Nghệ sĩ violon Trần Lê Quang Tiến được giải tại cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky

Giấc mơ vẫn còn phía trước

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:51
Phải chờ đến 20 năm, kể từ khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky năm 1997 thì Việt Nam mới lại có một đại diện đoạt giải tại cuộc thi âm nhạc tầm cỡ thế giới này. Và người đoạt giải, nghệ sĩ trẻ Trần Lê Quang Tiến không ai khác chính là học trò của Bùi Công Duy.


Cậu  cũng từng được vinh danh 10 gương mặt tiêu biểu năm 2016 trong một lĩnh vực đặc biệt như nghệ thuật không hẳn được số đông quan tâm.

1.Ngôi nhà của gia đình Tiến nằm trên con phố bình yên Trúc Khê. Tiến vừa trở về sau một chuyến đi dài. Gia đình và bản thân Tiến khá ngần ngại khi tiếp xúc với báo chí. Bởi Tiến sợ sự tung hô và những danh xưng như “thần đồng” hay “tài năng đặc biệt”.

Với Tiến, con đường mới chỉ bắt đầu và em còn một chặng đường dài phía trước để học và rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ chơi đàn thực thụ. 15 tuổi, nhưng ở Tiến toát ra sự đĩnh đạc, trưởng thành. Nó không  nằm ở vẻ ngoài hào hoa của chàng trai bé nhỏ này mà ẩn sâu trong tâm hồn, là văn hóa, nền tảng giáo dục của gia đình có truyền thống và trọng văn hóa.

Nghệ sĩ trẻ Trần Lê Quang Tiến.

Chỉ có 6 tháng cho một cuộc thi lớn, Trần Lê Quang Tiến và người thầy của mình - Bùi Công Duy - đã “vượt vũ môn” một cách ngoạn mục khi Tiến giành giải cao tại cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky danh giá. Lúc Tiến biểu diễn xong, Bùi Công Duy đã chúc mừng Tiến và nói rằng, em đã cố gắng hết sức và thầy vừa lòng với những gì em làm.

“Bài ca chim ưng” của NSND Đàm Linh - một bản nhạc cổ điển của Việt Nam đã vang lên trong một cuộc thi âm nhạc cổ điển lớn của thế giới. Tiến tự hào vì điều đó. Và cậu đã chinh phục được các vị giám khảo khó tính ở đó. Tiến muốn đến nhà NSND Đàm Linh, thắp một nén hương tưởng niệm cho người quá cố, để biết ơn, để ghi nhớ.

Không phải đến bây giờ, cái tên Trần Lê Quang Tiến mới được báo chí nhắc đến mà ngay từ khi 12 tuổi, khi mới quyết định nghiêm túc theo đuổi violon được 3 năm (trước đó Tiến chơi piano, rồi lại chuyển qua violon và bỏ dở chừng vì khó), Tiến đã có những thành tích đáng nể, được coi là một hiện tượng tài năng trẻ của làng nhạc cổ điển Việt Nam.

Năm 12 tuổi, Tiến giành giải Nhất cuộc thi violon quốc tế tổ chức tại Thái Lan. Sự thẩm thấu văn hóa từ nền tảng một gia đình lớn đã giúp Tiến đi những bước dài trên con đường gian nan này.

Đến bây giờ, có trong tay kha khá những giải thưởng, nhưng đối với Tiến, con đường mới chỉ bắt đầu. Ngay khi đang chuẩn bị cật lực cho cuộc thi lớn này, Tiến vẫn song hành học văn hóa và tốt nghiệp xuất sắc các môn học tại trường quốc tế Bvis.

Tiến ít nói, cậu khá ngần ngại khi bộc lộ mình, sự thẩm thấu văn hóa ẩn sâu trong tâm hồn Tiến và tỏa ra khi cậu chơi đàn. "Thú thật là em không thích đi thi cho lắm. Còn tất nhiên, khi đã xác định đi thi thì cũng phải có tinh thần "rinh" giải thưởng.

Nghệ sĩ trẻ Trần Lê Quang Tiến nhận giải trong cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky.

