Ái Vân:

Gió sẽ cuốn đi những ký ức buồn

Thứ Tư, 01/06/2016, 11:32
Ở tuổi 62, nhìn lại biến cố hơn 30 năm về trước, về cuộc ra đi gần như là lựa chọn không thể khác, Ái Vân cay đắng thừa nhận: "Khi sân khấu càng sáng chói bao nhiêu thì trong cuộc đời riêng lại càng u ám bấy nhiêu và tôi không lối thoát". Ra đi, trốn chạy hay rời bỏ, là lựa chọn đau đớn nhất của một người đàn bà ở tuổi không còn trẻ nữa.

Chúng ta vẫn thường nhìn thấy một người nghệ sĩ trên sân khấu, trong ánh sáng lộng lẫy, trong trang phục đẹp và trong tiếng vỗ tay của khán giả. Tưởng như cuộc đời của họ chỉ toàn hoa gấm vàng son, chỉ toàn niềm vui và hưởng thụ, chỉ toàn hạnh phúc. Nhưng kỳ thực phía sau sân khấu rực rỡ, có không ít nghệ sĩ sống trong nỗi buồn, và đôi khi, cả sự u ám của số phận. Họ phải vượt qua khó khăn hoạn nạn trong đời riêng để tiếp tục cống hiến. Và để hiểu được cuộc đời một người nghệ sĩ, hồi ký là một cánh cửa.

Tất nhiên Ái Vân không mở hết các cánh cửa để thỏa mãn sự tò mò của công chúng về cuộc đời thăng trầm của chị. Nhưng bằng những gì chị bày biện trên cuốn sách nhỏ xinh với tên gọi "Để gió cuốn đi", công chúng đã có thể hiểu ít nhiều về cuộc đời của một nữ danh ca nổi tiếng cả về nhan sắc và giọng hát một thời. Một người đàn bà đẹp của nghệ thuật.

        Ái Vân trong ngày ra mắt cuốn hồi ký.

Phần lớn nghệ sĩ viết hồi ký thường cần đến người chắp bút. Họ muốn những người có tài diễn đạt kể lại câu chuyện cuộc đời mình để cuốn sách mang một vẻ đẹp nào đó. Nhưng Ái Vân không làm vậy. Ái Vân tự viết. Tự viết một cách tự tin, không cố tỏ ra màu mè cũng không không cầu kỳ chữ nghĩa. 

Chị viết giống như cách tự thủ thỉ kể chuyện. Kể với những người bạn về cõi lòng của mình. Về "gánh nặng" đè lên tâm hồn và cuộc sống của chị trong nhiều năm tháng thăng trầm bể dâu của đời người. Chị viết cũng là để thực hiện ước nguyện của cha mình, người mà trước khi rời xa cõi đời đã dặn, con phải kể lại cuộc đời mình, giải thích lý do con rời bỏ quê hương, cha mẹ ra đi, để mọi người hiểu. 

Ái Vân đã xác lập một thái độ cực kỳ trung thực để viết hồi ký, sẵn sàng đối diện với sự thật cuộc đời mình với nhiều trang khác nhau, trong đó không ít những trang đau buồn, u uẩn. Đọc xong hồi ký của chị, gấp sách lại, tôi có một cảm giác lạnh. Cái lạnh chạy dọc sống lưng, buốt nhói. Tôi thương chị, thương một kiếp hồng nhan đa truân, và cũng là thương cho số phận của những người đàn bà đã trót dan díu cùng nghệ thuật. 

Đành rằng giờ phút này, Ái Vân chẳng cần xót thương từ ai, bởi chị đang hạnh phúc. Hoa trái của cuộc đời rồi cũng vẫn ngát hương dù cho muôn ngàn cay đắng dập vùi mà số phận dường như đã thử thách chị trong nhiều năm tháng. Và Ái Vân, chị cũng đâu viết hồi ký chỉ cho bản thân mình. Những câu chuyện đời chị kể, cũng là câu chuyện về một thời đã xa. 

