Trần Lập và tự truyện "Bên kia Bức Tường"

Hố sâu của ký ức

Thứ Tư, 14/08/2013, 14:33

Có một thời, ta phung phí đời mình trong những cơn muộn phiền đầy di tật của tuổi trẻ đam mê và cuồng điên. Cũng có một thời ta đã mơ và đi đuổi bóng về phía chân trời. Vinh quang và nước mắt, dấu chân địa đàng - ta đã bước những bước miệt mài. Để rồi giờ đây khi tất cả trở thành một vùng mây trắng cũ, ta chợt muốn lưu lại dẫu chỉ là một kí ức nhỏ nhoi gợn sóng trên mặt hồ.

Nhiều kí ức nhỏ trộn vào làm nên dòng sông lớn thao thiết, sâu khơi. Vậy thì Trần Lập, thông qua cuốn tự truyện "Bên kia Bức Tường" của mình đã mở lại dòng sông rêu mốc về một thời ta đã say và ta đã điên ấy.

Ngồi đối diện với tôi bây giờ là Trần Lập mười mấy năm trước râu tóc xồm xoàm nay đã gọn gàng, tinh tươm. Anh nói miệt mài về Rock, về âm nhạc, về anh em đồng đội của mình. Câu chuyện không đề cập nhiều đến đỉnh vinh quang mà Bức Tường - ban nhạc Rock chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đã có, mà chỉ là những mảng kí ức nhỏ, có phần giản dị, nhàu nhĩ và rất đời.

Và trong cái phần nhàu nhĩ ít người biết đó, anh đã viết: "Bên kia của Bức Tường là ngổn ngang hay kì vĩ, hố sâu hay ngút ngàn trùng điệp, bạn cứ thử bước tới và ngó qua. Ở bên kia ấy, mạch nguồn của tôi là khao khát được ca hát và có một ban nhạc riêng đã đến từ rất sớm. Tất cả luôn bất thành, tối tăm, đượm cái bi quan của thanh niên tuổi mới lớn".

Khi ta còn trẻ, ta hay cày xới đam mê của mình ở thửa ruộng hai mươi. Ta sống hết mình và co ro nơi thửa ruộng mưa nắng rải suốt bốn mùa ấy. Rồi cũng đến ngày khai hoa kết quả, nhưng mà đâu chỉ có hoa thơm quả ngọt?

Phía bên kia Bức Tường là một Bức Tường khác, dễ thương tổn và có lúc "muốn chết quách cho rồi". Và Trần Lập muốn chia sẻ một thời điên say, khổ ải nhưng cũng là những năm tháng đẹp nhất đó thông qua tự truyện của mình để mọi người biết rằng hoa hồng chẳng phải là một điều kì diệu và đường vinh quang không dễ dàng gì chinh phục.

Tôi đã thử tưởng tượng nếu một ca sỹ, nhạc sỹ viết văn thì sẽ như thế nào? Anh cười bảo thực ra tất cả chỉ là những ghi chép lặt vặt, tản mác của mình ngay từ những ngày đầu thành lập Bức Tường. "Hồi đó tôi đã muốn viết một cái gì đó cho ban nhạc, có thể là hồi ký, có thể là nhật ký và cũng có thể là cái mà bấy lâu nay mới để ý nó là tự truyện. Tôi chẳng biết mình viết cái gì đâu, chỉ nghĩ rằng mình phải viết một cái gì đó mà thôi".

Đúng là anh chẳng biết viết gì cả nhưng vượt lên trên hết thảy và xóa nhòa ranh giới thể loại vật chất thông thường, tự truyện "Bên kia Bức Tường" là dòng kí ức lôi cuốn thông qua cách kể chuyện bổng trầm, duyên dáng và có phần hóm hỉnh của tác giả.

Ối dào, cứ nhắc mãi chuyện ngày xưa. Nhưng mà, không nhắc chuyện ngày xưa thì mai kia nó phai mất thì sao? Bây giờ tìm lại một thời biết tìm ở đâu? Và cho dù thấy, chân dung đã bị méo mó đi nhiều rồi thì sao? Chỉ đơn giản là kể một câu chuyện thôi mà. Chỉ đơn giản là những điều muốn chia sẻ thôi mà.

