Nguyễn Ngọc Châm

Đừng đợi mọi điều trở thành xưa cũ rồi mới tôn vinh

Thứ Tư, 06/09/2017, 16:21
Là Chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thủa”, tôn vinh tên tuổi những nghệ sĩ có đóng góp cho đời sống nghệ thuật nước nhà, Nguyễn Ngọc Châm từ một ca sĩ trở thành một nhà tổ chức. Cô tất bật với những dự án nghệ thuật, nhằm kết nối những người sáng tạo đến gần hơn với công chúng của họ.


Gặp Châm khi cô vừa tổ chức thành công đêm nhạc Vũ Thành An tại Hà Nội và chuẩn bị cho đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo sắp diễn ra, được nghe cô chia sẻ về những ưu tư của một người trẻ muốn tiếp cận, gìn giữ các giá trị tốt đẹp cho nghệ thuật và cho tương lai.

Sau đêm nhạc tác giả Vũ Thành An gây tiếng vang, khán giả thủ đô sắp được thưởng thức đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Ngọc Châm đã “gặp gỡ” với âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo như thế nào và đâu là nguyên cớ để Châm quyết định tổ chức đêm nhạc cho một tác giả vốn dĩ được biết đến đầu tiên là một nhà thơ?

 + Khi được biết nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có ý tri ân khán giả yêu thơ và nhạc của ông vào dịp sinh nhật ông năm nay thì Ngọc Châm hào hứng ủng hộ ông ngay. Bởi Châm biết âm nhạc của ông phong phú về màu sắc. Hơn nữa, Châm cũng cảm thấy rất vui vì được ông “chọn mặt gửi vàng”. Có thể nói ca khúc mang nét đẹp nhất về bến quê trên mọi miền đất nước chính là "Khúc hát sông quê". 

Ngoài ra, thơ của ông cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Khi chưa gặp gỡ tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Châm đã mến nét thơ rất trẻ trung, lãng mạn và có sóng ngầm của tác giả. Sau này gặp ông thì Châm có buột miệng khen là thơ của ông rất lãng mạn nhưng không kém phần dữ dội và sexy, Châm rất thích. Bài hát “Cỏ và Mưa” (nhạc sĩ Giáng Son phổ trên nền thơ Nguyễn Trọng Tạo-NV) là một ví dụ. 

Ngọc Châm và nhạc sĩ Vũ Thành An trong đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Vũ Thành An taị Hà Nội.

Vì lý do đó Châm không những quyết định tổ chức đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo mà còn đang háo hức hơn bao giờ hết để chuẩn bị cho đêm nhạc này!

 - Con đường mà Ngọc Châm và các cộng sự của bạn theo đuổi, đấy là làm những đêm nghệ thuật tác giả, nghĩa là đưa tên tuổi người sáng tạo lên trước tên người biểu diễn - điều mà trước đây ít nhà tổ chức làm. Hẳn là tâm thế của Châm khi làm chuỗi chương trình này, bạn nghĩ rất nhiều về những thiệt thòi của người sáng tạo - người làm ra tác phẩm?

+ Ngọc Châm cho rằng, nhạc sĩ chính là người sáng tạo thứ nhất, ca sĩ là người sáng tạo thứ 2 và khán giả là người sáng tạo thứ 3. Vậy không có lý do gì mà chỉ yếu tố ca sĩ được tôn vinh. Cần quân bình lại vai trò của người sáng tạo ra sản phẩm đó. Khán giả họ cần được thụ hưởng trực tiếp cảm xúc, tâm thế ra đời ca khúc từ chính tác giả thì khi ca sĩ cất lời, người nghe sẽ thấy ca khúc đó ý nghĩa hơn rất nhiều.

