn đứng một mình một cõi về kỷ lục doanh thu phòng vé từ cuối năm ngoái đến nay, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và ê-kip đang tất bật hoàn thiện những thước phim cuối cùng để trình làng tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình vào đầu năm tới - "Cô gái đến từ hôm qua". Đây là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.


Tôi cũng từng có một "cô gái đến từ hôm qua"

- "Em là bà nội của anh" là bộ phim "remake" (Việt hóa -PV) của điện ảnh Hàn Quốc. "Cô gái đến từ hôm qua" cũng là một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hình như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có duyên với những bộ phim cải biên thì phải?

 + Thực ra, tôi không quan trọng chuyện remake, cải biên, hay là làm mới hoàn toàn đâu. Điều tôi quan tâm là bộ phim đó có hay hay không, có chạm đến cảm xúc của khán giả hay không mà thôi.

- Có người bảo, do Phan Gia Nhật Linh không viết được kịch bản mới, thành ra phải "cày xới" lại đấy?

+ Như tôi nói ở trên, tôi không quan tâm chuyện remake, cải biên hay không bởi tôi không có tham vọng muốn chứng tỏ mình là ai. Tôi làm phim thỏa mãn tôi trước đã. Mà đừng tưởng cải biên là dễ. Nhiều lúc cũng "vò đầu bứt tai" lắm đấy.

Hơn nữa, cũng đâu phải tự dưng tôi làm cái này hay cái kia. Tôi luôn hỏi chính mình rằng, tại sao mình muốn làm bộ phim này? Điều gì ở tác phẩm ấy mà mình bị thu hút? Tôi không biết các đạo diễn khác như thế nào nhưng với cá nhân tôi, mình phải có một liên hệ nào đó đến tác phẩm ấy.

Nếu nó không có một liên hệ nào tới đời sống cá nhân của tôi, tôi sẽ không làm. Đó là lí do mà 5 năm sau khi học xong và về nước, tôi mới bắt tay làm sản phẩm đầu tiên. Trước đó có một số lời mời nhưng tôi không gật đầu vì tôi biết rằng mình không hợp.

- Xin hỏi, điều gì ở tác phẩm "Cô gái đến từ hôm qua" thu hút anh?

+ Tôi chọn "Cô gái đến từ hôm qua" để chuyển thể vì nó nhắc tôi đến những kỷ niệm đẹp của thời mới lớn. Tôi thấy nó giống với mình quá. Tôi cũng từng có một "cô gái đến từ hôm qua" như vậy (mặc dù không có một cái kết happy ending như tác phẩm này).

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Có lẽ vì sự dang dở đó mà tôi muốn vẽ lại giấc mơ một thời của mình trên màn ảnh với tất cả những rung động đầu đời của tôi. Đó là lí do lớn nhất để tôi quyết định làm bộ phim này. Nếu không có điều đó, dù tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nổi tiếng cỡ nào thì tôi cũng không làm đâu.

- Tôi đang tò mò "Cô gái đến từ hôm qua" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và "Cô gái đến từ hôm qua" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì khác như thế nào đấy, thưa anh?

+ Đây là một tác phẩm khó để chuyển thể. Nếu ai đã đọc "Cô gái đến từ hôm qua" rồi thì có thể thấy rằng, truyện kết thúc toàn bộ mà như kết hồi 1 mà thôi. Ngôn từ mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sử dụng trong đó cũng rất đẹp nữa. Có những đoạn mình cảm được đấy, hình dung được đấy nhưng lại bối rối không biết đưa lên phim như thế nào? Tôi phải quyết định xem chi tiết nào ở lại, chi tiết nào ra đi.

Truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường có những chi tiết lặp lại. Ai viết kịch bản đều hiểu, những yếu tố "beat" hay còn gọi là nhịp lặp đi lặp lại đó thì phải bỏ đi. Mặc dù mình rất thích một số chi tiết lặp lại đó nhưng vẫn phải tự tay bỏ nó ra vì nó không phục vụ cho tiến trình câu chuyện.

Rồi nữa, truyện Nguyễn Nhật Ánh rất nhẹ nhàng. Nếu mình trung thành với điều đó, có thể những người chưa đọc tác phẩm văn học sẽ cảm thấy buồn chán khi xem phim. Mình làm phim không chỉ phục vụ cho những người đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Điều tôi luôn cố gắng và mong muốn đó là dù bạn đã đọc hay chưa đọc truyện, xem phim này vẫn hiểu được, vẫn thấy nó là một tác phẩm độc lập và thấy hay mặc dù có những chi tiết tự nhiên có trong phim hoặc một số chi tiết đã được cắt bỏ đi.

Tôi muốn làm bộ phim hoàn toàn độc lập với tác phẩm văn học và giữ lại những chi tiết đắt giá. Đặc biệt là, vài nhân vật có vai trò rất mờ nhạt trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì khi lên phim, sẽ kịch tính hơn, có thân phận, có câu chuyện hơn. Tôi nghĩ, sẽ có một số người đã đọc tác phẩm này thì khi xem phim sẽ bị sốc.

