Đạo diễn Việt Tú: Show thời trang giống… hội chợ chân dài

Thứ Năm, 10/01/2013, 15:01

Năm 2012 khép lại bằng show "The Muse" của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, cho thấy một năm xôm tụ của những show diễn thời trang đặc biệt, thay vì những tuần lễ thời trang Việt Nam buồn tẻ xuân thu nhị kỳ của Tập đoàn dệt may tổ chức. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các show thời trang hiện tại. Đó chính là lý do CSTC chọn đạo diễn Việt Tú cho trang "Đời sống văn hoá" số cuối cùng của năm 2012.

Đạo diễn Việt Tú được biết đến như người tiên phong xây dựng những show thời trang kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, nghệ thuật đa phương tiện. Nhiều người nói anh ngông và "điên". Nhưng Việt Tú lại khá thực tế trong cuộc sống, để cắt đặt công việc của mình một cách mạch lạc. Anh chỉ điên trong những ý tưởng nghệ thuật mới lạ mà thôi!

Tôi đã xuất hiện đúng lúc để đột phá

Có thể nói, anh thuộc số ít đạo diễn dàn dựng nhiều chương trình thời trang thành công tại Việt Nam. Theo anh, một show thời trang thành công cần những yếu tố gì?

Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để show diễn thời trang thành công là có một Creative Director (Giám đốc sáng tạo) giỏi. Đó là linh hồn của chương trình, là người lựa chọn, kết nối và truyền cảm hứng cho các bộ phận khác làm việc. Thiếu đi Giám đốc sáng tạo đồng nghĩa chúng ta đã đánh mất phần "hồn" của show diễn.

Tiếp đến, tôi nghĩ cần có những nhà thiết kế thời trang chất lượng và đội ngũ người mẫu chuyên nghiệp. Cuối cùng, chúng ta cần một đạo diễn giỏi về chuyên môn và "yêu" thời trang. Nếu không họ sẽ khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung để có thể biến những ý tưởng mà Giám đốc sáng tạo và các nhà thiết kế mong muốn trở thành hiện thực trên sân khấu.

Dấu ấn đầu tiên của anh trong show thời trang là "Cơn ác mộng của người thợ may" diễn ra tại Rạp Công nhân. Lúc đó, mọi người còn khá mơ hồ về khái niệm show thời trang kết hợp với nghệ thuật đương đại. Anh thực hiện thời trang theo xu hướng đó vì chán ghét sự lặp lại của sân khấu đường băng quen thuộc?

Trong nghệ thuật không ai thích sự  lặp lại, tôi không phải ngoại lệ. Có hai lý do để tôi tạo ra những show diễn thời trang như "Cơn ác mộng của người thợ may": Cuối 2004 đầu 2005, tôi quan niệm show diễn thời trang phải thiên về trình diễn sân khấu thay vì những đường catwalk vì nó... đặc biệt. Hồi đó không chỉ mọi người mà chính ekip chúng tôi còn mơ hồ về khái niệm thế nào là một show diễn thời trang kết hợp với nghệ thuật đương đại.

Những gì đã được tạo ra chỉ đơn giản vì khi đó người ta thấy nhàm chán với dạng sân khấu catwalk truyền thống, và muốn hướng đến điều gì đó đột phá (với những trang phục mà phần lớn chưa đủ sức thuyết phục người xem nếu diễn ở sàn diễn truyền thống, được nhìn ở khoảng cách gần). Tôi đã xuất hiện đúng lúc và đúng chỗ, chỉ đơn giản vậy thôi.

Sau show diễn đó, rất nhiều chương trình của ĐFS đã dùng múa, nghệ thuật sắp đặt và cả kịch hình thể để biểu đạt thông điệp. Và người ta đặt ra nghi ngờ rằng, đó không còn là show thời trang nữa. Nó là sự trưng trổ của những cái tôi nghệ thuật. Anh có nghĩ như vậy?

Không chỉ với riêng ĐFS mà những gì tôi cùng ekip của Đẹp thực hiện sau này đã được học theo ở nhiều show diễn thời trang, các sự kiện (liên quan đến thời trang khác).