Nhưng trên hết, khi tham gia các cuộc thi, với em đó là một sự trải nghiệm quý báu khi được đứng trên những sân khấu quốc tế. Em muốn được biểu diễn trên những sân khấu không phải là "sân nhà" vì những không gian mới luôn giúp em có nhiều kinh nghiệm biểu diễn hơn”. Và Tiến lặng lẽ làm theo cách của mình.

2. Nhưng tôi biết, đằng sau những thành công của chàng trai nhỏ tuổi này là sự đồng hành của gia đình. Trò chuyện với mẹ Tiến, chị Xuân Hà, người đã đồng hành cùng cậu trong những chặng đường dài đã qua, tôi hiểu, văn hóa nền tảng gia đình thực sự có ý nghĩa và ảnh hưởng đối với Tiến.

Chị đùa, nếu không có sự quyết liệt của nghệ sĩ Bùi Công Thành, bố Bùi Công Duy, khi Duy 10 tuổi ông gửi con sang Nga du học thì làm sao chúng ta có một nghệ sĩ Bùi Công Duy như bây giờ.

Còn Tiến, nếu không được lớn lên từ một gia đình trí thức, được nghe nhạc cổ điển từ khi còn trong bụng mẹ, được thẩm thấu văn hóa từ ông nội - Thượng tướng Trần Văn Quang - từ hậu duệ của nhà văn Nguyễn Tuân và chị gái, pianist Trần Lê Bảo Quyên… thì có lẽ chúng ta cũng sẽ không có một Trần Lê Quang Tiến.

Những câu chuyện về truyền thống gia đình mẹ kể cho Tiến nghe từ ngày còn bé, những bản nhạc chị vẫn mở hàng ngày trong căn nhà nhỏ, hay ngay cả trên đoạn đường đưa Tiến đi học đều thấm sâu trong tâm hồn mẫn cảm của Tiến. Chị Hà vẫn trò chuyện, chia sẻ những cảm nhận của mình về những tác phẩm con đang học.

Quang Tiến và thầy Bùi Công Duy.

Rồi những câu chuyện về truyền thống văn hóa, văn hiến của gia đình từ những tấm gương lớn như nhà văn Nguyễn Tuân, Thượng tướng Trần Văn Quang hay danh họa Nguyễn Tư Nghiêm mà chị Xuân Hà thường kể cho con nghe hàng ngày, đã có những tác động tích cực, quan trọng trong nhận thức và định hướng con đường học tập của Tiến.

Tiến bảo rằng: "Nhớ về cụ Nguyễn Tuân, mẹ thường kể về nghị lực sống, về sự cống hiến của cụ trong sự nghiệp cho dù khi đó, cuộc sống gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Em hiểu đó là lời động viên và bản thân em cũng xác định, nếu mình có gặp phải những khó khăn trong tương lai, em cũng sẽ cố gắng để vượt qua. Còn với ông nội, dù là một vị tướng nhưng cách mà ông dạy bảo con cháu lại rất mềm mỏng. Ông là người rất yêu thương em nên dù có mắng em, ông vẫn chọn cách nhẹ nhàng. Em luôn nhớ hình ảnh của ông vẫn thường ngồi đợi em đi học về ở hiên nhà mỗi buổi chiều. Tình yêu thương của ông nội chính là điểm tựa, giúp em có được tiếng đàn mềm mại, tình cảm như bây giờ".

Tiến đọc nhiều, ham hiểu biết và thích khám phá. Nhưng ngoài đời Tiến khá trầm tĩnh và ít nói. Nội tâm của em dồn vào tiếng đàn. Tôi hỏi chị Xuân Hà, vì sao định hướng cho hai đứa con theo nghệ thuật, bởi nhiều người quan niệm, làm nghệ thuật phải là con nhà nòi.

