Họa sĩ Lê Trí Dũng: Người nhặt cuội

Thứ Bảy, 03/08/2013, 09:30

Trong hội họa, Lê Trí Dũng nổi tiếng với nhiều đề tài. Ông vẽ ngựa, vẽ Rồng, vẽ Rắn, vẽ Hoa, vẽ Phố, vẽ đàn bà. Đề tài nào cũng "mả" vào bậc nhất nhì trong giới cầm cọ đương đại….Nhưng, những đề tài đó không ám ảnh ông như đề tài chiến tranh và chất độc da cam.

Lê Trí Dũng là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam vẽ nhiều tranh về đề tài này. Đơn giản vì ông đã từng là người lính một thời xông pha lửa đạn. Sống trong thời bình, ông không ít lần tự hỏi, phải chăng, được trở về sau mất mát hy sinh của rất nhiều đồng đội, cũng đã là một sự vô lý. Và việc vẽ tranh hay viết sách, đối với ông, là để chống lại sự "vô lý" ấy. Ông tự nhận mình là người "nhặt cuội".

Hãy hình dung, trên đường đời dằng dặc mà con người phải đi qua, có biết bao trải nghiệm quý giá. Những thử thách phải đương đầu, những khoảnh khắc đối mặt với cái chết, những phận người ta gặp rồi mất đi, những tình yêu chớm nở, những vui buồn, mất mát…giống như những hòn cuội.

Những hòn cuội nằm lăn lóc trên đường, đôi khi cô đơn như những kỷ niệm lâu ngày không được nhắc nhớ. Những hòn cuội ghi dấu ký ức, bóng người, những câu chuyện. Những hòn cuội như những trang sống mở ra, có khi lại như một bảo tàng lưu giữ bao nhiêu kỷ vật, dấu tích. Lê Trí Dũng đã cần mẫn đi nhặt những hòn cuội như vậy.

Trong chiếc túi đeo vai cũ sờn của người họa sĩ lính ấy, chưa khi nào thiếu vắng những hòn cuội. Nó trĩu nặng tâm tư. Ông nâng niu gìn giữ bằng cách biến nó thành những trang sách. Ở đó, những giá trị sống, những bài học cuộc đời, những gương mặt người đã khuất và cuộc trò chuyện bất tận của họ với người đang sống hiện lên…

Những ngày tháng bảy này, trò chuyện với họa sĩ Lê Trí Dũng chỉ để nghe ông kể về những hồi ức chiến tranh. "Những cựu binh chúng tôi vẫn thường gặp nhau hàng năm. Chúng tôi đã thành ông, thành bà cả rồi. Nhưng ngồi với nhau là chỉ nói về thời bom đạn. Những đồng đội dù đã thành đất đai cây cỏ gần 40 năm nay vẫn như còn đang sống trong câu chuyện của chúng tôi. Như thể chúng tôi mới chỉ có một ngày hòa bình. Ký ức sao cứ tươi ròng, dù thời gian đã lùi rất xa. Chúng tôi dường như không thể đi ra ngoài cuộc chiến".

Và bởi đôi bàn tay tài hoa của người lính họa sĩ Lê Trí Dũng đã từng cầm súng đối mặt với quân thù trong những tháng ngày khốc liệt nhất ở Thành cổ Quảng Trị, đã từng bao lần chôn xác đồng đội sau mỗi trận đánh, đã từng cắm một bông hoa tre trên nắm đất vừa vùi xuống một bộ xương người lính xấu số vô danh nào đó mình gặp trên đường hành quân, nên tôi hiểu vì sao Lê Trí Dũng nói rằng ông còn sống trở về, trên người không mảnh đạn là một sự "vô lý".

