NSND Lê Khanh:

Đừng bỏ qua khát vọng của những người trẻ

Chủ Nhật, 08/01/2017, 16:49
NSND Lê Khanh nói làm nghệ thuật như một cuộc chơi, phải được thỏa mãn thú làm nghề. Đó cũng là lý do chị chọn dựng vở kịch tâm lý "Sau lưng là cả bầu trời" mà chị biết trước sẽ kén khán giả. "Nhưng không thể bỏ qua khát vọng làm nghề của những người trẻ, những người vẫn say mê, đắm đuối với sân khấu".


- Rất lâu rồi, kể từ sau vở "Nghêu, sò, ốc, hến" năm 2013, chị mới tiếp tục với vai trò đạo diễn vở kịch tâm lý "Sau lưng là cả bầu trời". Một câu chuyện cũ, với cách kể mới mẻ, thử nghiệm. Hẳn chị muốn “thách đố” người xem?

+ Tôi làm gì cũng gây tò mò, chờ đợi, thậm chí bị nhìn nhận khá khắt khe. Mọi người cho rằng, bi kịch trong "Sau lưng là cả bầu trời" rất cũ, muôn đời cũ nhưng không bao giờ giải đáp được. Những vấn đề về gia đình, tình yêu, lòng tin, sự thật bị che đậy lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống. Quan trọng là tiếp cận và lý giải nó bằng cách nào.

Thoạt tiên tôi cũng thấy vấn đề cũ, nhưng trong sự vận hành của cuộc sống, nó còn nguyên. Tôi suy nghĩ rất kỹ suốt hai năm qua và tìm cho nó một cách kể chuyện mới. Nhưng tôi rất thích tầng lớp sự trắc ẩn thú vị với kịch bản này của chị Thu Hạnh, ở đây có nhiều vỉa tầng để khai thác. Đặc biệt là về ngôn từ, tôi là diễn viên kịch nói, tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của ngôn từ, sao có thứ ngôn ngữ đời đến vậy.

- Bi kịch của 4 người phụ nữ trong căn nhà bị đóng kín, tù túng, bức bối, nhiều người cho rằng bi kịch đó không phù hợp với tâm lý phụ nữ bây giờ, họ mạnh mẽ hơn, dám đấu tranh hơn?

+ Đó là bi kịch trải dài của 3 thế hệ trong một gia đình. Tôi nghĩ, mỗi người đều có một cách đối diện với nỗi đau riêng của mình. Sự bức bối, mịt mù trong tác phẩm này không phải ngày nay không còn nữa. Thẳm sâu trong đời sống ồn ào này vẫn có những trắc ẩn như thế.

Tôi thăm dò một số khán giả trẻ, họ cho rằng, không có gì khó hiểu. Bởi tầng sâu của vở là lời kêu gọi, hãy thức tỉnh hay bảo thủ, thức tỉnh đi, thế giới này mênh mông lắm. Mọi chông gai chỉ là thử thách. Hãy vượt qua những rào cản và đừng cản trở tương lai của bọn trẻ.

- Với vở kịch tâm lý này, chị cũng chọn một hình thức khác, với màn hình led, múa và sân khấu tối giản chỉ những khối rubic, hình như nó càng cô đặc nỗi cô đơn của con người?

+ Để cô đặc nỗi cô đơn của con người, tôi dùng phương pháp tối giản sân khấu. Những lát cắt, mảnh cắt, khuôn hình, cửa sổ, bầu trời đều thể hiện nỗi cô đơn của con người. Phần trắc ẩn nội tâm lúc nào cũng đầy ắp trong nhân vật. Tôi dùng hình ảnh để chuyển tải ký ức. Cuộc sống cứ trôi đi, bỏ lại những con người đau khổ.

