Giấc mơ opera Việt

Thứ Tư, 06/09/2017, 21:37
Phan Trung Kiên - gương mặt trẻ của dòng nhạc thính phòng vừa giành huy chương vàng tại festival âm nhạc Châu Á- Thái Bình Dương tại Hồng Kông. Sự thành công của Kiên sau giải thưởng lớn của Ninh Đức Hoàng Long cách đây một thời gian đã khởi lên những hy vọng về một thế hệ nghệ sĩ opera trẻ được đào tạo bài bản, say mê làm nghề.


Sau Ninh Đức Hoàng Long thì cái tên Phan Trung Kiên là một niềm hy vọng mới cho dòng nhạc thính phòng Việt Nam, một giọng ca mà NSƯT Quốc Hưng khẳng định: “Đó là một giọng bass hiếm có” hiện nay. Kiên vào nhạc viện khá muộn, 17 tuổi, lúc đó, nsưt Quốc Hưng khá ngần ngại khi nhận một cậu học trò tận Hữu Lũng, Lạng Sơn xuống Hà Nội muốn theo học thứ âm nhạc bác học, cao sang này. Nhưng chính anh bị thuyết phục khi nghe Kiên hát. 

Từ trong bản năng sơ khởi, Kiên đã có những tố chất có thể đi theo dòng nhạc này. Kiên thú nhận, anh chọn thính phòng, dù chưa hiểu sâu sắc về nó, nhưng càng học, càng khám phá vẻ đẹp của những ca khúc, Kiên càng mê: “Tôi thấy mình hợp với dòng nhạc này, đó là một thế giới bí ẩn và mênh mông, không bao giờ có thể khám phá hết vẻ đẹp của nó, nó không chỉ là đam mê mà gắn liền với cuộc sống của mình”. 

Kiên nói, khi mới vào trường nhạc, nhiều người mong ngóng đạt được cái gì đó để nổi tiếng và họ chọn nhạc thính phòng nhưng càng học càng khó, đòi hỏi sự khổ luyện nhọc nhằn. Nhiều người đã bỏ ngang vì miếng cơm manh áo. “Năm tôi học có 40 người thì còn lại 11 người và chỉ khoảng 3,4 người xác định sẽ theo đuổi chuyên nghiệp. Phải coi âm nhạc đi liền cuộc sống của mình thì mới tồn tại và giữ được, nếu không rất dễ chông chênh trước những lựa chọn”, Kiên thú nhận.

Phan Trung Kiên giành huy chương vàng tại festival âm nhạc châu á - Thái Bình Dương.

Kiên là học trò xuất sắc của nsưt Quốc Hưng. Anh coi đó là may mắn của mình. Nhiều người hỏi, Kiên có sợ mình trở thành một phiên bản của nghệ sĩ Quốc Hưng. Kiên cười, anh luôn ý thức về sự học, chắt lọc những tinh hoa và dần dần đưa cái riêng của mình vào. Kiên thấm thía câu nói của thầy: “Không được đốt cháy giai đoạn khi theo đuổi âm nhạc, cái gì sớm nở cũng sẽ nhanh tàn”.

Và Kiên bền bỉ, âm thầm đi con đường của mình dù bạn bè cùng khóa, nhiều người đã rẽ ngoặt. 5 năm miệt mài khổ luyện, và bây giờ lại bắt đầu một hành trình khác nếu muốn đi dài hơi với con đường chông gai này. Nhưng mơ ước của người nghệ sĩ, một lần được đứng trên sân khấu biểu diễn. Ở Việt Nam, sân khấu cho dòng nhạc này không nhiều, chủ yếu chỉ là những buổi biểu diễn ở trường hay ở nhà hát Nhạc vũ kịch. 

Sân khấu nhỏ, khán giả ít, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội thăng hoa. Và Kiên đã từ chối một học bổng của Áo để tham gia kỳ festival âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương vì muốn thử sức, cọ xát với môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Cuộc thi có gần 200 thí sinh tham gia đến từ nhiều nước trong khu vực. 

“Dòng âm nhạc này ở Việt Nam không phát triển mạnh và chưa được coi trọng, nhưng khi ra nước ngoài, dù mới chỉ trong khu vực thôi, tôi đã cảm nhận được sự trân trọng của khán giả dành cho âm nhạc kinh điển. Khi tôi bước ra sân khấu, tôi không nghĩ được khán giả tung hô và hưởng ứng nhiều đến thế. Đó chính là động lực cho người nghệ sĩ thăng hoa. Và tôi đã làm tốt nhất có thể”, Kiên chia sẻ. 

Hai tiếng “Việt Nam” được xướng lên đầy tự hào giữa rất nhiều các quốc gia là những nước mạnh về âm nhạc cổ điển. Và anh đã mang về vinh quang khi giành Huy chương Vàng của festival. “Một thành công nho nhỏ, bước đầu thôi, nhưng nó là nguồn cổ vũ lớn cho con đường mà tôi đi, để tôi vững tin hơn vào lựa chọn của mình”, Kiên nói.

Một giọng ca đẹp, trầm ấm, một vẻ bề ngoài điển trai và một gương mặt sáng, Kiên thừa điều kiện trở thành một ngôi sao. Nhưng với anh, “Sự nổi tiếng ai cũng muốn, nhưng tôi muốn khán giả nhắc đến mình bằng sự lao động chuyên nghiệp, bằng chiều sâu chứ không phải vì những thứ ngoài âm nhạc”.


Ca sĩ Ninh Đức Hoàng Long.