"Người đời thường nói, khôn chết dại chết, biết thì sống. Trong chiến tranh thì nhanh chết, chậm chết, biết cũng chết, chỉ có may là sống. Tôi là lính xe tăng đóng quân ở A Sầu - A Lưới - địa điểm hiểm trở về địa hình và có nồng độ chất độc da cam đậm đặc nhất do người Mỹ thả xuống. Tôi may vì không bị nhiễm chất độc da cam, để có được những đứa con lành lặn. Nhưng chất độc da cam đã phá hủy biết bao cuộc đời người lính có may mắn trở về nhà. Tôi đã vẽ rất nhiều tranh về chủ đề chất độc da cam - một chủ đề mà ít người muốn chung thủy với nó, vì nó gây cảm giác ghê sợ hơn là mỹ cảm."

Vẽ những hình hài quái thai, những nỗi đau quặn thắt, những gào thét im lặng của hàng vạn người Việt đang chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam, đâu phải chỉ là một sự lao động nghệ thuật đơn thuần của Lê Trí Dũng. Nó là một thái độ, một cái nhìn trực diện về chiến tranh của ông thì đúng hơn.

Lê Trí Dũng cùng với những bức tranh của ông đã từng tới nhiều nơi trên thế giới, để kể cho nhân loại về gương mặt thật của chiến tranh, những phá hủy lâu dài của nó với thân phận con người.

Bức tranh “Cánh rừng Dioxin” của Lê Trí Dũng được đăng trên bìa một tạp chí của Pháp.

Vẽ dường như là chưa đủ, Lê Trí Dũng cầm bút viết. Những cuốn sách của ông đều có chung một tên gọi "Những hòn cuội nhặt dọc đường". Ở đó, ông kể cho ta nghe những câu chuyện cảm động dọc dài con đường miên viễn ông đã đi qua. Những ký ức mịt mù bom đạn, những giờ khắc tưởng như tử thần đã điểm tên mình, những cái chết như một lời xót xa tiếc nuối.

Tôi từng ám ảnh chi tiết Lê Trí Dũng kể về cái chết của bạn ông, họa sĩ Hoàng Tích Minh. Người lính họa sĩ ấy đã gục ngã bên cạnh chiếc cặp vẽ còn nhiều ký họa ngổn ngang, và nguyên vẹn một ước mơ cháy bỏng sau này hòa bình trở về sẽ chỉ vẽ các mẹ, các chị…

Lê Trí Dũng đã tự chọn cho mình một sứ mệnh, là gom góp những câu chuyện về đồng đội mình, về cuộc chiến tranh mà ông đã đi qua, để kể với người đời sau. Kể âm thầm, lặng lẽ, không phô trương. Như cách người ta thắp một nén hương tưởng nhớ người đã vắng mặt.

Chợt nhớ, Lê Trí Dũng có một bức tranh nổi tiếng, gọi tên là "Đồng đội". Ông vẽ hai người lính cõng nhau tìm đường về đơn vị. Giản dị mà thấm đẫm tình yêu thương. Dẫu chiến tranh ủ trong lòng nó sự hoang tàn, khốc liệt, sự vô tình, lạnh lùng thì Lê Trí Dũng vẫn luôn nhận ra vẻ đẹp của tình người. Như những câu văn ông viết: "Đồng đội - hai chữ thiêng liêng đã nâng đỡ tôi qua bao nỗi khó của đời. Tôi không công thần, không "ăn mày dĩ vãng", không nói mãi một việc biết rồi. Nhưng tôi đã tìm thấy ở đó tình người đích thực, sự hy sinh cao cả…".

Những chuyến đi thường xuyên của người lính họa sĩ Lê Trí Dũng chỉ để gặp lại những người đồng đội cũ, lắng nghe họ, chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn họ phải đối mặt trong thời bình.

Mỗi năm ông về Quảng Trị, cái chảo lửa khổng lồ mà ông đã ôm súng băng qua suốt những năm khốc liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, đứng trước hàng ngàn ngôi mộ vô danh trên Nghĩa trang Trường Sơn. Có khi là vẽ tranh tại đấy, có khi chỉ là im lặng tưởng nhớ. Ông viết gì cũng chỉ để nhắc người đang sống hôm nay, đừng quay lưng hay vô tình với quá khứ...

