Giáo hoàng Francis, từ nhân vật vô danh trở thành "Nhân vật của năm 2013"

Thứ Sáu, 20/12/2013, 10:30

Tạp chí Time (Mỹ) vừa xướng tên người đứng đầu trong cuộc bình chọn "Nhân vật của năm 2013"- Giáo hoàng Francis. Hãy cùng khám phá điều gì đã giúp vị giáo hoàng nổi tiếng giản dị, khiêm nhường của tòa thánh Vatican nhận được danh hiệu này.

Chiến thắng bằng tình yêu đồng loại không giới hạn

Tiêu chí đầu tiên để các biên tập viên của tạp chí danh tiếng Time bình chọn cho Giáo hoàng Francis là vì ông có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong năm 2013, dù chỉ sau thời gian ngắn ngủi (9 tháng) nhậm chức, ông đã trở thành tiếng nói mới của lương tri.

Trong thời gian trên, ông là trung tâm trong tất cả những cuộc nói chuyện quan trọng bậc nhất trên thế giới về các chủ đề: thịnh vượng và nghèo đói, sự minh bạch, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, vai trò của nữ giới, bản chất của hôn nhân và sự cám dỗ của quyền lực.

"Hiếm có một nhân vật mới xuất hiện trên trường quốc tế lại nhanh giành được nhiều sự chú ý đến vậy, từ giới trẻ lẫn người già, các tín đồ và không phải tín đồ Thiên chúa"- tổng biên tập tạp chí Time - Nancy Gibbs cho biết.

Đầu tháng 12, tạp chí Time đã rút gọn danh sách và cho công bố 5 gương mặt cuối cùng cho vị trí "Nhân vật của năm 2013" bao gồm: Tổng thống Syria Bashar Assad, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz,  nhà hoạt động vì người đồng tính nam Edith Windsor và cựu điệp viên CIA Edward Snowden cùng Giáo hoàng Francis. Tới phút chót, Giáo hoàng Francis đã giành chiến thắng trước cựu điệp viên Snowden để giành danh hiệu "Nhân vật của năm 2013".

Giáo hoàng Francis (76 tuổi) tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ra tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ông nhậm chức Tổng giám mục của Argentina vào năm 1998 và trở thành Hồng y giáo chủ vào năm 2001. Tháng 3/2013, ông được tòa thánh Vatican chọn làm Giáo hoàng, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI (86 tuổi) - người tuyên bố từ chức ngày 11/2 vì tuổi cao sức yếu.

Trước khi trở thành người lãnh đạo của 1,2 tỷ con chiên theo đạo Thiên Chúa, Giáo hoàng Francis đã nổi tiếng vì đức tính khiêm nhường và quan tâm tới những người nghèo khổ.

"Là Giáo hoàng, ông đã bất ngờ nắm quyền tại Vatican và trở thành lãnh đạo đưa một "đế chế" rộng lớn - với số con chiên bằng dân số Trung Quốc - vào trật tự. Trước đó, "đế chế" này đang tụt dốc bởi nạn quan liêu, nhiều bê bối, quá mâu thuẫn đối với những ai muốn nghiên cứu, quá bí ẩn đối với những ai chưa từng biết về Thiên Chúa giáo, đến nỗi khoảng cách giữa Giáo hoàng và những tầng lớp nghèo khổ của thế giới tưởng chừng như không thể san lấp"- tạp chí Time bình luận.

Trong bản công bố kết quả, tạp chí Time nhận xét: "Điều khiến Giáo hoàng trở thành người quan trọng chính là tốc độ mà ông bắt nhịp với suy nghĩ của hàng triệu người, những người từng từ bỏ hoàn toàn niềm hy vọng vào nhà thờ".

"Chỉ trong vòng vài tháng, Giáo hoàng Francis đã nâng tầm sứ mệnh hàn gắn của nhà thờ khi phục vụ và lắng nghe nỗi đau của những con người cơ cực trên thế giới. Điều đó vượt trên cả công việc bảo vệ học thuyết, từng quá quan trọng với những người tiền nhiệm của ngài: John Paul II và Benedict XVI đều là giáo sư về thần học. Khi Francis hôn những người bệnh thiệt thòi về ngoại hình hay rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo, hình ảnh đó đã vượt ra khỏi ranh giới của Nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Francis từng là một quản gia, nhân viên bảo vệ hộp đêm, một kỹ thuật viên hóa học và giáo viên văn học"- tạp chí Time viết.

Phát ngôn viên Tòa thánh Vatican - Federico Lombardi khẳng định: "Đây là một dấu hiệu tích cực khi một trong những tờ báo có uy tín nhất thế giới tôn vinh người truyền bá tư tưởng, tôn giáo và những giá trị đạo đức và là người kêu gọi hòa bình và sự công bằng".

"Về phần mình, Đức cha không mong trở thành người nổi tiếng hay nhận được các danh hiệu. Nhưng nếu danh hiệu này giúp mọi người lấy lại niềm hy vọng, Giáo hoàng sẽ rất vui lòng. Nếu việc được chọn là Nhân vật của năm giúp truyền bá rộng khắp tình yêu của Chúa tới tất cả mọi người, chắc chắn ngài sẽ cảm thấy vui vì điều đó"- ông Lombardi nói thêm.

Những điều chưa biết về Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis xuất thân trong một gia đình trung lưu có 5 người con và cha ông - Mario Jorge là công nhân đường sắt gốc Italia. Giáo hoàng Francis thường di chuyển bằng xe buýt và tự nấu ăn. Ngoài khả năng nói tiếng Tây Ban Nha, ông còn thành thạo tiếng Ý và Đức. Francis từng nhận được số phiếu ủng hộ nhiều thứ hai sau Joseph Ratzinger vào năm 2005 trong một mật nghị bầu Giáo hoàng.

Ông Bergoglio chưa từng sống trong khu nhà thờ trang hoàng xa hoa lộng lẫy tại Buenos Aires trong suốt thời gian nắm chức vụ Tổng giám mục. Thay vào đó, ông thích cuộc sống giản dị trong một căn phòng nhỏ tại trung tâm thành phố với chiếc bếp sưởi nhỏ dùng để sưởi ấm.

Khi được bầu làm Giáo hoàng, Francis đã không đi đôi giày màu đỏ được thiết kế riêng cho mình mà ông đã chọn đôi giày màu đen phù hợp với đôi chân.

Giáo hoàng Francis có lượng người theo dõi trên Twitter khổng lồ là 3.348.650 người.  Ông đã tổ chức Thánh lễ rửa chân đầu tiên cho các phạm nhân trẻ trong một nhà tù tại Rome.

Theo thông báo từ Vatican, khi còn trẻ, Giáo hoàng Francis đã phải cắt bỏ một lá phổi do bị nhiễm trùng. Francis là Giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu kể từ thời Gregory III - người sinh ra tại vùng đất là Syria ngày nay và được bầu làm Giáo hoàng năm 731

Minh Nguyên (tổng hợp)
.
.
.