Một thời mà người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ làm nghệ thuật vẫn còn phải sống trong nhiều hệ lụy, định kiến, trong những khó khăn rào cản do chính mình và xã hội tạo nên. Nhưng trắc trở cũng sinh ra từ đó. Để vượt qua, người nghệ sĩ phải hy sinh rất nhiều, phải chịu những tổn thương, rớm máu. 

Từ câu chuyện thực tế về cuộc đời của Ái Vân, tôi chắc rằng rất nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ chị sẽ thấy bóng dáng mình trong đó. Những vinh quang và cay đắng mà họ từng trải qua. Những nỗi niềm riêng luôn luôn phải cất giấu trong lòng, không dễ gì trang trải.

Trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, Ái Vân là một cái tên đẹp, một sự ngưỡng mộ, kỳ vọng mỗi khi nhắc tới. 15 tuổi cô gái gầy gò có khuôn mặt đẹp thánh thiện đã chạm ngõ điện ảnh trong bộ phim "Chị Nhung" nổi tiếng. Vai diễn đầu tiên ấy đã biến cô học trò nhỏ trở thành một người nổi tiếng. 

Ái Vân trong vai diễn chạm ngõ điện ảnh.

Nhưng để trở thành một gương mặt, một biểu tượng, như cách bây giờ chúng ta vẫn gọi là "ngôi sao" thì Ái Vân chỉ thực sự khi gắn bó cùng âm nhạc. Người đàn bà của "Triệu đóa hồng" một thời đã đốn tim không biết bao nhiêu chàng trai, bởi giọng hát và nhan sắc. Những chàng trai mới lớn dành tiền ăn quà sáng để mua những bức ảnh nhỏ xíu của Ái Vân bán ngoài tiệm sách về cất trong ví hay dán đầu giường. Có ai đâu ngờ, "người trong mộng" của biết bao chàng trai thủa ấy lại trải qua một cuộc sống riêng nhiều biến cố gian nan đến vậy.

Nói về cuộc ra đi của mình, vào những năm mà tên tuổi, sự nghiệp của mình đang ở giai đoạn đỉnh cao, Ái Vân ngậm ngùi. Nước mắt chị đã rơi trong buổi ra mắt cuốn hồi ký, nhưng tôi biết nước mắt chị còn rơi nhiều hơn khi đối diện những trang giấy trắng và viết lại đời mình trên đó. 

Ở tuổi 62, nhìn lại biến cố hơn 30 năm về trước, về cuộc ra đi gần như là lựa chọn không thể khác, Ái Vân cay đắng thừa nhận: "Khi sân khấu càng sáng chói bao nhiêu thì trong cuộc đời riêng lại càng u ám bấy nhiêu và tôi không lối thoát". Ra đi, trốn chạy hay rời bỏ, là lựa chọn đau đớn nhất của một người đàn bà ở tuổi không còn trẻ nữa. 

Ái Vân sòng phẳng trong cuốn sách, chị không có lý do liên quan đến chính trị hay kinh tế để ra đi, mà hoàn toàn là vì chuyện riêng. Những khủng hoảng của một đời sống riêng không như ý, với rất nhiều ký ức không biết gọi tên là gì cho đúng với mình và không làm tổn thương người liên quan, đã buộc Ái Vân bỏ lại phía sau rất nhiều thứ quý giá. 

Đó không chỉ là một sự nghiệp đang vô cùng suôn sẻ, thuận lợi. Đó còn là gia đình, cha mẹ, đứa con còn nhỏ xíu, để bắt đầu ở một vùng đất xa lạ với hai bàn tay trắng. Những năm tháng chông chênh, tha hương nơi xứ người, ôm trong lòng một khối tâm tư trĩu nặng đã không thôi giày vò người nghệ sĩ. Cái giá đắt ấy không ai có thể đo đếm và chính người trong cuộc cũng không thể đong đếm.

