Ca sĩ Phạm Thu Hà:

Giữ tâm hồn thanh sạch như chính âm nhạc mình đang theo đuổi

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:13
Phạm Thu Hà sinh năm 1982, là ca sĩ hát nhạc bán cổ điển. Cô đến với âm nhạc chậm, muộn, không vội vàng.


Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thanh, trong vai trò nhà sản xuất đã rất bất ngờ khi phát hiện ra Phạm Thu Hà. Anh nhận xét, trong dòng nhạc bán cổ điển ở Việt Nam, ca sĩ nam thì đã có Ðức Tuấn. Nhưng phải đến Phạm Thu Hà, anh mới tìm thấy một giọng nữ thuyết phục. Một giọng hát cổ điển được đào tạo bài bản không chỉ tồn tại trong khán phòng, mà có thể tồn tại được cả trong thế giới showbiz nhiều cạnh tranh và đa dạng thị hiếu.

Sau các album nhạc rất được công chúng đón nhận: “Classic meets Chillout”, “Tựa như gió phiêu du” và “Hà Nội yêu”, Phạm Thu Hà trở lại với khán giả bằng đĩa than có tên “Ðường em đi”, gồm 8 tuyệt phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy  như “Chiều về trên sông”, “Cỏ hồng”, “Ðường chiều lá rụng”, “Tiếng sáo Thiên thai”, “Ðường em đi”, “Mùa thu chết” (phần lời từ bài thơ L'Adieu của Guillaume Apollinaire),“Tiễn em”, “Còn gì nữa đâu”... Ðây là những ca khúc vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua giọng hát của các danh ca như  Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu… 

Vượt qua cảm giác “leo núi”, Phạm Thu Hà tự tin mình sẽ mang đến cho công chúng những gam màu thật đặc biệt trong âm nhạc Phạm Duy, khác với những giọng ca đã từng hát thành công trước đó...

- Mừng sự trở lại của Phạm Thu Hà với đĩa nhạc mới “Đường em đi” gồm những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy. Vì sao là ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, chứ không phải nhạc sĩ khác?

+ Lý do tôi chọn những ca khúc của Phạm Duy cho đĩa nhạc mới của mình, là bởi ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho thời kỳ nền âm nhạc Việt Nam hưng thịnh và rực rỡ nhất. Những ca khúc của ông lại rất hợp với chất giọng của tôi. Và quan trọng nữa là, tôi đặc biệt yêu thích các tác phẩm của Phạm Duy. Tôi nghĩ một người ca sĩ sẽ hát tốt nhất những tác phẩm âm nhạc mà họ yêu thích, đồng cảm thực sự.

- Điều cốt lõi nhất Phạm Thu Hà tìm thấy trong âm nhạc Phạm Duy là gì?

+ Có lẽ đó  tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước . “Tính dân tộc” trong âm nhạc Phạm Duy như minh chứng cho “tình yêu nước nồng nàn” được thể hiện suốt cuộc đời cũng như trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Tôi nhận thức được rằng, trong gia tài âm nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của Phạm Duy, cái cốt lõi cơ bản nhất, sâu sắc nhất hình thành nên giá trị di sản của ông, chính là gốc rễ văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức ông. Những yếu tố đó đã hình thành nên hình ảnh quê hương khó phai nhòa trong lòng Phạm Duy, để ông có thể dùng âm nhạc mà gắn bó cả đời mình với dân tộc. Đó là điều tôi đặc biệt ngưỡng mộ ông.

- Nhạc sĩ Duy Cường đảm nhiệm phần hòa âm cho đĩa nhạc mới của Phạm Thu Hà. Chắc chắn rằng, là nhạc sĩ hòa âm tài năng, lại là con trai của cố nhạc sĩ Phạm Duy, Duy Cường sẽ là người hiểu sâu sắc về âm nhạc của cha mình. Nhưng, công chúng cũng đã quen với nhiều bản phối của Duy Cường trên âm nhạc Phạm Duy. Lựa chọn của Thu Hà như vậy liệu có thể hiểu là chọn phương án an toàn, sẽ không có yếu tố lạ, ngạc nhiên với công chúng?

+ Tôi là lớp thế hệ trẻ hát nhạc Phạm Duy. Để có thể hát hay như các thế hệ danh ca đi trước đã từng thành công với âm nhạc Phạm Duy, đối với tôi giống như việc vượt qua một ngọn núi. Tôi tìm đến nhạc sĩ Duy Cường bởi tôi biết chính là Duy Cường và chỉ có Duy Cường mới hiểu sâu sắc được âm nhạc của cha mình. 

Hát nhạc Phạm Duy trước tiên phải hát đúng thì mới có thể ra được tất cả ý tứ và cảm xúc ông gửi gắm vào mỗi ca khúc. Tất nhiên, đúng mà lại khác lạ trong phần hoà âm so với các bản phối thành công trước đây là rất khó, nên nhạc sĩ Duy Cường và tôi đã chọn cách làm mới nhưng không lạ ở cách hoà âm. Chúng tôi thu âm cùng dàn nhạc thính phòng, cố gắng hết sức để tạo ra một sản phẩm mang hơi hướng bán cổ điển đúng nghĩa. Với tôi, mỗi khi nhắm mắt lại và nghe, cảm nhận tôi đều cảm thấy phần phối lần này của nhạc sĩ Duy Cường trong mỗi ca khúc ở đĩa nhạc  

“Đường em đi” giống như một bức tranh sống động. Mặc dù nghe có vẻ kịch tính, hoành tráng hơn các bản phối trước đó nhạc sĩ Duy Cường đã làm cho một số ca sĩ khác, nhưng khán giả sẽ thấy màu sắc cổ điển đặc trưng của âm nhạc Phạm Duy không hề mất đi. Có lẽ bởi vậy mà nhạc sĩ Duy Cường mới được bạn bè anh em cùng giới đặt cho biệt danh "phù thuỷ hoà âm".

