Họa sĩ Đào Hải Phong: Nghệ thuật cần “cú hích” từ công chúng

Thứ Tư, 20/12/2017, 22:50
Đào Hải Phong - một họa sĩ nổi tiếng thời đổi mới trò chuyện với phóng viên chuyên đề CSTC về những người trẻ, về công chúng hội họa và sự quan trọng của họ đối với thị trường mỹ thuật.


Nhiều người cho rằng, thế hệ họa sĩ đổi mới đã làm xong nhiệm vụ của mình và đây là thời của những họa sĩ trẻ đương đại. Nhưng họ lại gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam chưa thực sự có một thị trường mỹ thuật để kích hoạt sự sáng tạo cho nghệ sĩ.

Đào Hải Phong - một họa sĩ nổi tiếng thời đổi mới trò chuyện với phóng viên chuyên đề CSTC về những người trẻ, về công chúng hội họa và sự quan trọng của họ đối với thị trường mỹ thuật.

- Nhiều người cho rằng, thế hệ anh, những họa sĩ thời đổi mới đã làm xong nhiệm vụ của mình và bây giờ là thời của các họa sĩ trẻ đương đại. Ông có quan tâm đến họ?

+ Tôi thích giao lưu với giới trẻ, chí ít, họ nuôi cho mình ngọn lửa. Đời sống của họa sĩ trẻ hôm nay, so với thế hệ chúng tôi, họ có nhiều thông tin hơn, va chạm nhiều hơn, đi nhiều hơn và cũng trăn trở với đời sống nhiều hơn.

Nhưng đời sống hôm nay họ bị chi phối nhiều về vật chất hơn nên trong tác phẩm của họ, bộc lộ những, thèm khát và đôi khi có cả sự hằn học. Họ phải chọn con đường khác, để hướng đến cái gì đẹp đẽ, đó mới tích cực.

Bởi nghệ thuật là sự chia sẻ và hướng tới cái đẹp. Bây giờ điều kiện làm nghề của các bạn trẻ rất tốt, nhưng các bạn cần một mục đích đến mạch lạc, còn không sẽ là một sự kể lể, giãi bày, quanh quẩn cá nhân và bế tắc. Tôi tự hỏi, nhiều người trẻ, họ có dám theo đuổi con đường của mình suốt đời không, vì nghệ thuật đi suốt một chặng đường mới thành nghệ sĩ, anh phải quyết liệt đi con đường của anh, kể cả bị la ó.

Tác phẩm của người trẻ bây giờ cảm giác đã bắt gặp ở đâu đó, bị lẫn với tranh trong khu vực hay bây giờ thông tin thế giới phẳng và họ gặp nhau ở những thông tin bề mặt thẩm mỹ đó, mà họ đánh mất đi chính cái lõi là nơi mình sinh ra. Nếu che tên đi, tưởng đó là của một họa sĩ Indonesia, hay Malaysia.

Đó chính là một câu hỏi của Mỹ thuật Việt Nam trong tương lai, chẳng lẽ họ như thế. Tôi không phủ nhận sự lao động và say mê của họ, họ học và vẽ được như thế cũng có những trăn trở nhưng trăn trở của thế hệ trước và trăn trở của thế hệ sau có cảm giác khác nhau. Đó là một dấu hỏi.

- Bởi những người trẻ đang hoang mang trước những lựa chọn? Theo ông, vì sao?

+ Về mặt chủ quan là do họ thiếu ý tưởng cụ thể cho mục đích làm nghệ thuật vì làm nghệ thuật phải có mục đích. Đang vẽ lọ hoa thấy mọi người thích quả lại chuyển sang vẽ quả là đẽo cày giữa đường. Họ chỉ cần vẽ cánh hoa thôi nhưng đi hết cả con đường của họ thì cánh hoa sẽ khác cánh hoa bình thường, không cứ phải vẽ cả một vườn hoa hay lọ hoa.

Tôi biết có những tác giả nước ngoài cả đời chỉ vẽ một giọt nước mà họ thành công, vì giọt nước đó chứa đựng cả tư tưởng của người nghệ sĩ và tư tưởng của họ bắt nguồn từ một quan điểm triết học nào đó. Bây giờ thiếu vắng những tác giả như thế, thiếu những người có tư tưởng.

