Nghệ sĩ Ưu tú Quyền Văn Minh:

Hãy biến mình thành một nghệ sĩ

Thứ Tư, 25/10/2017, 18:35
Huyền thoại nhạc jazz Quyền Văn Minh sẽ có đêm nhạc kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ jazz vào ngày 27-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với ông, jazz đã trở thành hơi thở, hơn thế, thành lẽ sống của cuộc đời.


Ông từng trò chuyện với phóng viên rằng: "Đến Câu lạc bộ jazz là đến thăm trái tim tôi. Sau này trước khi lìa đời, có lẽ tôi sẽ hỏi con: "Câu lạc bộ jazz còn không? Nếu còn thì tôi yên tâm nhắm mắt"."

- Vì sao đêm diễn kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ jazz của ông lại được gọi là cuộc chuyển giao thế hệ?

+ Đêm nhạc jazz diễn ra vào tối 27 tháng 10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội mang một ý nghĩa chủ đạo đó là cuộc chuyển giao giữa thế hệ chơi jazz kỳ cựu và thế hệ các nghệ sĩ jazz trẻ đương đại. Tôi nghĩ, đã đến lúc nhạc jazz Việt cần một thuyền trưởng mới, một hơi thở mới, trẻ trung và táo bạo hơn để lèo lái con thuyền jazz, đó là con trai tôi, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. Đây sẽ là một đêm diễn quy mô nhất mà tôi và Câu lạc bộ jazz Bình Minh tổ chức, với sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ nổi bật. 

Chương trình mang đến hơn 20 tác phẩm gồm những bản nhạc jazz kinh điển và những sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam. Toàn bộ không gian âm nhạc còn lại do các nghệ sĩ trẻ thể hiện, trong đó có những cây kèn còn nhỏ tuổi như Tuệ Anh (9 tuổi), Bảo Lâm (11 tuổi), Minh Phú (13 tuổi). Khán giả sẽ thấy thú vị bởi những mới lạ, phần trình diễn mở đầu là bản hòa tấu của Big Band với 50 cây kèn. 

Ngoài ra, là một số tác phẩm jazz Việt và jazz quốc tế do các nghệ sĩ đang tạo dựng danh tiếng như Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn, Xuân Hòa, Nguyễn Hoàng An, Lê Duy Mạnh. Tôi sẽ không xuất hiện nhiều trong chương trình, chỉ chơi tác phẩm gồm "Vũ điệu Ponka" và "Hội làng" ở phần kết.

- Một cuộc chuyển giao khá ấn tượng. Ông có nhìn nhận thế nào về thế hệ người kế cận sẽ tiếp tục đi trên con đường mà ông là người đã nhọc công khai phá?

+ Tôi muốn người thuyền trưởng mới sẽ có phong cách mới, đừng đặt tôi như một con đường không thay đổi được. Đó vẫn là một dòng âm nhạc nhưng giữa thế hệ già và trẻ có sự chuyển tiếp, những bước đi táo bạo của người trẻ cần được ghi nhận. Tôi chọn thời điểm này là kỷ niệm 20 năm của jazz club và cuộc đời tôi là 50 năm cuộc đời âm nhạc. 

Tôi muốn có không khí mới của những nghệ sĩ trẻ, phải vượt ra khỏi biên giới, ra nước ngoài biểu diễn, họ phải đi bằng chính đôi chân của mình chứ không trông chờ vào tôi nữa. Họ phải tự làm những chương trình để được ghi nhận và mời biểu diễn. 

Hoạt động đơn lẻ trong 20 năm qua đã hình thành được một lực lượng nhưng đẳng cấp thì chưa có. Muốn đẳng cấp thì phải gắn vào một program nào đó. Cứ bày cỗ sẵn thì không thể hay được. Với thuyền trưởng mới, Quyền Thiện Đắc, đủ độ chín và tài năng, tôi nghĩ, con đường jazz sẽ tiếp tục những bước đi táo bạo hơn.

Những đêm nhạc jazz vẫn diễn ra ở Bình Minh jazz club.

