Nhạc sỹ - ca sỹ Lê Cát Trọng Lý:

Hành hương tìm mộng

Thứ Năm, 10/03/2016, 10:12
Mỗi lần nhìn Lý, nghe Lý nói chuyện, tôi cứ nhớ tới hình ảnh chàng hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry. Chàng đã sa vào “cơn rơi lệ” chỉ vì một đóa hồng đã “thuần hóa” cõi lòng chàng.

Cô con gái nhỏ của gia đình Lê Cát ấy, cũng giống như chàng hoàng tử bé của tiểu tinh cầu B612, có điều gì đó thơ mộng, u uẩn đến nát tan cõi lòng. Trước khi tiếng ca cất lên hòa cùng cây lá, đôi bàn chân nàng đã tản mạn, hành hương tìm mộng lành.

Nếu không biết tuổi của Lý, người ta sẽ tưởng đây chỉ là một cô bé đang ở độ tuổi thiếu niên. Bởi đôi mắt cô lúc nào cũng như chực chờ giãn ra, xoe tròn nếu gặp điều gì tò mò hoặc thích thú. Lý đã mang cái bản mặt trẻ măng của mình hành hương, chu du trong âm nhạc và xây dựng lại mộng đời bé dại riêng mình.

Lê Cát Trọng Lý, một gương mặt ấn tượng của âm nhạc Việt Nam.

Lý và những người bạn của mình đang chuẩn bị cho “Khù khờ phiêu lưu kí”. Hành trình sẽ được bắt đầu vào đầu tháng ba này, xuất phát từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Kontum, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh và trở lại Hà Nội. So với “Vui Tour” mấy năm trước, “Khù khờ Tour” sẽ mở rộng thành viên phiêu diêu “cuối trời quên lãng” cùng Lý.

Họ là một người nông dân xịn, một kiến trúc sư, em bé 3 tuổi loắt choắt, một nhiếp ảnh trên chuyến tàu Bắc – Nam chụp ảnh bà con… ngủ, một nhiếp ảnh gia nữa chỉ thích chụp ở đâu có tình yêu, vài nhà quay phim bất đắc dĩ, một nhà thiết kế thu lu lặng thinh, vài bạn sinh viên trẻ tuổi đang ôm “những giấc mộng lớn”, một liên lạc viên có gương mặt nhẹ nhõm… 

“Khù khờ tour” do Lê Cát Trọng Lý khởi xướng, “lúc lỉu” những giấc mơ đời giản dị.

Tất cả sẽ bên nhau bình thản, say sưa, vui vẻ, lúc lắc trên con đường xuyên Việt, đến với núi rừng, đồng bằng, cao nguyên, biển cả. Trong đó, Lý và Tú Cello (một người bạn của Lý) sẽ phụ trách chuyển soạn các ca khúc thiếu nhi kinh điển của Việt Nam và Lý sẽ viết một số ca khúc thiếu nhi mới để sinh hoạt văn nghệ trong quá trình đi tour. Khác những lần trước, lần này chỉ đơn thuần là những câu chuyện thiếu nhi, thiếu niên. Lý không hát nhạc dành cho người lớn. Trên đường đi, đoàn sẽ kết hợp biểu diễn văn nghệ với các công tác từ thiện, sinh hoạt cộng đồng. Toàn bộ số tiền bán đĩa bộ 3 Dreamers – Version 2 sẽ được Lý dùng vào việc chi trả cho chuyến đi.

Với Lý, những ngày vui của mình là những ngày được mộng mơ điên cuồng. Điên cuồng sống, điên cuồng yêu. Và trong dáng hình ngồi chơi, ngồi say “lóng ngóng câu chuyện thiếu niên” ấy, Lý đã đi được nhiều hơn là một ước mong bé dại. Có một lần ngồi nói chuyện với Lý, Lý nói rằng Lý là người mộng mơ một cách thực dụng, nghĩa là Lý biết biến những giấc mơ của mình thành sự thật.

Và rồi, ta thấy Lý bé nhỏ đi khắp nơi khắp chốn, hát giữa hàng ngàn sinh viên, ở một góc quán café vớ va vớ vẩn nào đó. Lý hát ở Trung tâm Văn hóa Pháp với một chiếc ôtô cũ kĩ, hát miễn phí ở bệnh viện, nhà chùa, trên rừng, trên đường. Lý đi “Vui Tour”, hát ở những nơi chẳng ai biết đến cái tên của Lê Cát Trọng Lý. Rồi có lần, Lý về và đứng giữa cánh đồng “xem sóng xanh mướt lan man về nơi mắt không thấy được”, nghe lòng mình “giống như trăm nghìn cơn sóng lay giữa đồng”. Hay lên Sa Pa, cô thành “Lý riệu táo”, tìm một góc vừa đủ ở ven đường, hát vừa đủ để cho những người bán hàng xung quanh nghe.

Lê Cát Trọng Lý trong một sự kiện âm nhạc.

Lý mê đắm những không gian âm nhạc bất chợt, thích những chuyện không đoán định trước, thích làm những điều mà người khác chưa từng làm trước đây. Gặp ở đâu, vui ở đó. Nhất là khi lên núi, cảm thấy rất tự do, lòng mình tự nhiên muốn hát. Đi trên những con đường quá đẹp, cũng thôi thúc mình chơi nhạc. Lý bảo, lúc đó có ai nghe hay không, điều đó cũng không cần thiết với cô nữa. 