Ta cứ thử bước về phía bên kia của Bức Tường để xem bên ấy là ngổn ngang hay kì vĩ, hố sâu hay ngút ngàn trùng điệp. Cứ thử bước qua để chính ta gọi lại một dòng sông tuổi trẻ quay về, dòng sông hai mươi đã từng mơ mộng, nhiều si mê mà cũng đầy yêu dấu, thiết tha nhất ấy.

- Sao Trần Lập lại chọn ra mắt sách ở thời điểm trầm lắng này mà không phải là thời rực rỡ nhất của Bức Tường.

- Điều này, chính các nhà làm sách đã trả lời hộ tôi, họ không muốn làm một cuốn sách mang tính thời vụ. Điều đó cho tôi sự tin cậy về những chia sẻ của mình ắt hẳn có một giá trị nào đó. Tôi viết rất tự nhiên, từ những ghi chép về ban nhạc. Rồi những entry tôi viết những cảm nhận về đời sống.

Nó giản đơn chỉ là sự chia sẻ. Là ước mơ từ tấm bé của một cậu trai bị nhốt trong nhà, không có việc gì để làm, muốn được thoát ra khỏi cánh cửa đó để rồi khi bước chân ra bên ngoài, bỗng dưng trở thành một thủ lĩnh và với tố chất con nhà lính thì phải chiến đấu như thế nào khi gặp một đối thủ mạnh hơn.

Và một câu hỏi nữa trong cuốn sách cũng đặt ra, nếu như ngày đó, Trần Lập không phải là nhạc sĩ mà là một người lính thì sao? Dường như có một sự sắp đặt của số phận, để khi mình chưa kịp bước chân vào thì đã đi ra một ngã khác. Ngay cả ngày xưa, mọi người chỉ nghĩ thành lập một ban nhạc sinh viên, chơi cho vui mà thôi. Không ai nghĩ, mình sẽ duy trì được ham muốn và khát khao của mình đâu.

Nhưng tôi muốn nói một điều rằng, thời kỳ chúng tôi khổ ải nhất là những năm tháng đẹp nhất. Tôi đảm bảo đó sẽ là những câu chuyện vui thôi và người đọc sẽ phải thốt lên: À ra thế.

- Nhưng phía sau Bức Tường không phải là những hào quang, chiến thắng mà là những nhọc nhằn, chông gai?

- Đấy là những chuyện bất thành, những rủi ro ập đến. Tôi không viết về những đổ vỡ một cách chát chúa, bởi các thành viên trong ban nhạc đều có văn hóa, và gia đình ổn định. Đó là khát khao của những người trẻ và hiện thực nó bằng con đường âm nhạc, có những lúc phải tranh đấu, không thỏa hiệp với cái xấu. Nhiều nước mắt, nhiều giọt mồ hôi đã đổ xuống.

Nhưng có một thứ rất thú vị trong cuốn sách của tôi, đó là những chuyến đi. Không ai chán về những chuyến đi cả. Vấn đề không là ở nơi họ đến, cuộc chơi vui hay không do bạn.

- Sắp tới anh có chuyến đi nào trong hành trình rock của mình không?

- Điều đó thật khó. Không phụ thuộc vào quyết định của tôi. Trong bối cảnh trước đây, khi chúng tôi tự quyết định được về live show của mình một cách tròn trịa nhất. Còn bây giờ không thể bỏ tiền túi ra mà làm, là điều không tưởng.

Bỏ tiền là mất trắng, quá mạo hiểm. Phải tự bảo vệ mình bằng cách không làm nữa. Tôi vẫn sáng tác. Nhưng chưa có căn cứ niềm tin nào để làm album. Tôi không làm album để tung lên mạng cho vui.

- Phải chăng rock không còn hấp dẫn trong đời sống hiện đại quá nhiều thông tin và chọn lựa này. Hay bởi Trần Lập và Bức Tường cũng đang sống bằng hào quang xưa cũ?

