Đạo diễn Trần Lực: “An toàn” trong nghệ thuật là chết

Thứ Tư, 23/01/2019, 20:57
Sau thành công của "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem", đạo diễn Trần Lực tiếp tục dựng "Nữ ca sĩ hói đầu" - một vở kịch phi lý. Trần Lực tin, khán giả thế kỷ XXI đã khác và sân khấu phải luôn mang đến những món ăn mới lạ, hấp dẫn để kéo họ đến rạp.


- Vì sao anh chọn một vở kịch phi lý có thể gần gụi về mặt lý thuyết với giới kịch nghệ nhưng lại xa lạ với công chúng Việt Nam như "Nữ ca sĩ hói đầu"?

+ Thực ra vở này không chỉ xa lạ với khán giả mà với cả những người làm nghề, vì nó đi ngược lại với sân khấu truyền thống và kiểu sân khấu đang thịnh hành ở Việt Nam hiện nay, nên mọi người tưởng là khó. 

Tôi nghĩ khán giả của thế kỷ XXI đã thay đổi rất nhiều, họ hiểu biết hơn và yêu cầu của họ không chỉ với sân khấu mà với tất cả các loại hình nghệ thuật là phải có cái mới, hiện đại. "Nữ ca sĩ hói đầu" đáp ứng được mong chờ của khán giả, nó mới lạ, hình thức thể hiện hiện đại, hợp với khán giả thế kỷ XXI. Vì thế, tôi quyết định dựng.

- Sau hai vở "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem", anh vẫn giữ được niềm tin để đi tiếp con đường của mình trong bối cảnh sân khấu Việt Nam ảm đạm và khủng hoảng về khán giả như thế? Điều gì giúp anh có được sự lạc quan đó?

+ Khi tôi ra mắt "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem" với phương pháp ước lệ, biểu hiện, nhiều người hỏi tôi có liều không? Nhưng tôi biết khán giả bây giờ khác rồi nghệ sĩ nhiều người không cập nhật bằng khán giả. Các  loại hình nghệ thuật khác cập nhật hơn và nó làm thỏa mãn sự mong chờ giải trí người dân. 

Còn sân khấu vẫn cũ và nhàm nên đánh mất khán giả. Với một hình thức mới, sân khấu biểu hiện ước lệ, Lucteam cho ra đời những vở diễn đầy ắp nghệ thuật sân khấu, mới lạ về nội dung và cách thể hiện hiện đại. Hai vở trước và vở này tôi vẫn tự tin như vậy.

- Có vẻ như khán giả của Lucteam phải là những người có học?

+ Cũng không hẳn đâu, vì nghệ thuật bây giờ khác ngày xưa, sân khấu ước lệ khác sân khấu truyền thống. Sân khấu truyền thống kể câu chuyện để khán giả đồng cảm với thân phận nhân vật. Khán giả đến với sân khấu của Lucteam, chỉ một câu nói, cử chỉ cũng chạm tới cảm xúc của họ rồi. Trong "Nữ ca sĩ hói đầu", cảnh hai ông bà Martin trò chuyện khiến mọi người có cảm giác chán, tại sao họ là vợ chồng mà không quan tâm đến nhau. 

Kịch của Lucteam không phải chỉ có người hiểu biết mới xem được. Có những khán giả trẻ xem bảo rằng cháu không hiểu nhưng rất thích. "Quẫn", "Cơn ghen của Lọ Lem", nhiều người xem đi xem lại, diễn viên và khán giả tương tác với nhau, mỗi đêm diễn các bạn nghệ sĩ lại có cảm xúc khác về nhân vật của mình và điều đó được truyền tới khán giả và họ cũng có cảm giác khác lạ.

Cảnh trong vở ''Nữ ca sĩ hói đầu''.

- Anh từng nói rằng, sân khấu có sức hấp dẫn riêng, và sự khủng hoảng sân khấu một phần lớn từ chính việc nghệ sĩ chưa khai thác được cái riêng đặc thù đó?