Có thể nói ĐFS đã tiên phong trong việc tạo ra trào lưu dàn dựng không theo phong cách thông thường cũng như ứng dụng sự đa ngành của nghệ thuật đương đại vào những show diễn thời trang và các sự kiện giải trí. Như đã nói, nó chỉ đơn giản là đi tìm những trào lưu mới, cách thể hiện mới như nghệ thuật vốn đương nhiên phải vậy. Với sự phát triển của nền công nghiệp thời trang Việt Nam hiện nay, xu hướng dàn dựng catwalk đang trở lại. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa những gì đã qua không có giá trị.

Đừng nhìn nhận fashion show như một dịp giải trí

Trên thế giới, những show thời trang hiện tại vẫn khá trung thành với kết cấu truyền thống, đó là sân khấu đơn giản, người mẫu trình diễn đúng đường băng và chủ yếu trình diễn trang phục. Theo anh đâu là mặt mạnh và điểm yếu của không gian này? Và khái niệm "show thời trang đúng nghĩa", trong trường hợp này có nên hiểu là sự mòn cũ?

Có thể nói những gì cơ bản nhất của thời trang thuộc về sàn catwalk. Tuy nhiên mọi so sánh giữa chúng ta và thế giới đều khập khiễng. Chúng ta cần có những nhà thiết kế tài ba với nền công nghiệp theo sau để đảm bảo họ có thể tạo ra những bộ trang phục đúng nghĩa được nhìn chi tiết đến từng đường cắt, mũi chỉ khâu (ở Việt Nam hiện tại những nhà thiết kế thực hiện được điều này đếm trên đầu ngón tay).

Yếu tố quan trọng khác là cần có thêm nhiều khán giả am hiểu về thời trang thay vì chỉ nhìn nhận fashion show như một dịp để giải trí. Thời trang đúng nghĩa sẽ không bao giờ nhàm chán cho dù với sàn catwalk, hay với cách dàn dựng mang nhiều tính thể nghiệm kiểu sân khấu (đặc biệt là trong các show thời trang cao cấp của Alexander McQueen, John Galiano, Jean Paul Gautier...).

Khi anh phá bỏ không gian quen của thời trang để đặt vào đó một khái niệm mới, nghĩa là anh chấp nhận cả sự phản ứng của dư luận. Với anh, dư luận nào là khắc nghiệt nhất? Và điều đó, có làm anh sợ hãi?

Điều gì tiên phong sẽ luôn tạo ra những dư luận trái chiều. Thời đó, tôi làm việc vì niềm vui vượt qua giới hạn sáng tạo của bản thân, chứ chưa có sự tỉnh táo của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp như bây giờ, nên ít khi để ý đến phản ứng xung quanh.

Tôi không sợ dư luận mà chỉ cố gắng tránh đi những lời đồn đại vô căn cứ từ những người thậm chí chưa từng tiếp xúc hay làm việc với mình bao giờ.

Cũng có những đạo diễn tại TPHCM cho rằng, Việt Tú quá điên, đôi khi làm những điều ngông cuồng để thoả mãn cái tôi cá nhân, chứ không quan tâm đến yếu tố chính - những sản phẩm thời trang. Anh có nghĩ mình… điên?

Trong lĩnh vực đạo diễn sân khấu, xưa nay vốn không ai phán xét ai. Bởi mỗi người đều có phong cách và làm công việc của riêng mình. Dư luận về những gì tôi đã làm rất nhiều, nhưng chẳng phải mọi người cũng từng tung hô thành tựu của tôi và ekip hay sao. Tựu chung lại, ai cũng cần có một thời kỳ quá độ để tìm ra điều chính xác mình cần và nên làm. Về cá nhân, tôi chỉ đơn giản nghĩ mình là kẻ may mắn gặp thời.

Nói gì đi nữa, thì một show thời trang thì yếu tố thời trang vẫn phải được coi trọng nhất. Anh có cho rằng ít chương trình của chúng ta được quan tâm đúng mực về điều đó? Theo anh đâu là hình mẫu thành công trong những show thời trang ở Việt Nam?

Điều bạn nói gần đây mới được quan tâm đúng mức bởi chính những người trong cuộc, còn trước đây thì lực bất tòng tâm hoặc đơn giản là chưa được đặt lên hàng đầu. Mong muốn chỉ là điều kiện cần, thị trường có được những nhà thiết kế và những bộ sưu tập chất lượng để diễn trên sàn catwalk với những chi tiết được quan sát rất gần bởi các nhà chuyên môn hay không mới là điều kiện đủ.