- Tôi biết hành trình 20 năm của Câu lạc bộ jazz Bình Minh là một hành trình đầy khó khăn, thăng trầm thế nhưng ông vẫn kiên quyết bám trụ. Điều gì khiến ông quyết liệt đến thế?

+ Năm 13 tuổi tôi học nhạc, đầu tiên là chơi guitar. Nhưng mẹ tôi có nói rằng, mẹ thích con thổi kèn vì con có thể lực. Tôi nhớ mãi câu: "Mẹ thích con thổi kèn, mẹ chỉ cần con thổi kèn hay thôi. Con thổi được một đồng mẹ quý hơn 1 tỷ người khác cho mẹ". Cho nên tất cả sự phấn đấu của tôi đều vì mẹ, những lúc khó khăn nhất, gian nan nhất, tôi đều nghĩ về mẹ để vượt qua. 

Năm 1968, tôi tìm mọi cách đi học, vì âm nhạc đỉnh cao mà không học thì không làm được. Hồi đó xin đi học rất khó, nhà lại không có tiền, nên toàn đi học lỏm, tôi đạp đến cửa trường nhạc, nghe họ thổi gì bắt chước nhưng tự biết không ổn. 

Sau đó, tôi dò đài, tình cờ tôi nghe được nhạc jazz. Có biết là jazz đâu, chỉ thấy họ chơi rất khủng khiếp. Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình chơi được thể loại này, mình sẽ không sợ bất cứ ai trên đời. Tôi tự thề với mình, dứt khoát phải chơi loại nhạc này, dù không biết đó là nhạc gì.

- Và ông đã tự học, tự chơi và tự biểu diễn một thể loại khá xa lạ với công chúng Việt thời đó?

+ Năm 1987, tôi đi Berlin biểu diễn cùng đoàn Hà Nội, ở đâu cũng nghe nhạc jazz, nó kích thích tôi phải làm gì đó. Muốn đưa được nhạc jazz lên sân khấu, phải có một thứ âm nhạc đi cùng với nó mà họ tin cậy. 

Tôi tổ chức đêm biểu diễn solo ba kèn saxophone với ba loại âm nhạc, kèn saxophone với âm nhạc cổ điển, với thính phòng Việt Nam và với nhạc nhẹ quốc tế, lúc đó chưa dám dùng chữ jazz. Đến buổi diễn lần thứ 2 tôi mới dám dùng chữ jazz. Và cứ thế, jazz dần dần có vị trí trong đời sống dù con đường của tôi khá đơn độc.

- Con đường của ông khá đơn độc vì người Việt vốn không dễ dàng tiếp cận với cái mới. Ông có buồn không khi những cuộc biểu diễn ở nước ngoài của ông nhiều hơn trong nước?

+ Buồn thì nhiều, nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi có nhiều tâm sự lắm. Nhưng nhìn về phía trước, tôi lại có những niềm hứng khởi của mình về một thế hệ mà tôi đã dày công gây dựng.  Tôi có ước vọng đưa những nhóm nhạc trẻ của Việt Nam đi biểu diễn khắp châu Âu, đi biểu diễn ở nước Mỹ chứ không chỉ ở châu Á.

- Ông cũng là người đau đáu với hành trình jazz Việt, ông viết khá nhiều những bản jazz mang âm hưởng dân gian. Làm sao để có sự hòa quyện tuyệt vời đó, theo ông?

+ Trong những tài liệu giảng dạy cơ bản về nhạc jazz, có  một thang âm chính là 5 âm của Việt Nam và rất nhiều nhạc sĩ vĩ đại đã dùng thang âm đó viết nên những bản nhạc nổi tiếng thế giới. 

Tôi nghĩ, tại sao người Việt có thang âm này lại không làm được. Và tôi đã dùng nó với jazz. Chẳng hạn tôi viết một bài về Sa Pa, tôi lấy tiếng khèn, sáo mèo của người Mông, còn "Hội làng", tôi lấy thang âm chèo đưa vào. 

Phải có sáng tạo để giai điệu là của mình và không bị coi là phá truyền thống. Khi diễn đối ngoại, tôi thường đem nhạc cụ dân tộc để tạo sự độc đáo. Còn ra nước ngoài, tôi dùng nhạc cụ phương Tây, kết hợp với jazz, để chuyển hóa những giai âm của Việt Nam.