+ Đúng vậy. Tôi muốn khai thác thế mạnh đó của sân khấu, bây giờ sân khấu ở ta đang giống điện ảnh. Cũng câu chuyện, cao trào, kịch tính bùng nổ, điện ảnh làm hay hơn nhiều. 

Sân khấu ở các nhà hát vẫn theo một mô típ như phim ảnh và vấn đề đưa ra thường đao to búa lớn, triết lý cuộc sống nói ra mồm chứ không nằm trong câu chuyện. 

Tôi cho rằng, tính ước lệ trong sân khấu mạnh kinh khủng; sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả là một thế mạnh rất riêng chỉ sân khấu có. Sân khấu thế giới phát triển đa dạng còn Việt Nam mấy chục năm nay vẫn đứng một chỗ.

- Tôi thích cách anh sử dụng chất liệu dân gian khi kể chuyện, đó là chèo và tuồng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này? Anh gặp khó khăn gì khi đưa tuồng, chèo và văn hóa Việt vào một vở diễn của Phương Tây?

+ Lucteam đang theo đuổi sân khấu biểu hiện ước lệ của Phương Đông. Triết lý của sân khấu Phương Đông là sự hồn nhiên và ngây thơ. Như sân khấu chèo, nhân vật cứ hồn nhiên đi một vòng, múa rối nước có chú tễu ngây ngô nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ ấy làm cho khán giả được trở về với sự hồn nhiên, ngây thơ tiềm ẩn trong tâm hồn mình. 

Khi họ xem, họ tưởng tượng cùng các nhân vật với không gian được ước lệ. Nếu như các đạo diễn chỉ dùng mảng miếng và thủ pháp, nó dễ không mượt, thủ pháp có thể giúp đẩy kịch tính lên cao trào nhưng nó lại dễ cọc cạch. Còn ở đây, là một vở kịch Tây nhưng xem thấy rất Việt Nam. Các kịch gia nổi tiếng đều là những triết gia, vở kịch của họ chặt chẽ, triết lý cao. 

"Nữ ca sĩ hói đầu" là một tác phẩm mạnh mẽ và lý trí, tôi cho vào một thế giới hồn nhiên, tôi ước lệ không gian, căn phòng có cánh cửa vào bé tí của ông bà Smith trở thành một thế giới chật hẹp, họ đang sống trong một cái hộp. Trong cái thế giới chật hẹp ấy họ cứ tưởng họ ghê lắm, họ nghĩ mình là thế nọ, thế kia. Tôi làm được điều này vì tôi hòa trộn phương Đông và phương Tây từ gốc.

- Thực ra hình thức cũng chỉ là cái cớ để tác giả nói những câu chuyện về đời sống, về con người và thời đại mà thôi? Với "Nữ ca sĩ hói đầu" anh muốn gửi gắm điều gì?

+ Tôi thực sự tin khán giả vẫn còn yêu sân khấu. Vấn đề là sản phẩm sân khấu của chúng ta thế nào và chúng ta phải hiểu khán giả đang muốn gì. Với vở này, tôi nói với bạn đồng nghiệp và diễn viên rằng, để xem khán giả của chúng ta như thế nào. 

"Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem" đều dễ xem. Còn câu chuyện này khác rồi, nó phi lý, chẳng giống ai, nó là một sự bịa đặt trắng trợn. Chính sự không giống ai, bia đặt ấy để nói đến sự phi lý trong đời sống. Mọi người cứ mặc định kịch này khó xem thì chúng ta hãy làm cho mọi người thấy rằng xem cực dễ, chẳng có gì khó cả. Tôi làm vở này vì tôi tin khán giả thế kỷ XXI.

Trước đó, Trần Lực đã thành công với vở ''Quẫn''.

- Đi dài hơi với một đoàn kịch tư nhân trong bối cảnh khó khăn hiện nay của sân khấu, nếu chỉ có tình yêu và đam mê thì chưa đủ. Anh có thể chia sẻ những khó khăn và mong muốn của mình? Có nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân cho nghệ thuật?

