Di sản John McCain?

Thứ Sáu, 07/09/2018, 12:02
Thượng nghị sĩ thâm niên của Mỹ, John McCain, đã qua đời vào ngày 25-8 (giờ Mỹ) ở tuổi 81. Ông được nhiều người Mỹ xem như một anh hùng chiến tranh, trong khi được nhiều người Việt biết đến vì có công góp phần bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.


Tuổi thơ dữ dội

McCain sinh ngày 29-8-1936 tại Căn cứ Không quân Coco Solo trong Vùng Kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Cha ông là John S. "Jack" McCain, Jr. (1911-1981) và mẹ là Roberta (Wright) McCain (SN 1912). Cha và ông nội của McCain đều là đô đốc của Hải quân Mỹ, và họ thực sự là cặp cha con đầu tiên cùng đạt đến cấp bậc đô đốc 4 sao.

Khi còn là một đứa trẻ, John McCain nổi tiếng vì dễ nổi cáu, năng nổ trong thi đua và háo thắng. Tổng cộng ông đã học tại khoảng 20 trường khác nhau trong suốt thời niên thiếu của mình. Từ năm 1951, ông theo học Trung học Episcopal tại Alexandria, một trường tư thục hàng đầu với những điều lệ nghiêm ngặt. McCain giành được 2 giải thưởng thể thao về đô vật, là môn mà ông có năng khiếu trong các hạng cân nhẹ. Ông tốt nghiệp trung học vào năm 1954.

Ông John McCain thời trẻ.

Theo bước của cha và ông nội, McCain thi vào Học viện Hải quân Mỹ và là một học viên hay nổi loạn. Ông thường hay cãi nhau với Ban giám hiệu và lãnh đạo của trường; mỗi năm ông bị trên 100 lần kỷ luật (vì giày không đánh bóng, đội hình không chỉnh tề, nói chuyện không đúng chỗ…).

Mặc dù điểm số kém nhưng ông luôn là lãnh đạo trong nhóm học viên Hải quân, đặc biệt là tổ chức các hoạt động ngoài giờ học; một bạn học của ông nói rằng "được tự do với John McCain cũng giống như là một vụ xe lửa trật đường rầy”. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1958, đứng hạng 5 từ dưới đếm lên trong khóa, xếp hạng 894 trong số 899 học viên.

Từ tù binh đến nghị sĩ

Sau đó, Thiếu úy Hải quân McCain trải qua hai năm rưỡi thụ huấn thành phi công Hải quân tại Căn cứ Không lực Hải quân Pensacola ở Florida và Căn cứ Corpus Christi ở Texas. Ông tốt nghiệp trường lái phi cơ năm 1960 và trở thành một phi công hải quân lái máy bay cường kích.

McCain tham chiến tại Việt Nam và bị bắt vào ngày 26-10-1967. Chiếc máy bay A-4E Skyhawk do ông lái đang thực hiện nhiệm vụ ném bom lần thứ 23 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam bị một tên lửa bắn trúng. McCain bị gãy cả hai tay và một chân khi nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Ông được người Việt Nam cứu đưa lên bờ.

Cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama là người đọc điếu văn tại tang lễ của ông John McCain.

McCain trải qua 6 tuần lễ trong bệnh viện, sau đó bị đưa đến một trại nằm ở Hà Nội vào tháng 12-1967.Tổng cộng, McCain làm tù binh tại Hà Nội trong 5 năm rưỡi. Ông được thả vào ngày 14-3-1973.