Ngay cả người đàn ông duy nhất trong vở kịch này cũng chỉ ở trên mạng, cũng ảo mà thôi. Sự tự do của Tấn càng khoét sâu vào nỗi cô đơn của người yêu. Ngoài ra tôi còn dùng ngôn ngữ múa, đôi khi ngôn từ không nói hết được, khi ở mỗi khoảng riêng của mình không sợ ai nhìn thấy, người ta bộc lộ nỗi cô đơn, day dứt, lúc đó, ngôn ngữ múa lên tiếng.

- Nhưng với "Sau lưng là cả bầu trời", chị vẫn chưa đạt tới những cảm xúc mà chị mong muốn và suy nghĩ về tác phẩm, tôi vẫn có cảm giác chơi vơi?

+ Có lẽ tôi chưa làm ra được điều mình muốn nên mọi người mới chỉ thấy được bề nổi của vở là cũ. Ngoài ra, với thể loại kịch tâm lý, lâu nay vẫn là một sự thách đố. Từ trào lưu "Đời cười" từ năm 2000 đến nay, kịch tâm lý gần như vắng bóng, xa rời khỏi đời sống. Nhưng tôi thà làm như thế và một vài người nhận ra điều gì đó là quý lắm rồi. Còn hơn những vở biểu dương lực lượng, khuấy động phong trào như tranh cổ động, không thật.

Ít nhất vở này còn làm người ta suy nghĩ, muốn nó hay hơn thế nữa. Đó là một tín hiệu tốt vì người ta quan tâm. Còn nếu nó nhạt phèo thì không ai bàn về nó nữa. Mỗi người có một kỳ vọng, một cái kết của riêng mình.

Tôi làm vở này chỉ muốn một điều giản dị, kêu gọi về sự thức tỉnh, đừng đánh mất cuộc đời của mình, một lời kêu gọi đúng nghĩa chứ không dám nhân danh ai để trả lời. Mỗi người đi xem sẽ có những câu trả lời cho riêng mình. Chỉ biết rằng, nếu ta không thức tỉnh thì cơ hội sẽ qua đi.

- Chắc chị cũng lường trước những vở như thế này sẽ kén khán giả. Trong khi sân khấu đang nỗ lực kéo khán giả đến rạp, chị có đang đi ngược với xu thế?

+ Tất nhiên rồi, tôi lường trước điều đó, khi làm việc với diễn viên, tôi đã nói với các em rằng cô không hứa sẽ làm kinh tế vở này. Dòng kịch tâm lý từ năm 2000 trở lại đây gần như biến mất khỏi đời sống. Cũng có lý thôi. Cuộc sống quá mệt mỏi rồi, người ta không muốn triết lý nhiều. Nhưng trong nghề của chúng ta cần khám phá thông điệp của từng thể loại. Tại sao lại có hài, bi, tâm lý…

Có những thông điệp chỉ nằm trong dòng kịch này. Đây là một lần trải nghiệm một dòng kịch mà rất khó khăn và hiếm hoi trong đời diễn viên được trải nghiệm nếu họ chỉ chạy theo thị hiếu và đồng tiền.

- Có nghĩa rằng, chị dựng vở chỉ để thỏa mãn thú làm nghề của người nghệ sĩ, chinh phục những con đường chông gai?

+ Tôi chọn "Sau lưng là cả bầu trời" vì muốn cùng những diễn viên trẻ làm một tác phẩm mới. Đó là khát vọng chính đáng của nghệ sĩ. Tôi vẫn nói đùa với các em, hôm nay đi tu như thế này nhé, rồi kiếm tiền sau. Được làm nghề vẫn là điều mà nghệ sĩ muốn. Tôi vui và hạnh phúc nhất không phải đạo diễn nhận được gì mà diễn viên nhận được gì, nhìn thấy các em lớn lên, trưởng thành, đó là thành công ngoài sức tưởng tượng.