Hiện nay có mốt vẽ về Phật giáo và tự ngộ nhận tôi có tinh thần Phật giáo, nhưng tính Phật không nằm ở một ông Phật hay một đầm sen. Đó chỉ là minh họa, tính Phật không nằm trong một hình thức nào cả, không phải cứ đưa những thứ trong chùa ra là có tính Phật giáo. Đó là sự "thô thiển", vì họ không hiểu tinh thần Phật giáo.

- Nếu nhắc đến một cái tên nghệ sĩ trẻ, ông sẽ ấn tượng với ai? Phải chăng hội họa Việt Nam đang chững lại?

+ Chúng ta cứ nói tới nghệ thuật đỉnh cao, nhưng theo tôi, hai chữ "đỉnh cao" rất tối nghĩa, nghệ thuật ở mỗi quốc gia nó có giá trị minh chứng cho sự tồn tại và phát triển văn hóa của quốc gia đó chứ không phải nghệ thuật nước này hay hơn nước kia. Thực tế, nghệ thuật của mỗi quốc gia không cần nhiều như thế. Trung Quốc cũng chỉ cần một Lý Bạch.

Chúng ta chỉ cần một ít nghệ sĩ mà họ làm hết con đường của họ. Thế hệ cụ Bùi Xuân Phái có rất nhiều người vẽ phố, nhưng cuối cùng chỉ còn lại Bùi Xuân Phái vì cụ có phong cách riêng. Bây giờ, xem tranh của các họa sĩ trẻ tôi thấy họ giống nhau, tưởng chỉ của một tác giả. Còn khi đến triển lãm của một tác giả lại tưởng của nhiều tác giả. Chúng ta đang có mâu thuẫn ngược như thế.

Vì thế, rất khó để nói tới một vài cái tên. Những người trẻ bây giờ họ không làm được cái của chính họ, tác phẩm thiếu vắng cái tôi và bị ảnh hưởng những xu hướng khác. Và họ sẽ bị nhòe đi. Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói le lói tài năng. Nhưng như tôi nói, tài năng phải đi một con đường dài mới trở thành nghệ sĩ. Những người trẻ bây giờ không thuận lợi bằng thế hệ chúng tôi, công chúng đang làm ngơ với họ. Bởi vì công chúng nghệ thuật rất quan trọng.

Tranh của họa sĩ đương đại Doãn Hoàng Lâm.

- Vâng, các họa sĩ trẻ rất cần sự ủng hộ của những nhà sưu tầm và những người yêu nghệ thuật, chính họ kích hoạt cho sự phát triển của tài năng?

+ Chúng ta đang manh nha thị trường trong nước, nhưng mỹ thuật sẽ tụt hậu nếu những người quan tâm đến nghệ thuật mang cái nhìn hạn chế và họ đang thích những thứ có thể hơi lạc hậu. Thẩm mỹ của người Việt đi chậm, người ta học cao học thì mình đang mon men phổ thông, hy vọng thị trường mỹ thuật rơi vào những người trí thức mới thúc đẩy sự phát triển. Có người đi mua tranh vẫn mang cái nhìn của một bức ảnh thì tôi thấy thất vọng.

Công chúng mình chỉ thích những thứ đèm đẹp. Nó sẽ giết cả hai loại hình, giết cả họa sĩ vẽ để bán cho họ, người vẽ không vẽ cho mình, còn người sưu tập thì lưu giữ lại sự lạc hậu và trôi đi những gì hay ho. Đó là vấn đề không thể không đặt ra, tôi tin suy nghĩ đó đúng 40%, họ thích cái gì đó bình thường chứ không khác biệt.

- Nhưng mấy năm gần đây, thị trường Mỹ thuật Việt Nam đang có những khởi sắc khi có nhiều nhà sưu tập ra nước ngoài mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng mang về, trong nước cũng đã manh nha hoạt động của các sàn đấu giá?