Hai cha con Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc.

- Và ước vọng của ông là mang những bản nhạc jazz mang âm hưởng dân gian Việt đi biểu diễn khắp thế giới? Hành trình đó đã đến đâu?

+ Tôi có một ước mơ là ở đây, những đêm diễn ở Bình Minh jazz club này sẽ có hai phần, phần một là trục dọc là những bản nhạc jazz kinh điển của thế giới, phần 2 trục hoành là nhạc jazz Việt Nam, phải như thế chúng ta mới thành công. 

Còn bây giờ chưa chú trọng đến đến jazz Việt. Tôi đang kêu gọi những người trẻ sáng tác, bởi chỉ những lúc họ chơi bài họ viết, họ mới chăm chú. Chứ bây giờ, họ vẫn nghĩ rằng ông Quyền Văn Minh trả lương để chơi bài này thì không thể hay được. 

Chơi nhạc dân gian Việt Nam phải có cái tâm, các loại nhạc Tây chơi rất nhiều thành phản xạ có điều kiện rồi, còn những cái mới, cái hay muốn chơi điêu luyện phải chơi nhiều. Bây giờ có một thực trạng, các nhạc công chỉ khi đi nước ngoài mới tập, còn lại, các bản nhạc đều bị xếp xó. Tôi muốn có điều gì đó khác biệt.

- Ông luôn đau đáu với con đường jazz Việt, ông có hy vọng vào thế hệ kế cận?

+ Có chứ. Cách đây 3 năm, tôi và Hùng Sơn vẫn chơi "Giai điệu Sa Pa", còn bây giờ cậu ấy đã chơi một mình. Chỉ khi họ tự làm, họ sẽ để tâm của mình ở đó. Đừng biến mình thành nhạc công, hãy biến mình thành một nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn chính cái của mình và những cái của bạn thì mới tốt được.

- 50 năm gắn bó với âm nhạc và 20 năm đắm đuổi với jazz, nhưng tôi thấy ông vẫn còn quá nhiều những trăn trở?

+ Tôi muốn phát triển hơn nữa nhạc jazz ở Việt Nam, phát triển để có chữ Jazz ở Việt Nam phải có một đẳng cấp cao hơn. Bao giờ chúng ta có được những bản nhạc jazz Việt mà các nghệ sĩ trên thế giới họ muốn chơi, mua bản quyền để chơi thì lúc đó chúng ta mới ngẩng cao đầu khẳng định, đó chính là nhạc jazz Việt. 

Còn bây giờ họ nghe mới chỉ thấy kỳ lạ và ngạc nhiên thì chỉ là bên ngoài. Cái đó phải có thời gian, và thời gian chính là việc hàng ngày chơi ở câu lạc bộ để họ nghe và giật mình. Chứ ngày nào cũng chơi bài tây thì mọi người quen rồi. 

Nghe jazz phải nghe trực tiếp, hiệu ứng của nó khác hẳn. Tôi nhìn thấy thế mà lực bất tòng tâm. Thế nên tôi đẩy quả bóng sang Quyền Thiện Đắc và đứng ngoài thúc đẩy thêm, thì câu chuyện sẽ khác. Vài tháng sau có thể tôi sẽ ra vài bài mới, tham vọng về jazz vẫn rất sôi sục, đưa ra thế nào, kêu gọi người chơi ra sao, thì còn phải bàn.

- Tưởng rằng, chuyển giao cho thế hệ trẻ, ông có thể thảnh thơi thụ hưởng tuổi già chứ?

+ Tôi có hai album trọn vẹn và một số bài diễn, xong chương trình này tôi sẽ chọn lại và ra album thứ 3. Sau khi chuyển giao xong đầu óc cũng thảnh thơi hơn. Tôi ước mơ làm một đĩa than cho đời mình, làm những điều mình thích. Sống trong cuộc đời, thường người ta vẫn lưu lại cái gì đó, tôi cũng may là lao động nhiều và lưu lại được một số album. Cố gắng làm hay nhất có thể để ghi lại kỷ lục cho chính mình thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

V.Hà (thực hiện)
.
.
.