Hạnh Phúc là sự cho đi

Thứ Năm, 25/04/2019, 12:01
Có nhiều cách thức để tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống, người thì tìm kiếm niềm vui từ những tiện nghi hiện đại trong cuộc sống, từ những thú chơi tao nhã, hay từ việc đọc sách, đánh đàn… Nhưng với một nhân vật dưới đây, hạnh phúc là để cho đi vì cộng đồng, như ông tâm niệm.


Nhưng với tỷ phú công nghệ thông tin Ấn Độ, ông Azim Premji, niềm vui của ông chính là sự cho đi. Đó là lý do mới đây ông đã thể hiện sự hào phóng của mình khi cam kết làm từ thiện số tiền lên đến 7,5 tỷ USD, nâng tổng số tiền đóng góp của ông lên khoảng 21 tỷ USD...

Ông Azim Premji, 73 tuổi, là  tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ, xếp thứ 51 trong danh sách tỷ phú toàn cầu do Bloomberg khảo sát; đồng thời là chủ tịch của Tập đoàn Wipro (WIT), đã cho đi sự giàu có của mình trong một thời gian dài. 

Ông là người Ấn Độ đầu tiên ký Cam kết Giving, một chiến dịch do Warren Buffett xây dựng với vợ chồng tỷ phú Bill Gates nhằm khuyến khích các tỷ phú trên khắp thế giới cam kết nhượng lại một phần tài sản của họ để làm từ thiện. Vị tỷ phú này hiện cũng đang chiếm 80% các khoản quyên góp lớn, tương đương hơn 100 triệu rupee (khoảng 1,4 triệu USD) trong khoản đóng góp chung.

Số tiền 7,5 tỷ USD  sẽ được chuyển vào Qũy Azim Premji Foundation, quỹ từ thiện do ông sáng lập, hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ hơn 150 tổ chức phi lợi nhuận, giúp đỡ người nghèo, kém may mắn ở Ấn Độ. 

Quỹ này cũng thành lập Đại học Azim Preji ở Bangalore nhằm đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục, y tế, môi trường và thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu. Với đóng góp mới nhất là số tiền lớn của tỷ phú Azim Premji, quỹ từ thiện mang tên ông sẽ tiến hành nhiều hoạt động thiết thực như đào tạo thêm nhân sự cho ngành giáo dục bằng cách tăng số lượng sinh viên của Đại học Azim Preji lên 5.000, giảng viên và cán bộ lên 400 người và có khả năng sẽ mở thêm một trường đại học nữa ở miền Bắc của Ấn Độ.

“Với động thái này, tổng giá trị dành cho các hoạt động từ thiện của ông Premji đã lên tới 21 tỷ USD, trong đó bao gồm 67% cổ phần tại Wipro”, thông cáo của Quỹ từ thiện Azim Premji Foundation cho hay. Deval Sanghavi, đồng sáng lập Công ty từ thiện chiến lược Dasra cho biết: “Ông ấy là người đóng góp lớn nhất ở Ấn Độ và thậm chí trên cả thế giới”.

Là một người đàn ông kín đáo, ông Premji hiếm khi nói trước công chúng hoặc giới truyền thông. Tuy nhiên, trong những năm qua, lối sống khiêm tốn khác thường và sự hào phóng của ông đã khiến ông nhận được nhiều sự ngưỡng mộ. Những câu chuyện về việc ông ngồi máy bay giá rẻ, hoặc đôi khi ngồi trên một chiếc xe kéo gây ấn tượng với nhiều người.

Tập đoàn Wipro được cha của tỷ phú Premji thành lập vào năm 1945, là công ty thuê ngoài lớn thứ 3 tại Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất dầu thực vật. Năm 1996, khi cha qua đời, ông bỏ dở chương trình học tại Đại học Stanford (Mỹ) để trở về tiếp quản, lãnh đạo công ty kinh doanh dầu ăn của gia đình và sau đó mở rộng sang lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin vào những năm 1980. 

Sau đó, đưa công ty phát triển thành một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ, với hơn 160.000 nhân viên trên toàn thế giới và hơn 1.200 khách hàng trong các ngành công nghiệp từ hàng không vũ trụ đến bán lẻ. Wipro hiện có một trung tâm sáng tạo tại Thung lũng Silicon, tập trung vào phát triển công nghệ và hợp tác với các startup.

Thực ra, ngoài ông Premji, cũng có khá nhiều các tỷ phú Ấn Độ khác cho đi sự giàu có của mình bằng việc quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện như gia đình Nilekani - đã cam kết dùng 50% tài sản của họ cho hoạt động này. 

Hay Kiran Mazumdr-Shaw, một nữ tỷ phú từng được Forbes vinh danh bởi những đóng góp về công nghệ sinh học, cũng cam kết dùng 75% tài sản dành cho từ thiện. Và nhiều, rất nhiều gia đình khác ở Ấn Độ đã tài trợ cho bệnh viện, trường học, nhà bếp cộng đồng, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học.

Có thể thấy hoạt động từ thiện ở Ấn Độ đang phát triển, nhưng theo lời ông Sanghavi, đồng sáng lập Công ty từ thiện chiến lược Dasra thì nó không phát triển đủ nhanh. Từ năm 2014 đến 2018, hoạt động từ thiện tư nhân ở Ấn Độ đã tăng 15% mỗi năm, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng các hộ gia đình siêu giàu ở Ấn Độ trong 5 năm qua là 12%.

Ingrid Srinath, Giám đốc Trung tâm Tác động xã hội và từ thiện, Đại học Ashoka, bang Delhi, Ấn Độ, cho biết lý do những người giàu ở nước này chưa “mạnh tay” trong việc cho đi là vì sự giàu có ở Ấn Độ vẫn chỉ mới bắt nguồn từ một thế hệ, họ cảm thấy không đủ an toàn để cho đi và “không muốn trở thành đối tượng bị chú ý hoặc trở thành đối tượng cho việc xin tiền”.

Chẳng hạn như Đại học Ashoka nơi bà Ingrid làm việc được tài trợ bởi khoảng 100 nhà từ thiện, mỗi người đã cho hơn 1,4 triệu USD nhưng từ chối công khai danh tính, “thật không hay khi nói về số tiền bạn đang cho đi”.

Hạnh phúc là sự cho đi, nhưng xin đừng nghĩ rằng chúng ta phải là tỷ phú, phải giàu có, phải dồi dào về vật chất thì mới có thể cho đi, vì nếu biết cho đi chúng ta ai cũng là người giàu có. Khi chúng ta cho đi, thứ chúng ta nhận lại là sự bình an, hạnh phúc trong lòng, là sự quý mến, tôn trọng và yêu thương...

Hãy biết cho đi để cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa, để cuộc sống của chúng ta được hạnh phúc hơn.

Xuân Trường
.
.
.