- Rock về bản chất giống nhau, chỉ khác nhau bối cảnh thời đại thôi. Người Việt mình có tâm lý chung là thích hoài cổ, cứ cho rằng cái gì của ngày xưa cũng hay lắm.

Một phần thôi, còn những fan ruột, họ yêu mến và đi với mình, họ không chấp nhận nghe những thứ cũ kỹ của chúng tôi. Chúng tôi không bị ru ngủ bởi những hào quang. Còn lớp người mới, họ không biết chuyện ngày xưa. Năm đầu tiên tôi làm rock storm, những cô bé, cậu bé 14 tuổi, họ vẫn hát những bài hát của tôi. 4 năm sau, chúng tôi xuất hiện, chuyện khác dần.

Không có ai là mãi mãi cả, không có ai ở trên top mãi cả. Điều cốt lõi là mình vẫn còn đam mê. Tôi biết mình đã làm được gì trong hai năm nay rồi, và giờ, nó không còn làm tôi phải bận lòng nữa. với những người chơi rock cũng vậy, họ đã sống hết mình với đam mê.

- Nhiều người nghĩ, Trần Lập ra sách để nổi tiếng, giống như việc anh tham gia Giọng hát Việt cũng gây nên rất nhiều ồn ào.

- Tôi viết với mục đích khác họ, nhưng có lẽ chung nhất vẫn là muốn được chia sẻ. Sự tự kỷ sẽ giết chết điều chính họ đang tôn thờ. Câu chuyện The Voice cho tôi thấy, báo chí có báo lá cải và cả lá ngón nữa cơ. Dân tình bị ngộ độc thông tin, thì mình làm sao kiểm soát được. Đã có những cái tít như sập đổ thần tượng...

Chuyện đó nó không còn là vấn đề trò chơi nữa. Có những con người họ không coi đó là trò chơi mà là một cuộc chiến. Nếu thích phá đám, thích gây chuyện, hay khoe về chiến tích, tôi đã không làm gì hết.

Một số người đã đẩy nó lên thành một chuyện đao to búa lớn, trong khi nó đơn giản chỉ là một chương trình giải trí. Rất nhiều người đã nhân cơ hội đó để triệt hạ, bôi nhọ nhau. Mình đi theo nó để làm gì. Điều quan trọng là khi tôi bước ra với chương trình của mình, không có gì thay đổi hết. Khán giả vẫn ở lại với tôi. Mình tin và vững chứ, không có ý do gì để mình bị lay động.

- Sau 3 năm trở lại, Bức Tường vẫn rất lặng lẽ. Anh có buồn không?

- Cuộc chơi chúng tôi quyết định. Nhưng khó khăn là những yếu tố gia đình, xã hội. Bây giờ mỗi người có một cuộc sống độc lập, để bố trí được với nhau một tuần một buổi là rất khó khăn. Nhu cầu thực tế của các chương trình hiện nay gần như bỏ ngỏ giới chơi rock.

Từ trước đến nay, ngay cả khi Bức Tường tạo được sức hút mạnh mẽ nhất, thì họ vẫn không có được những chương trình thực sự, có sân khấu của riêng họ. Đấy là một mâu thuẫn rất lớn. Mồ hôi nước mắt, họ đã cày ải như thế nào, những giá trị cốt lõi không được đón nhận mà những thứ hào nhoáng thì được tung hô. 

Kể cả khán giả bây giờ cũng đã khác xưa, họ có tình yêu âm nhạc, nhưng không còn đam mê như xưa nữa. Có một tảng băng rất lớn nằm ở phía sau đó. Và một thực tế đau lòng rằng, 100% những người bỏ nghề đều không bỏ vì hết khả năng mà vì họ không nhìn thấy tương lai.

- Trở lại “Bên kia Bức Tường”, anh có mong muốn gì.

- Ai cũng lớn lên từ sẻ chia của những người đã từng trẻ, cũng có khát vọng, cũng có biết bao điều giá trị muốn giữ mãi về sau. Cho nên, tôi đã tìm ra lý do lớn nhất để viết cuốn sách nhỏ này.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh

Hà Dung
.
.
.