Nhìn các diễn viên trẻ say mê, đi công tác đêm hôm về là lao vào tập, mê được trải nghiệm, tôi rất vui. Mình là người đi trước, thành danh rồi, nếu chỉ chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ qua khát vọng của những người trẻ, chỉ lo lỗ hay lãi thì mình có lỗi.

Thế nào là lỗ, thế nào là lãi, có tiền ăn uống sinh bệnh tật đấy không phải là biết tiêu tiền. Diễn nhiều nhưng diễn ở mãi một thể loại cũng chẳng thú vị gì. Dù có thể đếm tiền hàng đêm nhưng phải vượt qua chính mình mới thỏa tài chí, mới phát hiện ra chính mình. Diễn viên sẽ trưởng thành cả về nghề, thấy cuộc sống giá trị hơn.

- Nhưng sân khấu sẽ không tồn tại nếu không có khán giả, chị chọn lối đi hẹp như thế cũng là cách chị đang tự bó mình?

+ Tôi biết giá trị của việc mình làm chứ, nên tôi không ôm ảo tưởng để  rồi đau khổ vì không bán được vé. Cái tôi được lớn nhất là cơ hội cho những người trẻ trưởng thành trong nghề, nuôi dưỡng tình yêu nghề của họ. Nhiều diễn viên tuyệt vời lắm.

Một cảnh trong vở “Sau lưng là cả bầu trời”.

Có những bạn là danh hài đi chạy sô kiếm tiền nhưng trong sâu thẳm vẫn muốn được làm những vai tử tế. Có người còn bỏ tiền ra dàn dựng, để được diễn những vở nghệ thuật, dù chỉ một đêm thôi. Mình làm nghề, phải biết nghệ thuật cũng nhiều mặt như cái rubic ấy, phải soi nhiều chiều để nhìn thấy khát vọng của các em. Vở nào của tôi diễn viên cũng được nâng tay nghề một cách rõ ràng.

- Khán giả không đến vì bây giờ sân khấu thiếu vắng những ngôi sao. Chị có lo ngại về khoảng trống của diễn viên và đạo diễn sân khấu?

+ Chúng ta phải trả giá cho việc diễn viên của thời làm kinh tế. Tôi chỉ ước ao đừng bao giờ phải so sánh với thế hệ trước. Tôi thấy xấu hổ và đau đớn lắm, vì thế hệ trước bất lực, không truyền được nghề và lý tưởng cho thế hệ sau. Tại sao ngày xưa khó khăn như thế mà người ta làm được.

Tôi luôn trò chuyện và tiêm nhiễm vào suy nghĩ các em những điều như thế để khuyến khích. Mình kỳ công đào tạo đến khi ra trường, một nửa bỏ nghề, số còn lại lấy chồng, ít ỏi còn lại thì xếp hàng, bao giờ đến lượt vai chính, vai chính thể loại này rồi vai chính thế loại kia, cứ xếp hàng như thế bao giờ đến lượt. Nhà hát Tuổi trẻ có xu hướng phát triển cho người trẻ nên các em có cơ hội hơn.

Tôi vẫn kể cho học trò nghe về con đường của mình, tôi cũng không tài giỏi gì mà chỉ vì mê và thích học hỏi, cứ khó là hứng thú, luôn tìm những vai diễn khác mình, dần dần thành bản lĩnh. Bây giờ, các em chưa đi đã ngại thì không vượt qua được. Tôi khuyến khích các diễn viên xin vai, vai khác với mình càng tốt.

Cứ yêu nghề, nhẫn nại suy nghĩ, nghề sẽ không phụ. Con đường tôi đi thế nào tôi truyền lại cho các em như thế, đến giờ phút này vẫn chính xác. Cái lãi của tôi không đếm được, nhưng tôi thành công với những người trẻ, rất vui. Nhiều vở tôi còn lấy sinh viên năm thứ 2, tôi thích thế, sự tinh khôi, nhiều năng lượng, có những em thay đổi ngoạn mục sau vai diễn. 

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.