Khi John Jacob Rhodes, Jr., đại biểu Quốc hội lâu năm của đảng Cộng hòa từ Khu Quốc hội số 1 của Arizona, thông báo hồi hưu, McCain ra ứng cử cho chiếc ghế này với tư cách là một đảng viên Cộng hòa năm 1982. Với sự giúp đỡ của một số chính trị gia địa phương ủng hộ và những mối liên hệ ở Washington cũng như sự quảng bá tranh cử trên truyền hình hữu hiệu, một phần nhờ vào số tiền 167.000 USD mà vợ ông tung vào chiến dịch vận động tranh cử (ông đã dùng nhiều tiền hơn để tranh cử so với các đối thủ của ông), và sự ủng hộ của tờ The Arizona Republic của Tully (tờ báo có quyền lực nhất tiểu bang), McCain chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ có tính tranh đua khá dữ dội vào tháng 9-1982. So với cuộc tổng tuyển cử hai tháng sau đó, ông chiến thắng khá dễ dàng trong một khu có rất nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa.

Vai trò thúc đẩy trong quan hệ Việt-Mỹ

Thượng nghị sĩ McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương ấy. Ông là một trong những người đi tiên phong trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc khi hối thúc hai bên khởi động các hoạt động nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh...

Nhờ những nỗ lực và sự vận động hết mình của McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ John Kerry và Tổng thống Bill Clinton, cả hai chính đảng Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đều đã dần ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó.

Ngày 8-7-2015, Thượng nghị sĩ John McCain đã có cuộc gặp đặc biệt với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng của Tổng Bí thư đến Mỹ. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư đánh giá cao việc Quốc hội Mỹ và cá nhân Thượng nghị sĩ John McCain đã ủng hộ gia tăng hỗ trợ cho việc giải quyết các hậu quả chiến tranh để lại ở Việt Nam. Cuộc gặp này đã góp phần khẳng định sự ghi nhận của Việt Nam đối với những đóng góp của cá nhân Thượng nghị sĩ thúc đẩy quan hệ song phương.

Ngay cả khi bị bệnh, McCain vẫn chú ý các vấn đề liên quan đến Việt Nam như hợp tác với Việt Nam, các vấn đề Biển Đông và chương trình nuôi cá da trơn ảnh hưởng đến nông dân nghèo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Tháng 3-2018, mặc dù đang trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư quái ác, ông vẫn cùng Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen gửi thư đại diện thương mại hàng đầu của Chính phủ Mỹ để lên tiếng bảo vệ cá tra Việt Nam. Trước đây, Thượng nghị sĩ John McCain từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Bất đồng chính kiến với ông Donald Trump

Định kiến của ông Donald Trump đối với ông McCain dường như bắt đầu ngay trước khi ông tham gia chính trị. Từ năm 1999, ông Trump đã mỉa mai binh nghiệp của ông McCain khi thượng nghị sĩ này ra tranh cử tổng thống. "Ông ấy từng bị bắt làm tù binh. Việc trở thành tù binh có biến bạn thành người hùng không? Tôi không biết, tôi không chắc lắm", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn năm đó.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, McCain nói rằng ông sẽ ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa ngay cả khi đó là Donald Trump, nhưng sau bài phát biểu chống Trump ngày 3-3 của Mitt Romney, ông McCain quay sang chống Trump. 

Mối quan hệ giữa hai người đã trở nên tồi tệ kể từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, năm 2016, khi McCain nhắc đến một căn phòng đầy những người ủng hộ Trump như "những kẻ điên rồ", và ông trùm bất động sản nói với McCain: "Ông ta xúc phạm tôi, và ông ta xúc phạm tất cả mọi người trong phòng đó… Ông ta là một anh hùng chiến tranh vì ông ta bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt hơn...

Trước khi qua đời, McCain đã yêu cầu cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đọc điếu văn tại tang lễ của mình.

Trong hoàn cảnh bình thường, một Tổng thống phải ban hành một tuyên bố bằng văn bản đánh dấu sự ra đi của một nhân vật chính trị quan trọng như ông McCain. Nhưng ông Trump chỉ viết lời chia buồn lên Twitter. "Tôi muốn gửi lời chia buồn và lòng tôn trọng sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain. Trái tim và lời nguyện cầu của chúng ta hướng về ông ấy!", ông Trump viết.

Như Sơn
.
.
.