+ Thực tế, thị trường Mỹ thuật hiện nay vô cùng hỗn độn, nó phát triển theo trào lưu của nhóm, theo quan hệ và quan trọng là chưa hẳn mua cho họ, họ mua tranh bằng tai chứ không phải bằng tâm hồn. Một tác phẩm chuyển tải cảm xúc của người nghệ sĩ trước đời sống, nhà sưu tập mua vì điều đó. Tất cả nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, đều do công chúng yêu nghệ thuật nói hộ cái hay của họ, chứ không phải chính họ nói ra.

Vấn đề là công chúng là công chúng nào? Công chúng nào thì họ sẽ sưu tầm tranh họ yêu thích và họ sẽ bảo vệ và khoe với bên ngoài là họ đang bảo vệ một giá trị nghệ thuật và cũng là tự hào của họ chứ chúng ta đi hỏi và đang mua những giá trị đã hóa thạch rồi.

Chúng ta phải đi tìm những Bùi Xuân Phái, Lê Phổ trong tương lai chứ không phải người ta đã hóa thạch rồi, đã khẳng định rồi mà chúng ta rước về là chúng ta đang chơi đồ cổ. Đó chỉ là công việc tư hữu và đầu cơ thôi.

Còn các họa sĩ trẻ đang bươn chải và trả giá cho cả cuộc đời họ để thành nghệ sĩ thì họ không có ai bảo vệ khi mà tranh của họ bây giờ có khi chỉ 100 đô la. Phải mua tranh của họ khi chỉ 100 đô la để sau này mình có thể bán 20 ngàn đô la, thậm chí 200 ngàn đô la.

Đông A Galary là một trong những địa chỉ đồng hành cùng các họa sĩ trẻ.

- "Công chúng là công chúng nào, công chúng nào thì hội họa ấy, văn hóa ấy", tôi rất tâm đắc với câu nói này của ông. Rõ ràng, các họa sĩ trẻ đang rất cần những "con mắt xanh" của công chúng hội họa?

+ Bây giờ có những nhà sưu tập mua tranh của họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, kể cả những bức tranh thật (vì có một số trong đó là giả trong triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu") thì cũng chỉ là những bức trung bình, nhưng nếu như sưu tầm những họa sĩ trẻ ta sẽ có những tác phẩm ban đầu của họ, sẽ có những cái không lặp lại.

Do các nhà sưu tập không tự tin. Hội họa có tính cá nhân và cũng cần những nhà sưu tập cá tính. Jackson Pollock được nổi tiếng như hôm nay cũng chỉ có một khách hàng nhưng khách hàng đó là một triệu phú, mới có bản lĩnh. Chúng ta có ông Đức Minh, với tôi ông vẫn là một huyền thoại, ông sinh ra cách chúng ta 2 thế kỷ mà vẫn đi vào huyền thoại, chưa có một Đức Minh thứ 2. Tôi rất tiếc vì điều đó.

Chúng ta  không có những người sưu tập hay, không có những tài phiệt đỡ đầu cho nghệ thuật thì kể cả những người hay cũng sẽ đi làm những cái tầm thường để sống.

Tôi đang hy vọng vào một lứa công chúng mới, họ hiểu được câu chuyện, họ mua bằng chủ quan, bằng cá nhân của họ, thèm những công chúng nói bằng cá nhân của mình. Bởi nhiều nhà sưu tập tôi biết khi nhìn bộ sưu tập của họ là có tư vấn, được tư vấn một sự an toàn. Nghệ thuật tối kỵ sự an toàn. Nghệ thuật cần cú hích từ công chúng, cần những cái đinh, những người đầu đàn.

- Vậy theo ông, công chúng đóng vai trò như thế nào để kích hoạt sự phát triển của nghệ thuật đương đại?

+ Công chúng nào thì nghệ thuật ấy, đôi khi công chúng dở thì nghệ thuật sẽ dở. Suy cho cùng vẫn là câu chuyện của văn hóa và tri thức. Khi nào văn hóa được nâng cao, thẩm mỹ của công chúng tốt hơn, mỹ thuật Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn. Chúng ta cần những người tiên phong, biết nhìn và hỗ trợ các họa sĩ đương đại để họ có niềm tin và kiên định đi con đường của mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện  của ông. 

V.Hà (thực hiện)
.
.
.