Diễn viên Trương Mạnh Đạt: Tôi tin thời hoàng kim của sân khấu sẽ trở lại

Thứ Năm, 03/05/2018, 13:55
Ngay khi xuất hiện với vai diễn nặng ký ông Đại Cát trong vở kịch kinh điển "Quẫn" của nhà viết kịch Lộng Chương, Trương Mạnh Đạt đã ẵm ngay Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô.


Trương Mạnh Đạt là cái tên ấn tượng trong đoàn kịch Lucteam. Ngay khi xuất hiện với vai diễn nặng ký ông Đại Cát trong vở kịch kinh điển "Quẫn" của nhà viết kịch Lộng Chương, Đạt đã ẵm ngay Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Tuy nhiên, với chàng trai trẻ này, mọi thứ mới chỉ bắt  đầu.

- Tôi rất ấn tượng với vai ông Đại Cát trong vở "Quẫn" của đạo diễn Trần Lực. Một vai diễn đã cách xa chúng ta khá lâu và thế hệ anh không có ký ức gì về nó, vậy mà Đạt đã vào vai rất "ngọt". Anh có gặp nhiều khó khăn với vai diễn này không?

+ Tôi bị áp lực kinh khủng lắm. Vì tôi biết đây là một vở lớn, đã có 2.000 đêm diễn ở Hà Nội thập niên 60-70. Thế hệ tôi lại không có ký ức gì về thời đại đó. Tôi đọc kịch bản nhưng khó khăn lớn nhất là tôi không thể hiểu được cảm xúc của mọi người thời đó. 

Tôi mày mò sách báo, tìm hiểu kỹ về sự kiện lịch sử đó, hiểu thế nào là "công tư hợp doanh", đọc về những con người thời đó. Và tôi đặt mình vào nhân vật. Tôi dùng con mắt của bây giờ nhìn vào một sự kiện trong quá khứ, đánh giá nó một cách vô tư, hồn nhiên thôi. 

Ngày đó tôi chỉ 73kg, tôi quyết định tăng cân để ra dáng một ông chủ, trụ cột gia đình, có những biểu hiện của cơ thể, động tác, cách nhìn, cách nói chuyện của một ông chủ. Tôi tăng lên 92kg. Hôm diễn chính thức tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô, tôi bị chấn thương giãn dây chằng, phải dùng thuốc giảm đau để diễn. May mắn và hạnh phúc khi "Quẫn" được Huy chương Vàng và tôi dành Huy chương Vàng cá nhân.

Trương Mạnh Đạt trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”.

- Vai diễn đầu tiên đã mang lại cho Đạt Huy chương Vàng. Khởi đầu thuận lợi đó có tạo cho anh áp lực?

+ Tôi không thấy áp lực bởi ngay khi bước chân vào con đường này tôi đã tự tạo áp lực cho mình, phải hoàn thiện nhất có thể. Tôi luôn cố gắng trong từng đêm diễn. Để có một "Quẫn" hôm nay diễn cho khán giả, chúng tôi đã phải trải qua hàng trăm buổi tập, chấn thương có, đau đớn có, tranh cãi có. 

Nhưng trên hết là sự cống hiến, là niềm khao khát được tỏa sáng trên sân khấu, phục vụ khán giả. Có những lúc tôi rơi vào cơn trầm cảm, bế tắc vì cảm thấy mình không thể sáng tạo được gì mới mẻ. Nhưng rồi, chính những khoảnh khắc được cháy sáng trên sân khấu đã tiếp cho tôi năng lượng để bắt đầu.

- Không chỉ tài diễn xuất mà sân khấu ước lệ biểu hiện đòi hỏi diễn viên đa di năng, vừa biết múa, hát, thậm chí hiểu cả ngôn ngữ của xiếc, chèo… NSND Lê Khanh đã thốt lên rằng: "Các em quá giỏi, các em đã làm được những điều mà thế hệ sân khấu chúng tôi chưa làm được".