Với Lý, âm nhạc không đơn thuần là để thưởng thức. Nó giống như một thứ ngôn ngữ để cô chia sẻ và gắn kết những con người xa lạ lại gần với nhau. Lý thấy vui vì con người cho nhau được chút kỷ niệm trong đời dẫu rằng để rồi để nhớ để quên mai này đó.

Có lần Lý bảo, Lý tin vào những cái đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, những người phù hợp người ta đến, những người không phù hợp người ta ắt đi. Với lại, những người không phù hợp, thì mình giữ lại để làm gì. Người ta phải đi tìm những nơi khác phù hợp hơn, vui hơn. Nhưng cũng là Lý đó, từng viết ra những câu đầy bận lòng một nhớ một quên trong đời. 

“Như là lòng đang chết đi tình yêu… vì u mê/ Như là mình đang chết theo thời gian, chết theo cơn mê này/ Như là lòng đang chết mùa xuân…” hay lần thất tình anh chàng tên Lâm năm nào đó: “Này Lâm ơi, tháng 3 em nằm/ Nghe niềm vui trong em nín thinh… Như người điên ngồi nơi phòng không và tin mình thấy yên/ Như dòng sông cạn khô từ lâu rồi tin ngày nước lên”. Lê Cát Trọng Lý mãi là cô gái muốn mơ mộng “như nắng trong bức tranh buồn” như cô từng thổ lộ trong ca khúc của mình.

Âm nhạc của Lý giống như chủ nhân của nó. Mộc mạc, chảy tràn tự nhiên, đôi lúc mắc lại giữa đôi ba cọng cỏ, nhành củi khô hoặc một viên sỏi nhỏ, tí tách vài ba giấc mơ đời đi lạc. Nó không quá xuất sắc đến nỗi lần đầu tiên nghe ta bị nổi da gà; chưa kể Lý từ thời “Chênh vênh” trên sân khấu “Bài hát Việt” năm 2008 đến “Những kẻ mộng mơ” năm 2013 không khác nhau nhiều lắm. Thế nhưng, giữa một showbiz Việt nhạt nhẽo chiêu trò, viết như Lý, hát như Lý và sống như Lý lại là điều hiếm có. 

Cô trở thành hiện tượng. Trở thành câu chuyện của đắm say, tự do và niềm khát sống, khát yêu. Và thứ âm nhạc tư vị mang tên Lê Cát Trọng Lý ấy, lắng đọng qua bao năm tháng, qua bao tâm tư của bao người, trở thành một lòng dạ chung. Lý không cố gắng để đọc vị người khác mà viết ra những đơn đặt hàng vô hồn trống rỗng, thế nhưng, những khán giả của cô bắt gặp trong cái vị riêng tư ấy vị nồng nàn của chính mình.

Tôi đã đứng lặng ở một góc Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) nghe Lý cầm guitar và hát trên sân khấu Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa. Tôi đứng rất gần Lý, nhìn rõ nụ cười chúm chím, xinh xẻo không rõ là của người lớn hay thiếu niên ấy ở một góc Hiên Trà Thường Xuân, quán trà gần Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trò chuyện với Lý, chẳng thể nào biết được Lý nông hay Lý sâu. Mấy năm trở lại đây, khi có sản phẩm mới, Lý không làm họp báo ra mắt, không săn đón truyền thông vì với Lý, cô không thể tự khoe một món đồ mới mà người ta không quan tâm được. Lý biết giấu mình trong âm nhạc và trong cả đời sống bằng cái vẻ tưng tửng, phớt đời. Tôi thích nhìn Lý từng ngày, từng ngày lớn lên và trải nghiệm như thế này.

Mà Lý cứ phô ra hết, chắc gì Lý đã thú vị. Lý cứ làm những điều nhỏ nhỏ rồi ẩn dật vui vầy ở một xó xỉnh nào đó, ai biết được có buồn tẻ thật không? Cái gì không phải là mình, vơ vào mình làm gì? Lẽ dĩ nhiên, làm sao người khác hiểu Lý muốn gì bằng bản thân Lý? Ca sỹ đàn chị Thanh Lam có lần hỏi “Chẳng lẽ Lý cứ đáng yêu mãi thế thôi sao”? Đáng yêu cũng là cá tính chứ sao! Đáng yêu trong âm nhạc cũng là một cá tính, nhất là sự đáng yêu ấy được sở hữu bởi một người như cô gái nhỏ của gia đình Lê Cát này thì càng đặc biệt.

Mỗi người có một cái tạng để chu du trong đời. Có người quyết liệt, có người ưa lặng thinh trước những cơn gió đời vần vũ. Có những tiếng ca dữ dội nhưng cũng có những tiếng ca giống như “hương lá trầm gọi người mê thức dậy”. Lý vui an lành trong cái tư vị của mình. “Có giấc mơ vạn năm vẫn u sầu, chờ bàn tay đến lay/… Có chuyến đi dài hơn đất trời và không thể đến nơi/ Có tiếng kêu là im ắng im lìm là không thể hát về”. Là la la la la la.

Và khi mà những con người khù khờ nhất cuộc đời đó đang hành hương tìm mộng lành, tôi lại tự hỏi, sau bộ 3 album “Dreamers – Những kẻ mộng mơ” của Lý, sẽ là gì? Sau những khay đĩa đậm tràn mộc tính ấy, sẽ là gì nữa? 

Đậu Dung
.
.
.