Vì sao Ngọc Châm nói khán giả là người sáng tạo thứ 3? Là bởi khi người nhạc sĩ viết ca khúc trải lòng và những tâm tình của mình thì không chỉ người nhạc sĩ được thụ hưởng sản phẩm âm nhạc đó, mà người nghe cũng được thụ hưởng bằng chính cảm xúc của họ. Khi nghe một bản nhạc tình họ thấu hiểu bởi họ cũng thấy đâu đó nội tâm mình, cuộc đời mình trong đó.  Người nghe không thể viết được ra cảm xúc của mình thì đã có tác giả viết thay lời họ muốn nói bằng chính những tác phẩm âm nhạc. Vậy thì tại sao lại không cho khán giả gần gũi tác giả hơn.

- Công chúng thắc mắc “Vàng son một thủa” phải chăng chỉ là tôn vinh những giá trị xưa cũ?

+Không hẳn là như vậy. Chuỗi chương trình “Vàng son một thủa” là để tôn vinh những giá trị cống hiến, nói cho rõ hơn là những cống hiến có giá trị nghệ thuật thì Châm muốn  ghi nhận và tôn vinh ngay. Bởi ngày hôm nay họ đã lao tâm vì tác phẩm của mình thì việc tôn vinh họ là lẽ đương nhiên và về sau này hay nhiều năm sau nữa. Điều đó rồi cũng trở thành giá trị của năm tháng, trở thành Vàng son một thủa. Ví dụ, Ngọc Châm rất thích những sáng tác của nhạc sĩ Giáng Son và những giá trị cống hiến đó sao lại không tôn vinh luôn nhỉ? Không phải cứ đợi thời gian cho mọi điều trở thành xưa cũ hay người nghệ sĩ đã già, đam mê và nhiệt huyết đi xuống mới tôn vinh đâu.

- Cùng với thời gian và cùng với một loạt chương trình tôn vinh tác giả mà Ngọc Châm đã tâm huyết tổ chức thành công, hiện nay một số đơn vị nghệ thuật cũng có xu hướng làm đêm nhạc tác giả. Châm nghĩ gì về xu hướng này?

+Châm thấy tuyệt vời lắm. Thay vì trước đây các nhà sản xuất âm nhạc còn không biết tác giả là ai, một số ít các ca sĩ đứng trên sân khấu đôi khi còn quên giới thiệu tên tác giả thì bây giờ họ đã thay đổi. Vậy là những điều Châm đang làm đã được đáp lại. Cái mà Châm muốn đó là tác giả được quân bình phần nào thiệt thòi của họ khi họ là chủ thể của tác phẩm mà ít được quan tâm. Mọi người càng quan tâm điều này thì Châm càng cảm thấy hạnh phúc, vì mình là người tiên phong và đã được mọi người đồng tình và thấy công việc của  mình là hữu ích.

 - Tổ chức biểu diễn là “cuộc chơi” đòi hỏi phải có tiền. Nghĩa là nhà tổ chức không thể xem nhẹ yếu tố thương mại. Điều này dường như không thuận lắm với mục tiêu tôn vinh sự nghiệp của người sáng tạo, bởi có những tác giả, mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng tác phẩm của họ lại kén người nghe, ít tính đại chúng. Vậy trong dàn dựng, biểu diễn, Ngọc Châm và các cộng sự của mình phải làm thế nào để hài hòa những yếu tố đó?

+Ngọc Châm hiểu một nguyên tắc trong kinh doanh để được tín nhiệm thì yếu tố chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Đối với khán giả để họ chi ra số tiền từ 6 - 10 triệu đồng mua một cặp vé xem ca nhạc thì không phải chuyện dễ. Khi người ta bỏ tiền để mua một sản phẩm âm nhạc, đầu tiên họ phải thấy thích đã. 

Nguyễn Ngọc Châm.

Thành thật mà nói, không hẳn đêm nhạc nào cũng thuận lợi về thương mại, doanh thu... tuy nhiên, Châm luôn cố gắng đầu tư tỉ mỉ vào phần chi tiết, âm nhạc, sân khấu, dàn dựng, cũng như sắp xếp tổ chức sao cho cẩn thận, chỉn chu nhất, để khán giả đến xem họ cảm thấy được tôn trọng. Tiếp đến là phần nội dung đêm nhạc cũng phải làm sao để lôi cuốn, hấp dẫn.