+ Chúng tôi vào nghề ai cũng nuôi dưỡng một niềm đam mê nào đó. Chúng tôi giống như que củi khô đang muốn cháy, thầy Trần Lực là người đến lặng lẽ thổi ngọn lửa ấy lên. 

Khi lửa cháy bùng chính thầy lại là người hãm xuống. Thầy là người truyền lửa, liên tục không ngừng nghỉ. Chúng tôi tập luyện rất vất vả, mỗi sáng chạy vở 2 - 3 lần, tưởng như kiệt sức, nhưng qua ngày thứ nhất, ngày thứ 2 nhắm mắt chạy, ngày thứ 3 mệt rã rời và đến ngày thứ 4 thì làm việc một cách thoải mái. 

Cứ liên tục hằng ngày như thế. Chấn thương là chuyện thường xuyên. Sân khấu biểu hiện ước lệ đề cao tính ngẫu hứng, sự phiêu của diễn viên. Nhưng cũng đòi hỏi diễn viên rất cao.

Trương Mạnh Đạt luôn “cháy” trong từng vai diễn.

- Có vẻ như cuộc hội ngộ của anh và đạo diễn Trần Lực như "cá gặp nước"?

+ Đúng thế, thầy Trần Lực truyền cho chúng tôi tình yêu, đam mê và niềm tin vào những gì mình đang làm. Trong thời buổi sân khấu khó khăn như thế, nhưng thầy vẫn dũng cảm theo đuổi con đường của mình. Vậy tại sao chúng tôi lại không? 

Chúng tôi có tuổi trẻ, có tình yêu và đam mê. Chúng tôi chính là truyền thống, tất cả những gì chúng tôi đang làm đều dựa trên chất liệu phương Đông, rất Việt Nam. 

Chỉ khác là chúng tôi kết hợp được các loại hình khác nhau, náo kịch, kịch câm, xiếc, tạp kỹ, kịch Nô của Nhật, chắt lọc những tinh hoa của các loại hình nghệ thuật ấy, thổi vào nó những giá trị đương đại, kết hợp cái cũ và mới. Những điều đó rất hấp dẫn, thu hút các diễn viên say mê làm việc và sáng tạo.

- Điều gì ở sân khấu ước lệ biểu hiện hấp dẫn những người trẻ như anh?

+ Những sân khấu khác cũng hay, hấp dẫn, nhưng tôi muốn cái gì mới hơn nữa, sân khấu kịch nói truyền thống hơi cũ so với xu hướng và thời thế. Chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi khao khát cái mới, sự sáng tạo. Chúng tôi được thử sức mình ở những dạng vai khác nhau. 

Một ông Đại Cát - chủ của một gia đình tư sản, trong thời buổi "công tư hợp doanh", toan tính làm thế nào để giữ lại được hòm vàng hay một Lọ Lem trong vở náo kịch "Cơn ghen của Lọ Lem"… Rất biến hóa, thú vị. Sân khấu ước lệ biểu hiện có nhiều đất cho diễn viên thỏa sức sáng tạo, tung hứng.

- Đạo diễn Trần Lực nói anh là một người trẻ đam mê và quyết liệt đi con đường của mình. Điều gì khiến anh có được sự quyết liệt đó trong thời buổi sân khấu khó khăn và không còn là lựa chọn của nhiều người trẻ?

+ Tình yêu sân khấu chảy trong tâm hồn tôi, tôi cũng không hiểu nó ngấm từ bao giờ. Tôi nghĩ rằng, may mắn trong cuộc đời khi mình được làm công việc mình yêu thích. Khi đã yêu và đam mê thì khó khăn không là gì cả. 

Để cân bằng cuộc sống, những người trẻ như chúng tôi cũng phải biết hy sinh và buông bỏ một số thứ. Hạnh phúc của tôi là được đứng trên sân khấu và thể hiện niềm đam mê của mình. Và để có được điều đó, tôi phải buông bỏ hạnh phúc của chính mình, không còn nhiều thời gian với những người mình yêu thương. 