Họp báo ra mắt đĩa nhạc "Ðường em đi"

- Phát hành một đĩa than, câu chuyện vẫn còn là “mạo hiểm” với phần lớn ca sĩ, vì tính chất “sang chảnh” của nó. Đĩa than không dễ bán và không dễ có nhiều người nghe. Đây phải chăng chỉ là cuộc chơi của Thu Hà, bởi nếu tính chuyện doanh thu thì nhiều khả năng có thể sẽ... lỗ?

+ Trước tiên, xin khẳng định với bạn là tôi không lỗ. Và tôi nghĩ  đây là câu trả lời xác đáng nhất cho việc tôi có đang mạo hiểm hay không.

- Gần đây, có một số ca sĩ, trong đó có Phạm Thu Hà quay trở lại với việc phát hành đĩa than. Người nghe thì còn ít lắm, nhưng không phải không có. Hà có dự đoán gì về tương lai của đĩa than trong đời sống âm nhạc Việt những năm sắp tới?

+ Tôi có biết một cộng đồng từ Bắc tới Nam sử dụng đĩa than rất nhiều. Chính tôi cũng là thành viên trong cộng đồng đó. Sinh hoạt chung trong cộng đồng này, chúng tôi tìm được điểm chung là đam mê âm nhạc và yêu thích những gì thuộc về truyền thống. Tôi được học nhiều điều từ các anh chị toàn những người trước tôi mấy thế hệ. Đĩa than đang quay trở lại với đời sống âm nhạc, là sự lựa chọn của những người nghe nhạc có lựa chọn, có gu thẩm mỹ tốt. Tôi lạc quan dự đoán rằng, trong tương lai, không chỉ thị trường đĩa than phát triển mà cả thị trường băng cối, băng casette cũng sẽ phát triển trở lại.

- Theo Thu Hà, trong tình hình thị trường âm nhạc hiện nay, thì cái khó khăn nhất của một ca sĩ hát nhạc bán cổ điển như bạn là gì?

+ Cái khó nhất của một ca sĩ bán cổ điển như tôi là phải luôn tìm tòi, làm mới mình từ âm nhạc đến hình ảnh cho kịp thời đại - thị hiếu mà vẫn không mất đi màu sắc kinh viện của âm nhạc cổ điển.

- Theo học dòng nhạc cổ điển, khi làm những tác phẩm nghiêm túc, người ca sĩ phải đầu tư rất tốn kém. Việc này liên quan đến tài chính, tức là phải có nhiều tiền thì mới làm ra được sản phẩm tốt, ưng ý, không dễ mà ăn xổi ở thì như trong nhạc trẻ. Thu Hà có thấy mình may mắn khi có gia đình gồm các thành viên làm nghệ thuật hỗ trợ, để ít nhất thì không phải nghĩ quá nhiều đến vấn đề tài chính, yên tâm làm nghệ thuật?

+ Thực sự tôi cảm thấy mình may mắn vì có được hậu thuẫn từ gia đình. Mọi người rất thương yêu tôi và nâng đỡ tôi rất nhiều, hỗ trợ tôi bất cứ khi nào tôi cần. Bên cạnh đó, tôi còn được gặp các nhạc sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh - người luôn tư vấn cho tôi về phong cách trong âm nhạc, chỉ cho tôi con đường đi giúp tôi kiên định, hay nhạc sĩ Vũ Anh Tuấn - anh rể của tôi tại hải ngoại, người giúp đỡ cho tôi về các vấn đề liên quan đến âm nhạc bên Mỹ... Và còn rất nhiều nhạc sĩ khác đã giúp đỡ tôi từng bước đi trong sự nghiệp mà không màng đến chuyện tài chính. Họ là những người lấy uy tín và trách nhiệm của người làm nghề đặt lên trên hết. Nói thật, nếu không có những người giỏi giang tâm huyết như vậy ở bên, tôi cũng không biết mình sẽ phải xoay xở ra sao nữa.

- Với những ca sĩ trẻ hát nhạc bán cổ điển vừa mới bước chân vào nghề, Phạm Thu Hà muốn chia sẻ điều gì?

+ Tôi chỉ có một mong muốn là các thế hệ sau tôi hãy rèn giũa trau dồi và không ngừng học hỏi sáng tạo. Hãy giữ gìn một thể chất tốt, một tâm hồn thanh sạch như chính âm nhạc của mình đang theo đuổi. Và điều này nữa, có thể có chút ngược tai nhưng tôi sẽ vẫn nói với các bạn trẻ, rằng hãy đam mê nhưng đừng hy vọng. Tôi nghiệm ra rằng, làm nghệ thuật chỉ đam mê là đủ. Đừng hy vọng, bởi bất cứ thứ gì khi ta làm có mục đích, ta sẽ thất bại.

- Xin cảm ơn ca sĩ Phạm Thu Hà.

Quỳnh Vũ (thực hiện)
.
.
.