"Dị nhân" xứ Nghệ tạc tượng vĩ nhân, thổi hồn vào gỗ

Thứ Hai, 03/10/2016, 15:10
Dù chưa từng trải qua bất cứ trường lớp nào, song ông đã bỏ ra hàng năm trời tạc tượng những người mình tôn kính bên đường Hồ Chí Minh. Không những thế, ông còn thồi hồn vào những gốc gỗ vô tri vô giá, tạo thành những tác phẩm nổi tiếng nhưng chỉ để trưng bày và cho, tặng chứ không bán.


Ông Thái Văn Hùng (SN 1965), trú tại xóm 2 xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được biết đến là một người “chẳng giống ai” khi có những việc làm khác người, thỏa thích đam mê mà không hoàn toàn đặt lợi ích kinh tế như cách nhiều người vẫn thường làm.

Ông Thái Văn Hùng.

Là hội viên Hội sinh vật cảnh của tỉnh, từng có sản phẩm trưng bày tại đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, song như ông phân trần trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bản thân ông “sống được” là do vợ nuôi, chứ tiền kiếm hằng ngày chưa đủ để mua gỗ về tạc tượng, nên không đặt nặng vấn đề làm nghề để mưu sinh.

Người tạc tượng vĩ nhân bên đường Hồ Chí Minh

Những ngày này, nếu ai có dịp đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đoạn qua xã Kỳ Tân, nơi cách Cột mốc số O tại huyện Tân Kỳ khoảng 3km về phía Bắc sẽ nhìn thấy một quần thể gồm 4 bức tượng tọa trên một con thuyền, phía dưới là đài sen.

Trong đó, nổi bật hơn cả là tượng Bác Hồ, xung quanh là tượng của các bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả của quần thể này không ai khác chính là ông Thái Văn Hùng.

Ngôi nhà chẳng có gì đáng giá ngoài những bức tượng gỗ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thái Văn Hùng cho biết, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ các bậc tiền nhân qua lời kể của cha và những gì ông biết được, nên quyết định bỏ tâm sức ra để đắp quần thể tượng bên mảnh đất của gia đình, ngay sát đường Hồ Chí Minh để mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Ông Hùng cho biết, để hoàn thành quần thể này, ông đã bỏ ra thời gian hơn 12 tháng ròng rã, chất liệu bằng xi măng với cát và ông làm hoàn toàn bằng tay, không có bất cứ sự can thiệp nào về máy móc.

Khi quần thể tượng này hoàn thiện, ông đã đặt tên là “tứ bất tử của thế kỷ XX”, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hiện nay, có một doanh nghiệp đang thương lượng đền bù để di chuyển những bức tượng này đến vị trí khác lấy mặt bằng kinh doanh nhưng ông Hùng chưa đồng ý. “Vấn đề không phải là giá cả đền bù, mà mảnh đất đó tôi quan niệm là nơi sinh ra các vĩ nhân nên giờ di chuyển đi nơi khác là cả vấn đề rất lớn”, ông cho biết.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Hùng tạc tượng mà trước đó, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, ông cũng đã ngẫu hứng nghĩ ra một bức tượng với tên gọi “Dáng hình đất nước”. Trên bức tượng này, ông đã tạo hình bóng cây tre, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và bất diệt của dân tộc.

Cạnh đó là đóa sen tượng trưng cho đức tính thanh cao, ngôi sao năm cánh tượng trưng cho đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, nhà rông biểu tượng của văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, với ngôi tháp Chàm, niềm tự hào của nền văn hóa Chăm.

Ngoài ra, “Dáng hình đất nước” còn có hình ảnh các Vua Hùng, Thánh Gióng cưỡi ngựa và đàn chim lạc tượng trưng cho truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Ông Thái Văn Hùng kể, tạc tượng chỉ là ngẫu hứng bất chợt. Với đôi bàn tay khéo léo trời phú, ông có thể nghĩ ra được rất nhiều ý tưởng và với những gốc hoặc thân cây gỗ vô tri vô giá, ông đã thổi hồn vào để biến chúng trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Ông Thái Văn Hùng sinh ra ở đất Ninh Bình, nhưng quê mẹ ở Thanh Hóa, quê cha ở Nghệ An. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông theo cha về quê hương lập nghiệp, đóng đô ở mảnh đất Tân Kỳ nắng gió.

Năm 1990, ông bén duyên rồi xây dựng gia đình với bà Lê Thị Thân (SN 1967), quê xã Đà Sơn, sinh được 2 cậu con trai. Đứa lớn học giữa chừng thì bỏ ngang, theo nghiệp bố, hiện đã là ông chủ của một cơ sở phù điêu, tạc tượng có tiếng ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Ông Thái Văn Hùng bên tác phẩm của mình.

Trở lại với nghề, ông Hùng chia sẻ, bản thân ông chưa từng được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào, thừa hưởng năng khiếu từ bố nên tự mày mò, ban đầu là làm các vật dụng trong gia đình, về sau tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến đưa mẫu vật nhờ ông tạc tượng.

Cứ như vậy, theo thời gian, ông đã củng cố tay nghề, chịu khó học hỏi thêm để sáng tạo ra những tác phẩm “để đời”, được mọi người ghi nhận.