Sai lầm trong cuộc đời là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người

- Thế còn áp lực phim sau phải thành công hơn phim trước thì sao, thưa anh? Theo tôi được biết, đến giờ, vẫn chưa có bộ phim nào "soán ngôi" vị trí "Em là bà nội của anh" về doanh thu trong lịch sử phòng vé thì phải…

+ Đương nhiên làm phim lúc nào cũng có áp lực hết. Có 100 thứ áp lực trong đó. Áp lực chủ quan, áp lực khách quan đủ cả chứ. Đó là mọi người sẽ có một kì vọng rằng phim trước của tôi thành công thì cũng muốn phim sau của tôi thành công hơn.

Đó là việc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng rồi, hay quá rồi, Phan Gia Nhật Linh làm sao để hay hơn? Hay như là Phan Gia Nhật Linh làm thì có giữ tinh thần tác phẩm mà nhà văn gửi gắm hay không?

Sau khi gây sốt phòng vé hồi cuối năm 2015 với bộ phim 'Em là bà nội của anh", đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sắp trình làng bộ phim mới "Cô gái đến từ hôm qua".

Với mình, tôi không có đặt áp lực khách quan của người khác thành áp lực của mình vì thực ra, rất khó để thỏa mãn tất cả mọi người. Tôi thấy, sai lầm trong cuộc đời là ta cố gắng làm hài lòng, thỏa mãn tất cả mọi người.

Vậy thì, nếu không thỏa mãn hết được tất cả thì mình hãy thỏa mãn chính mình đi, có phải thích hơn không? Đó là làm sao làm bộ phim này giống như tôi hình dung, tôi tưởng tượng. Còn nếu nói áp lực, thì phải nói một áp lực khác, có lẽ đúng hơn.

- Anh có thể nói cụ thể?

+ Câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết xảy ra vào năm 1988. Tác phẩm lại có 2 thời điểm (10 năm trước và 10 năm sau - PV). Khi tôi chuyển thể, tôi cũng không biết năm 1978 đó ra làm sao vì tôi còn chưa được sinh ra. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi quyết định, mình sẽ đổi lại thời điểm năm 1978 và 1988 thành 1987 và 1997. Như thế, sẽ đúng thời điểm mình sống và cảm giác gần gũi hơn.

Nhân vật trong phim lúc đó cũng sẽ bằng lứa tuổi mình nên mình hiểu thế giới nhân vật trong đó nghĩ gì, làm gì, họ nghe nhạc gì, ăn mặc, đi đứng ra sao. Nhưng có một áp lực đó là làm sao, phải làm sống được cái thời mà mình đã từng sống, từng trải nghiệm qua bộ phim này.

Những người bạn cùng thế hệ với mình, những người mà đã đọc tác phẩm nổi tiếng này, họ có thấy lại thời của mình không? Đồng thời, những bạn trẻ ngày hôm nay, sẽ cảm nhận ra sao?

- Miu Lê và Ngô Kiến Huy từng tham gia diễn xuất trong "Em là bà nội của anh" rồi, bây giờ tiếp tục góp mặt trong "Cô gái đến từ hôm qua".  Thường thì người ta hay tránh sự lặp lại, kể cả trong khâu chọn diễn viên; nhưng có vẻ đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì khác. Đây có phải là bài toán an toàn?

+ Tôi thì có quan điểm rất khác. Nếu người ta tránh lặp lại thì tôi lại rất thích sự lặp lại. Cái gì mà mình thấy tốt nhất thì nên duy trì, đừng nên sửa làm gì. Tôi làm việc với Miu Lê và Ngô Kiến Huy rất thoải mái và thích. Họ diễn vừa đúng tinh thần của nhân vật, vừa diễn hay. Vậy thì, không có lý do gì để mình đổi qua người khác.

Việc làm phim có hàng trăm rủi ro có thể xảy ra, cái gì mình có thể an toàn thì tốt nhất mình giữ cho nó an toàn. Ngay cả việc phim đổi từ bối cảnh 1978 sang 1987 cũng là một rủi ro, bây giờ mình đi "cast" một dàn diễn viên khiến mình có cảm giác rủi ro nữa, để làm gì?

Có những người thích làm việc với những người tài năng, xuất chúng nhưng đối với tôi, thái độ làm việc quan trọng hơn tài năng. Bởi vì tài năng thì có thể phát triển nhưng thái độ là bản tính của con người rồi. Miu Lê và Ngô Kiến Huy làm việc nghiêm túc chuyện nghiệp, khiến mình rất vui trong công việc. Đi làm phim thì rất là cực, cho nên mình phải tìm niềm vui trong công việc cho mình chứ.

Nếu như mình tìm diễn viên mà họ đem đến cho mình sự bực bội thì mình sẽ rất ghét đến phim trường. Còn đây, mỗi sáng thức dậy thì mình đều nghĩ,  hôm nay mình gặp cô này nữa, hôm nay mình được gặp cậu kia nữa. Mình vui và háo hức vì họ đem đến cho mình năng lượng.

Và từ hai diễn viên này, giờ tôi kiếm thêm được mấy bạn trẻ tài năng khác như Jun Phạm, Hoàng Yến Chibi, Hạ Anh… Họ có năng lượng tích cực, lúc nào cũng làm cho mình cảm thấy vui. Tôi nghĩ, nếu như họ làm cho mình cảm thấy vui thì họ cũng sẽ làm cho khán giả thấy vui.

- Cảm ơn anh. Chúc dự án mới của anh thành công!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.