Với tôi hiện tại ở Việt Nam có 2 show diễn thời trang đáng chờ đợi nhất trong năm với những tiêu chí rõ ràng:

1. Đẹp Fashion Show: thể hiện tính tiên phong trong việc tạo ra show diễn thời trang với những bộ sưu tập cao cấp và ấn tượng.

2. Elle Show: thể hiện tính thực tế với những bộ sưu tập thời trang mang tính ứng dụng cao trên thị trường.

Điểm chung của hai show này là đã khiến thị trường thời trang, nền công nghiệp thời trang Việt Nam có nhiều năng lượng, và tiệm cận gần hơn với nền công nghiệp thời trang thế giới cả về thời trang lẫn cách tổ chức sự kiện thời trang.

Anh nghĩ thế nào về việc show thời trang ở Việt Nam giống như hội chợ chân dài, khán giả đến ngắm người chứ không ngắm quần áo?

Sự phù hoa là một phần không thể thiếu của các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới. Điều này cũng không phải là ngoại lệ  tại Việt Nam. Nếu thiếu đi những chi tiết "phù phiếm" đó, nền công nghiệp thời trang sẽ mất đi vẻ "quyến rũ".

Thực hiện show diễn trong mơ ở tuổi... 70

Cũng có một số đạo diễn than phiền người mẫu Việt Nam không chuyên nghiệp, không hợp tác với đạo diễn và không tuân theo ý đồ của nhà thiết kế, nên nhiều ý tưởng của đạo diễn đã bị hỏng vì người mẫu. Anh thấy đúng hay sai?

Việc đó phải hỏi trực tiếp những người than phiền, cá nhân tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với người mẫu hay nhà thiết kế trong những show diễn thời trang mà mình đã dàn dựng.

Theo anh, thời trang thế giới đang có những phong cách show nào đáng chú ý? Và anh có ý định thực hiện một show mới, với phong cách mới?

Những show diễn của nhà Chanel đã thực hiện trong mấy mùa gần đây sẽ là ước mơ cho bất kỳ ai muốn tổ chức những show diễn thời trang. Nó dường như không bị ảnh hưởng một chút nào bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ những show diễn của nhà Chanel nhưng đủ tỉnh táo để không nghĩ mình sẽ thực hiện được điều tương tự tại Việt Nam ở thời điểm này.

Show diễn trong mơ của anh sẽ là…? Và khi nào anh sẽ thực hiện ước mơ đó?

Tôi luôn ấn tượng bởi hình ảnh của tay Guitar Lead Ronnie Wood của ban nhạc Rolling Stone ở tuổi gần 70 trong một đôi giầy nhung màu đỏ của Arfango Firenze đến dự show diễn thời trang tại London cách đây vài năm. Hay hình ảnh Karl Lagerfeld trong bộ trang phục đen trắng với cây quạt đã trở thành biểu tượng ở tuổi thất thập mà vẫn thực hiện được những show diễn trong mơ cho nhà Chanel. Hi vọng tôi có thể làm được điều gì đó tương tự cho cuộc sống của mình ở tuổi như họ.

Chúng ta cần có những nhà thiết kế tài ba với nền công nghiệp theo sau để đảm bảo họ có thể tạo ra những bộ trang phục đúng nghĩa được nhìn chi tiết đến từng đường cắt, mũi chỉ khâu (ở Việt Nam hiện tại những nhà thiết kế thực hiện được điều này đếm trên đầu ngón tay). Yếu tố quan trọng khác là cần có thêm nhiều khán giả am hiểu về thời trang thay vì chỉ nhìn nhận fashion show như một dịp để giải trí.

Điều gì tiên phong sẽ luôn tạo ra những dư luận trái chiều. Thời đó, tôi làm việc vì niềm vui vượt qua giới hạn sáng tạo của bản thân, chứ chưa có sự tỉnh táo của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp như bây giờ, nên ít khi để ý đến phản ứng xung quanh. Tôi không sợ dư luận mà chỉ cố gắng tránh đi những lời đồn đại vô căn cứ từ những người thậm chí chưa từng tiếp xúc hay làm việc với mình bao giờ.

Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ những show diễn của nhà Chanel nhưng đủ tỉnh táo để không nghĩ mình sẽ thực hiện được điều tương tự tại Việt Nam ở thời điểm này.

D.B.N.
.
.
.