Chiến tranh dạy tôi biết quý từng giọt sống

- Nhắc về những năm tháng chiến tranh, nếu phải nói về một bài học lớn nào đó ông nhận được, khi sống sót trở về, thì đó là gì?

Chiến tranh.

+ Thực sự, cuộc chiến dạy cho tôi biết yêu thương hơn những ngày tháng cuộc đời. Tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự sống còn trong nhân gian và quý trọng hơn từng giọt sống.

- Những ký ức chiến tranh thường không phải là những ký ức nhẹ nhàng. Nó nặng, đôi khi là đau đớn. Nhưng vì sao ông vẫn luôn trở đi trở lại với những ký ức ấy, trong hội họa và trên rất nhiều trang viết?

+ Phần lớn đồng đội của tôi đã nằm lại ở chiến trường. Họ đều còn rất trẻ, hầu hết tuổi 20 đẹp đẽ. Tôi sống sót trở về, nghĩa là tôi không được phép quên những đồng đội của mình. Viết hay vẽ là để tri âm người đã khuất.

Trong cuốn sách mới của mình, tôi không chỉ viết về những đồng đội cùng chiến đấu, mà tôi còn viết về thân phận những người lính đối phương, những người lính chư hầu, lính Úc... Những người đã cầm súng bước vào một trận chiến, là mãi mãi họ không ra khỏi cuộc chiến được. Họ mắc hội chứng chiến tranh...

- Thời gian ông tham gia chiến tranh không dài, chỉ chừng 6 năm. Nhưng số lượng "những hòn cuội nhặt dọc đường" lại không nhỏ. Đọc ông người ta bị ám ảnh bởi quá khứ đạn bom, với những câu chuyện mang tính thực tiễn, thật và khốc liệt đôi khi hơn cả những gì văn học về đề tài chiến tranh đã phản ánh...

Cuộc tháo chạy tháng 4/1975 của quân ngụy tại Biên Hòa" (ký họa chưa công bố).

+ Tôi nghĩ rằng số lượng năm tháng một người lính tham gia vào cuộc chiến không quan trọng bằng việc anh ta có hiểu thấu đáo cuộc chiến đó hay không.

Theo tôi nghĩ, những gì chúng ta biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc trong các tác phẩm văn học nghệ thuật mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Vì những câu chuyện hay nhất, tuyệt nhất đã được những người lính mang theo xuống mồ, hay nằm trong những trang nhật ký bị bom napan đốt cháy, bị mưa rừng làm mục nát...

- Sau những cuốn sách đã xuất bản, là kết quả không ngừng của những tháng năm "nhặt cuội" trên đường, ông có định tiếp tục công việc này nữa hay không?

+ Tôi có một mong muốn sẽ tiếp tục xuất bản bộ sách "Những hòn cuội nhặt dọc đường" đến cuốn thứ 10. Thế hệ những người lính chống Mỹ chúng tôi, nếu có được trở về nhà thì nay cũng đã già và nhiều người đã mất. Viết về họ, nghĩa là "nhặt cuội" đấy, là giữ lại những ký ức quý báu, di sản của một thời còn lại, cho con cháu sau này hiểu về cuộc đời cha anh họ đã sống.

"Cánh diều".

- Thực tế thì có những người nhìn thấy trên đường cuội họ cũng không định nhặt. Vì họ sợ mang theo ký ức thì đường đi hiện tại của họ sẽ nặng gánh trên vai. Ông có đồng cảm với họ?

+ Không, tôi nghĩ những người đó họ bị khiếm khuyết ở một điểm nào đó. Cuội, chính là những tinh thể đã trải qua ngàn năm bào mòn bởi nước, bởi gió. Những hòn cuội trên đường thực sự không có nhiều. Nhặt cuội cũng cần có con mắt tinh đời. Nếu người ta nhìn hòn sỏi nào cũng là hòn cuội, thì đôi vai họ rất nặng nề. Quá khứ không đè nặng ta đến nỗi ta không thể nhìn thấy tương lai đâu.

- Xin cảm ơn họa sĩ Lê Trí Dũng.

Bình Nguyên Trang
.
.
.