Có đợt đang tập vở, bố tôi mổ ruột thừa, mẹ gãy chân, tôi không còn cách nào khác là sáng tập, trưa vào viện, chiều về tập và tối lại vào viện. Tôi không thể nghỉ công việc luyện tập vì sẽ không theo kịp mọi người. Đó là những câu chuyện đời thường mà người nghệ sĩ phải chấp nhận hy sinh, đánh đổi. Thậm chí, người yêu giận rồi chia tay vì mình quá bận rộn, mải mê với sân khấu. 

Phải chấp nhận thôi. Vì đó là sự lựa chọn của tôi. Thế  nào là hạnh phúc, với tôi, hạnh phúc là được cống hiến cho khán giả, mang đến cho họ những đêm diễn đầy cảm xúc. Vì thế, đôi khi, người nghệ sĩ phải đánh đổi hạnh phúc của chính mình.

- Tôi nhìn thấy khao khát của đạo diễn Trần Lực và của Lucteam muốn thắp sáng lại ánh đèn sân khấu? 

+ Thầy luôn nói về thời kỳ hoàng kim của sân khấu, của 2.000 đêm "Quẫn" ở Hà Nội, thời của bác Song Kim, bác Trần Tiến. Tôi không biết "Quẫn" thời đó được dàn dựng như thế nào. 

Tôi chỉ nghĩ rằng, đây cũng chính là thời kỳ thay đổi tích cực của sân khấu, chúng tôi đang cố gắng đưa sân khấu trở về đúng những giá trị của nó. Hiện tại, các phòng chiếu phim, ca nhạc đang chiếm lĩnh thị trường. Chúng tôi muốn sân khấu phải là nơi cháy vé, bởi những người yêu nghệ thuật đều hiểu, đỉnh cao thưởng thức nghệ thuật phải là sân khấu.

- Điều gì cho anh niềm tin đó?

+ Tôi đã chọn sân khấu, tôi sẽ đi con đường dài của mình, khó khăn mấy cũng không được bỏ. Với tôi, mọi thứ mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều khó khăn phía trước. Còn nhớ, chúng tôi tập vở "Quẫn" quần quật 4-5 tháng để đổi lấy những phút thăng hoa trên sân khấu. 

Lần đầu tiên chúng tôi diễn "Quẫn" ở Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ khán giả, cảm giác thật hạnh phúc. Và chúng tôi bắt đầu có ý thức không được hời hợt, bước lên sân khấu phải cháy hết mình và cống hiến cho khán giả. 

Chúng tôi còn nhiều thứ để hoàn thiện, những gì chúng tôi có còn ít, phải hoàn thiện nhiều hơn nữa, phải học tuồng, chèo, kịch câm, múa đương đại, tạp kỹ, ảo thuật và nhiều trường phái hay ho trên thế giới để biến nó thành của mình. Làm nghệ thuật luôn luôn phát triển, tôi có niềm tin, hy vọng, có thể đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim. 

Ông hoàng nghệ thuật sân khấu bây giờ đang đắp chăn nhìn lên đỉnh cao, ở đó một ông tên là ca nhạc, điện ảnh đang mặc áo choàng lấp lánh. Họ cười mà không biết mình cần phải đổi mới. Và sẽ có lúc, ông hoàng sân khấu vén bức màn sau nhiều năm im lặng để ngồi đúng vị trí của mình.

- Những đêm diễn ở Lucteam ở Hà Nội với "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem" khá đông khán giả, đó chắc hẳn là một tín hiệu đáng mừng?

+ Chúng tôi được rèn kỹ năng, dù sân khấu chỉ có một khán giả vẫn diễn như bình thường. Nhưng với nghệ sĩ, không gì hạnh phúc hơn khi nhìn xuống khán giả chật kín. Đó là nguồn năng lượng lớn nhất để chúng tôi thăng hoa, phiêu trên sân khấu. Hạnh phúc của những nghệ sĩ như chúng tôi gắn liền với khán giả. Để có hạnh phúc của khán giả mình phải đánh đổi, chấp nhận, buông bỏ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. 
Việt Hà (thực hiện)
.
.
.