Thực tế, không chỉ có Kiên, mà hiện nay ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, có rất nhiều sinh viên được đào tạo bài bản theo chuẩn châu Âu. Nhiều người trong số họ là những tài năng. Nhưng vì sao những tài năng gần như không được ai biết đến. Chúng ta cũng đã từng có những giọng ca nổi tiếng như nsnd Quý Dương, nsnd Trần Hiếu, nsưt Lê Gia Hội... nhưng họ không đi ra được khỏi biên giới và không nhiều người biết đến. 

Ca sĩ Đinh Trang, giải nhất “Sao mai” dòng nhạc thính phòng có lần trò chuyện đã rất bi quan rằng, tôi thấy lo lắng cho nền thanh nhạc Việt Nam, khi nhiều người học hành bài bản mà hoang mang không có đất dụng võ. Chính Đinh Trang từng nói: “Người Việt rất nghi ngờ tài năng thanh nhạc của người Việt. 

Các chuyên gia nước ngoài vẫn đánh giá cao giọng hát của các ca sĩ opera Việt, họ nói rằng, âm sắc của người Việt rất đẹp nhưng chúng ta không được đào tạo một cách cơ bản để tốt hơn thôi. Người Việt luôn tự ti mình bé nhỏ, không có nội lực nên không thể ra đấu trường quốc tế để thi thố. Tôi hay nghe opera, có những con người bé nhỏ, nhưng giọng ca rất tuyệt. Vấn đề nằm ở đâu, ở trình độ, sự khổ luyện, đào tạo”. Sự thành công của Hoàng Long và bây giờ là Trung Kiên cho thấy, chúng ta có thể làm được điều gì đó ở địa hạt cao cấp này.

Ninh Đức Hoàng Long hiện đang theo học ở châu Âu, còn Kiên, con đường phía trước cũng đầy chông gai khi em xác định sẽ đi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Kiên và nhiều giọng ca đẹp của dòng nhạc này cũng sẽ tìm học bổng ra nước ngoài. Và việc chúng ta đang “chảy máu” những tài năng âm nhạc thính phòng là một nỗi xót xa. Tài năng vốn hiếm, tài năng cổ điển càng hiếm. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào với những tài năng? Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết đang theo đuổi con đường gian nan này. 

Nsưt Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam:Thiếu một chiến lược đào tạo

Phan Trung Kiên là một giọng bass hiếm có hiện nay, em được Ban giám khảo festival châu Á - Thái Bình Dương đánh giá rất cao. Dòng nhạc thính phòng ở Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay có khá nhiều giọng tốt, nhưng không có đất cho các em thể hiện. 

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có cuộc thi thính phòng nào lớn nên các em học sinh rất thiệt thòi, học hành đào tạo bài bản, nhưng không có môi trường để làm nghề nghiêm túc nên tài năng cũng mai một dần, hoặc nhiều em phải thay đổi dòng nhạc để kiếm sống. Hiện nay, tất cả những em theo âm nhạc cổ điển, muốn phát triển sự nghiệp của mình đều phải tìm đường ra nước ngoài học tập, thậm chí ở lại lập nghiệp. 

Đó là một hạn chế của chúng ta, không có đất cho họ dụng võ. Đào tạo âm nhạc cổ điển rất nhọc nhằn và khó khăn. Nếu nhà nước đẩy mạnh đầu tư và truyền thông đẩy mạnh quảng bá về âm nhạc cổ điển, đưa âm nhạc đỉnh cao vào giáo dục thì chúng ta mới có cơ hội phát triển dòng nhạc này.

Những tài năng như Trung Kiên, Thanh Nhài, họ đều xác định đi theo chuyên nghiệp, vậy Nhà nước cần có sự đầu tư để giúp họ phát triển sự nghiệp của mình. Hiện nay, đều là nỗ lực của gia đình, thậm chí họ phải ra nước ngoài tìm các cuộc thi để cọ xát và khẳng định mình. Chúng ta chưa có một cơ chế nào để đầu tư dài hạn cho lĩnh vực âm nhạc cổ điển, đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Nếu không có chiến lược đào tạo, thẩm mỹ nghệ thuật của người Việt sẽ có vấn đề

Chúng ta luôn nghĩ và lo lắng đời sống âm nhạc kinh điển, âm nhạc chính thống và kể cả dòng nhạc dân gian truyền thống sẽ bị mai một trước những những giá trị văn hóa nghệ thuật đương đại, đặc biệt là sự phát triển ồ ạt của nhạc giải trí, nhạc thời trang hiện nay. 

Hệ quả của nó là thu hút giới trẻ vào những thứ thời trang và chúng ta thấy, ít bạn trẻ gắn bó, đam mê với dòng nhạc mang tính bác học, có tư duy. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta không phải quá lo lắng, dù không nhiều nhưng vẫn có những người trẻ gắn bó với dòng nhạc này, thỉnh thoảng chúng ta có những giọng hát mà các em phấn đấu cật lực trong nhiều năm học và giành giải thưởng cả trong nước và quốc tế như nghệ sĩ opera Bích Thủy, Ninh Đức Hoàng Long, Phương Mai, nghệ sĩ Tùng Lâm của các quốc gia châu Âu và năm nay chúng ta có thêm Trung Kiên và Thanh Nhài, đó là những giọng hát được đào tạo bài bản và giành huy chương vàng trong cuộc thi mang tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quy mô của cuộc thi chưa hẳn lớn nhưng đây cũng là điều đáng khích lệ cho các bạn trẻ, từ đó thấy rằng ta cần phải chú tâm hơn trong việc có một chiến lược phát triển dòng nghệ thuật này và đưa nó tới gần hơn với đời sống nghệ thuật nước nhà, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của người Việt cho hôm nay và tương lai. 

Nếu chúng ta không chú ý vào những người trẻ này và có một chiến lược đào tạo thì tương lai, người Việt sẽ rất có vấn đề về tư duy thẩm mỹ nghệ thuật. 

Hạnh Nguyên
.
.
.