Làm để thỏa mãn đam mê

Hàng chục năm miệt mài với nghề, nhưng căn nhà cấp 4 nép bên sườn núi của gia đình ông vẫn tuềnh toàng, không có gì đáng giá ngoài những bức phù điêu, tượng gỗ do một tay ông tạc nên. Có những bức tượng rất đẹp, được ông đặt bằng những cái tên gọi khác nhau.

Chẳng hạn, về bức tượng gỗ có tên “Thông điệp hòa bình” của ông được chọn để mang triển lãm tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, được ông làm trong thời gian 2 năm, kể từ khi có ý tưởng đến lúc hoàn thiện. Trong bức tượng này, ông đã tỉ mẩn tạc bức tượng Bác Hồ đang khoan thai ngồi làm việc, xung quanh hội tụ đầy đủ “tứ linh” long, ly, quy, phượng.

Tại triển lãm, bức tượng bằng gỗ lim này đã được định giá 3.000 USD, sau có người trả giá gần 100 triệu đồng nhưng ông không bán mà mang về để làm kỷ niệm. Rất tiếc, sau đó ít lâu, do nhà cửa tuềnh toàng, trong lần lên rừng tìm phôi để tạc tượng, kẻ gian đã lẻn vào đánh cắp mất.

Hay như bức tượng gỗ “Cô gái Việt”, ông lột tả được hình ảnh cô gái Việt Nam trong tà áo dài duyên dáng, đang ôm cây đàn với khát vọng mang âm nhạc Việt đi khắp toàn cầu.

Ngoài ra, còn có những sản phẩm khác rất độc đáo như Tiên Dung – Chử Đồng Tử, Nàng Kiều, vẻ đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai… tất cả đều được ông thể hiện rất tinh tế, thành công và đạt đến độ hoàn mỹ chẳng khác gì một điêu khắc gia chuyên nghiệp.

Hiện, ông Hùng đang sở hữu hàng trăm sản phẩm do chính tay mình tạo nên, trong đó có rất nhiều sản phẩm có giá lên đến hàng chục triệu đồng.

Tác phẩm “Nàng Kiều” bằng gỗ của “dị nhân”.

Ông bảo, làm để thỏa mãn đam mê và để lưu giữ lại làm kỷ niệm, chứ hoàn toàn không vì mục đích thương mại. Đã có nhiều tay chơi đồ gỗ nổi tiếng tìm đến gạ ông bán lại nhiều sản phẩm, nhưng ông kiên quyết chối từ. “Đôi khi gặp phải người nào đam mê, sành chơi đồ gỗ, tôi biếu luôn không lấy tiền.

Song gặp phải những tay chơi nửa vời, kì kèo thêm bớt giá cả thì dù có mua đến bạc tỉ cũng không bán. Mình làm để thỏa đam mê là chính, tiền bạc không đặt thành vấn đề nên nhiều người không hiểu, gán cho biệt danh “lập dị”, “dị nhân”, nghe mãi cũng thành quen”, ông Hùng phân trần.

Cũng bởi vậy, nhiều lần gia đình ông bị kẻ xấu đột nhập, cuỗm đi những bức tượng gỗ có giá trị. Ngoài bức “Thông điệp hòa bình” bị đánh cắp sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã rất nhiều lần ông bị mất đi những đứa con tinh thần ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Bà Lê Thị Thân, vợ ông chia sẻ thêm: Tiếng là chồng làm nghề mộc, có tác phẩm trưng bày ra tận Trung ương nhưng suốt mấy chục năm nên nghĩa vợ chồng, gần như một tay bà quán xuyến hết việc gia đình, nuôi con ăn học, thậm chí nuôi cả chồng để ông hiện thực hóa đam mê.

Vất vả là vậy nhưng bà không một lời kêu than. Nhiều hôm tìm được mẫu gỗ quý, dù nhà không còn tiền nhưng bà cũng phải đi vay mượn để mua về cho ông sáng tạo.

Hiện nay, ông Hùng chủ yếu nhận tiền làm công cho những ai có nhu cầu, mỗi sản phẩm như vậy nếu đưa phôi đến nhờ ông chế tác, ông nhận từ 5 – 7 triệu đồng mỗi sản phẩm, nên cũng có đồng ra đồng vào hơn trước đây.

Hiện, trong gia đình của hai vợ chồng, tất cả mọi vật dụng, từ bình hoa đến bộ bàn ghế, thậm chí là cả trên bàn thờ các cụ thân sinh, ông Hùng cũng tạc tượng bố mẹ để thờ phụng thay vì thờ bằng di ảnh như những gia đình khác. Ngoài ra, ông còn là chủ nhân của một số bức tranh gỗ do chính ông sáng tạo, rất độc đáo và mang giá trị điêu khắc rất tinh xảo.  

Ông Nguyễn Tất Diên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Nghệ An ghi nhận, ông Thái Văn Hùng là một “nghệ nhân” có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo, được phát hiện và đưa vào Hội trong thời gian vừa qua để nhằm phát huy sở trường, đồng thời giới thiệu tài năng đến với công chúng, qua đó có thêm cơ hội để thay đổi bản thân.

Tuy nhiên, cũng theo ông Diên, tính ông Hùng “khác người” nên ngại tham gia các hoạt động xã hội, làm việc chỉ theo sở thích và đam mê, nên dù ông này có tay nghề nhưng đến nay vẫn chưa nhiều người biết đến.

Thiện Thành
.
.
.