Người đàn bà đẹp tài năng Ái Vân đã lên 3 chuyến đò trong cuộc đời mình. Có lẽ không một người đàn bà nào muốn trải nghiệm nhiều thử thách như vậy, trừ khi chính số phận bắt họ phải vượt qua. Đọc hồi ký "Để gió cuốn đi" của Ái Vân, có lúc cảm xúc bị đột ngột cắt quãng, khi chị bỏ trống gần 8000 chữ, là những trang chị viết về cuộc hôn nhân thứ 2 của mình và cũng là một trong những nguyên nhân khiến chị rời bỏ quê nhà ra đi, chịu nhiều tai tiếng.

Đã quyết thành thật với chính mình khi cầm bút viết tự truyện, nhưng rồi có những đoạn đời đã qua, chị không thể bày lên trang sách. Dù cho chị đã viết ra, đã thành thật không giấu giếm, đã chấp nhận đối diện lại những ký ức đau đớn của mình. 

"Tôi không thể đưa những trang viết đó đến công chúng. Đối với tôi, ký ức đó kinh khủng quá, đau đớn và nhục nhã quá. Tôi không đạo đức giả, cũng không sợ sự thật, nhưng tôi sợ cho người liên quan trong đấy và lo rằng con trai tôi sẽ phải chịu đựng thêm những nỗi buồn, sau 1 lần đã từng bị mẹ bỏ lại. Tôi xin độc giả cho tôi góc riêng tư một chút vì muốn giữ gìn cho cháu".

Mỗi con người trong đời mình có biết bao nhiêu niềm trắc ẩn. Và nếu cầm bút lên, tôi nghĩ, cuộc đời nào cũng là một cuốn sách với nhiều chương vui buồn khác nhau. Cuộc đời một người phụ nữ đẹp, lại tài năng như Ái Vân chắc chắn phải là một cuốn sách được nhiều người quan tâm. Nhưng tôi nghĩ Ái Vân viết sách không phải để đáp lại sự quan tâm đó của công chúng. Như chị đã nói, chị "trả nợ" cuộc đời. 

Viết hồi ký là được sống lại với những khoảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng là phải đối diện với nỗi buồn, với đau khổ, mất mát. Thậm chí có những ký ức không dễ gì có thể đối diện trở lại. Ái Vân phải đối diện lại, để một lần sòng phẳng với chính mình, để được thanh thản trong những năm tháng tương lai. 

"Đôi lúc nhìn lại tôi thấy cuộc đời mình vẫn đầy may mắn. Tôi hài lòng với cả những thử thách mà mình trải qua. Không ai có được cuộc sống bằng phẳng cả. Số phận luôn có cách thử thách con người. Trải qua mọi sóng gió, tôi quay nhìn lại, thấy biết ơn cả những đau khổ của mình. Bây giờ chỉ còn lại hạnh phúc".

Có một người đàn ông bên cạnh mình, là bến bờ yên ấm, là chỗ dựa vững chắc cho mình tựa vào, Ái Vân đang làm một người đàn bà hạnh phúc. Sau bao nhiêu biến cố, chị xứng đáng được như vậy. 

Những gì chị kể trong hồi ký, sẽ làm độc giả thấu hiểu hơn, cảm thông hơn với những người đàn bà làm nghệ thuật. Và dám lựa chọn cả nghiệt ngã để được sống đúng với mình, là chính mình cũng chính là bài học giá trị với tất thảy phụ nữ, không chỉ ở Việt Nam và không chỉ trong một thời kỳ nào đó. Ái Vân "trả nợ" cho chính mình bằng cuốn sách hồi ký, rồi "Để gió cuốn đi" thôi, nhưng đọc cuốn sách nhỏ xinh của chị xong, thì tôi lại thấy, với chị, gió thực ra chỉ cuốn đi những ký ức buồn, còn niềm vui ở lại…

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.