Chị Hà chia sẻ: “Đó là lựa chọn của các con. Nhưng ngay từ ngày nhỏ, các con tôi được lớn lên trong âm nhạc, hội họa, sách vở. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời không chỉ có học để một đứa trẻ có hạnh phúc. Nhiều người đang mất phương hướng và không hiểu rằng, chúng ta đang thiếu 1% để mang lại hạnh phúc đó là văn hóa”. Chị và các con của chị đã lựa chọn 1% ấy để cuộc sống hạnh phúc.

Vậy theo chị, tài năng chiếm bao nhiêu % trong sự thành công. Chị cười: “Tài năng quan trọng, nó là điểm khởi đầu quyết định có theo được con đường này hay không. Nhưng nếu chỉ có tài năng thì không đủ, đó là hành trình tập luyện, gian nan, là sự tích lũy của văn hóa, trí tuệ lâu dài”. Vì thế chị sợ những lời tung hô, bởi trong mắt chị, con trai vẫn còn là một… cậu bé.

Còn với nghệ sĩ Bùi Công Duy, giải thưởng của Tiến là một niềm vui không chỉ riêng của Duy mà với cả làng âm nhạc cổ điển Việt Nam. Phải 20 năm, một quãng thời gian quá lâu, chúng ta mới có thêm một niềm hy vọng. Và quan trọng là Tiến được đào tạo từ cái nôi của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Sau thành công của Trần Lê Công Tiến, Học viện Âm nhạc Quốc gia sẽ có những chiến lược đào tạo để Tiến có thể đi xa hơn trên con đường của mình. Bùi Công Duy muốn chia sẻ niềm vui này với cộng đồng, để lan tỏa niềm tin và tình yêu đối với nghệ thuật.

Sự thành công của Trần Lê Quang Tiến cũng khẳng định chất lượng đào tạo của âm nhạc cổ điển Việt Nam. Bùi Công Duy từng chia sẻ với tôi rằng, Việt Nam đang quá lạm dụng những danh xưng như thần đồng, tài năng, khiến nhiều học trò và gia đình bị ảo tưởng.

Đó là một hạn chế, bởi nghệ thuật là một con đường dài và nhiều gian nan. Chính trong sự đánh tráo của các giá trị ấy, anh muốn lan tỏa nhiều hơn niềm tin vào sự nỗ lực và nghiêm túc với nghệ thuật mà cậu học trò nhỏ Trần Lê Công Tiến đang theo đuổi.

Con đường âm nhạc sẽ rộng mở cho những ai thực sự yêu và chân thành với tình yêu của mình, như  hàng ngày, dù nắng, mưa, đêm, ngay trong ngôi nhà phủ đầy cây xanh của Trần Lê Công Tiến, tiếng violon ngọt ngào của em vẫn vang lên... Và âm nhạc, thực sự đẹp và giàu có, nếu người nghệ sĩ ấy biết cống hiến.

Dù cho biết mình “không thích đi thi” nhưng trong 4 năm qua, Trần Lê Quang Tiến đã có nhiều thành tích và giải thưởng quốc tế: giải nhất cuộc thi violon quốc tế tại Thái Lan năm 2014, học bổng Toyota năm 2015, giải Nhất violon quốc tế tại Kazakhstan (International Violin Competition Kazakhstan) năm 2016 và giải thưởng đặc biệt Trình diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại Tchaikovsky Competition for Young Musicians lần thứ 10 năm 2017.

Cuộc thi Violon quốc tế tại Kazakhstan là cuộc thi uy tín Châu Âu được tổ chức hàng năm tại thành phố Astana - Thủ đô của Kazakhstan dành cho lứa tuổi từ 10 đến 28, được chia làm 2 Bảng: Junior (10 đến 17 tuổi) và Senior (17 – 28). Mỗi Bảng thi được phép chọn ra tối đa 6 thí sinh vào chung kết, có 3 giải (Nhất, Nhì, Ba) và 3 Diplom finalist. Cuộc thi đã chọn được 40 thí sinh tham gia cho 2 bảng đến từ các nước như: Ucrain, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Nhật, Tiệp Khắc, Việt Nam, Ý. Và Trần Lê Quang Tiến đến từ Việt Nam đã đoạt giải Nhất bảng Junior.

Việt Hà
.
.
.