+ Tôi nghĩ, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Mọi người vẫn cứ nghĩ là nghệ thuật phải có người đỡ đầu mới sống được còn tôi cho rằng, tự thân ta phải đỡ lấy ta, ta phải có những sản phẩm, bán được vé. 

Việc bán vé thu tiền cũng quan trọng nhưng có một điều quan trọng hơn là ta đo được nhu cầu thực của khán giả. Nghệ thuật cũng như các ngành nghề khác thôi, anh làm mà cứ lỗ, chẳng ai xem thì đừng làm. 

Làm cho vui thì  chỉ làm một vở thôi. Nếu không bán được vé thì tôi cũng dẹp rồi vì không bán được vé chứng tỏ việc làm của mình vô ích, chỉ làm để sướng mình thôi. Vừa mất tiền và khổ nhất là tình yêu của mình với sân khấu không chia sẻ được với khán giả. 

Tôi không chê các Mạnh Thường Quân nhưng tôi nghĩ mình phải tự lực đã, mình phải sống đã, phải làm thế nào để khán giả đến với chúng ta, muốn thế phải có những sản phẩm hay, mới, lạ đáp ứng được nhu cầu của khán giả hiện đại. 

Làm sân khấu bây giờ không như ngày xưa, để tồn tại được như mấy thầy trò tôi cũng chật vật. Phải đam mê, chịu nhiệt được khi khó khăn. Tôi nghĩ khi mình đam mê và làm tới cùng thì nó không phụ lại mình đâu. 

Ở Việt Nam, có những nghệ sĩ tên tuổi đóng kịch bây giờ chán lắm, họ đi đóng phim, ảnh hưởng lối diễn của điện  ảnh, của tiểu phẩm, nghề cũng mai một dần cho nên phải thực sự yêu, chỉ có yêu thôi, mới giữ được. Lucteam cũng vậy, có nhiều diễn viên lựa chọn con đường khác. Tuy nhiên, bên cạnh tôi vẫn có các bạn trẻ yêu sân khấu.

Một số khán giả những vở diễn của anh và coi Trần Lực như một "niềm hy vọng" của sân khấu. Còn cảm giác của anh thì sao, tôi thấy, sân khấu với anh như một sự trở về?

+ Tôi là người của sân khấu, học đạo diễn về sân khấu ở Bungary, tôi sinh ra trong một gia đình sân khấu, từ bé đã sống trong môi trường đó, tôi học từ bố mẹ, anh chị tôi nhiều hơn ở trường nên quay về sân khấu không có gì xa lạ, đột biến mà là máu thịt của tôi rồi. 

Tôi thừa nhận mình dũng cảm, dám làm cái mới, vì cái mới đã ai nhìn thấy đâu, mọi người không dám làm vì họ muốn an toàn. Với tôi, an toàn trong nghệ thuật là chết.

- Dự định của anh và Lucteam trong năm 2019 là gì?

+ Chúng tôi vẫn diễn và làm thêm một số vở mới như "Cô gái Hà Nội" của Lê Hoàng và "Bà Triệu" của Đỗ Trí Hùng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh! 

“Nữ ca sĩ hói đầu” là vở kịch nổi tiếng của tác giả người Pháp gốc Rumani Eugene Lonesco, lần đầu công diễn ở Paris năm 1950, vở kịch đã gây "sốt" và được khán giả đón nhận nồng nhiệt, mở đầu cho trào lưu kịch phi lý hay còn gọi là "hài kịch- nghịch dị" của phương Tây làm mưa làm gió trên sân khấu châu Âu những năm 50 của thế kỷ trước. 

Những vở kịch trứ danh của ông như "Nữ ca sĩ hói đầu", "Bài học" "Những chiếc ghế"… hiện vẫn được xem là những vở diễn kinh điển, trong đó với hơn 17.000 lượt công diễn tại Nhà hát Huchette ở Thủ đô Paris của nước Pháp trong suốt 50 năm qua. "Nữ ca sĩ hói đầu" đang giữ kỷ lục là tác phẩm kinh điển được công diễn với mật độ dày nhất từ trước đến nay.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.