- Những người sáng tác khi có một bề dày rồi thì thường tuổi đã nhiều và cũng thường là “khó tính”. Trong khi tuổi trẻ thì thiếu kiên nhẫn, Ngọc Châm làm thế nào để thuyết phục họ?

+Thực chất những người sáng tác có bề dày cống hiến đã nhiều tuổi họ không hề khó tính. Họ chỉ không chia sẻ khi họ thấy ai đó không hiểu họ hay không thật tâm muốn hiểu họ. Châm tự thấy mình là người cầu thị và luôn đặt mong muốn tìm hiểu tôn vinh những giá trị mà họ đã đóng góp cho nghệ thuật. Khi tiếp xúc với các tác giả đó, gần như Châm không hề gặp bất cứ khó khăn nào. 

Là người trẻ nhưng Châm luôn đủ kiên nhẫn, có thể chia sẻ như một người bạn tâm giao cùng thời với họ. Vì thế, Châm được họ tin tưởng để “chọn mặt gửi vàng”. Châm hiểu không phải vì mình tài giỏi mà được họ ưu ái. Cái chính là họ hy vọng về một người trẻ như mình sẽ có thêm được kiến thức từ họ, hy vọng lớp trẻ biết lắng nghe và gìn giữ lại nét đẹp văn hoá. Có lẽ chỉ có duy  nhất hai từ hy vọng mà thôi.

 - Vốn là một ca sĩ, ngày luyện thanh, đêm đi biểu diễn, nhận cát xê về ngủ ngon không phải lo nghĩ nhiều chuyện bao đồng, nhưng Ngọc Châm dường như không chịu yên phận, lại chọn lao mình vào đường khó, muốn đứng sau và tôn vinh lao động của những người có thành tựu. Tham vọng của Ngọc Châm thực sự là gì?

+ Thực chất nếu dùng từ tham vọng thì Ngọc Châm không thích chút nào, bởi tham không được thì sẽ khổ tâm lắm. Chính xác hơn Ngọc Châm muốn nói đến từ ước vọng. Ước vọng mình sẽ thành công trên chặng đường dài tôn vinh tác giả tác phẩm, coi đó như một sứ mệnh để gắn kết giá trị văn hoá gần với công chúng và được khán giả đón nhận. Không ai có thể lấy đi ước mơ và kiến thức mình đã có, bởi vậy Châm luôn tin ước mơ sẽ thành hiện thực, mình được làm nhịp cầu nối văn hoá nghệ thuật đến với khán giả nhiều thế hệ.

- Thành công của một nhà người làm tổ chức biểu diễn, theo Ngọc Châm, mấu chốt nhất là ở những điểm gì?

+ Có thể nói hiện tại bây giờ Ngọc Châm đang là nhà sản xuất âm nhạc trẻ nhất. Điểm mấu chốt là Châm hiểu mình ở vai trò gì. Châm không phải là nhà nghiên cứu về âm nhạc, cũng như chưa hẳn là người hiểu sâu rộng về văn hoá, tuy nhiên mỗi thứ Châm luôn học hỏi, gom góp kiến thức để có thể làm tốt nhất công việc của mình. 

Hiện tại, Châm luôn tìm và kết nối những người giỏi nhất trong hoạt động nghiên cứu sâu rộng về văn hoá nghệ thuật để họ cùng cộng tác, cộng hưởng với nhau tạo ra những sản phẩm ưu tú nhất đáp ứng nhu cầu khán giả. Kết nối những người giỏi với những cá tính khác biệt lại với nhau không phải là điều dễ. Và để thuyết phục được họ đó chính là mấu chốt vấn đề.

Nhưng mấu chốt quan trọng hơn cả là kết nối được với khán giả bằng tâm huyết, bằng sức lao động thật sự và sự cống hiến hết mình của một nhà sản xuất âm nhạc yêu nghề và làm âm nhạc tử tế. Ngọc Châm xin cảm tạ những tình cảm yêu mến của khán giả những người đã đồng hành cùng “Vàng son một thủa” suốt 3 năm qua.

- Xin cảm ơn Ngọc Châm về cuộc trò chuyện.

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.